Th 06
Cách tăng chất lượng sữa mẹ như thế nào để sở hữu nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất nhất cho bé? Khoa học đã chứng minh trong sữa mẹ có nhiều dưỡng chất, vi chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển thể lực và trí não toàn diện. Chính vì thế, bài viết này của HADU PHARMA sẽ giúp mẹ nắm được phương pháp tăng chất lượng sữa mẹ hiệu quả. Với những phương pháp này, bé nhà bạn sẽ chóng lớn, tăng cân, khỏe mạnh, và thông minh hơn. 1.SỰ THẬT VỀ CHẤT LƯỢNG SỮA MẸ Sữa mẹ là thức ăn, nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng và lượng lớn kháng thể giúp tăng cường sức khỏe cho trẻ. Nhưng không nhiều mẹ biết rằng, sữa mẹ thường thiếu một số chất dinh dưỡng quan trọng tùy thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của người mẹ. Các thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ bắt nguồn từ cách tổng hợp trong tế bào sữa, một số có nguồn gốc từ thực phẩm và một số khác bắt nguồn từ dự trữ của mẹ. Nhìn chung, chất lượng dinh dưỡng của sữa mẹ được bảo tồn cao, nhưng việc đáng chú ý là chế độ ăn của bà mẹ rất quan trọng đối với một số vitamin và thành phần axit béo trong sữa mẹ. Chế độ dinh dưỡng của mẹ sẽ được truyền trực tiếp sang cho bé. Một chế độ dinh dưỡng khoa học không những giúp mẹ có được sức khỏe tốt, mà còn giúp bé phát triển toàn diện hơn. Đồng hồ sinh hoạt của mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Người mẹ thường xuyên bị mất ngủ, không ngủ được hay có thời gian ngủ thất thường sẽ dẫn đến tình trạng giảm lượng sữa, tắc sữa, hay chất lượng sữa mẹ bị kém đi. Tin vui là mẹ hoàn toàn có khả năng nâng cao chất lượng sữa mẹ của mình. Để làm được điều này, mẹ cần chủ động điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, kết hợp xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh để đảm bảo sữa mẹ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng quan trọng cho đứa con cưng của mình. 2.SỮA MẸ THƯỜNG BỊ THIẾU HỤT NHỮNG LOẠI CHẤT DINH DƯỠNG NÀO? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sữa mẹ có một số thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất định. Ngay ở các nước phát triển và tiến bộ, sữa mẹ được phát hiện là thiếu vitamin D, i ốt và sắt, vitamin K, vitamin B1. Dưới đây là danh sách những loại chất dinh dưỡng thường bị thiếu hụt trong sữa mẹ: VITAMIN D Vitamin D được biết là hỗ trợ cho hệ xương của trẻ sơ sinh, nó giúp cho hệ xương phát triển khỏe mạnh. Một số trường hợp thiếu hụt vitamin D có thể làm nguy cơ trẻ bị còi xương tăng lên hay gặp những tình trạng như xương biến dạng, suy yếu. Hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ của mỗi người mẹ là khác nhau. Nhưng nhìn chung thì trung bình sữa mẹ chứa ít hơn 50IU vitamin D trên mỗi lít sữa. Trong đó, hàm lượng vitamin D được khuyên đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ là 400-600IU mỗi ngày. Mẹ có thể tăng lượng vitamin D trong sữa mẹ bằng cách sử dụng những loại thực phẩm như: cá, phô mai, lòng đỏ trứng hay nước cam. Bên cạnh đó, cho trẻ tắm nắng sớm cũng là một cách hấp thụ lượng vitamin D cho cơ thể trẻ. CHẤT SẮT Sắt giúp hỗ trợ cho hệ thần kinh của trẻ phát triển. Sắt còn hỗ trợ sản sinh hemoglobin, một loại protein có trong các tế bào hồng cầu nhằm đưa oxy đến các cơ quan trong cơ thể của bé. Nếu thiếu hụt hemoglobin, oxy không dễ dàng di chuyển đến các bộ phận, các tế bào hồng cầu bị nhỏ lại và nhợt nhạt. Thiếu sắt còn dẫn đến thiếu máu ở trẻ. Đa phần các bé sẽ có đủ lượng sắt dự trữ trong cơ thể trong 4 tháng đầu đời. Lượng sắt này sẽ giảm dần nếu như mẹ không bổ sung đủ lượng sắt cho trẻ. Sữa mẹ tự nhiên chỉ chứa một hàm lượng sắt rất nhỏ, không đủ để cung cấp cho trẻ. Hàm lượng chuẩn là trẻ em nên được bổ sung 1mg sắt trên mỗi 1kg cân nặng của chúng. Mẹ có thể sử dụng những thực phẩm giàu sắt như: