Th 10
Tốt nhất, trong vòng 1 giờ đầu sau sinh người mẹ nên cho trẻ bú để dễ tận dụng được nguồn sữa non quý giá giàu chất dinh dưỡng, giúp trẻ phát triển vững chắc những ngày đầu đời. 1.THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG CỦA SỮA NON Sữa non hay sữa đầu, còn được gọi là nguồn thức ăn đầu tiên của sự sống (tên khoa học là colostrum). Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh trong sữa non có chứa rất nhiều kháng thể và bạch cầu… giúp tăng cường hệ miễn dịch của trẻ, cũng như bảo vệ hệ tiêu hóa và phá hủy các tác nhân gây bệnh, giúp trẻ tăng cường thể lực, phát triển khỏe mạnh. Theo các chuyên gia của Viện Dinh Dưỡng, sữa non là loại sữa mẹ đặc biệt, được tiết ra trong ngày đầu sau sinh. Sữa non đặc sánh, có màu vàng nhạt hoặc trong. Sữa non có chứa nhiều đạm hơn sữa trưởng thành. Sữa non giàu kháng thể giúp phòng chống dị ứng và nhiễm khuẩn. Sữa nhiều tế bào bạch cầu giúp phòng chống nhiễm khuẩn. Sữa non có tác dụng xổ nhẹ, đào thải phân su, giảm mức độ vàng da. Sữa non chứa nhiều yếu tố tăng trưởng giúp cho đường ruột của trẻ tiếp tục hoàn thiện sau sinh, giúp ruột trưởng thành, phòng chống dị ứng, không dung nạp thức ăn khác. Sữa non rất giàu vitamin A giảm mức độ nặng khi bị nhiễm khuẩn. Trẻ được bú sữa non trong những bữa bú đầu tiên rất quan trọng, đặc biệt trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Sữa non đã có sẵn trong vú ngay từ khi trẻ sinh ra, không nên cho trẻ bất cứ thức ăn, nước uống nào trước khi trẻ bắt đầu bú sữa mẹ. Sau vài ngày (khoảng 3-4 ngày) sữa non chuyển sang sữa trưởng thành. Số lượng sữa nhiều hơn làm 2 bầu vú bà mẹ đầy, căng cứng. Người ta gọi đây là hiện tượng xuống sữa. Sữa đầu bữa: là sữa được tiết ra đầu bữa bú của trẻ: sữa đầu bữa có màu hơi xanh, số lượng nhiều và cung cấp nhiều đạm, đường, nước và các chất dinh dưỡng khác. Trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ cần bú mẹ là đủ, không cần uống thêm nước, ngay cả khi thời tiết nóng. Nếu cho trẻ uống thêm nước trẻ sẽ giảm bú mẹ. Sữa cuối bữa: là sữa được tiết ra cuối bữa bú của trẻ. Bầu vú mẹ lúc này đã hết căng. Sữa cuối bữa có màu trắng vì chứa nhiều chất béo hơn sữa đầu bữa. Chất béo cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ giúp trẻ lớn nhanh hơn, vì vậy điều quan trọng là cần để trẻ bú đến hết sữa cuối, không để trẻ nhả vú sớm hay mẹ chuyển bên sớm quá. Trong 6 tháng đầu sau đẻ, bú mẹ hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và nước cho trẻ. Từ 6 tháng tuổi, sữa mẹ không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Cụ thể: từ 6-12 tháng tuổi sữa mẹ 70% nhu cầu năng lượng. Vì vậy tất cả trẻ từ 6 tháng tuổi ngoài sữa mẹ đều cần được ăn bổ sung. Tuy nhiên, sữa mẹ vẫn là một nguồn năng lượng quan trọng và cung cấp chất dinh dưỡng chất lượng cao cho trẻ trên 6 tháng tuổi nên cần duy trì tới khi có thức ăn thay thế đầy đủ sữa mẹ. 2.TÁC DỤNG CỦA SỮA NON ĐỐI VỚI TRẺ SƠ SINH Ngăn ngừa sự chậm phát triển: những trẻ được bú sữa non ngay sau khi sinh và bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời không chỉ có hệ miễn dịch khỏe mạnh mà còn phát triển toàn diện về thể chất và trí não bởi các thành phần dinh dưỡng tuyệt vời chứa trong sữa non như chất đạm, vitamin, khoáng chất… Thuốc kháng sinh tự nhiên: thành phần sữa non ngoài hàm lượng chất dinh dưỡng còn chứa nhiều kháng thể, được ví như loại vắc xin tự nhiên không có tác dụng phụ, an toàn với sức khỏe của trẻ. Các kháng thể (Ig) và tế bào bạch cầu giúp trẻ luôn khỏe mạnh, chống lại nhiễm trùng và các tác nhân gây hại như vi rút, vi khuẩn phòng tránh được nhiều các bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, bệnh ở đường hô hấp, bệnh sởi… Phát triển tối ưu não bộ: do trong thành phần chứa ganglioside là một nhóm chất béo không thể thiếu trong việc phát triển trí não trẻ. Do đó tác dụng của sữa non còn là phát triển tối ưu não bộ của trẻ. Cải thiện hệ tiêu hóa và chức năng đường ruột: mới sinh, hệ thống tiêu hóa của trẻ do chưa hoàn thiện nên còn rất yếu ớt. Theo đó, nếu bú sữa non, Immunoglobulin A và các chất chống oxy hóa có trong sữa sẽ giúp tránh khỏi các triệu chứng xuất huyết và bảo vệ thành ruột non yếu. Bên cạnh đó, chất ganglioside còn giúp cải thiện/ ngăn ngừa viêm nhiễm hệ thống đường ruột của trẻ bằng cách “thu hút” các vi khuẩn có hại và trung hòa chúng. Ngăn ngừa bệnh vàng da: không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa, sữa non còn có tác dụng nhuận tràng, thúc đẩy cơ thể trẻ nhanh chóng bài tiết phân su, đào thải bilirubin dư thừa từ đó ngăn ngừa bệnh vàng da cũng như giảm thiểu nguy cơ mẫn cảm và dị ứng ở trẻ. 3.CHO TRẺ UỐNG SỮA NON BAO NHIÊU LÀ ĐỦ? Có thể thấy, công dụng của sữa non đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ là vô cùng lớn. Vì vậy, các mẹ sau sinh đều được khuyên cho con bú sớm nhất có thể, với mẹ thường là ngay sau sinh, còn với mẹ sinh mổ là 6 tiếng sau sinh. Mới sinh, kích thước dạ dày trẻ còn rất nhỏ, do đó, mẹ không nên cho trẻ bú quá nhiều, lần đầu tiên chỉ nên cho bú khoảng 10ml (tương đương 1-4 muỗng cà phê), sau đó tăng dần số lượng lên.
