Th 01
Chuối xanh có giá trị dinh dưỡng rất đặc biệt. Với hàm lượng chất xơ và tinh bột kháng cao, chuối xanh không chỉ giúp cải thiện hệ tiêu hóa mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. 1.CHUỐI XANH CÓ LỢI CHO SỨC KHỎE NHƯ THẾ NÀO? Hàm lượng dinh dưỡng của chuối xanh tương tự như chuối chín nhưng chuối xanh có nhiều chất xơ và lượng tinh bột kháng cao. Ngoài ra, chuối xanh rất ít chất béo và protein. Chuối xanh có chứa nhiều tinh bột. Tinh bột có trong chuối xanh là tinh bột kháng, chiếm 80% trọng lượng khô của chuối và không được tiêu hóa trong ruột non. Trong khi ở chuối chín, tinh bột được chuyển hóa thành sucrose, glucose, và fructose. Chuối xanh cũng chứa nhiều pectin tốt giúp duy trì hình dạng cấu trúc của chúng. Sự hiện diện của tinh bột kháng và pectin trong chuối xanh mang lại một số lợi ích cho sức khỏe bao gồm kiểm soát lượng đường, hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn. Chuối xanh có lượng đường thấp hơn so với chuối chín. Điều này có lợi cho những người cần kiểm soát lượng đường trong máu, ví dụ như những người bị đái tháo đường, hoặc những người đang áp dụng chế độ ăn ít đường, ít carbohydrate. Chuối xanh là kho chứa chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa tổn thương oxy hóa các tế bào khỏe mạnh. Chúng bao gồm vitamin C, beta carotene, các chất dinh dưỡng thực vật như lutein và zeaxanthin. Các hợp chất hoạt tính sinh học này giúp giảm viêm, hỗ trợ bảo vệ chống lại ung thư, bệnh tim và các vấn đề thị lực liên quan đến tuổi tác. 2.NHỮNG NGƯỜI NÀO NÊN ĂN CHUỐI XANH? Người mắc bệnh đái tháo đường Chuối xanh tốt cho người đái tháo đường vì nó không làm tăng đường huyết và cải thiện được khả năng điều hòa lượng đường trong máu. Hàm lượng chất xơ cao giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định hơn. Hàm lượng tinh bột kháng trong chuối xanh có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin. Chuối xanh có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn so với chuối chín. Ngoài ra, chuối xanh cũng giàu kali và các loại vitamin tốt cho sức khỏe như vitamin C và vitamin B6. Vitamin B6 giúp sản xuất hemoglobin và điều chỉnh hàm lượng đường trong máu hiệu quả. Sự lên men tinh bột kháng ở ruột giả sẽ tạo ra acid béo chuỗi ngắn và làm gia tăng khối lượng vi khuẩn. Các acid béo chuỗi ngắn này sau đó được hấp thụ nhanh chóng và được chuyển hóa ở các tế bào biểu mô ruột, gan hoặc các mô khác nên thức ăn chứa tinh bột kháng có chỉ số đường huyết thấp không có khả năng làm tăng glucose máu đột ngột. Người muốn giảm cân Cũng nhờ hàm lượng chất xơ cao, sự hiện diện của tinh bột kháng giúp làm tăng cảm giác no sau bữa ăn. Chuối xanh cũng ít calo hơn so với chuối chín nên đây là một lựa chọn hợp lý cho những người muốn kiểm soát cân nặng và muốn giảm cân. Người muốn cải thiện chức năng tiêu hóa Tinh bột kháng và pectin nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột cư trú trong ruột, do đó cải thiện vi khuẩn đường ruột, điều hòa nhu động ruột, và tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa và tạo điều kiện cho quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn. Chất xơ trong chuối xanh giúp tăng cường khối lượng phân, kích thích nhu động ruột hoạt động hiệu quả và ngăn ngừa táo bón. Những người cần tăng cường sức khỏe tim mạch Chuối xanh chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất khác có lợi cho tim mạch như: kali, magie, vitamin C… Kali giúp giãn nở mạch máu, giảm áp lực lên tim, từ đó giúp ổn định đường huyết. Kali giúp cải thiện lưu thông máu, cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng cho tim, giúp bảo vệ khỏi các bệnh lý như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Chất xơ giúp giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Magie giúp thư giãn mạch máu, giảm huyết áp. Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp trung hòa gốc tự do gây hại. Các gốc tự do này có thể làm tổn thương các tế bào, đặc biệt là các tế bào nội mô lót trong mạch máu, dẫn đến xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch khác.
