CÔNG TY CỔ PHẦN QUỐC TẾ DƯỢC PHẨM HADU

10

Th 02

NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH SỐT VIRUS

NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH SỐT VIRUS

  • admin
  • 0 bình luận

Sốt virus là một căn bệnh khá phổ biến ở cả người lớn và trẻ em, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường nhằm tạo điều kiện cho virus phát triển và gây bệnh. 

Sốt virus là tình trạng thân nhiệt tăng lên do nhiễm virus. Sốt virus là biểu hiện sốt cao trên 38 độ C kèm theo nhiều triệu chứng khác nhau như tiêu chảy, phát ban, đau đầu,...tùy thuộc vào loại virus gây bệnh. Sốt virus có lây lan hay không cũng tùy thuộc vào loại virus người bệnh đang mắc, có những bệnh sốt virus tự giới hạn, không nguy hiểm nhưng có những virus lây lan nhanh và thậm chí có thể gây thành dịch. 

Hãy cùng Hadu tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này và hướng dẫn phòng bệnh sốt virus nhé!

Bệnh sốt virus khá phổ biến ở cả người lớn và trẻ em

I.SỐT VIRUS LÀ GÌ?

Sốt virus còn được gọi với tên khác là sốt siêu vi là một tình trạng tăng thân nhiệt bệnh lý do tác dụng của các virus (hay còn gọi là siêu vi) gây sốt làm rối loạn trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi khiến thân nhiệt phải tăng đến một điểm định nhiệt mới.

Sốt virus ở trẻ em và người lớn tuổi thường gặp hơn cả do hệ miễn dịch yếu. Sốt virus là một loại bệnh cấp tính, hiện tại, chưa có sự đồng thuận quốc tế về mốc thời gian của sốt cấp tính là bao lâu. Người ta chỉ định nghĩa sốt chưa rõ nguyên nhân ra đời với thời gian sốt trên 3 tuần nên từ cơ sở có một số tác giả định nghĩa sốt cấp tính là sốt kéo dài dưới 3 tuần. Tuy nhiên, cũng có vài tác giả định nghĩa sốt cấp tính là dưới 2 tuần hoặc ngắn hơn.

II.BIỂU HIỆN SỐT VIRUS

Biểu hiện sốt virus ở trẻ em:

  • Trẻ thường bị sốt cao từ 38-39 độ C, thậm chí có trường hợp sốt cao lên tới 40-41 độ C. Lúc đang sốt cao trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại hạ sốt thông thường. Khi hạ sốt trẻ lại tỉnh táo và chơi đùa bình thường. 
  • Trẻ bị đau mình mẩy, với trẻ lớn sẽ kêu đau cơ bắp, đau khắp mình. Với những trẻ nhỏ, chưa biết nói, trẻ sẽ có nhiều biểu hiện quấy khóc, bỏ bú.
  • Trẻ bị đau đầu, có một số trẻ bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không bị kích thích.
  • Ngoài ra, trẻ có các triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, chán ăn…

Biểu hiện sốt virus ở trẻ em

Biểu hiện sốt virus ở người lớn:

  • Sốt cao
  • Đau đầu: đây là biểu hiện thường gặp của sốt virus, bệnh nhân thường có dấu hiệu nhức đầu dữ dội.
  • Viêm đường hô hấp: kèm theo sốt và đau đầu là các biểu hiện của viêm đường hô hấp như viêm họng (họng bị sưng tấy, đỏ), rát họng, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi… Người bệnh có biểu hiện đỏ mắt, chảy nước mắt.
  • Da nổi mẩn: thường xuất hiện sau 2-3 ngày khi sốt virus, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt vì bệnh đã qua thời kỳ ủ bệnh và phát bệnh.
  • Đau nhức mình mẩy: người bệnh đau nhức khắp người, đặc biệt là đau nhức ở cơ bắp. Những cơn đau này thường khiến bệnh nhân mệt mỏi không làm được việc.
  • Rối loạn tiêu hóa: biểu hiện này thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt virus do virus đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là đại tiện lỏng (tiêu chảy), không có máu, chất nhầy.
  • Ngoài ra người bệnh có thể buồn nôn, nôn, xuất hiện hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau, có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy…

Sốt virus ở người lớn

III.NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA SỐT VIRUS

Sốt virus ở trẻ em thường không nguy hiểm, khi được điều trị tích cực, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm.