Th 10
Cung cấp đủ Lysine cho trẻ là vấn đề cần được quan tâm bởi đây là axit amin thiết yếu đối với cơ thể, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn phát triển. Chúng ta có thể bổ sung Lysine cho trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi. Tuy nhiên bổ sung Lysine cho trẻ như thế nào và cần lưu ý những gì? Hãy cùng Hadu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé! 1.LYSINE LÀ GÌ? Lysine (hay lysin) là một axit amin đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Lysine là loại axit amin mà cơ thể không tự tổng hợp được. Vì thế, bạn chỉ có thể bổ sung lysine cho cơ thể qua đường ăn uống. Lysine có vai trò thiết yếu cho sự tăng trưởng của cơ thể mà điển hình là cơ bắp. Cơ thể sẽ sử dụng lysine để tạo ra carnitine - một loại axit amin có trong hầu hết các tế bào của cơ thể. Ngoài ra chức năng của Lysine còn là vận chuyển chất béo đến các tế bào giúp cơ thể đốt cháy năng lượng. 2.VAI TRÒ CỦA LYSINE ĐỐI VỚI CƠ THỂ LYSINE HỖ TRỢ HẤP THU CANXI TĂNG CHIỀU CAO Trong một nghiên cứu được thực hiện trên 30 phụ nữ trong đó có 15 người khỏe mạnh và 15 người loãng xương cho thấy việc bổ sung lysine giúp làm giảm đi khả năng mất canxi qua nước tiểu. Đồng thời, loại axit amin này còn giúp và làm tăng khả năng hấp thụ canxi trong ruột và thận. Nhờ đó, Lysine giúp tăng khả năng hấp thụ canxi và phòng ngừa bệnh loãng xương. LYSINE GIÚP TĂNG CƯỜNG CẤP MÁU Lysine là một trong những axit amin đóng vai trò quan trọng cho quá trình xây dựng và tạo ra các mạch máu mới trong cơ thể. Không những thế, hợp chất này còn có tác dụng giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng từ trong máu vào xương, từ đó hỗ trợ tăng cường cấp máu cho cơ thể và ngăn ngừa bệnh thiếu máu. LYSINE GIÚP TỔNG HỢP DA, SỤN VÀ XƯƠNG Lysine là một trong những thành phần không thể thiếu trong quá trình hình thành và tổng hợp collagen - thành phần chính cấu tạo nên da, sụn và một phần của xương trong cơ thể. Không có lysine, việc hình thành collagen sẽ diễn ra chậm hơn từ đó dẫn đến xương yếu, giòn, dễ nứt gãy, da dẻ nhanh lão hóa và xuất hiện nhiều nếp nhăn. Nhờ đặc tính kích thích tăng sinh collagen mà lysine có thể cải thiện khả năng chữa lành vết thương trong cơ thể bạn. Chữa lành vết thương là một quá trình phức tạp đòi hỏi cơ thể phải huy động nhiều khoáng chất, vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Trong mô động vật, lysine đã được chứng minh là đem lại các thay đổi tích cực tại vị trí vết thương, đẩy nhanh tiến trình sửa chữa. Mặt khác, theo nghiên cứu, nếu không có đủ lysine, khả năng chữa lành vết thương của cơ thể sẽ kém hẳn đi. Vì thế, lysine đóng một vai trò đặc biệt quan trọng với trẻ em, nhất là trẻ trong độ tuổi hiếu động, thường xuyên bị trầy xước do chạy nhảy, cần làm lành vết thương nhanh. LÀ THÀNH PHẦN QUAN TRỌNG CỦA NHIỀU PROTEIN Ngoài collagen thì lysine còn là dưỡng chất quan trọng đóng góp vào tiến trình hình thành các protein tự nhiên trong cơ thể như enzyme, kháng thể và cá hormone. Không những thế, lysine còn giúp tổng hợp và sản sinh ra carnitine, một hợp chất rất cần thiết cho quá trình vận chuyển và đốt cháy chất béo. Khi dung nạp lysine, cơ thể sẽ tăng cường đốt cháy chất béo để tạo năng lượng cho cơ thể đồng thời hạ thấp mức cholesterol có hại, từ đó, hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tăng