Viêm da mủ là bệnh da liễu thường gặp vào mùa hè nóng nực, mồ hôi, chất bã nhờn hoạt động mạnh. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, độ tuổi. Vậy làm thế nào để phòng tránh bệnh viêm da mủ là băn khoăn của nhiều người.
Bài viết sau đây Hadu sẽ chia sẻ cùng bạn về cách phòng tránh căn bệnh này!
1.CÁC LOẠI VIÊM DA MỦ
Bệnh viêm da mủ được chia làm 2 nhóm: bệnh do tụ cầu khuẩn và do liên cầu khuẩn gây nên.
VIÊM DA MỦ DO TỤ CẦU KHUẨN
Tụ cầu khuẩn thường gây tổn thương ở nang lông. Có những thể bệnh chính sau:
Viêm nang lông nông, sâu: biểu hiện ban đầu là lỗ chân lông hơi sưng đỏ, sau đó thành mụn mủ nhỏ như đầu đinh ghim, ở quanh chân lông có quầng đỏ. Vài ngày sau mụn mủ khô đi để lại vảy tiết màu nâu, sau cùng vảy bong đi không để lại sẹo. Vị trí hay gặp ở lông nách, lông mu, đầu, râu.
Khi bị viêm nang lông sâu thì tổn thương lan sâu hơn dưới da làm vùng da quanh nang lông bị nhiễm cộm lên và tạo thành túi mủ. Mụn mủ không bị vỡ mà xẹp đi đóng vảy tiết, vảy tiết bong để lại sẹo lõm. Viêm nang lông sâu ở vùng cằm, gáy, vùng da đầu tiến triển dai dẳng, hay tái phát.
Nhọt: cũng là một tình trạng viêm nang lông. Nếu nhọt to, số lượng nhiều có thể kèm theo sốt, hạch bạch huyết sưng đau. Nặng hơn quanh nhọt tím, có nhiều mủ, nhiều ngòi. Khi vỡ mủ thoát ra ngoài qua các lỗ chân lông lỗ chỗ như tổ ong, sau khỏi để lại sẹo xấu. Thương tổn da đau nhức rất nhiều. Bệnh thường tiến triển dai dẳng, hay tái phát, nhất là về mùa hè.
VIÊM DA MỦ DO LIÊN CẦU KHUẨN
Chốc lây: Do tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn phối hợp gây bệnh. Trẻ em hay mắc bệnh hơn người lớn. Vị trí hay gặp là đầu, cổ, chân tay. Bệnh rất dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác, nên có thể thành dịch ở nhà trẻ, trường học.
Ở trẻ em, chốc đầu tạo thành từng đám vẩy vàng sâu dính bết tóc, dưới lớp vảy, da trợt đỏ, rớm dịch. Hạch ở vùng lân cận thường sưng đau. Bệnh có thể gây biến chứng viêm cầu thận cấp biểu hiện bằng phù, tiểu ít, xét nghiệm có protein niệu.
Bệnh viêm da mủ
Chốc loét: Là một loại chốc, nhưng tổn thương lan sâu đến trung bì. Thường gặp chốc loét ở bệnh nhân suy dinh dưỡng đang có bệnh đái tháo đường hoặc nghiện rượu.
Vị trí: hay gặp ở cẳng chân, cổ chân, nhất là ở chân có giãn tĩnh mạch. Bệnh bắt đầu như chốc lây bằng một phỏng nước hoặc một phỏng mủ. Da xung quanh vết loét tím tái, tiến triển dai dẳng, lâu liền sẹo.
Hăm kẽ: thường gặp ở trẻ em mập mạp hoặc ở người lớn béo phì, ra mồ hôi nhiều. Hăm kẽ thường thấy ở nếp cổ, kẽ bẹn, kẽ mông, kẽ sau tai, rốn. Tổn thương là các đám đỏ, trợt, rớm dịch, phía ngoài thường có viền róc da mỏng, đau rát.
2.PHÒNG TRÁNH BỆNH VIÊM DA MỦ
- Chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ hằng ngày
- Lựa chọn loại xà phòng tắm, dầu gội phù hợp với làn da của bạn, đặc biệt là trẻ nhỏ hay mắc các bệnh viêm da mủ như chốc lở, hăm kẽ, … cần dùng đúng loại sữa tắm phù hợp, tránh kích ứng da trẻ.
- Tránh kỳ cọ, chà xát mạnh vào da khiến da bị trầy xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ, sinh trưởng và phát triển gây bệnh.
- Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh
- Hạn chế ăn ngọt như nước đường, bánh kẹo.
- Tránh uống nhiều rượu, bia.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao nhằm tăng cường sức khỏe.