Cao huyết áp còn gọi là tăng huyết áp, lên tăng-xông, là bệnh lí mạn tính trong đó áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa trong cộng đồng.
Chỉ số huyết áp bao nhiêu là cao?
Theo tổ chức Y tế thế giới và Hội tăng huyết áp quốc tế đã thống nhất quy định khi huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg gọi là tăng huyết áp.
Nhận biết triệu chứng cao huyết áp?
Triệu chứng thường gặp của cao huyết áp thường diễn biến thầm lặng, ít khi biểu hiện rõ ràng nhưng những biến chứng mà nó gây ra thì rất nặng nề.
Một số trường hợp có thể có các triệu chứng cao huyết áp thoáng qua như nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ nhẹ,...Một số bệnh nhân khác có biểu hiện tăng huyết áp dữ dội hơn như đau thắt ngực, thở gấp, mặt đỏ bừng, da tái xanh, nôn ói, hồi hộp, đánh trống ngực, hoảng hốt, rối loạn thị giác, giảm thị lực.
Hướng dẫn đo huyết áp đúng cách
- Ngồi nghỉ trước khi đo ít nhất 5-10 phút, trong phòng yên tĩnh
- Không dùng chất kích thích trước 2 giờ
- Quấn bao phía trên nếp gấp khuỷu 2cm, đảm bảo ngang mức với tim
- Nghỉ ít nhất 30 giây trước khi đo lại cùng bên
- Đo ít nhất hai lần
- Nếu chênh lệch giữa hai lần đo đầu lớn hơn 10 mmHg
- Đo huyết áp ở hai tay và lấy trị số cao hơn, ghi lại nhịp tim
- Có thể đo huyết áp ở các tư thế nằm, ngồi, đứng. Đối với người già và đái tháo đường đo huyết áp ở cả thể đứng để xác định hạ huyết áp tư thế.
Người bị cao huyết áp nên ăn gì?
Việc điều trị tăng huyết áp cần lâu dài, liên tục, thậm chí suốt đời. Chế độ ăn hợp lý luôn luôn cần thiết và đặc biệt quan trọng đối với người cao huyết áp, đảm bảo đủ K+, Mg++, Ca++, giảm muối (6g NaCl/ngày), thêm rau xanh, hoa quả tươi, ăn nhiều chất xơ và protein thực vật, ít béo, hạn chế thức ăn nhiều cholesterol và acid béo no.
Rau xanh
Ngoài bổ sung chất xơ, rau xanh giàu kali sẽ giúp cơ thể trung hòa natri và loại bỏ được natri trong thận thông qua đường nước tiểu.
Các loại rau chứa hàm lượng kali cao như rau diếp, xà lách, cải xoăn, rau chân vịt,…
Các loại quả mọng
Nghiên cứu cho thấy flavonoid có thể giúp ngăn ngừa cao huyết áp hiệu quả. Các loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi, đặc biệt là việt quất nên được bổ sung vào thực đơn hàng ngày.
Chuối
Giống như các loại rau lá xanh, chuối cũng rất giàu kali, có tác dụng hiệu quả để đào thải muối trong nước tiểu ra ngoài. Bạn có thể kết hợp yến mạch và chuối cho bữa sáng để bổ sung kali cho cơ thể. Nếu có một buổi sáng vội vã, bạn có thể ăn một trái chuối và một quả trứng, bao nhiêu đó thôi cũng đủ cho một bữa sáng dinh dưỡng.
Nếu muốn cung cấp kali cho cơ thể, bạn không thể bỏ qua quả chuối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn các loại thực phẩm giàu kali tự nhiên như chuối sẽ tốt hơn nhiều so với những thực phẩm chức năng.
Khoai tây
Khoai tây có chứa hai loại khoáng chất là kali và magiê giúp hạ huyết áp. Ngoài ra, trong khoai tây giàu chất xơ rất cần trong khẩu phần mỗi bữa ăn của gia đình bạn.
Củ dền
Thành phần oxit nitric trong củ dền giúp mở các mạch máu và giảm huyết áp. Trong một nghiên cứu khác, các chuyên gia cũng nhận thấy chất nitrat trong nước ép củ dền làm giảm huyết áp của những người tham gia nghiên cứu trong vòng 24 giờ.
Sữa chua, sữa không đường
Giàu canxi và ít chất béo là 2 nhân tố quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của người cao huyết áp.
Sữa không đường là một nguồn dinh dưỡng vô cùng tuyệt vời trong việc cung cấp canxi, ít chất béo rất cần thiết trong khẩu phần ăn hàng ngày và rất hữu ích trong hạ huyết áp.
Thay vì ăn các loại sữa có hàm lượng chất béo cao thì bạn nên ăn những loại sữa ít chất béo như các loại sữa chua.
Yến mạch và các loại hạt
Thực đơn của người cao huyết áp chắn chắn sẽ không thể thiếu yến mạch với hàm lượng chất xơ cao, ít chất béo và muối. Ăn bột yến mạch cho bữa ăn sáng là một cách tuyệt vời để tiếp nhiên liệu cho ngày mới.
Ngoài kali, các loại hạt còn chứa magiê và nhiều khoáng chất khác cũng có tác dụng hạ huyết áp. Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn các loại hạt tươi hoặc chưa được tẩm muối. Hạt hướng dương, hạt dẻ, quả óc chó, hạt bí có thể dùng như một bữa nhẹ dinh dưỡng.
Bên cạnh chế độ ăn hợp lý cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ, giảm cân và duy trì cân nặng phù hợp, hạn chế uống rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, tăng cường các hoạt động thể lực (tập thể dục, chạy bộ, vận động ở mức độ vừa), luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, chú ý nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc. Một lối sống lành mạnh, khoa học cũng là bí quyết giúp ngăn ngừa, đẩy lùi cao huyết áp.