Th 11
Tiêu chảy là một trong những vấn đề tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tình trạng này được chia thành nhiều cấp độ với mức độ nghiêm trọng tăng dần. Việc hiểu rõ các cấp độ trẻ bị tiêu chảy sẽ giúp mẹ biết cách xử lý hiệu quả để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đường tiêu hóa nói riêng cũng như sức khỏe tổng thể của bé nói chung. 1.BÉ ĐI NGOÀI PHÂN LỎNG Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phân của bé thường mềm, sệt, ngoài ra tần suất bé đi ngoài cũng khá thường xuyên, thậm chí bé có thể ị sau mỗi cữ bú. Do đó, rất khó để mẹ biết bé có bị tiêu chảy hay không. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy phân của bé dễ lỏng hơn bình thường nhưng chưa lỏng như nước, đồng thời bé cũng bị đau bụng và đi ngoài nhiều lần hơn, thì cần cảnh giác bởi đây là biểu hiện con đang có vấn đề về đường tiêu hóa. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé đi ngoài nhiều lần hơn và lỏng hơn bình thường rất đa dạng nhưng không quá nghiêm trọng như: Ảnh hưởng từ chế độ ăn của mẹ: nếu chế độ ăn của mẹ có nhiều đồ chiên rán, thực phẩm cay nóng thì sữa mẹ có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nếu bé đang bắt đầu tập ăn dặm, mẹ cũng sẽ bắt gặp tình trạng này do trong giai đoạn tập ăn dặm, bé dễ gặp các vấn đề tiêu hóa hơn. Bé phải dùng kháng sinh hoặc mẹ cho con bú đang dùng kháng sinh. Kháng sinh có thể làm chết các vi khuẩn có lợi ở đường ruột và khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, từ đó dẫn đến tình trạng bé đi ngoài phân lỏng hơn bình thường. Bé gặp rắc rối khi tiêu hóa sữa. Tình trạng này rất thường gặp với bé dùng sữa ngoài. Nguyên nhân là bởi đạm sữa rất nhạy cảm với nhiệt độ, nếu khi sản xuất bị gia nhiệt nhiều lần sẽ bị biến đổi cấu trúc, trở thành đạm sữa vón cục, khó tiêu. Nếu công thức sữa bé đang dùng chứa loại đạm này, khi đi vào cơ thể, đạm biến tính sẽ ở rất lâu trong đường tiêu hóa, khiến bé khó tiêu, khó hấp thu, lâu ngày có thể gây rối loạn tiêu hóa, và dẫn đến tình trạng bé đi ngoài nhiều lần trong ngày. Khi con gặp phải tình trạng này, bố mẹ không cần quá lo lắng. Thay vào đó, hãy tiếp tục duy trì cho bé bú, và chú ý theo dõi các biểu hiện của bé. Đồng thời, cố gắng xác định nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Nếu nguyên nhân đến từ chế độ ăn của mẹ, mẹ hãy xem xét điều chỉnh chế độ ăn của bản thân. Các vấn đề về tiêu hóa như đi ngoài phân lỏng là vấn đề khó tránh khỏi khi mẹ cho con bú hoặc sử dụng kháng sinh để điều trị các tình trạng nhiễm trùng. Vì vậy, điều quan trọng là mẹ đang cho con bú và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, không được tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp bé ăn dặm thêm sữa ngoài, nếu mẹ nghi ngờ bé đi ngoài phân lỏng là do đang gặp vấn đề về đạm sữa biến tính, vậy mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đổi cho con một công thức sữa khác. Khi lựa chọn công thức sữa cho con, bố mẹ nên lựa chọn những công thức sữa giúp con tiêu hóa khỏe mạnh, hấp thu nhanh với quy trình xử lý nhiệt chỉ 1 lần. Bởi quy trình này sẽ giúp bảo toàn trên 90% đạm mềm, nhỏ, tự nhiên trong sữa. Ngoài ra, công thức sữa mẹ nên chọn êm dịu với hệ tiêu hóa, giúp cho con êm bụng, êm giấc với nguồn sữa chất lượng từ giống bò thuần chủng Hà Lan cùng hương vị thanh nhạt để bé dễ hợp vị, đồng thời giảm nguy cơ sâu răng và béo phì. 2.BÉ BỊ TIÊU CHẢY NHẸ VÀ TRUNG BÌNH Bé bị tiêu chảy nhẹ và trung bình là khi mẹ thấy bé đột ngột đi ngoài phân lỏng như nước với tần suất trên 3 lần/ ngày và tùy vào mức độ nghiêm trọng. Đối với trường hợp tiêu chảy nhẹ, bé có thể đi ngoài từ 3-5 lần mỗi ngày, với mức độ trung bình, tần suất bé đi ngoài là từ 6-9 lần. Thông thường, tình trạng tiêu chảy cấp chỉ kéo dài 1-2 ngày. Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy cấp rất đa dạng nhưng thường là do bé bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Đối với tình trạng này mẹ vẫn nên tiếp tục duy trì việc cho con bú. Sữa mẹ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và kháng thể dồi dào với trẻ. Đồng thời, đây cũng là một cách giúp bù nước cho con hiệu quả. Với những bé dùng sữa ngoài, mẹ hãy cung cấp cho bé nguồn dinh dưỡng giàu đạm mềm, nhỏ tự nhiên, không biến tính do gia nhiệt nhiều lần để tránh tạo áp lực lên hệ tiêu hóa. Điều này sẽ giúp con tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu, cải thiện hoạt động của đường ruột nhằm giúp con hồi phục nhanh hơn. Ngoài ra, khi các bé bị tiêu chảy cấp, bố mẹ cần lưu ý giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ và người chăm sóc để ngừa nhiễm trùng. Bố mẹ hãy tiệt trùng các vật dụng của bé thật kỹ, đặc biệt là dụng cụ pha sữa. Bên cạnh đó bố mẹ cũng không nên tự ý cho bé uống thuốc giảm tiêu chảy và nôn ói. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho con sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Và điều quan trọng là nên theo dõi sát sao các biểu hiện của bé. Nếu tình trạng của con khiến bạn lo lắng hoặc trẻ có những biểu hiện bất thường, hãy đưa bé đi khám sớm. 3.BÉ TIÊU CHẢY NẶNG HOẶC KÉO DÀI Bé tiêu chảy nặng sẽ đi ngoài hơn 10 lần mỗi ngày, phân của bé có lẫn máu, bé nôn hơn 3 lần… Trong một số trường hợp, bé tiêu chảy nghiêm trọng có thể xuất hiện dấu hiệu mất nước như mắt trũng, khóc không chảy nước mắt, tã ít ướt, nước tiểu sẫm màu, môi khô… Đối với trường hợp này, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay vì đây là biểu hiện cho thấy bé đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời. Đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy tuy là tình trạng không hiếm gặp nhưng có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu bố mẹ xem nhẹ và không can thiệp kịp thời. Việc hiểu rõ các cấp độ tiêu chảy mà trẻ gặp phải sẽ giúp bố mẹ biết cách xử lý hiệu quả hoặc đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám khi cần thiết. Trong mọi trường hợp, bố mẹ nên theo dõi sát sao các biểu hiện của con và nên đưa bé đến bệnh viện ngay khi nhận thấy những biểu hiện bất thường.
Th 11
Các loại hạt cho bé ăn dặm có thể cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của trẻ, như protein, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất. Trong giai đoạn ăn dặm, việc lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp và bổ sung đủ dinh dưỡng cho bé là một nhiệm vụ quan trọng của bậc cha mẹ. Trong danh sách những thực phẩm tốt cho bé, các loại hạt được xem là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và giúp bé phát triển toàn diện. Vậy đâu là những loại hạt tốt cho bé? 1.CÁC LOẠI HẠT TỐT CHO BÉ ĂN DẶM Các loại hạt cho bé ăn dặm là một nguồn thực phẩm quan trọng và giàu dinh dưỡng. Đối với bé dưới 1 tuổi, bạn có thể dùng các loại hạt để nấu cháo nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé và giúp bé khám phá thêm nhiều hương vị mới. Sau đây là một số loại hạt phổ biến mà mẹ có thể dùng để nấu cháo hay làm bánh cho bé ăn: LÚA MẠCH Lúa mạch là một loại đặc biệt giàu chất xơ hòa tan được gọi là beta glucan, đồng thời cung cấp nhiều vitamin (B1, niacin) và khoáng chất tốt như molypden, mangan, selen, đồng, photpho, magie và giàu năng lượng cho bé. Sau khi ngâm trong nước, hạt lúa mạch nên được xay nhuyễn hoặc nghiền thành bột mịn trước khi cho bé ăn. QUINOA Quinoa là một loại hạt giàu các chất phytochemical có lợi cho sức khỏe, chất béo không bão hòa đa và axit amin, vitamin, khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của bé. Quinoa có thể được nấu chín và xay nhuyễn thành bột hoặc dùng dạng hạt để trẻ tự nhai. Để giảm phần dị ứng với quinoa, bạn hãy rửa thật kỹ thực phẩm này trước khi nấu. HẠT CHIA Hạt chia chứa nhiều chất xơ, omega 3, và canxi, photpho, magie, kẽm, kali rất cần thiết cho bé trong giai đoạn phát triển. Trước khi cho bé ăn, bạn cần ngâm hạt chia trong nước để tạo thành gel dễ tiêu hóa. Bạn có thể kết hợp hạt chia với các thực phẩm khác trong các món ăn cho bé thêm phần đa dạng. ĐẬU NÀNH Là một loại hạt giàu chất đạm thực vật, axit béo không bão hòa, nhiều vitamin (A, B1, B2, D, E, K, folate) và khoáng chất (Ca, Fe, Mg, P, K) được xem là một trong các loại đậu tốt cho bé ăn dặm. Để bé có thể ăn dễ dàng, đậu nành có thể nấu mềm và nghiền thành bột hoặc dùng ở dạng nấu chín. Đậu nành có thể được chế biến thành dạng đậu phụ và nấu thành nhiều món cho bé. HẠT BÍ NGÔ Chứa nhiều chất xơ, axit béo không bão hòa đa, chất chống oxy hóa, magie, sắt, kẽm, đồng, kali, phospho, vitamin B2, E, và folate rất tốt cho bé ăn dặm. Chuẩn bị hạt bí ngô bằng cách rang khô hoặc nấu chín, sau đó nghiền nhuyễn hoặc xay thành bột. Hạt bí ngô cũng có thể sử dụng như một nguyên liệu để làm bánh và bột ăn dặm cho bé. HẠT ÓC CHÓ Chứa nhiều chất xơ, nhiều protein chất lượng cao và hoạt chất sinh học, omega 3 có lợi cho sự phát triển não bộ của trẻ cùng nhiều loại vitamin B1, B2, E và folate. Hạt óc cho có thể được kết hợp với các loại thực phẩm khác hoặc dùng làm nguyên liệu cho bánh và bột ăn dặm cho bé. MACCA Là loại hạt giàu chất xơ, chất béo không bão hòa và protein. Macca thường được nấu chín và rang khô và nghiền nhuyễn hoặc xay thành bột để nấu thành cháo cho bé. HẠT HẠNH NHÂN Hạnh nhân chứa nhiều chất xơ, protein, chất béo không bão hòa omega 3, vitamin E, vitamin nhóm B và các khoáng chất khác như magie, canxi, mangan và kali. Khi dùng cho bé ăn dặm, hạt hạnh nhân thường được rang khô hoặc nghiền nhuyễn thành bột mịn. Hạt hạnh nhân có thể được dùng để trộn vào bột, cháo, bánh và bột ăn dặm cho bé. HẠT ĐẬU LĂNG Trong các loại đậu tốt cho bé ăn dặm, đậu lăng chứa nhiều chất xơ, protein, và các khoáng chất như sắt, đồng, kẽm, mangan, kali, vitamin B1, B6 và folate… Hạt đậu lăng thường được nấu chín trước khi sử dụng cho bé ăn dặm. Bạn có thể trộn hạt đậu lăng với các món cháo, bột cho bé. HẠT ĐẬU HÀ LAN Đậu Hà Lan chứa nhiều chất xơ, protein, giàu vitamin A, C, K và thiamin, folate và khoáng chất như canxi, magie, photpho và kali. Hạt đậu Hà Lan thường được nghiền nhuyễn thành bột mịn hoặc nấu nhuyễn để dễ tiêu hóa cho bé. Bạn có thể sử dụng hạt đậu Hà Lan để nấu cháo hoặc thêm vào bột ăn dặm cho bé. 2.LỢI ÍCH KHI BỔ SUNG CÁC LOẠI HẠT CHO BÉ ĂN DẶM Cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu: các loại hạt thường cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho các bé phát triển, bao gồm protein, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất. Tăng cường hệ miễn dịch: hạt chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, C, E, sắt, kẽm… giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Cải thiện hệ tiêu hóa: hầu hết các loại hạt chứa nhiều chất xơ, giúp cải thiện hệ tiêu hóa của trẻ, giảm táo bón. Hỗ trợ phát triển trí não: hầu hết các loại hạt chứa nhiều chất xơ, đặc biệt là omega 3, giúp hỗ trợ phát triển trí não trẻ. 3.NHỮNG LƯU Ý KHI DÙNG HẠT CHO BÉ ĂN DẶM Khi lựa chọn loại hạt cho bé ăn dặm, bạn cần đảm bảo một số thông tin sau để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé: Tuổi thích hợp: bắt đầu cho các bé ăn các loại hạt khi đã đủ tuổi và có khả năng nhai, nuốt thức ăn. Thông thường từ 6 tháng tuổi trở đi là thời điểm phù hợp để bố mẹ bắt đầu giới thiệu hạt vào chế độ ăn dặm của trẻ. Chế biến đúng cách: Tùy vào mỗi loại hạt sẽ có cách chế biến khác nhau. Các hạt lớn và cứng, mẹ có thể nấu chín hoặc nghiền thành bột để an toàn và dễ tiêu hóa cho bé nhỏ. Đối với những hạt nhỏ như hạt chia, có thể ngâm trong nước để tạo ra gel trước khi cho bé ăn. Kiểm tra dị ứng: Trước khi giới thiệu một loại hạt mới cho bé, mẹ hãy kiểm tra dị ứng cho bé bằng cách cho bé ăn một lượng nhỏ và quan sát của bé phản ứng trong vòng 24 giờ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào như phát ban, ngứa hoặc khó thở, hãy ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ. Sự đa dạng: Cố gắng cho bé thử nhiều loại hạt khác nhau. Mẹ cũng có thể kết hợp các loại hạt để bé tiếp xúc với nhiều hương vị và dinh dưỡng khác nhau. Chọn hạt tươi: Luôn đảm bảo rằng loại hạt mà bạn chọn là tươi mới và không bị ôi thiu. Kiểm tra hạn sử dụng và bảo quản hạt theo hướng dẫn trên bao bì. Bảo quản: Để giữ cho hạt tươi ngon và an toàn, bạn nên bảo quản chúng trong hũ đậy kín nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời.