Tuy nhiên diễn biến của bệnh sốt virus nhanh, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, hoàn toàn có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Ở người trưởng thành, với hệ miễn dịch khỏe mạnh, thì bệnh sốt virus không quá nguy hiểm, bệnh tự diễn biến và khỏi hẳn sau khoảng 5-7 ngày. Muộn nhất bệnh tự khỏi sau khi mắc khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, nếu thấy bệnh kéo dài, diễn biến nặng thì sớm tới khám, điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng xảy ra.

Sốt virus có thể gây những biến chứng nguy hiểm như:

1.Viêm thanh quản

Thanh quản bị viêm sưng phù, chèn hẹp thanh quản. Người bệnh có triệu chứng thở rít, khó thở, thậm chí thiếu oxy cần can thiệp hỗ trợ thở.

2.Viêm phổi

Đây là biến chứng nặng của sốt virus, đồng thời bệnh cũng dễ dàng lây  nhiễm cho cộng đồng hơn.

3.Viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim

Nhiều người bệnh đã hết sốt, nhưng cơ thể vẫn còn mệt mỏi, đặc biệt có thể bị viêm cơ tim, làm xuất hiện cơn đau ở tim, nhịp tim đập loạn, có thể ngừng tim gây ngất.

4.Biến chứng não

Sốt virus có thể diễn tiến gây biến chứng não, co giật, hôn mê sâu. Nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn tới tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn.

IV.LÀM GÌ KHI BỊ SỐT VIRUS

Hầu hết bệnh nhân sốt virus chỉ cần điều trị triệu chứng. Cơ thể sẽ loại trừ virus trong vài ngày và bệnh tự giới hạn nếu được điều trị đúng cách và đầy đủ.

Cần nghỉ ngơi hợp lý, hoạt động vận động thể lực ở mức vừa phải, không quá sức.

Làm gì khi bị sốt virus

Có thể sử dụng một số thuốc điều trị triệu chứng để giảm bớt khó chịu cho người bệnh:

  • Thuốc hạ sốt
  • Thuốc kháng histamin để điều trị nghẹt mũi
  • Thuốc điều trị ho
  • Thuốc kháng viêm dùng để giảm viêm và phù nề đường hô hấp
  • Biện pháp vật lý: làm ẩm không khí, cởi bỏ quần áo, lau người bằng nước mát,...
  • Tùy thuộc vào loại virus gây bệnh sốt virus mà ta có thể sử dụng một số loại thuốc kháng virus để điều trị bệnh.
  • Kháng sinh không có tác dụng diệt virus nên không được sử dụng. Chính vì vậy khi sốt không nên tự ý mua thuốc kháng sinh ở các nhà thuốc tây để sử dụng vì việc sử dụng kháng sinh vừa không giúp diệt được virus, vừa liên quan đến một số tác dụng không mong muốn và có thể thúc đẩy đề kháng kháng sinh và nhiễm khuẩn thứ phát, nên kháng sinh cần được sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ.

Sốt virus nên ăn gì?

Một chế độ ăn uống dành cho bệnh nhân sốt virus:

  • Không nên ép người bệnh ăn mà nên để người bệnh ăn theo nhu cầu. Thức ăn phù hợp và tốt cho người bị sốt virus là cháo loãng, các loại thức ăn lỏng và dễ tiêu hóa như bún, phở, súp, oresol, các loại nước từ trái cây như cam, quýt, táo, lê…vừa bổ sung vitamin và nước, vừa giúp giải nhiệt. Không nên ăn đồ lạnh hoặc uống nước đá.
  • Không ăn đồ ăn có tính cay nóng như ớt, hạt tiêu, gừng… vì chúng làm tăng nhiệt độ cơ thể 
  • Không ăn đồ ăn có chứa nhiều chất đạm do chứa nhiều protein gây khó tiêu, không tốt cho hệ tiêu hóa như trứng gà… Cơ thể khi chuyển hóa protein sẽ tỏa ra rất nhiều nhiệt lượng, làm tăng nhiệt độ cơ thể.
  • Không nên ăn đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ.
  • Không nên ăn đồ ăn lạnh hoặc uống nước đá.

Hy vọng bài viết vừa rồi của Hadu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh sốt virus và cách phòng tránh.

Đừng quên theo dõi Website Hadu để cập nhật thêm nhiều tin tức Y Dược mới nhất nhé!

 

Viết bình luận của bạn:

Đối tác chiến lược

Hotline 1900 633 486
popup

Số lượng:

Tổng tiền: