Thay đổi chế độ ăn uống, tránh các thực phẩm không tốt cho tim mạch và đổi sang nguồn thực phẩm lành mạnh hơn sẽ giúp bạn phòng ngừa cũng như ngăn chặn các bệnh tim mạch tiến triển nặng.
Hiện tại, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong toàn cầu. Một trong những nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch là chế độ ăn uống không lành mạnh. Do đó, bạn có thể phòng ngừa bệnh này bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, tránh xa thực phẩm không tốt cho tim mạch.
5 LOẠI THỰC PHẨM KHÔNG TỐT CHO TIM MẠCH
Bên cạnh thực phẩm tốt cho tim mạch thì cũng có những thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Bạn nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm này trong chế độ ăn uống thông thường.
1.THỊT ĐỎ
Các loại thịt đỏ như thịt bò, bê, cừu và cả thịt heo là nguồn cung cấp protein cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên, chúng lại có chứa nhiều cholesterol cũng như chất béo bão hòa không tốt cho tim mạch. Vì thế bạn cần thay đổi nhóm thực phẩm này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong chế độ ăn uống tổng thể.
Dù cơ thể vẫn cần được bổ sung protein nhưng hãy lựa chọn những nguồn protein khác tốt hơn bao gồm thịt gà, cá và hải sản. Tốt nhất, bạn có thể lựa chọn nguồn protein có nguồn gốc từ thực vật từ các đậu như đậu phụ, đậu lăng, đậu xanh, … thay cho protein từ động vật.
2.THỊT XÔNG KHÓI, XÚC XÍCH VÀ CÁC LOẠI THỊT CHẾ BIẾN KHÁC
Thịt xông khói, xúc xích hay thịt chế biến sẵn là nguồn thực phẩm không tốt cho tim mạch chút nào. Các loại thịt này không chỉ chứa chất béo bão hòa mà còn có lượng muối (natri cao) gây tăng nguy cơ mắc phải bệnh lý tim mạch.
Do đó, nếu bạn có thói quen ăn các món ăn nhanh có thành phần như thịt xông khói, xúc xích, giăm bông thì hãy thay đổi ngay từ hôm nay. Bạn có thể lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho tim mạch khác để thay thế trong bữa ăn hằng ngày.
3.KHOAI TÂY CHIÊN VÀ CÁC MÓN CHIÊN RÁN KHÁC
Những món ăn chiên rán ngập dầu, nóng hổi và giòn rụm luôn kích thích cảm giác thèm ăn của rất nhiều người. Thế nhưng, đồ chiên rán lại chứa rất nhiều chất béo bão hóa và chất béo chuyển hóa. Cả hai loại chất béo này đều cực kỳ có hại cho sức khỏe tim mạch. Một số đồ chiên như khoai tây chiên còn chứa nhiều muối, cũng là một yếu tố đe dọa với tim mạch.
Nếu khoai tây chiên vẫn là món khoái khẩu mà bạn khó từ bỏ, hãy thử tự làm món này theo hướng hơi biến tấu một chút để “thân thiện” hơn cho tim mạch. Bạn có thể cắt lát khoai tây tươi rồi cho vào lò nướng hoặc nồi chiên không dầu cùng một chút dầu ô liu phết lên bề mặt thay vì đem chiên ngập dầu như thông thường. Tương tự, bạn có thể thay thế gà rán chiên giòn bằng gà nướng.
4.SỮA VÀ CÁC SẢN PHẨM TỪ SỮA NGUYÊN KEM
Vì sức khỏe tim mạch, bạn nên chú ý không lựa chọn các sản phẩm sữa hay chế phẩm từ sữa nguyên kem. Thay vào đó, bạn nên chọn các loại sữa ít béo, sữa chua và phô mai để giảm tổng lượng chất béo hấp thu nhưng vẫn có lợi ích dinh dưỡng mà các sản phẩm này mang lại.
Ngoài ra, bạn cũng nên thử các loại sữa hạt để thay thế sữa bò như sữa hạnh nhân, sữa yến mạch… Sữa hạt vừa có tính chất sánh mịn, thơm ngon, vừa không chứa chất béo từ động vật nên hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
5.ĐỒ NGỌT
Đồ ngọt cũng là một thực phẩm không tốt cho tim mạch, bao gồm các món ngọt như bánh, kẹo cùng các loại đồ uống chứa chứa nhiều đường như nước ngọt, nước trái cây đóng chai. Đường là nguyên nhân dẫn đến tăng cân, đồng thời có thể gây tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì. Tất cả đều là những tác nhân có hại cho tim.
Không những thế, đường còn gây ảnh hưởng đến động mạch do làm tăng lượng chất béo trung tính và cholesterol xấu - LDL cholesterol. Sự dư thừa của phân tử đường cũng liên quan đến tình trạng viêm trong cơ thể.
ĂN GÌ TỐT CHO TIM MẠCH
Sau khi hạn chế, cắt giảm thực phẩm không tốt cho tim mạch, thì người bệnh tim mạch nên ăn gì? Thực tế, bạn vẫn còn rất nhiều lựa chọn để làm phong phú chế độ ăn hằng ngày mà vẫn giúp duy trì sức khỏe.
Các nhóm thực phẩm tốt cho tim mạch bao gồm:
- Nguồn cung cấp protein lành mạnh: protein từ thực vật (các loại đậu, hạt), cá, hải sản, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc tách béo, thịt gia cầm (ưu tiên thịt nạc), trứng.
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, quinoa.
- Ăn nhiều loại trái cây và rau củ.
- Sử dụng dầu thực vật như dầu ô liu, dầu từ quả bơ, dầu hạt lanh…
- Lựa chọn gia vị thay thế với hàm lượng muối (natri) thấp như các loại thảo mộc gia vị, nước tương ít mặn…