Th 11
Chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cho việc mang thai sẽ giúp tăng cao cơ hội thụ tinh. Đừng quên áp dụng 10 điều mà Hadu Pharma gợi ý sau đây nếu muốn có em bé nhé! 1.BẮT ĐẦU UỐNG VITAMIN BỔ SUNG DINH DƯỠNG - BƯỚC KHỞI ĐẦU QUAN TRỌNG TRONG KẾ HOẠCH MANG THAI Bổ sung dinh dưỡng là việc đầu tiên nên làm khi vạch ra kế hoạch mang thai. Có hai lý do để tất cả các bà mẹ tương lai vạch ra điều này ngay từ hôm nay. Thứ nhất, một số chất dinh dưỡng, đặc biệt là axit folic, có vai trò rất quan trọng trong khoảng thời gian trước khi mang thai và những tuần đầu tiên của thai kỳ. Nếu bạn chờ đợi cho đến khi mang thai mới uống vitamin bổ sung, rất có thể bạn sẽ bỏ lỡ khoảng thời gian bổ sung chất dinh dưỡng tốt nhất cho chính mình. Thứ hai, bạn không biết chính xác thời điểm nào khi bạn mang thai. Vì vậy để có một thai kỳ khỏe mạnh và cung cấp đủ dưỡng chất, tốt nhất bạn nên dùng ngay viên uống bổ sung vitamin khi có ý định mang thai. 2.NGỪNG SỬ DỤNG BIỆN PHÁP TRÁNH THAI Nhìn chung, các biện pháp tránh thai sẽ không gây những ảnh hưởng tiêu cực nào đến quá trình thụ thai của bạn. Tuy nhiên mỗi biện pháp tránh thai khác nhau sẽ cần thời gian để chức năng sinh sản hoạt động lại bình thường. Một số trường hợp đặc biệt, có thể dẫn đến chậm thụ thai kéo dài đến vài tháng hoặc lâu hơn nữa. 3.BỎ HÚT THUỐC Hút thuốc khi mang thai có thể tăng cao nguy cơ sẩy thai và có thể khiến người mẹ mắc phải một loạt những biến chứng thường gặp trong thai kỳ. Bạn sẽ không thể biết được thời điểm mang thai chính xác, vậy nên tốt nhất hãy bỏ thuốc lá ngay khi bạn chuẩn bị có con. 4.ĐI KHÁM BÁC SĨ SẢN KHOA Chọn phòng khám có thể chăm sóc bạn trước, trong và sau khi sinh là một quyết định vô cùng quan trọng. Trước khi mang thai, bạn nên đi khám bác sĩ sản khoa để có thể tư vấn và giải đáp thắc mắc về tình trạng sức khỏe và khả năng thụ thai của chính bạn. Nếu bạn vẫn chưa tìm được một địa điểm đáng tin cậy, tốt nhất hãy hẹn gặp bác sĩ tại nhiều phòng khám khác nhau và lựa chọn cho mình bác sĩ phù hợp nhất. 5.LÊN KẾ HOẠCH LÀM XÉT NGHIỆM SÀNG LỌC VÀ XÉT NGHIỆM MÁU NẾU MUỐN CÓ THAI Xét nghiệm sàng lọc sẽ giúp bạn và bạn đời phát hiện ra những rủi ro tiềm ẩn trong gen di truyền của cả hai. Đôi khi những khiếm khuyết trong gen di truyền của cả hai vợ chồng bạn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của em bé trong tương lai. Vì vậy bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và lựa chọn xét nghiệm phù hợp nhất cho tình trạng sức khỏe của chính mình. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm máu để xem bạn có miễn dịch với bệnh Rubella hay không. Nếu không, bạn sẽ được tiêm ngừa vaccin Rubella. Ngoài ra nếu không tiêm phòng uốn ván cho bà bầu trong vòng 5 năm qua, hãy tiêm ngay vacxin tổng hợp giúp phòng ngừa uốn ván, bạch hầu, ho gà. Tiêm vacxin tổng hợp trước khi mang thai giúp giảm nguy cơ lây truyền các căn bệnh khủng khiếp này từ khi bé được sinh ra. 6.CHẾ NGỰ CÁC CĂN BỆNH MÃN TÍNH Nếu bạn mắc một căn bệnh mãn tính, chẳng hạn như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh lupus, hen suyễn, bệnh tuyến giáp, động kinh hoặc