Th 01
Mỡ máu là một phần quan trọng của cơ thể. Tuy nhiên khi mỡ máu cao sẽ gây ra bệnh máu nhiễm mỡ với nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy việc kiểm soát mỡ máu rất quan trọng để luôn có một sức khỏe tốt, nhất là khi thời tiết lạnh - thời điểm mỡ máu luôn cao hơn bình thường. CÁC CHỈ SỐ QUAN TRỌNG KHI XÉT NGHIỆM MỠ MÁU Xét nghiệm định lượng cholesterol toàn phần là xét nghiệm cho biết tổng lượng cholesterol được tìm thấy trong máu người bệnh. Nồng độ cholesterol toàn phần được tạo thành từ: LDL - cholesterol xấu vì chúng thường tích tụ trên thành động mạch gây tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ. Giá trị bình thường của LDL - cholesterol < 130mg/dL, lượng LDL - cholesterol càng cao so với giá trị bình thường, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao. HDL - cholesterol tốt vì chúng giúp loại bỏ, thu nhặt LDL và các cholesterol xấu khác, vận chuyển các cholesterol xấu đến gan để xử lý. HDL - cholesterol giúp bảo vệ thành mạch, giữ sạch sẽ mạch máu, giúp mạch máu khỏe mạnh. Nếu lượng HDL - cholesterol > 60mg/dL, đây là dấu hiệu tốt cho sức khỏe tim mạch. Nếu HDL < 40mg/dL là dấu hiệu không tốt. Triglycerid: là chất béo trung tính trong máu. Nồng độ triglycerid bình thường < 150mg/dL, từ 150-199 mg/dL là cao nhẹ, từ 200-499mg/dL là mức cao và > 500 mg/dL là mức rất cao. Tăng triglycerid làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và bệnh mạch vành nguy hiểm. Dựa vào chỉ số xét nghiệm về mỡ máu, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng người bệnh có bị rối loạn mỡ máu hay không, rối loạn mỡ máu ở mức độ nào, có ảnh hưởng đến các bệnh liên quan khác như tim mạch, đái tháo đường, tim mạch, xơ vữa động mạch… hay không? VÌ SAO MỠ MÁU TĂNG CAO KHI THỜI TIẾT LẠNH? Chế độ ăn uống thay đổi Vào mùa đông, mọi người thường ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo và calo hơn, như thịt đỏ, đồ chiên rán, và các món giàu năng lượng để giữ ấm cơ thể. Thói quen tiêu thụ đồ ngọt, thức uống nóng chứa nhiều đường và mỡ (như socola nóng) cũng tăng lên, góp phần làm tăng cholesterol. Giảm vận động Thời tiết lạnh khiến nhiều người giảm các hoạt động thể chất ngoài trời. Việc ít tập thể dục có thể làm giảm quá trình chuyển hóa mỡ trong cơ thể, dẫn đến tích tụ cholesterol xấu (LDL). Tác động của ánh sáng mặt trời Vào mùa đông, thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời giảm. Việc này làm giảm sản xuất vitamin D, một chất có vai trò điều chỉnh mức cholesterol trong máu. Sự thay đổi sinh lý trong cơ thể Cơ thể có xu hướng tích trữ năng lượng và chất béo nhiều hơn vào mùa đông như một cách tự nhiên bảo vệ cơ thể chống lạnh. Điều này có thể là tăng nồng độ cholesterol trong