thịt (bò, cừu, heo), trứng, ngũ cốc, hạt đậu gà, cải bó xôi, bông cải xanh… Thêm những thực phẩm này vào đơn hằng ngày để tăng chất lượng sữa mẹ nhé. I ỐT I ốt đóng vai trò hỗ trợ việc tạo thành và quản lý các hormone tuyến giáp thích hợp. Chúng còn giúp trẻ phát triển nhận thức và thông minh hơn. Trẻ bị thiếu i ốt có thể chậm phát triển nhận thức và trí não. Sữa mẹ chỉ chứa khoảng 11mcg hàm lượng i ốt, đây là một con số khá nhỏ so với hàm lượng trẻ cần mỗi ngày. Hàm lượng i ốt yêu cầu có trong sữa mẹ để trẻ có thể phát triển trí thông minh một cách tốt nhất là 290mcg. Mẹ nên bổ sung muối i ốt, cá (đặc biệt là cá tuyết và cá ngừ), rong biển, tôm, chế phẩm từ sữa vào khẩu phần ăn của mình. VITAMIN K Vitamin K là chất dinh dưỡng cần thiết để hạn chế tình trạng máu khó đông, một trong những bệnh lý nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt vitamin K có thể dẫn đến triệu chứng rối loạn hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Đó gọi là chảy máu do thiếu hụt vitamin K, nặng hơn có thể gây ra chảy máu não. Trong sữa mẹ, hàm lượng vitamin K chỉ đạt được khoảng 1-4mg. Trong khi đó, lượng vitamin K khuyến nghị dành cho trẻ là 90mg mỗi ngày. Vitamin K có nhiều trong các loại rau lá xanh (như cải bó xôi, cải cầu vồng, cải xoăn, bắp cải) và trái cây (bơ, kiwi, chuối) cùng dầu đậu nành. VITAMIN B12 Vitamin B12 rất cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của hệ thần kinh và các tế bào hồng cầu. Không chỉ với trẻ nhỏ, người mẹ cũng rất cần có vitamin B12. Sự thiếu hụt này thường gặp ở những bà mẹ bị thiếu máu, đã từng phẫu thuật cắt bỏ dạ dày hay gặp các vấn đề về rối loạn tiêu hóa. Những người có chế độ ăn thuần chay hoặc chế độ ăn ít protein từ thịt động vật. Thiếu hụt vitamin B12 nghiêm trọng ở trẻ có thể khiến trẻ bị thiếu máu, chậm phát triển trí tuệ, thường gặp những vấn đề về da và tóc. Lượng vitamin B12 khuyến nghị sẽ khác nhau ở từng giai đoạn phát triển của trẻ. Trong giai đoạn 6 tháng đầu đời của trẻ, lượng vitamin B12 khuyến nghị mỗi ngày là 0,4mcg. Sau giai đoạn đó, hàm lượng vitamin B12 hằng ngày trẻ cần được bổ sung tăng lên là 2,8mcg. Loại vitamin B12 này có trong các loại thịt, cá, trứng, sữa. Nếu là người ăn chay hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có cách tăng chất lượng sữa mẹ bằng việc sử dụng các loại thuốc bổ sung vitamin B12 phù hợp. KẼM Kẽm đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của các tế bào, giúp các vết thương mau lành và hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Thiếu hụt kẽm khiến cơ thể trẻ giảm khả năng chống lại các nhiễm trùng và các loại bệnh do hệ miễn dịch suy giảm. Một nghiên cứu trên 158 trẻ sơ sinh cho thấy: trẻ bú mẹ hoàn toàn bị thiếu 14,9% kẽm, trẻ bú sữa công thức thiếu 5,3% và 2,9% ở những đứa trẻ bú cả 2 loại. Đối với các bà mẹ đang cho con bú, lượng kẽm nên bổ sung hằng ngày là 12mg. Tuy nhiên không nên vượt quá 40mg hằng ngày. Những thực phẩm chứa kẽm giúp tăng chất lượng sữa mẹ là: thịt đỏ, các loại sò, đậu gà, đậu co-ve, các loại đậu và hạt, phô mai và sữa. CANXI Canxi là một loại khoáng chất rất quan trọng với cấu trúc xương, hỗ trợ chức năng tế bào, cơ và hệ thần kinh. Canxi còn giúp chống đông máu hiệu quả. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh mỗi phụ nữ cho con bú thường bị mất 3% đến 5% khối lượng xương. Tuy nhiên, khối lượng xương đã bị mất đi này sẽ được hồi phục sau khi mẹ cho bé cai sữa. Điều này có thể lý giải là do phát triển, nhu cầu hấp thụ canxi của bé càng cao nên cơ thể mẹ đã trích 1 phần canxi để truyền cho bé. VITAMIN C Vitamin C rất tốt cho hệ miễn dịch và tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Chất chống oxy hóa này góp phần xây dựng collagen và các mô liên kết. Vitamin C góp phần giúp trẻ hấp thu sắt tốt hơn. Lượng vitamin C có trong sữa mẹ sẽ phụ thuộc vào chế độ ăn uống của mẹ. Mẹ có thể cải thiện chất lượng sữa mẹ bằng cách bổ sung nhiều thực phẩm chứa vitamin C chẳng hạn như các loại trái cây (ổi, cam, bưởi, kiwi, dâu tây, đu đủ), ớt chuông, bông cải xanh, cà chua. DHA DHA nổi tiếng bởi công dụng của nó với phát triển trí não của trẻ. Đây là một loại axit béo omega 3 quan trọng đối với trẻ nhỏ. Nó giúp các tế bào thần kinh và thị giác của trẻ phát triển ổn định, toàn diện. Cách tăng chất lượng sữa mẹ chứa DHA là mẹ nên bổ sung các loại cá trong khẩu phần ăn như: cá hồi, cá thu, cá cơm, cá mòi, cá tuyết hay cá trích. VITAMIN A Vitamin A là cái tên cuối cùng trong danh sách những chất dinh dưỡng bị thiếu hụt trong sữa mẹ ngày hôm nay. Đây là một loại vitamin quan trọng đối với sự phát triển thị lực của trẻ. Bên cạnh đó, vitamin A còn hỗ trợ tăng miễn dịch, giúp hệ thần kinh và xương phát triển tốt hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng có đến 60% các bà mẹ có hàm lượng retinol trong sữa mẹ thấp. Và hàm lượng vitamin A này thậm chí còn thấp hơn nữa với các bà mẹ sinh non. Để tăng chất lượng sữa mẹ chứa vitamin A, khẩu phần ăn của mẹ nên bổ sung: cá hồi, gan, sữa chua, rau bina, cà rốt, khoai lang, ớt đỏ. Các loại trái cây như xoài, đu đủ, quả mơ. 3.CÁCH TĂNG CHẤT LƯỢNG SỮA GIÚP CON TĂNG CÂN Chế độ ăn uống và sinh hoạt của mẹ là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Muốn tăng nguồn sữa mẹ một cách tự nhiên ? Đây là những lời khuyên tốt nhất cho cải thiện chất lượng sữa mẹ một cách hiệu quả: CHO BÉ BÚ THƯỜNG XUYÊN VÀ THỜI GIAN CÁCH GIỮA CÁC CỮ BÚ KHÔNG QUÁ XA Một cách để lượng sữa mẹ về thường xuyên đó chính là cho bé bú thường xuyên. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng mẹ nên để bé bú thỏa thích mỗi lần bú, cho bé bú theo nhu cầu của bé và mỗi khi đói. Mẹ không cần tuân theo lịch bú cố định, đặc biệt là trong những tháng đầu đời của trẻ. Hãy tránh khoảng cách giữa các cữ bú quá xa. Nếu cảm thấy bầu sữa vẫn còn sữa nhưng trẻ đã bú no, mẹ có thể hút sữa và cấp đông cho trẻ bú ở những cữ sau. HÃY NHỚ CUNG CẤP ĐỦ LƯỢNG NƯỚC CHO CƠ THỂ Cơ thể người trưởng thành cần ít nhất từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Lượng nước cần cho cơ thể người mẹ đang cho con bú có thể cao hơn, lên đến 3,1 lít mỗi ngày. 90% sữa mẹ là nước, do đó mẹ cần luôn nhớ uống đủ nước để đảm bảo lượng sữa cho con bú. Việc chăm con có thể khiến người mẹ bận rộn và quên đi hay bỏ qua những lần uống nước. Phân khô cứng, nước tiểu sẫm màu hay có mùi hơn bình thường là những dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ đang thiếu nước. ĂN NHIỀU HƠN ĐỂ CÓ ĐỦ CALO Việc nuôi con bằng sữa mẹ đòi hỏi nhiều năng lượng - cần rất nhiều năng lượng để nuôi dưỡng con bạn suốt ngày đêm. Cũng giống như lượng nước uống, các bác sĩ thường khuyên các bà mẹ cho con bú nên thêm 500 calo mỗi ngày. Một cách đơn giản nhất là hãy lắng nghe cơ thể thay vì đong đếm chính xác từng lượng calo mỗi ngày. Nếu cảm thấy đói tức là đã đến lúc mẹ cần ăn. Nếu mẹ thường xuyên thấy đói, hãy thử tăng lượng thức ăn ở mỗi bữa ăn lên. Lưu ý chỉ chọn những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe của mẹ và bé, đảm bảo tiêu chí đa dạng và tươi, ngon, hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn, cũng như thức ăn nhanh. Hãy tạm quên đi nỗi lo về vóc dáng để có thể chăm sóc cơ thể của mẹ và bé, ít nhất trong 6 tháng đầu sau sinh. CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG CÂN BẰNG ĐỂ CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG SỮA MẸ Cách tăng chất lượng sữa mẹ còn quan trọng hơn cả việc ăn đủ lượng calo mỗi ngày đó là mẹ cần phải ăn đúng các loại thực phẩm cần thiết. Vậy thì ăn gì để tăng chất lượng sữa mẹ, như thế nào là một bữa ăn cân bằng và chất lượng? Một khẩu phần ăn cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng: chất đạm, chất đường bột, chất béo, chất xơ, và rau xanh. Mỗi khẩu phần ăn của mẹ có thể chia theo: 1 nửa đĩa rau củ, 1 phần tư chất đạm, 1 phần tư ngũ cốc cùng 1 phần chất béo. Hãy tự nấu hoặc nhờ người thân nấu những bữa ăn nóng hổi, ngon lành mỗi ngày. Mẹ nên hạn chế ăn những thực phẩm chế biến sẵn. Chế độ ăn của mẹ đang cho con bú cần đa dạng: cá (đặc biệt là những loại cá chứa ít thủy ngân), thịt, trứng, các chế phẩm từ sữa, các loại đậu, hạt, rau củ, trái cây, các loại dầu lành mạnh. Những gì mẹ ăn sẽ được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ để nuôi dưỡng bé. Hãy lựa chọn những loại thực phẩm bổ dưỡng, giàu dinh dưỡng để bé có nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong tương lai. THỬ CÁC LOẠI THẢO DƯỢC HOẶC THUỐC GIÚP LỢI SỮA Một số loại thảo dược và thuốc cũng có khả năng cải thiện chất lượng sữa mẹ cũng như giúp lượng sữa mẹ dồi dào hơn như chè vằng, lá đinh lăng, lá bồ công anh… Tuy nhiên, mẹ nên tham vấn ý kiến bác sĩ để tránh các ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe mẹ và bé. NGỦ ĐỦ GIẤC VÀ LUÔN CỐ GẮNG GIỮ CHO MÌNH TINH THẦN VUI VẺ, THOẢI MÁI Các bà mẹ đã trải qua thời gian 9 tháng mang thai nặng nề và một quá trình sinh nở đầy đau đớn. Đây là một quá trình hạnh phúc nhưng đôi khi cũng có một số sự mệt mỏi. Đối với những bà mẹ mới, một số người sẽ gặp phải tâm lý như: căng thẳng, áp lực, buồn rầu, khó chịu. Triệu chứng này gọi là trầm cảm sau sinh. Mẹ hãy suy nghĩ tích cực, giữ bình tĩnh và giữ tinh thần lạc quan hơn. Việc ám ảnh về cách tăng chất lượng sữa mẹ có thể khiến mẹ bị căng thẳng, áp lực. Tâm trạng không thoải mái cũng khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Mẹ còn có thể bị giảm lượng sữa nếu như mệt mỏi, không vui. Nếu mẹ cảm thấy quá tải, hãy thử trò chuyện cùng chồng, người thân hay các chuyên gia dinh dưỡng. Uống một cốc sữa ấm vào buổi tối trước khi đi ngủ để có một giấc ngủ ngon giấc hơn. CHIA NHỎ CÁC BỮA ĂN Sẽ là hoàn toàn bình thường nếu mẹ thường xuyên cảm thấy đói bụng. Khi cho con bú, cơ thể của mẹ tiêu hao nhiều năng lượng để sản sinh sữa mẹ. Để đảm bảo đủ năng lượng cho một ngày, ngoài 3 bữa ăn chính, mẹ có thể ăn thêm các bữa ăn phụ. Lượng thức ăn mẹ cần mỗi ngày thường sẽ nhiều hơn bình thường. Vì thế, có các bữa phụ giữa các bữa chính giúp mẹ cung cấp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng để sản xuất ra nguồn sữa mẹ chất lượng cho con. HÃY HẠN CHẾ LƯỢNG CAFEIN CỦA BẠN Giấc ngủ là rất quan trọng cho cả mẹ và bé. Và cafein chính là đối thủ chính cản trở giấc ngủ của bạn. Cafein có thể ảnh hưởng đến bé nhà bạn, khiến trẻ cảm thấy khó chịu và ngủ không ngon giấc. Hãy hạn chế lượng cafein mỗi ngày càng ít càng tốt mẹ nhé! BỔ SUNG CÁC LOẠI CHẤT BÉO TỐT Các loại chất béo lành mạnh giúp bé phát triển tốt hơn về trí não. Mẹ có thể thêm các loại thực phẩm: quả bơ, dầu ô liu, cá hồi, các loại hạt thô để có thể cung cấp omega 3, omega 6 bổ dưỡng. Bổ sung thực phẩm giúp tăng chất lượng sữa mẹ cho bé bú. TĂNG CƯỜNG BỔ SUNG PROTEIN Chất đạm cũng đóng vai trò quan trọng để có thể cải thiện chất lượng sữa mẹ hiệu quả. Protein rất cần để phát triển trí não và thể chất của trẻ. Đừng quên bổ sung đầy đủ protein trong khẩu phần ăn hằng ngày của mình. Mẹ có thể nạp những loại thực phẩm giàu chất đạm như: thịt, cá, trứng, sữa, và các chế phẩm từ sữa. TĂNG CƯỜNG BỔ SUNG VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT Chế độ ăn thông thường của người Việt Nam khiến phụ nữ cho con bú không đáp ứng đủ folate, canxi, kẽm, magie, vitamin B6 và một số chất dinh dưỡng quan trọng khác. Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên tiếp tục uống bổ sung các loại vitamin trước sinh trong ít nhất 6 tháng sau sinh để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé cũng như chất lượng nguồn sữa mẹ.