bất kỳ chứng rối loạn tâm thần nào - bạn cần phải cố gắng hết sức chế ngự căn bệnh thật tốt trước khi mang thai. Hãy đi khám bác sĩ hoặc các chuyên gia và cho họ biết rằng bạn đang có kế hoạch mang thai để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất có thể. 7.UỐNG THUỐC MỘT CÁCH CẨN THẬN Nếu bạn đang sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ ngay nhằm đảm bảo thuốc này an toàn để sử dụng trước và trong thời kỳ mang thai. Tốt nhất bạn nên tránh uống thuốc mà không có toa thuốc của bác sĩ trong giai đoạn quan trọng này. 8.HẠN CHẾ DÙNG ĐỒ UỐNG CÓ CỒN Trong thời gian mang thai, thi thoảng bạn vẫn có thể dùng vài ly rượu xã giao trong thời gian này. Tuy nhiên, tốt hơn hết bạn vẫn nên tránh xa đồ uống có cồn bởi bạn không biết chính xác thời điểm mang thai. 9.KIỂM SOÁT CÂN NẶNG KHI CÓ Ý ĐỊNH MANG THAI Nếu người mẹ bị béo phì trong lúc mang thai thì nguy cơ mắc phải các biến chứng khi mang thai như tiểu đường, tăng huyết áp trong thai kỳ cùng nguy cơ sinh mổ, sẩy thai và dị tật bẩm sinh ở thai nhi sẽ tăng cao. Nếu bạn đang béo phì, hãy trì hoãn ý định sinh con cho đến khi bạn đạt được cân nặng hợp lý và thích hợp để mang thai. 10.ỔN ĐỊNH TÀI CHÍNH Chăm sóc thai phụ và sinh con là một việc rất tốn kém, kể cả với các trường hợp có bảo hiểm thai sản. Bạn sẽ phải chi trả rất nhiều để chăm sóc sức khỏe cho giai đoạn mang thai, cho ngày chuyển dạ, chăm sóc hậu sản và có một thời gian dài nuôi con sau này. Do vậy bạn cần bàn bạc với chồng về chi phí chuẩn bị chăm sóc tốt cho mẹ và bé.
Th 11
Cơ thể chúng ta cần canxi để duy trì xương chắc khỏe và thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác nhau. Đặc biệt, phụ nữ mang thai càng cần canxi, vì nếu thiếu loại khoáng chất này sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ với sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của em bé. 1.PHỤ NỮ MANG THAI CẦN CANXI HƠN NGƯỜI BÌNH THƯỜNG Canxi là một loại khoáng chất có vai trò rất quan trọng trong cơ thể con người. Không chỉ là thành phần cấu tạo cơ bản của xương và răng, giúp hệ xương và răng chắc khỏe, canxi còn cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh cơ, hoạt động của tim, chuyển hóa tế bào và quá trình đông máu. Nhu cầu canxi khác nhau theo lứa tuổi và tình trạng sinh lý. Những đối tượng có nhu cầu canxi cao là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ trong giai đoạn dậy thì, người cao tuổi, phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh, người chế độ dinh dưỡng kém không cung cấp đủ thực phẩm chứa canxi hay có chế độ ăn nhiều thịt hay nhiều muối khiến cơ thể thải ra nhiều canxi, người ăn chay trường, người mắc bệnh phải dùng corticoid kéo dài. Canxi là khoáng chất rất cần thiết với cơ thể và đối với phụ nữ khi mang thai lại càng cần thiết hơn. Canxi cần thiết cho quá trình tạo xương của thai nhi, chức năng thần kinh và sự đông máu. Nếu bà mẹ mang thai không bổ sung đủ canxi trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của bé, tăng nguy cơ còi xương, mẹ có nguy cơ tiền sản giật, loãng xương, hư răng… Phụ nữ có thai cần 1200mg canxi mỗi ngày, bà mẹ cho con bú là 1500mg, cao hơn mức bình thường. 2.THIẾU CANXI GÂY RỦI RO CHO SỨC KHỎE MẸ VÀ EM BÉ Trong cơ thể người, 99% canxi nằm trong xương, 1% còn lại nằm trong các dịch và các tế bào của cơ thể. Vì xương là mô sống nên hằng ngày canxi đều lắng đọng và thoát khỏi bộ xương nên rất cần canxi. Việc cung cấp canxi đều đặn là rất cần thiết, nó vừa thay thế cho phần canxi mất đi, vừa tạo nguồn dự trữ canxi cho hoạt động của cơ thể. Việc cung cấp đủ nhu cầu canxi trong thời kỳ mang thai sẽ giúp hình thành và phát triển bộ xương thai nhi và đảm bảo toàn vẹn xương của bà mẹ. Người mẹ cũng rất cần canxi để có đủ sức khỏe cho quá trình sinh nở và chăm sóc con sau này. Nếu không được cung cấp đầy đủ canxi, thai tăng trưởng sẽ sử dụng canxi trong xương của người mẹ khiến người mẹ bị thiếu canxi trầm trọng. Trong trường hợp canxi thiếu do cơ thể không hấp thu đủ canxi hoặc lượng canxi đưa vào ít thì lượng canxi bị rút ra từ xương sẽ nhiều hơn, dần dần làm tiêu xương, xốp xương và dễ gãy. Và cơ thể người mẹ sẽ cạn kiệt nguồn dự trữ canxi trong xương để cung cấp cho thai nhi đang lớn. Phụ nữ mang thai thiếu canxi có dấu hiệu: mệt mỏi, đau nhức bắp cơ, tê chân, đau lưng, đau khớp, răng lung lay, chuột rút… Trường hợp thiếu canxi nặng hơn có thể lên cơn co giật do hạ canxi huyết. Còn thai nhi nếu không đủ canxi dẫn đến suy dinh dưỡng ngay khi còn trong bụng mẹ, còi xương bẩm sinh, biến dạng các xương… 3.BỔ SUNG CANXI KHI MANG THAI THẾ NÀO LÀ ĐÚNG CÁCH? Theo Viện dinh dưỡng, nhu cầu về dinh dưỡng khuyến nghị về canxi (mg/ ngày) theo tuổi, giới tình và tình trạng sinh lý của người Việt, tiêu chuẩn canxi cần thiết cho phụ nữ mang thai là 1200mg/ ngày. Biện pháp bổ sung canxi trong thời kỳ mang thai chủ yếu thông qua chế độ ăn uống và dùng thuốc bổ sung. Phụ nữ mang thai cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể về chế độ dinh dưỡng và bổ sung canxi đúng cách. Lưu ý không tùy tiện uống bổ sung canxi vì đối với các trường hợp dùng canxi liều cao, kéo dài sẽ khiến cơ thể tự giảm hấp thu và có thể dẫn đến sỏi thận, tăng canxi huyết và suy thận, giảm hấp thụ các khoáng chất cần thiết khác như sắt, kẽm, magie và photpho. Theo khuyến nghị của viện dinh dưỡng, chế độ ăn uống của người phụ nữ trong thời kỳ mang thai là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển của bào thai, sự tạo sữa và phát triển của trẻ sau khi được sinh ra. Vì thế, phụ nữ có thai cần phải ăn nhiều hơn lúc bình thường và biết cách chọn thức ăn để có đủ chất dinh dưỡng. Bà bầu nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng nguồn thức ăn, ưu tiên thực phẩm giàu canxi trong bữa ăn hằng ngày. Canxi có nhiều trong các loại thực phẩm như: tôm, cua, cá, sữa và chế phẩm từ sữa, các loại đậu đỗ, rau xanh lá… Để tăng thêm canxi trong khẩu phần ăn, bà bầu cần uống thêm sữa giàu canxi và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, pho mát hoặc uống bổ sung viên canxi kèm theo vitamin D theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra phụ nữ mang thai cũng nên chú ý vận động nhẹ nhàng, vừa sức, thường xuyên tắm nắng vào buổi sáng để tăng cường vitamin D, giúp cơ thể hấp thu canxi tốt hơn.