cường hấp thu dinh dưỡng tối đa. TĂNG CƯỜNG HỆ MIỄN DỊCH CỦA TRẺ Lysine là thành phần cấu tạo nên kháng thể, một loại protein có tác dụng tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh tật. Đặc biệt việc tăng cường bổ sung lysine cho cơ thể còn giúp ngăn cản sự hình thành và phát triển của vi khuẩn, virus như bệnh mụn rộp môi, mụn rộp sinh dục, bệnh zona… LYSINE HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ CHỨNG BIẾNG ĂN Thông qua việc nghiên cứu và thử nghiệm thực tế, Lysine được chứng minh là có thể cải thiện đáng kể tình trạng dinh dưỡng của trẻ biếng ăn. Việc bổ sung lysine vào chế độ ăn của trẻ trong liên tục 3 tháng có thể làm tăng đáng kể cân nặng, chiều cao và nồng độ đồng, sắt, và canxi trong huyết thanh của bé. Không những thế, hợp chất này còn đóng góp vào quá trình chuyển hóa thức ăn và xây dựng trí não, từ đó, giúp trẻ tăng trưởng nhanh cả về thể chất lẫn trí tuệ. Ngoài lysine thì cha mẹ cũng nên bổ sung thêm loại vitamin và khoáng chất giúp bé ăn ngon, tăng cường sức đề kháng và khỏe mạnh hơn mỗi ngày. ĐIỀU TRỊ MỤN RỘP Lysine có thể giúp kiểm soát virus Herpes, do đó có thể làm giảm số lượng và tần suất bùng phát mụn rộp do vi rút Herpes simplex loại 1 gây ra. Lysine cũng có thể hỗ trợ điều trị mụn rộp sinh dục. HẠ HUYẾT ÁP Theo một nghiên cứu được tiến hành trên 50 người trưởng thành mắc chứng cao huyết áp được chẩn đoán thiếu hụt lysine thì tác dụng của lysine được chứng minh là có thể là giảm huyết áp cao ở những người có chế độ ăn uống không đủ loại axit amin này. Không những thế bổ sung lysine qua khẩu phần ăn hằng ngày còn giúp giảm nồng độ cholesterol xấu có trong máu. Từ đó giúp phòng ngừa các vấn đề tim mạch và các bệnh lý khác. ĐIỀU TRỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG Một nghiên cứu được tiến hành năm 2009 cho thấy lysine có thể giúp làm giảm phản ứng đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nói cách khác, lysine có khả năng làm chậm gia tăng mức đường huyết trong cơ thể sau khi ăn, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Đây là một khám phá quan trọng có thể giúp các chuyên gia tìm ra được phương pháp điều trị hiệu quả cho những người mắc bệnh tiểu đường. 3.BỔ SUNG LYSINE CHO TRẺ BẰNG CÁCH NÀO? Để đảm bảo cung cấp đầy đủ Lysine cho trẻ, mẹ cần biết hàm lượng Lysine cần bổ sung hằng ngày cho con. Với mỗi độ tuổi sẽ cần hàm lượng khác nhau, cụ thể như sau: Trẻ sơ sinh (từ 3-4 tháng): cần 103 milligrams lysine/ 1 kg khối lượng cơ thể. Trẻ em (từ 2 tuổi): cần 64 milligrams lysine/ 1kg khối lượng cơ thể. Trẻ em (từ 10-12 tuổi): cần 44-60 milligrams lysine/ 1 kg khối lượng cơ thể. Một số thực phẩm giàu Lysine mà mẹ có thể bổ sung qua đường sinh dưỡng cho con đó là: Các loại đậu: đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu phụ, sữa đậu nành… Sữa và các chế phẩm chế biến từ sữa. Hoa quả màu đỏ như: cà rốt, cà chua, cam, quýt… Các loại hạt như: hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó, quả hồ đào. Thịt và các động vật có vỏ như tôm, hàu. Tuy nhiên, lysine trong các loại TPCN sẽ dễ bị phá hủy trong quá trình đun nấu. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cung cấp lysine tiện lợi nhất là dùng thực phẩm chế biến sẵn có bổ sung chất này vừa đủ dùng cho người bình thường, ví dụ như sữa.
Th 10
Protein được xem là chất căn bản của sự sống, đảm nhiệm nhiều chức năng/ vai trò quan trọng trong cơ thể. Để biết protein là gì, chức năng của protein đối với cơ thể ra sao, bổ sung protein thế nào cho đúng… Hãy cùng Hadu tìm hiểu qua bài viết dưới đây! 1.PROTEIN LÀ GÌ? VAI TRÒ CỦA PROTEIN ĐỐI VỚI CƠ THỂ Protein là những đại phân tử, cấu tạo từ một hoặc nhiều mạch acid amin liên kết với nhau bằng liên kết peptid. Trình tự các chuỗi acid amin khác nhau sẽ tạo ra các loại protein khác nhau, trong tự nhiên hiện có khoảng hơn 20 loại acid amin trong đó có 9 loại thiết yếu cơ thể con người bắt buộc phải hấp thu từ nguồn thực phẩm bên ngoài. Protein được hình thành bởi sự gắn kết của các chuỗi acid amin nên sau khi được tạo ra, protein chỉ tồn tại trong khoảng thời gian nhất định, khi liên kết giữa các acid amin bị phá hủy thì protein cũng bị thoái hóa. Protein là thành phần cấu trúc, chiếm đến 50% tổng khối lượng thô của tế bào, có vai trò duy trì, tái tạo cơ thể nên việc bổ sung protein hằng ngày là vô cùng cần thiết. Một số tình trạng sức khỏe thường gặp do thiếu hụt protein như: suy dinh dưỡng, sức đề kháng giảm hay ốm đau, chậm lớn, người gầy ốm… Một số vai trò của protein đối với sự sống của cơ thể như sau: PROTEIN CẤU TẠO KHUNG TẾ BÀO, DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN CƠ THỂ Protein là thành phần cấu trúc tạo nên khung tế bào, tham gia vào mọi quá trình bên trong tế bào. Trong khi đó, sinh vật được cấu tạo bởi vô số tế bào, ngoài ra protein cũng có mặt trong chất gian bào, nhân tế bào với duy trì và phát triển mô. Protein tham gia vào quá trình phát triển của cơ thể từ việc cấu tạo hình thành cơ, đổi mới phát triển, phân chia tế bào. Hơn nữa, protein còn là xúc tác cho các phản ứng sinh hóa và trao đổi chất trong cơ thể. PROTEIN THAM GIA VẬN CHUYỂN OXY VÀ CHẤT DINH DƯỠNG Một số chất dinh dưỡng như glucose, cholesterol, oxy, vitamin và khoáng chất ra vào tế bào thuận lợi theo dòng máu là nhờ protein. Các chất cụ thể sẽ chỉ liên kết được với mỗi phân tử protein đặc hiệu. Cụ thể như nếu một protein có vai trò vận chuyển glucose thì không thể nhận thêm nhiệm vụ vận chuyển cholesterol. PROTEIN GIÚP TĂNG TRƯỞNG VÀ DUY TRÌ CÁC MÔ Vai trò của protein là thực hiện chức năng tăng trưởng và duy trì các mô. Khi cơ thể ở trạng thái bình thường sẽ hoạt động theo cách phá vỡ lượng protein nhất định nhằm mục đích xây dựng và sửa chữa các mô. Nhu cầu protein trong cơ thể ở trạng thái thay đổi liên tục, sẽ tăng cao khi nhu cầu sử dụng protein cao hơn mức bình thường. Trường hợp này sẽ thường thấy ở các đối tượng như: vận động viên, người lớn tuổi, người mắc bệnh, sau phẫu thuật, phụ nữ mang thai và cho con bú… PROTEIN HỖ TRỢ TRUYỀN TÍN HIỆU GIỮA CÁC TẾ BÀO Vai trò của protein là kích thích tố, hỗ trợ giao tiếp giữa các tế bào, gắn kết các mô với cơ quan. Cụ thể các mô, các tuyến nội tiết tạo ra hormone rồi vận chuyển theo đường máu đến mô, các cơ quan đích. Khi này, hormone sẽ liên kết với thụ thể protein trên bề mặt tế bào. TẠO PHẢN ỨNG SINH HÓA Vai trò của protein là tạo ra các enzyme cùng tham gia hỗ trợ rất nhiều phản ứng sinh hóa diễn ra bên trong cũng như bên ngoài tế bào. Cấu trúc của enzyme cùng các phân tử khác bên trong tế bào đóng vai trò là chất xúc tác cho những phản ứng cần thiết giúp quá trình trao đổi chất được thuận lợi. Một số enzyme như lactase, sucrase,... sẽ có vai trò hoạt động bên ngoài tế bào nhằm thúc đẩy các phân tử khác như vitamin, khoáng chất để phản ứng được diễn ra. DUY TRÌ ĐỘ pH Vai trò của protein cũng vô cùng quan trọng trong việc duy trì nồng độ pH trong cơ thể. Bởi độ pH giúp cân bằng lượng axit và bazo mà protein lại đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều chỉnh nồng độ axit và bazo trong máu cùng các chất dịch khác trong cơ thể. Nồng độ pH cũng chịu sự tác động của một số protein. Cụ thể như phân tử protein hemoglobin sẽ liên kết với axit giúp duy trì nồng độ pH ở mức bình thường trong máu người. TĂNG CƯỜNG HỆ MIỄN DỊCH Các globulin miễn dịch là các kháng thể sẽ do protein đóng vai trò chống lại nhiễm trùng. Kháng thể protein trong máu sẽ giúp cơ thể tránh khỏi những tác nhân gây hại như vi khuẩn và virus. Khi có những yếu tố khác lạ xâm nhập vào tế bào, khi này kháng thể protein sẽ giúp tiêu diệt những yếu tố khác lạ đó. Nếu không có sự có mặt của các kháng thể thì virus vi khuẩn sẽ có môi trường thuận lợi để nhân lên và gây ra những mầm bệnh nhiễm trùng. Các kháng thể khi đã chống lại được một loại virus cũng như vi khuẩn cụ thể thì chức năng ghi nhớ ở các tế bào sẽ được kích hoạt. Bởi vậy khi có một tác nhân gây bệnh cũ xâm nhập vào cơ thể, các kháng thể sẽ phản ứng nhanh hơn để chống lại tác nhân này và được gọi là khả năng miễn dịch. GIÚP CƠ THỂ LUÔN TRÀN ĐẦY NĂNG LƯỢNG Một trong những vai trò của protein là cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, protein còn tham gia vào rất nhiều hoạt động, chức năng khác trên khắp cơ thể nên nguồn năng lượng mà protein tạo ra được cơ thể sử dụng sau cùng. Như chúng ta có thể thấy khi cung cấp protein cần thiết cho cơ thể sẽ cảm thấy khỏe mạnh và nhiều năng lượng hơn. Cơ thể sẽ mệt mỏi, uể oải nếu như thiếu đi dưỡng chất này. 2.NGUỒN THỰC PHẨM NÀO CUNG CẤP PROTEIN? Thịt gia cầm và trứng Thịt ức gà không da hoặc gà tây cốt lết có chứa hàm lượng protein rất lớn, một khẩu phần ăn 3 ounces ức gà nướng cung cấp đến 25g protein. Một quả trứng lớn cung cấp cho cơ thể khoảng 6g protein, chế độ ăn 1 quả trứng hằng ngày đã được nhiều người áp dụng vì cung cấp đều đặn protein mà không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nguồn protein từ thịt gia cầm và trứng rất dồi dào, tuy nhiên nên hạn chế hấp thu nếu bạn có nồng độ cholesterol cao, mắc bệnh tim mạch hoặc tiểu đường. Hải sản Hải sản không những giàu protein mà hàm lượng chất béo bão hòa thấp vô cùng phong phú, nhất là omega 3. Sữa và chế phẩm từ sữa Các thực phẩm chế biến từ sữa có hàm lượng protein rất lớn, có vai trò phát triển cơ bắp, hạ huyết áp, giảm nguy cơ mắc tiểu đường. Hàm lượng protein có trong sữa gầy và sữa béo là khác nhau, trong đó sữa béo chứa lượng protein cao với khoảng 18-20g cho mỗi ly sữa uống thông thường. Dù chứa nhiều protein nhưng sữa không phù hợp với một số đối tượng không dung nạp lactose, trong đó có người cao tuổi.
Th 10
Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gây ra hàng loạt các triệu chứng khác nhau gồm vấn đề tiêu hóa, phát ban, những vết sưng tấy ở mặt hoặc mẩn ngứa. Các triệu chứng diễn ra ở từng trẻ có mức độ nặng nhẹ khác nhau, và có những triệu chứng xảy ra có thể không nhất thiết do bé bị dị ứng đạm sữa bò mà có thể vì nguyên nhân khác. Do đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các trung tâm dinh dưỡng uy tín để được thăm khám và chẩn đoán chính xác khi trẻ có những dấu hiệu bất thường. 1.DỊ ỨNG ĐẠM LÀ GÌ? Dị ứng đạm sữa bò là hiện tượng xảy ra khi hệ miễn dịch của trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh có những phản ứng quá nhạy cảm với thành phần có trong sữa bò. Đây là hiện tượng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì sữa bò là thực phẩm có chứa đạm lạ đầu tiên mà nhóm trẻ này phải hấp thụ với một lượng lớn, nhất là những trẻ đã từng uống sữa bột trước đó. Khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc phải chứng dị ứng đạm sữa bò, hệ miễn dịch của trẻ sẽ nhận diện sai lầm đạm trong sữa bò là chất có hại và sẽ có những phản ứng lại với những loại đạm này, gây ra những dấu hiệu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò. 2.DẤU HIỆU NÀO CHO THẤY BÉ BỊ DỊ ỨNG PROTEIN TRONG SỮA BÒ? Để nhận biết chính xác triệu chứng bé bị dị ứng đạm sữa bò khá khó khăn vì các triệu chứng lâm sàng khá đa dạng. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay khi trẻ uống sữa (trong vòng 2 giờ) gọi là phản ứng nhanh, hoặc muộn hơn (trên 48 giờ) được gọi là phản ứng dị ứng chậm. PHẢN ỨNG DỊ ỨNG NHANH Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò loại phản ứng nhanh thường có các biểu hiện như: Da nổi mẩn đỏ: nổi mẩn đỏ là biểu hiện thường gặp ở các loại dị ứng. Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ cũng có những vết mẩn đỏ làm da bé như bị bỏng hay phát ban, điều đó chứng tỏ hệ miễn dịch của bé đang phản ứng lại các thành phần có trong sữa. Vấn đề về hô hấp: trẻ có những biểu hiện như thở khò khè, khó thở, có đờm trong mũi và cổ họng thì có thể đây là dấu hiệu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò. PHẢN ỨNG DỊ ỨNG CHẬM Các triệu chứng bị dị ứng đạm sữa bò lúc này thường không rõ ràng, cha mẹ cần theo dõi để có hướng điều trị kịp thời. Trẻ quấy khóc: việc quấy khóc ở trẻ là bình thường, nhưng nếu trẻ quấy khóc kéo dài, đó có thể là bé đang bị đau bao tử do dị ứng đạm sữa bò. Tiêu chảy: đây cũng là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài tới 5-7 lần/ ngày và trong phân có máu thì có thể bé đang bị dị ứng đạm sữa bò. Nôn trớ: khi cơ thể trẻ đang bị dị ứng đạm sữa bò, trẻ sẽ rất dễ gặp phải triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Chậm lớn: trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thường đi ngoài nhiều lần, lười ăn, quấy khóc… đồng nghĩa với cảm giác ngon miệng khi ăn uống cũng giảm, trẻ hấp thu dưỡng chất từ bữa ăn kém, thiếu hụt chất dinh dưỡng khiến trẻ bị sụt cân, chậm lớn. 3.NGUYÊN NHÂN TRẺ BỊ DỊ ỨNG ĐẠM SỮA BÒ Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ xảy ra khi hệ thống miễn dịch trong cơ thể cho rằng các thành phần protein trong sữa bò là có hại, từ đó cơ thể tự động sản xuất ra các kháng thể miễn dịch IgE có tác dụng trung hòa các protein này (chất gây dị ứng). Có 2 loại protein chính trong sữa có thể gây dị ứng: Casein: được tìm thấy trong phần rắn (sữa đông) của sữa đông vón lại. Whey (váng sữa): được tìm thấy trong phần lỏng của sữa sau khi đông vón lại. Khi cơ thể tiếp xúc với đạm sữa bò ở những lần tiếp theo, kháng thể IgE nhận ra chúng và báo cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây dị ứng khác. Đây là nguyên nhân gây ra một loạt các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng đạm sữa bò như chảy nước mũi, ngứa mắt, khô họng, phát ban, nổi mề đay, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở và sốc phản vệ… Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò rất có khả năng mắc một số bệnh lý khác như dị ứng với thực phẩm (thịt bò, trứng, đậu phộng…), viêm da cơ địa, hen và viêm mũi dị ứng. Bên cạnh đó, dị ứng đạm sữa bò có tính chất di truyền, bé bú mẹ bị dị ứng đạm sữa bò hoặc bé có cha mẹ mắc các bệnh tiền sử dị ứng như dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, hen, viêm mũi dị ứng… thường có nguy cơ mắc dị ứng đạm sữa bò cao hơn những trẻ khác. 3.CÁCH CHĂM SÓC KHI BÉ BỊ DỊ ỨNG ĐẠM SỮA BÒ Các trường hợp bị dị ứng đạm sữa bò ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi: ở độ tuổi này thức ăn chủ yếu của trẻ là sữa mẹ và cũng là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Do đó, cách xử lý an toàn nhất là trẻ tránh hoàn toàn sữa bò và những chế phẩm từ sữa bò khỏi chế độ ăn. Kiểm soát tốt những thực phẩm mà mẹ ăn uống. Sữa có thể là thành phần trong rất nhiều sản phẩm khác, do đó cha mẹ nên kiểm tra kỹ nhãn mác các sản phẩm trước khi dùng để giúp trẻ tránh trường hợp “bé bú mẹ bị dị ứng đạm sữa bò” vì những gì mẹ ăn và uống có những thành phần sữa bò. Những trẻ bị dị ứng đạm sữa bò được khuyến cáo tránh sử dụng các loại sữa động vật khác. Ví dụ như đạm sữa dê cũng có thành phần tương tự như đạm sữa bò, vì thế cũng có khả năng gây dị ứng ở trẻ như dị ứng đạm sữa bò. Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò được các bác sĩ khuyến cáo tiếp tục duy trì nuôi con bằng sữa mẹ kết hợp với chế độ ăn dặm hợp lý. Nếu trẻ không thể tiếp tục bú mẹ, trẻ có thể được hướng dẫn sử dụng sữa có đạm thủy phân hoàn toàn để thay thế. Đây là loại sữa chứa chứa protein đã được phân tách thành các phần nhỏ hơn, dễ tiêu hóa hơn và ít gây dị ứng. Ngoài ra, các loại sữa công thức amino acid không chứa bất kỳ một chuỗi protein nào cũng có thể được sử dụng nếu trẻ khó sử dụng sữa thủy phân hoặc trẻ có triệu chứng dị ứng đạm sữa bò nghiêm trọng. Một điểm đáng lưu ý là tình trạng dị ứng đạm sữa bò chỉ là một tình trạng tạm thời và hầu hết các trẻ sẽ khỏi khi trẻ 1-4 tuổi. Khi trẻ được 1 tuổi hoặc khi có chỉ định của bác sĩ, trẻ có thể lại dùng các sản phẩm dinh dưỡng thông thường có chứa sữa bò. Điều này phải được thực hiện kĩ lưỡng dưới sự theo dõi của các bác sĩ để có thể thực hiện thêm các xét nghiệm về dị ứng đạm sữa bò cho trẻ. Nếu không có phản ứng nào xảy ra, trẻ từng bị dị ứng đạm sữa bò đã có thể bắt đầu dùng lại chế độ ăn uống bình thường, bao gồm sữa và các chế phẩm từ sữa.