Th 06
Đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn đến biến chứng tiền sản giật, tăng nguy cơ sinh non, băng huyết sau sinh… nếu không chữa trị kịp thời. Hiểu rõ về nguyên nhân gây đái tháo đường (tiểu đường) thai kỳ sẽ giúp mẹ bầu chủ động tránh được nguy cơ mắc bệnh và có một thai kỳ khỏe mạnh. Đái tháo đường thai kỳ hay tiểu đường thai kỳ đang gia tăng theo tuổi và thường gặp nhiều nhất ở phụ nữ trên 40 tuổi. Các thống kê trên thế giới năm 2017 cho thấy, cứ 3 phụ nữ đái tháo đường thì có 1 người trong số đó trong độ tuổi sinh đẻ. Và cứ 7 phụ nữ mang thai thì có 1 người mắc đái tháo đường thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ diễn ra rất âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng nhưng lại rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều tai biến sản khoa. Nhiều mẹ bầu lúc đi khám thai bác sĩ cho làm xét nghiệm đái tháo đường mới phát hiện bệnh. Làm sao nhận biết mình mắc bệnh sớm để đi khám và điều trị kịp thời, và đâu là nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ là băn khoăn của không ít mẹ bầu. 1.NGUYÊN NHÂN GÂY ĐÁI THÁO ĐƯỜNG (TIỂU ĐƯỜNG) THAI KỲ Cùng với chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, carbohydrate giúp con người duy trì sự sống, trưởng thành và phát triển. Khi được đưa vào cơ thể, carbohydrate sẽ được chuyển hóa thành đường glucose cung cấp năng lượng giúp cơ thể hoạt động khỏe mạnh. Tuy nhiên, để glucose vào được các tế bào trong cơ thể phải có sự dẫn dắt, tiếp xúc của các hormone insulin do tuyến tụy tiết ra. Ở phụ nữ mang thai, nhu cầu về insulin nhiều gấp đôi bình thường, do đó nếu tuyến tụy gặp trục trặc không tiết đủ lượng insulin đáp ứng nhu cầu của cơ thể hoặc không chuyển hóa tốt glucose khiến lượng đường trong máu tăng cao, gây ra tình trạng đái tháo đường thai kỳ. Một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm Soát Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC, Hoa Kỳ) vào năm 2014 cho thấy, những phụ nữ chưa từng bị đái tháo đường trước đây, nhưng có hàm lượng đường trong máu cao khi mang thai cũng có thể bị đái tháo đường thai kỳ do tăng cân mất kiểm soát trong thai kỳ. Tâm lý thường gặp của các mẹ bầu là phải ăn cho 2 người mới đủ dinh dưỡng giúp thai nhi phát triển tốt, do đó số lượng thực phẩm bà bầu dung nạp vào cơ thể tăng lên. Hơn nữa, thói quen ăn nhiều nhưng ít vận động cũng là một trong những nguyên nhân gây đái tháo đường (tiểu đường) thai kỳ nhưng mẹ bầu ít nghĩ tới. Cũng theo báo cáo của CDC, có từ 2%-10% phụ nữ mang thai bị đái tháo đường có liên quan đến yếu tố di truyền, chứng thừa cân béo phì trước và trong giai đoạn mang thai. Thừa cân béo phì là một trong những nguyên nhân gây đái tháo đường (tiểu đường) thai kỳ. 2.MẸ BẦU NÀO CÓ NGUY CƠ MẮC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ? Đái tháo đường có thể xảy ra ở những mẹ bầu không thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học và vận động hợp lý, hay những mẹ bầu thức khuya, khó ngủ, ngủ ít hơn 6 tiếng/ ngày… cũng rất dễ mắc chứng bệnh được coi là sát thủ của thai kỳ này. Ngoài ra, nếu mẹ bầu rơi vào các nhóm đối tượng dưới đây - được xem là nguyên nhân gây đái tháo đường (tiểu đường) thai kỳ tiềm ẩn, thì cần tuân thủ lịch khám thai đều đặn và xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ nhằm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời: Phụ nữ mang thai khi đã ngoài 30 tuổi. Người bị thừa cân trước khi mang thai hoặc tăng cân rất nhiều trong khi mang thai. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường (nghĩa là mẹ bầu có bố, mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc đái tháo đường). Người đã từng bị đái tháo đường trong thai kỳ trong lần mang thai trước sẽ có nguy cơ tái mắc bệnh trong những lần mang thai sau. Người có lượng đường trong máu cao trước khi mang thai nhưng vẫn chưa được chẩn đoán là mắc bệnh đái tháo đường (mà chỉ ở mức tiền đái tháo đường). Người mẹ sinh con đầu lòng có cân nặng vượt mức khuyến nghị (em bé trên 4-4,5kg). Mẹ bầu từng bị thai chết lưu. Mẹ bầu bị rối loạn nội tiết tố, hội chứng buồng trứng đa nang. 3.MẸ BẦU NÊN LÀM GÌ ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ? Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ 3. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu nằm trong diện nguy cơ (nguyên nhân gây đái tháo đường thai kỳ tiềm ẩn như nói trên) thì nên chia sẻ càng sớm càng tốt với bác sĩ sản khoa để được thực hiện xét nghiệm glucose sớm vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên. Nếu không phát hiện bệnh, mẹ bầu sẽ được khuyến nghị làm xét nghiệm lần nữa ở tuần thứ 24-28 của thai kỳ. Lúc này, thai phụ sẽ được chỉ định uống một lượng nước đường glucose trước khi lấy máu làm xét nghiệm, nếu kết quả vẫn âm tính, mẹ bầu không cần phải thực hiện xét nghiệm đái tháo đường trong suốt thai kỳ nữa. Trường hợp phát hiện mẹ bầu mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị bằng chế độ dinh dưỡng hoặc dùng thuốc tùy theo mức độ nặng nhẹ. Khi mẹ bầu kiểm soát được lượng đường trong máu, em bé sẽ giảm tối đa nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, phát triển bình thường và khỏe mạnh. Hơn nữa, mẹ bầu có thể tránh được những biến chứng sản khoa như tăng tỷ lệ sinh non, tiền sản giật, nhiễm trùng, băng huyết sau sinh, nguy cơ phải mổ bắt con do thai to, thai nhi bị dị tật bẩm sinh, não kém phát triển, nguy cơ bị tử vong thai nhi khi còn đang trong bụng mẹ. Để kiểm soát lượng đường huyết luôn ở mức ổn định, mẹ bầu cần phải nghiêm túc thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng và vận động hợp lý. Nếu lo lắng về tình trạng thai kỳ của mình hoặc nằm trong nhóm nguy cơ mắc bệnh, mẹ bầu nên đến bác sĩ để thăm khám và tư vấn.
