Vitamin A là một trong 3 loại vi chất (iod, vitamin A, sắt) mà trẻ em Việt thường bị thiếu hụt nhất, dẫn đến sức đề kháng kém, chậm phát triển và dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm. Do đó, khi xây dựng thực đơn cho trẻ, cần chú ý bổ sung vitamin A để trẻ phát triển toàn diện.
1.VITAMIN A LÀ GÌ?
Vitamin A là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho con người. Nó không tồn tại dưới dạng một hợp chất duy nhất, mà dưới một vài dạng. Vitamin A có ở trong nhiều loại thực phẩm, nó tồn tại trong thực phẩm có nguồn gốc động vật dưới dạng retinol, còn trong thực vật dưới dạng caroten (tiền vitamin A). Gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, pho mát, rau muống, rau ngót, rau cải xanh, bí đỏ có chứa nhiều vitamin A.
2.CÔNG DỤNG CỦA VITAMIN A ĐỐI VỚI CƠ THỂ
Loại vitamin này tham gia vào nhiều quá trình, đặc biệt có vai trò quan trọng trong sự phát triển và tăng trưởng của cơ thể. Cụ thể là:
Tăng chức năng thị giác của mắt
Quáng gà là hiện tượng xảy ra khi mắt bị giảm khả năng nhìn trong ánh sáng yếu. Việc bổ sung vitamin A sẽ giúp khắc phục hiện tượng này, tăng chức năng của mắt.
Tăng cường miễn dịch và sức đề kháng cơ thể
Vitamin A có mặt trong quá trình đáp ứng miễn dịch, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh. Đó là nguyên nhân ở những người thiếu vitamin này sẽ dễ bị nhiễm khuẩn và thời gian phát bệnh kéo dài, nguy cơ biến chứng cao hơn.
Bảo vệ giác mạc và tổ chức biểu mô
Việc thiếu hụt vitamin A sẽ dẫn tới da bị khô, xuất hiện sừng hóa, sản xuất niêm mạc giảm. Vì thế mắt ban đầu sẽ bị khô, sau đó nặng hơn là tổn thương giác mạc. Với các vùng tế bào bị tổn thương biểu mô khác, vi khuẩn dễ xâm nhập và gây bệnh hơn.
Ngoài ra, với trẻ em, loại vitamin này rất cần thiết cho sự phát triển nói chung và sự hoàn thiện các cơ quan nói riêng.
3.NGUYÊN NHÂN TRẺ THIẾU VITAMIN A
Khẩu phần ăn bị thiếu hụt vitamin A hoặc không đủ chất béo: bệnh thiếu vitamin A thường xảy ra khi tình trạng thiếu hụt kéo dài nhiều ngày, và thường gặp nhất là ở giai đoạn từ lúc trẻ tập ăn dặm. Những trẻ được tập ăn dặm sớm, việc chế biến thức ăn dặm sai (thiếu dầu, mỡ, thiếu rau củ), bú mẹ không đủ, đều có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin A.
- Trẻ sinh non tháng, nhẹ cân, sinh đa thai: do lượng trữ vitamin A của cơ thể trẻ ít hơn bình thường.
- Nhiễm khuẩn hoặc nhiễm ký sinh trùng: các bệnh lý nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh do virus như sởi, phát ban siêu vi, tiêu chảy cấp… làm tăng nhu cầu vitamin A và có thể khiến trẻ thiếu vitamin A nặng hơn. Nhiễm ký sinh trùng đường ruột nhất là giun đũa cũng gây thiếu vitamin A.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng thường kèm theo tình trạng thiếu vitamin A.
- Bệnh lý rối loạn hấp thu chất béo: bệnh lý gan mật, tắc nghẽn đường mật, bệnh xơ cứng rải rác ống tiêu hóa…
4.PHÒNG NGỪA THIẾU VITAMIN A NHƯ THẾ NÀO?
Trong giai đoạn mang thai và cho con bú
Mẹ cần được cung cấp đủ dưỡng chất (đặc biệt bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, caroten, đạm và chất béo), uống đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ để con sinh ra khỏe mạnh, không bị thiếu cân.
Tăng cường vitamin A từ thực phẩm trong giai đoạn ăn dặm
Từ tháng thứ 6 trở đi, trẻ bắt đầu tập ăn dặm. Khẩu phần ăn của trẻ cần đảm bảo đầy đủ cung cấp năng lượng và nhóm các chất cần thiết (bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất) để trẻ không bị suy dinh dưỡng.
Đặc biệt, bổ sung vitamin A qua thực phẩm là giải pháp lâu dài, an toàn và hiệu quả để phòng bệnh thiếu vi chất này. Theo đó, các nhóm thực phẩm giàu vitamin A mà bố mẹ có thể tăng cho trẻ bao gồm:
- Thức ăn có nguồn gốc động vật: gan, thịt, cá, trứng, sữa…
- Thức ăn từ nguồn gốc thực vật, chứa nhiều tiền vitamin A (caroten) bao gồm: các loại rau xanh như rau muống, bông cải xanh, xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền, hành lá, rau thơm, các loại củ quả như gấc, cà rốt, ớt chuông, quả chín như đu đủ, xoài…
- Uống bổ sung vitamin A liều cao
- Đối với trẻ có nguy cơ cao thiếu vitamin A, trẻ cần được bổ sung viên nang vitamin A mỗi 6 tháng 1 lần.
- Tiêm chủng vaccine phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho trẻ
Tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng (đặc biệt là lao, sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp). Và khi trẻ mắc bệnh, thời gian bệnh kéo dài hơn, nguy cơ tử vong cao hơn. Hơn nữa, khi mắc bệnh nhiễm khuẩn này, nhu cầu vitamin A trong cơ thể tăng cao khiến tình trạng thiếu hụt vitamin A ở trẻ càng thêm trầm trọng. Do đó bố mẹ cần chú ý tiêm chủng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.