Dạng thuốc tiêm không có gì xa lạ, ngay từ khi còn nhỏ mỗi chúng ta đã tiếp xúc với dạng thuốc này thông qua việc tiêm vaccine phòng bệnh, tiêm kháng sinh,...Đây là dạng thuốc đưa trực tiếp vào các mô cơ thể do đó sản xuất và sử dụng thuốc tiêm đòi hỏi tính an toàn rất cao.
Hãy cùng Hadupharma tìm hiểu xem thuốc tiêm được định nghĩa như thế nào, ưu nhược điểm của dạng thuốc này là gì và có bao nhiêu đường tiêm thuốc nhé.
Khái niệm thuốc tiêm
Thuốc tiêm là một dạng thuốc vô trùng được sử dụng bằng cách tiêm vào các mô cơ thể theo các con đường khác nhau.
Do tính chất của đường dùng, nên để sản xuất thuốc tiêm đòi hỏi các yêu cầu rất cao về nghiên cứu thiết kế công thức, nhà xưởng, thiết bị sản xuất và đảm bảo chất lượng.
Thuốc tiêm được sản xuất từ các thành phần được nghiên cứu và chọn lựa kỹ càng, trên cơ sở các yếu tố sau:
1. Đường tiêm sử dụng
2. Thể tích tiêm
3. Dung môi hòa tan dược chất
4. Áp suất thẩm thấu của dung dịch
5. Chất bảo quản sử dụng
6. pH của dung dịch
7. Độ ổn định của dược chất và phương pháp tiệt khuẩn
8. Tỷ trọng của dung dịch
9. Các đặc tính phân tán của hệ (với dạng hỗn dịch và nhũ tương)
10. Yêu cầu về độ trong của dung dịch
11. Đặc tính về sinh dược học của dạng thuốc
12. Bao bì đóng gói
Thuốc tiêm có nhiều dạng bào chế khác nhau (dung dịch – trong nước hoặc trong dầu, hỗn dịch trong nước hoặc dầu, nhũ tương – dầu/nước hoặc nước/dầu, bột pha tiêm).
Về mặt thể chất, dược chất thường có dạng rắn hoặc lỏng vì thế thuốc tiêm thường là các dung dịch loại rắn/lỏng hoặc lỏng/lỏng, tuy nhiên do khí nitơ hay được sử dụng để bảo quản dung dịch thuốc tiêm nên cũng cần chú ý đến loại dung dịch khí/lỏng.
Bên cạnh đó, dạng thuốc tiêm cũng có những đặc tính của các loại dung dịch nói chung như: tính đẳng chương, độ nhớt dung dịch, tỷ trọng, sức căng bề mặt.
Thuốc tiêm có ưu nhược điểm gì?
Ưu điểm của thuốc tiêm
Do thuốc tiêm được sử dụng bằng cách đưa trực tiếp vào các mô của cơ thể nên dạng bào chế này có nhiều ưu điểm mà các dạng thuốc khác không có được như:
- Cho tác dụng nhanh
- Là đường dùng thuận lợi để bào chế dạng thuốc có tác dụng kéo dài
- Đường dùng thuận lợi cho mục đích nuôi dưỡng
- Thay thế đường uống trong các trường hợp cần thiết
Nhược điểm của thuốc tiêm
Bên cạnh những ưu điểm trên thì thuốc tiêm có một số nhược điểm như:
- Gây đau khi tiêm
- Cần có dụng cụ đặc biệt để đưa thuốc vào cơ thể: bơm kim tiêm,..
- Khó khăn khi dùng thuốc, người bệnh không tự sử dụng được mà cần có cán bộ chuyên môn và cần được giám sát chặt chẽ trong quá trình sử dụng
- Kỹ thuật sản xuất khó do yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng
Các đường tiêm thuốc
- Tiêm tĩnh mạch (phổ biến)
- Tiêm động mạch
- Tiêm bắp
- Tiêm dưới da
- Tiêm trong da
- Tiêm vào mắt
- Tiêm vào khớp hoặc túi bao khớp
- Tiêm trực tiếp vào cơ tim
- Tiêm vào dịch não tủy
Tùy theo mục đích điều trị, thuốc được tiêm vào cơ thể theo các đường tiêm khác nhau. Đối với mỗi đường tiêm, cơ thể chỉ dung nạp được một thể tích thuốc nhất định cho mỗi lần tiêm. Hơn nữa, các đường tiêm thuốc khác nhau có yêu cầu về độ đẳng trương, chất gây sốt, độ trong, các chất (ngoài dược chất) được thêm vào trong công thức thuốc rất khác nhau… Do vậy, nhà bào chế cần phải biết được yêu cầu, đặc điểm của từng đường tiêm thuốc để vận dụng khi nghiên cứu xây dựng công thức, trong sản xuất, cũng như hướng dẫn sử dụng các chế phẩm thuốc tiêm một cách có hiệu quả và an toàn nhất.