máu. Ảnh hưởng của hormon Mùa đông có thể gây ra sự thay đổi hormon, như cortisol (liên quan đến stress) thường tăng cao hơn. Điều này có thể làm tăng cholesterol, đặc biệt là cholesterol xấu (LDL). CÁCH KIỂM SOÁT CÁC CHỈ SỐ MỠ MÁU Nguyên nhân khiến bạn bị mỡ máu cao là do: chế độ ăn nhiều chất béo như thịt mỡ, da động vật, đồ chiên rán… Người thừa cân, béo phì, thường xuyên sử dụng các chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá. Người mắc bệnh lý như tiểu đường, suy thận, suy gan, nhiễm trùng, viêm ruột, hội chứng Cushing… Để kiểm soát bệnh mỡ máu, bạn có thể tham khảo những cách dưới đây: Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý. Giảm chất béo bão hòa, tăng cường tỷ lệ các loại rau xanh, củ quả, trái cây tươi, thực phẩm giàu omega 3, hạn chế ăn mỡ động vật, nội tạng động vật. Hạnh nhân, hạt điều, óc chó, đậu phộng, hạt chia cung cấp acid béo omega 3 - cùng các dưỡng chất giúp giảm cholesterol xấu và chất béo trung tính trong máu. Vận động thể chất mỗi ngày, điều độ giảm nồng độ cholesterol xấu trong máu, tăng HDL - C, giảm nguy cơ mắc mỡ máu và một số bệnh lý khác. Tập thể dục có thể cải thiện chỉ số cholesterol. Hoạt động thể chất vừa phải có thể giúp tăng lượng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL), còn được gọi là cholesterol tốt. Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ lần và năm lần/ tuần. Hoặc tập aerobic trong 20 phút/ lần và ba lần trên 1 tuần. Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá. Giảm cân. Tìm cách kết hợp nhiều hoạt động hơn và thói quen sinh hoạt hằng ngày của bạn.
Th 01
Thiếu hụt một số loại vitamin thiết yếu, không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính mà còn có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài ở trẻ. Vậy đó là loại vitamin nào và cách nhận biết thiếu hụt ra sao? 1.VITAMIN D CẦN THIẾT CHO SỨC KHỎE XƯƠNG Vitamin D là một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu đối với sự tăng trưởng và hệ thống miễn dịch của trẻ. Loại vi chất này tạo điều kiện cho cơ thể dễ dàng hấp thu canxi, đóng vai trò tăng cường sự phát triển xương chắc khỏe. Tình trạng thiếu hụt vitamin D phần lớn thường gặp ở trẻ em dành thời gian nhiều ở trong nhà. Cha mẹ (người chăm sóc) có thể nhận thấy trẻ bị thiếu vitamin D thông qua các đặc điểm bao gồm: đau xương, yếu cơ hoặc thậm chí là chậm phát triển và tăng trưởng. Nếu trẻ thường xuyên bị ốm hoặc dễ bị nhiễm trùng, có thể là dấu hiệu cho thấy bé có thể không nhận đủ vitamin D. Các nguồn cung cấp lượng vitamin D tốt bao gồm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, các loại thực phẩm như sữa tăng cường, trứng… Ở một số trẻ, thực phẩm bổ sung có thể là cách tốt nhất để đảm bảo trẻ nhận đủ lượng vitamin D. 2.VITAMIN A QUAN TRỌNG VỚI THỊ LỰC VÀ LÀN DA KHỎE MẠNH Vitamin A đóng vai trò quan trọng với thị lực, làn da và chức năng miễn dịch khỏe mạnh. Thiếu hụt vi chất này có thể gây tình trạng quáng gà, da khô và thậm chí là nhiễm trùng tái phát. Nếu trẻ hay phàn nàn về việc khó nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc da khô, thô ráp… rất có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu vitamin A. Nhiều loại thực phẩm có chứa loại vitamin này như cà rốt, khoai lang, rau bina… Nếu tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin A vẫn không đáp ứng được nhu cầu cơ thể, cần phải bổ sung bằng thuốc. Các biểu hiện lâm sàng của tình trạng thiếu vitamin A bao gồm quáng gà, đốm bitot (là sự tích tụ keratin nằm nông ở kết mạc mắt của người), khô và sẹo giác mạc. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra tình trạng mù lòa, ra bệnh tật và tử vong mà trẻ em có thể phòng ngừa được. 3.VITAMIN C TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH Vitamin C là chất chống oxy hóa trong cơ thể giúp chống lại nhiễm trùng, chữa lành vết thương. Thiếu vitamin C có thể biểu hiện bằng chảy nướu răng, da khô hoặc vết thương chậm lành. Trong những trường hợp nghiêm trọng dẫn đến bệnh sorbut, đi kèm với đau khớp, thiếu năng lượng luôn cảm thấy buồn ngủ… Nguồn cung cấp vitamin C tốt bao gồm cam, chanh, bưởi, dâu tây, ớt chuông… Những thực phẩm này sẽ đảm bảo bạn nhận được các chất dinh dưỡng để duy trì tình trạng khỏe mạnh về miễn dịch, ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng thông thường. 4.VITAMIN B12 TỐT CHO CHỨC NĂNG NHẬN THỨC Vitamin B12 rất quan trọng đối với sự phát triển của não và sản xuất các tế bào hồng cầu. Thiếu vitamin B12 dẫn đến các cơn yếu cơ, mệt mỏi, kém tập trung, da nhợt nhạt, thậm chí là các vấn đề về thần kinh. Những người ăn chay và trẻ em có chế độ ăn hạn chế có nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 cao hơn. Thực phẩm giàu vitamin B12 thường là nguồn thịt, sữa và ngũ cốc ăn sáng tăng cường. Nếu trẻ có dấu hiệu mệt mỏi hoặc không tập trung, cần kiểm tra mức vitamin B12 trong cơ thể. 5.FOLATE CẦN THIẾT CHO SỰ PHÁT TRIỂN TẾ BÀO KHỎE MẠNH Folate hay vitamin B9, rất cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng tế bào khỏe mạnh. Thiếu folate gây ra tình trạng chậm phát triển, mệt mỏi và cáu kỉnh. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời kỳ tăng trưởng nhanh, chẳng hạn như thời kỳ trẻ sơ sinh và thanh thiếu niên. Các loại thực phẩm như rau lá xanh, đậu, ngũ cốc tăng cường là nguồn cung cấp folate tốt. Nghiên cứu từ Viện Y Tế quốc gia liên kết tình trạng thiếu folate với tình trạng chậm phát triển và tăng nguy cơ thiếu máu ở trẻ em.