Th 06
Theo thống kê, người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Hãy thực hiện 6 thói quen dưới đây để sống khỏe, sống thọ hơn nhé! 1.ƯU TIÊN THỰC PHẨM TỐT CHO TRÍ NÃO, TĂNG CƯỜNG RAU XANH, CÁ Để giữ cho bộ não của chúng ta nhạy bén và ngăn ngừa suy giảm nhận thức, những gì chúng ta ăn sẽ tạo ra sự khác biệt. Thực phẩm giàu vitamin và chất chống oxy hóa và chất phytochemical có tác dụng tăng cường sức khỏe não bộ. Thực phẩm màu đỏ đậm như cà chua, dưa hấu chứa chất chống oxy hóa lycopene chống lại các gốc tự do gây lão hóa. Các loại rau xanh như cải xoăn, rau bina rất giàu vitamin E, K có tác dụng ngăn ngừa mất trí nhớ và suy giảm não bộ. Ngoài ra, việc tăng cường rau xanh, cá vào các bữa ăn hằng tuần là vô cùng quan trọng. Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh có nhiều rau và cá. Ăn ít đường, muối, tránh đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, béo phì, bệnh tim mạch. 2.CẦN LUYỆN TẬP ĐỂ TRÁNH THỪA CÂN, BÉO BỤNG Với những người béo bụng có nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp, tiểu đường… nếu không sống thọ, sống khỏe. Béo bụng có nguy cơ gia tăng mắc các bệnh liên quan ngay cả khi chỉ số khối cơ thể của họ thuộc dạng khỏe mạnh. Các nhà khoa học cho rằng nếu béo phì có thể làm giảm 8 năm tuổi thọ. Nếu phát triển thành bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch, béo phì có thể làm mất tới 19 năm sống khỏe mạnh. Ngoài ra, thực tế cho thấy béo bụng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp như ngưng thở khi ngủ, viêm phế quản, hen suyễn. Tăng nguy cơ mắc bệnh thận có thể dẫn đến suy thận, bệnh thận mãn tính. Các bệnh này có thể làm giảm tuổi thọ của người bệnh. Để giảm béo bụng cũng như béo phì ngoài chế độ ăn uống khoa học thì việc lựa chọn các môn thể dục thích hợp là vô cùng quan trọng. Luyện tập thể dục có thể lựa chọn bộ môn ưa thích như: đạp xe, bơi lội, cầu lông, đi bộ… Tuy vậy, với những người béo bụng thì cần tập thêm bài tập gập bụng. Đây là bài tập được số đông người béo bụng dưới lựa chọn để thực hiện tại nhà. Động tác được thực hiện trong bài tập này tác động đến toàn bộ cơ bụng nên sẽ nhanh chóng đốt cháy lượng mỡ thừa tại đây. Cách thực hiện: Để cho toàn bộ cơ thể nằm trên mặt đất phẳng sau đó co gập đầu gối và để cho bàn chân phải chạm đất. Đặt tay ra phía sau đầu rồi hít vào và sau đó nhấc phần thân lên trên khỏi bề mặt sàn và nhẹ nhàng thở ra. Các động tác này cần được lặp lại trong 15 đến 20 phút. 3.ĂN NHẸ VÀO BUỔI TỐI Nếu như buổi tối ăn quá nhiều thực phẩm, ăn muộn có thể gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa, ảnh hưởng đến giấc ngủ, thậm chí sẽ gây béo phì và hệ lụy các bệnh tật liên quan đến chuyển hóa. Vì vậy, muốn sống khỏe, sống thọ nên ăn nhẹ sớm hơn ít nhất 2-3 giờ trước khi đi ngủ để cho cơ thể có đủ thời gian tiêu hóa thức ăn. Bữa tối nên ăn nhẹ lựa chọn các thực phẩm ít chất béo, nhiều rau củ thay vì bữa ăn nặng dầu mỡ. Những món ăn ưa thích của họ thường là súp, salad, ăn nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, gia cầm, hạt giống, đậu. Đây đều là các nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tuổi thọ. 4.THÓI QUEN NGỦ ĐÚNG GIỜ Cuộc sống hiện đại bận rộn dễ dẫn tới thói quen thường xuyên thức khuya, làm ca đêm, đồng hồ sinh học rối loạn, tăng nguy cơ mất ngủ ở một số người. Đồng hồ sinh học vận hành tốt khi mọi người hoạt động theo ánh sáng, thức dậy khi mặt trời mọc và ngủ nhanh khi trời tối. Đồng hồ sinh học rối loạn sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, béo phì, tăng huyết áp, mỡ máu cao, tiểu đường. Vì vậy, nên đi ngủ đúng giờ giúp khỏe mạnh. Nhiều nghiên cứu từ 21 giờ là thời điểm cơ thể bắt đầu nghỉ ngơi, thư giãn để có giấc ngủ chất lượng lúc 1-2 giờ sau đó. Duy trì giờ đi ngủ một cách đều đặn, khoa học sẽ giúp các bộ phận trong cơ thể và hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả tốt nhất. Như vậy, có thể thấy rằng 22-23 giờ là thời điểm tốt nhất để cơ thể cần có giấc ngủ say, điều này sẽ giúp các chức năng được phục hồi, cải thiện sức khỏe hệ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe gan, tim mạch, ngăn ngừa lão hóa. 5.LUÔN SUY NGHĨ TÍCH CỰC Suy nghĩ tích cực có thể đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe cũng như giúp giảm căng thẳng và nguy cơ mắc bệnh tim mạch cùng nhiều bệnh tật khác. Đặc biệt, suy nghĩ tích cực còn giúp sống lâu hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống. Nếu có suy nghĩ tích cực thường có xu hướng giảm bớt rủi ro tử vong vì một số bệnh như ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, trầm cảm… Ghi nhận cho thấy những người sống trên 100 tuổi đều có đầu óc lạc quan, yêu đời, ít bon chen, ganh đua, nóng giận, tham sân si. Tất cả các phương pháp tĩnh tâm như yoga, thiền, khí công đều tốt cả. Không nên tìm cách giải trí bằng uống rượu, cờ bạc… gây căng thẳng trí não. 6.HẠN CHẾ RƯỢU BIA, THUỐC LÁ Việc lạm dụng rượu bia, thuốc lá… dẫn đến tử vong sớm hơn, chính vì vậy cần hạn chế rượu bia, thuốc lá để sống khỏe. Lạm dụng rượu, bia dễ dẫn đến viêm gan, xơ gan, rồi ung thư gan với tiến độ càng nhanh nếu độ cồn càng cao. Tương tự, hút thuốc lá hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch vành, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu. Ngoài ra, việc sử dụng kết hợp thuốc lá và rượu bia có thể gây ra những rủi ro về vấn đề sức khỏe cao hơn so với người bình thường. Hầu như tất cả những người sử dụng thuốc lá dù nặng hay nhẹ đều có thói quen hút thuốc khi uống rượu bia.
Th 06
Omega 9 là dưỡng chất phổ biến, có mặt trong hầu hết các loại dầu có nguồn gốc từ thực vật, chẳng hạn như dầu oliu, dầu hạt cải, dầu mè và dầu hạt bí. Vậy Omega 9 là gì? Tác dụng của Omega 9 đối với sức khỏe ra sao? Thiếu Omega 9 có nguy hiểm không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Hadu Pharma! 1.OMEGA 9 LÀ GÌ? Omega 9 là một nhóm các axit béo không bão hòa, tức có thể chứa một hoặc nhiều liên kết đôi giữa 2 nguyên tử carbon trong cấu trúc phân tử của chúng. Sở dĩ gọi loại axit béo này là Omega 9 vì chúng sở hữu liên kết đôi đầu tiên nằm ở ngay vị trí nguyên tử carbon thứ 9, tính từ đầu nhóm metyl, hay còn gọi là đầu omega của chuỗi hydrocacbon. Omega 9 là một phần của nhóm axit béo omega, bên cạnh omega 3 và omega 6. Tuy nhiên, chúng không được coi là loại axit béo thiết yếu như 2 loại axit kia vì cơ thể con người có khả năng tự sản xuất omega 9 khi hấp thụ đủ lượng omega 3 và omega 6. 2.AXIT BÉO OMEGA 9 GỒM NHỮNG LOẠI NÀO? Axit Omega 9 gồm nhiều loại khác nhau, trong đó phổ biến nhất là axit oleic, axit erucic, và axit mead. Mỗi loại Omega 9 tuy có cùng vị trí của liên kết đôi đầu tiên trên chuỗi hydrocacbon, nhưng lại có cấu trúc phân tử khác nhau, trạng thái vật lý khác nhau và được tìm thấy trong các nguồn thực phẩm khác nhau. 3.OMEGA 9 CÓ TÁC DỤNG GÌ? Omega 9 có nhiều lợi ích với sức khỏe, chẳng hạn như giúp dự phòng bệnh tim mạch, đái tháo đường, loạn dưỡng tuyến thượng thận, đồng thời hỗ trợ kháng viêm và giảm đau do viêm. Cụ thể như sau: BỆNH TIM MẠCH Omega 9 là thành phần chủ đạo, chiếm khoảng 75% khối lượng của dầu ô liu nguyên chất. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ trên 7g dầu oliu mỗi ngày, có thể góp phần giảm tới 14% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và 18% nguy cơ mắc bệnh mạch vành so với những người không tiêu thụ loại axit béo này. Nhờ chứa nhiều axit oleic - một loại Omega 9 phổ biến, dầu oliu đã được cục quản lý dược liên bang Hoa Kỳ khuyến nghị nên được tiêu thụ ở hàm lượng 23g/ ngày để hỗ trợ điều trị các bệnh mạch vành. BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Kháng insulin là tình trạng các tế bào giảm phản ứng đối với hormone insulin, khiến nồng độ glucose máu tăng cao và dẫn đến bệnh đái tháo đường tuýp 2. Trong khi đó axit oleic (Omega 9) lại được chứng minh có khả năng giúp cơ thể chống lại tình trạng kháng insulin bằng cách điều chỉnh các gen liên quan đến con đường hoạt hóa PI3K - một nhóm các enzyme có tác dụng thúc đẩy hoạt động trao đổi chất nội bào. Qua đó, bổ sung Omega 9 có thể giúp tế bào chuyển hóa insulin và hỗ trợ dự phòng bệnh đái tháo đường hiệu quả. KHÁNG VIÊM VÀ GIẢM ĐAU Nghiên cứu cho thấy, Omega 9 có thể phát huy đặc tính kháng viêm bằng cách kích thích các tế bào miễn dịch. Điều này có thể giúp bạn làm giảm nguy cơ và triệu chứng đau của các bệnh viêm nhiễm như viêm khớp, viêm da, viêm đường hô hấp và các tình trạng viêm khác. BỆNH VỀ THẬN Theo nghiên cứu, axit oleic có khả năng cản trở sự tiến triển của chứng loạn dưỡng tuyến thượng thận, một căn bệnh tiềm ẩn nguy cơ gây tử vong do ảnh hưởng đến não và các chức năng của thận, từ đó, giúp bảo vệ sức khỏe thận. TĂNG CƯỜNG CHỨC NĂNG NÃO BỘ Omega 9 là loại axit béo quan trọng, tham gia vào sự phát triển và duy trì mô thần kinh với vai trò điều chỉnh các kênh ion canxi trong màng tế bào của mô thần kinh. Do đó, bổ sung đầy đủ Omega 9 được chứng minh có thể giúp củng cố chức năng thần kinh, cải thiện khả năng học hỏi và tăng cường trí nhớ. 3.THIẾU OMEGA 9 CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE KHÔNG? Thiếu Omega 9 CÓ THỂ ảnh hưởng đến sức khỏe (như gây khô da, rụng tóc) nhưng trường hợp này ít gặp hơn so với thiếu Omega 3 và Omega 6 vì cơ thể con người có khả năng tự tổng hợp Omega 9 từ các loại axit béo thiết yếu khác. Tuy nhiên, việc duy trì lượng Omega 9 nhất định trong chế độ ăn uống vẫn được khuyến khích để hỗ trợ sức khỏe tổng thể, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. 4.THỪA OMEGA 9 CÓ SAO KHÔNG? Tiêu thụ quá mức các nguồn thực phẩm giàu Omega 9, đặc biệt từ các loại dầu thực vật, có thể dẫn đến các vấn đề sau: Làm giảm hấp thụ Omega 3 và 6: Tất cả các loại axit béo Omega đều được chuyển hóa trong cơ thể bằng các loại enzyme tương tự nhau. Khi một lượng lớn Omega 9 trong chế độ ăn, các enzyme này có thể bận rộn với việc chuyển hóa Omega 9 và do đó, giảm khả năng hấp thụ omega 3 và 6, hai loại axit béo thiết yếu mà cơ thể không tự sản xuất được. Nghiên cứu cho thấy, việc hấp thụ không cân bằng omega 3 và 6 có liên quan đến nhiều bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, béo phì, bệnh tự miễn, viêm khớp dạng thấp, hen suyễn và trầm cảm. Do đó, tiêu thụ vừa đủ Omega 9 là một vấn đề quan trọng, có thể gián tiếp giúp bạn dự phòng nhiều biến chứng nghiêm trọng đến từ việc mất cân bằng hấp thu Omega 3 và 6. Tăng cân và béo phì: Chất béo cung cấp nhiều calo (9 kcal/g), tức gấp 2 lần mức năng lượng đến từ chất đường bột và chất đạm. Do đó, việc tiêu thụ quá mức bất kỳ chất béo nào, kể cả Omega 9, có thể góp phần gây thừa cân và béo phì. Nguy cơ ung thư: Omega 9 không phải nguyên nhân trực tiếp gây ung thư. Song, nghiên cứu cho thấy, tình trạng thừa cân - béo phì do mức tiêu thụ Omega 9 có thể là tác nhân thúc đẩy 13 loại ung thư tiến triển, trong đó bao gồm ung thư vú, đại trực tràng, nội mạc tử cung, thực quản, dạ dày, … Tụt huyết áp: Nghiên cứu cho thấy, axit oleic chính là loại Omega 9 có khả năng làm tụt huyết áp. Do đó tiêu thụ axit oleic quá mức có thể tiềm ẩn nguy cơ khiến bạn bị tụt huyết áp, dẫn đến ngất xỉu, suy tim và suy thận cấp tính. Rối loạn đông máu: Theo nghiên cứu, Omega 9 có thể khiến màng tế bào hồng cầu trở nên lưu động hơn, làm giảm khả năng đông đặc tự nhiên máu, từ đó khiến bạn dễ bị chảy máu, đặc biệt là sau chấn thương hoặc phẫu thuật. Rối loạn tiêu hóa: Tiêu thụ quá mức bất kỳ loại chất béo nào, bao gồm cả Omega 9, đều có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi và tiêu chảy. Do đó, mặc dù Omega 9 có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, việc tiêu thụ chúng một cách cân đối và trong khuôn khổ của một chế độ ăn đa dạng và cân đối là điều quan trọng để phòng ngừa những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.