Th 01
Đái tháo đường thai kỳ là một bệnh lý thuộc về rối loạn chuyển hóa của cơ thể, khiến cho nồng độ đường trong máu tăng cao trong thời kỳ mang thai. Khoảng 10% thai phụ gặp phải tình trạng này. Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến kết cục xấu cho cả mẹ và thai nhi. Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường biến mất sau khi sinh, tuy nhiên nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và con. VÌ SAO PHỤ NỮ MANG THAI DỄ BỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ? Đái tháo đường thai kỳ khi có thai ngày càng gia tăng, nhất là ở những thai phụ có yếu tố nguy cơ như: cha mẹ, anh em có người bị tiểu đường, thai kỳ lần trước bị thai lưu, thai dị tật, con to hoặc ở những người có lối sống ít vận động, béo phì, cao huyết áp. Đái tháo đường thai kỳ được chia làm 2 loại: Đái tháo đường thai kỳ A1: đường huyết được kiểm soát bằng các phương pháp không dùng thuốc. Đái tháo đường thai kỳ A2: phải sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết. Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng. Hầu hết phát hiện bệnh nhờ đánh giá yếu tố nguy cơ và khám định kỳ. Có thể nghi ngờ mắc đái tháo đường nếu xuất hiện một số dấu hiệu như: thường xuyên cảm thấy khát nước, tiểu nhiều hơn và ăn nhiều hơn bình thường. Bình thường khi ăn tuyến tụy sẽ tiết ra insulin, một hormone giúp vận chuyển glucose vào trong tế bào và sử dụng nó để tạo năng lượng cho cơ thể. Khi đó chỉ số đường huyết lúc đói và đường huyết sau ăn được điều hòa ổn định, không tăng quá cao và không giảm quá thấp. Trong thời kỳ mang thai thì bánh nhau sản xuất ra một số hormone gây tăng lượng đường trong máu. Thông thường tuyến tụy của bạn có thể tiết ra đủ insulin để xử lý nó. Nhưng nếu tuyến tụy không thể tạo ra đủ insulin hoặc cơ thể bạn có sự đề kháng với insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng lên. Tình trạng đó được gọi là đái tháo đường thai kỳ. ĐÁI THÁO ĐƯỜNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN THAI KỲ NHƯ THẾ NÀO? Thông thường thai nhi có thể phát triển khỏe mạnh nếu tình trạng đái tháo đường thai kỳ được điều trị và đường huyết được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt đường huyết, thai kỳ có nguy cơ gặp một số kết cục xấu như sảy thai, sinh non, thai dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, đa ối, thai to hoặc thai chậm tăng trưởng. Mẹ bầu cũng làm tăng nguy cơ mắc phải tiền sản giật, mổ lấy thai. Sau khi sinh trẻ thì có nguy cơ hạ đường huyết, vàng da. Nguy cơ suy hô hấp sau sinh cũng tăng lên ở những trẻ mẹ bị đái tháo đường thai kỳ. Trong tương lai cả mẹ và trẻ đều tăng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ type 2. LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT MÌNH BỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ? Muốn biết mình có bị đái tháo đường thai kỳ hay không, nhất là các thai phụ có nguy cơ cao, thì nên tầm soát đái tháo đường ngay trong thời kỳ mang thai. Nếu xác định bị mắc đái tháo đường thai kỳ thì thai phụ cần được điều trị sớm. Mục tiêu của việc điều trị là ổn định đường huyết, từ đó giảm tối đa nguy cơ mắc phải các biến chứng xấu cho thai kỳ như sảy thai, sinh non, thai chết lưu, thai dị tật bẩm sinh, đa ối, thai to hoặc thai chậm tăng trưởng… Thai phụ cần áp dụng chế độ ăn giảm carbohydrate, tập các bài tập thể dục vận động phù hợp và tự kiểm tra đường huyết mỗi ngày. Nếu đường huyết vẫn cao sau khi đã áp dụng một chế độ ăn và vận động phù hợp, thai phụ sẽ được tiếp tục điều trị bằng thuốc tiêm insulin như một biện pháp điều trị phối hợp. Thai phụ cần chú ý đến chế độ ăn khỏe mạnh và ít đường, cụ thể chia nhỏ các bữa ăn mỗi ngày thành 3 bữa chính cùng với 2-3 bữa ăn nhẹ vào cùng một thời điểm trong ngày. Chế độ ăn tăng cường thực phẩm như bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, gạo lứt, yến mạch, các loại rau, củ quả và trái cây. Bạn cần hấp thu khoảng 20-35gram chất xơ mỗi ngày. Thay vì các bữa ăn nhẹ có đường như bánh quy, bánh ngọt và bánh kem, bạn hãy thay đổi bằng các loại trái cây, thêm rau và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời lưu ý khối lượng ở mỗi khẩu phần ăn. Hạn chế hấp thu chất béo xuống dưới 40% lượng calo mỗi ngày. Chất béo bão hòa nên ít hơn 10% tổng số chất béo bạn ăn. Nên ăn đa dạng thực phẩm đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất cần thiết.