Th 02
Cũng như việc lựa chọn thực phẩm trong thai kỳ, lựa chọn thức uống cho bà bầu cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe cả thai phụ và thai nhi. Trong khi một số loại nước giúp bổ sung dưỡng chất, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch, một vài thức uống khác có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thai kỳ. Do đó, mẹ bầu cần hiểu rõ đặc điểm của từng loại để xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. 1.GIỚI THIỆU Trong suốt thai kỳ, việc bổ sung đủ nước không chỉ giúp duy trì cân bằng nội môi mà còn hỗ trợ quá trình tuần hoàn máu, điều hòa nhiệt độ cơ thể, giảm táo bón và hạn chế phù nề khi mang thai. Bên cạnh đó, nhiều loại thức uống cho bà bầu còn giúp cung cấp vitamin, khoáng chất quan trọng như sắt, canxi, axit folic - những dưỡng chất thiết yếu cho sức khỏe mẹ và bé. Tuy nhiên, không phải thức uống nào cũng tốt cho thai kỳ. Một số loại nước có thể chứa chất kích thích, đường, cồn hoặc chất bảo quản gây hại cho cả thai phụ lẫn thai nhi. Việc hiểu rõ lợi ích và tác hại của từng loại thức uống sẽ giúp mẹ bầu xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, góp phần sức khỏe ổn định trong suốt thai kỳ và tạo nền tảng phát triển tốt nhất cho bé. 2.BÀ BẦU NÊN UỐNG GÌ TRONG TỪNG TAM CÁ NGUYỆT? Ba tháng đầu thai kỳ là giai đoạn quan trọng, khi các cơ quan chính yếu của thai nhi như não, tủy sống, tim và gan bắt đầu hình thành. Lúc này, mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein, sắt, axit folic và canxi thông qua chế độ dinh dưỡng để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của bé. Bên cạnh chế độ ăn hợp lý, việc bổ sung đầy đủ nước và các loại thức uống cho bà bầu bổ dưỡng trong giai đoạn đầu thai kỳ cũng đóng vai trò rất quan trọng, giúp: Duy trì tuần hoàn máu để nuôi dưỡng thai phụ và thai nhi. Điều hòa thân nhiệt và ngăn ngừa táo bón khi mang thai. Cơ thể mẹ bầu hấp thụ dưỡng chất tốt hơn. Thai nhi có đủ dinh dưỡng để phát triển toàn diện. Khắc phục tình trạng ốm nghén để mẹ bầu đạt mức tăng cân phù hợp. BÀ BẦU NÊN UỐNG GÌ TRONG 3 THÁNG ĐẦU? Dưới đây là những loại thức uống cho bà bầu vừa hỗ trợ tiêu hóa, vừa hỗ trợ giảm tình trạng ốm nghén khi mang thai, rất phù hợp trong giai đoạn đầu thai kỳ: Nước lọc: Đây là lựa chọn an toàn và hiệu quả để giữ cơ thể đủ nước, đồng thời giúp giảm cảm giác buồn nôn. Trà gừng hoặc nước gừng ấm nguyên chất: Gừng có thể giúp làm giảm triệu chứng ốm nghén, do đó mà trà gừng thường được dùng làm thức uống cho bà bầu. Sinh tố mát lạnh hoặc sữa hạnh nhân: Nhiệt độ mát có thể giúp bà bầu cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời cung cấp dưỡng chất có lợi cho cơ thể. Nước ép từ trái cây họ cam, quýt (cam, bưởi, chanh): Các loại nước ép tốt cho bà bầu 3 tháng đầu này vừa giúp bù nước vừa có tác dụng kích thích vị giác, giúp mẹ bầu ăn uống ngon miệng hơn. Nước ép dưa hấu, dưa chuột: Nước ép từ các loại trái cây giàu nước này giúp mẹ bầu giữ nước, hỗ trợ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu không quá nghén và vẫn có thể ăn được các loại hoa quả này thì hãy ưu tiên nguyên múi, nguyên miếng để đảm bảo giữ được lượng chất xơ trong các loại hoa quả, giúp hạn chế tình trạng táo bón cho mẹ bầu. Đồ uống có ga: Một số mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn khi uống nước có ga nhẹ, nhưng cần lưu ý chọn loại không chứa caffeine hoặc chất tạo ngọt nhân tạo. Trà thảo mộc và nước dùng: Một số loại trà thảo mộc được xem là thức uống cho bà bầu, như trà bạc hà, hoặc dùng nước ấm có thể giúp làm dịu dạ dày, giảm tình trạng khó tiêu. BÀ BẦU NÊN UỐNG GÌ TRONG 3 THÁNG GIỮA THAI KỲ? Khi bước vào tam cá nguyệt thứ hai, nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu tăng lên để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của thai nhi. Do đó, theo Khuyến Nghị của Viện Dinh Dưỡng - Bộ Y Tế vào năm 2016, mẹ bầu nên đảm bảo tăng mức năng lượng nạp thêm 250kcal/ ngày. Không những thế, đây là lúc thai nhi phát triển khung xương và chiều cao. Do đó, mẹ bầu cần đảm bảo cung cấp đủ 1200mg canxi/ ngày, không chỉ thông qua những thực phẩm như tôm, cua, trứng, thủy sản, mà còn có các loại thức uống cho bà bầu như sữa và chế phẩm từ sữa. Các sản phẩm từ sữa là nguồn canxi có giá trị sinh học cao, vừa giúp cải thiện sức khỏe xương và răng của mẹ và bé, vừa giảm nguy cơ tiền sản giật. Vì vậy mà mẹ bầu nên uống thêm 6 đơn vị sữa/ ngày, tương đương với: 2 ly sữa tách béo hoặc sữa 1% béo. 200ml sữa chua. 30g phô mai. Nếu không thể uống sữa bò, mẹ bầu cũng có thể thay thế bằng cách thức uống cho bà bầu khác như sữa đậu nành để bổ sung canxi, kali, vitamin A, vitamin D. BÀ BẦU 3 THÁNG CUỐI NÊN UỐNG GÌ? Đến tam cá nguyệt thứ 3, tốc độ phát triển cân nặng của thai nhi đạt mức nhanh nhất. Do đó mẹ bầu cần đảm bảo ăn uống đầy đủ và đa dạng dưỡng chất để đáp ứng nhu cầu của em bé. Chế độ dinh dưỡng của bà bầu trong giai đoạn cuối thai kỳ cần cung cấp đủ carbohydrate, protein, chất xơ, axit béo omega 3, vitamin A, B, C, D, sắt, canxi. Không chỉ riêng tam cá nguyệt thứ 3 mà xuyên suốt thai kỳ, những thức uống cho bà bầu giàu acid folic, sắt, canxi, vitamin và khoáng chất cần thiết sau đây cần được thêm vào thực đơn của bà bầu: Thức uống cho bà bầu giàu acid folic: ngũ cốc, nước ép bó xôi hoặc các loại rau lá xanh, sinh tố quả mọng, nước ép trái cây họ cam quýt… chứa axit folic giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Thức uống cho bà bầu giàu sắt: Nước ép củ dền, sinh tố rau bina, ngũ cốc, nước ép lựu… hỗ trợ ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt. Thức uống cho bà bầu giàu canxi: sữa bò, sữa hạnh nhân, sữa yến mạch, sữa chua hoặc phô mai. Thức uống cho bà bầu chứa vitamin A: sữa bí đỏ, sinh tố rau bina, sữa khoai lang, nước ép cà chua, nước ép ớt chuông đỏ… Để đảm bảo mẹ bầu nhận đủ được các chất dinh dưỡng cần thiết, bên cạnh việc bổ sung các loại thức uống cho bà bầu giàu vitamin và khoáng chất, điều quan trọng nhất vẫn cần là cung cấp nước lọc cho cơ thể. 3.BÀ BẦU NÊN UỐNG NƯỚC GÌ ĐỂ KHỎE MẠNH TRONG SUỐT THAI KỲ? NƯỚC LỌC - NGUỒN DINH DƯỠNG QUAN TRỌNG NHẤT Nước lọc là thức uống quan trọng và lành tính nhất cho mẹ bầu. Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể mẹ tăng đáng kể để cung cấp oxy và dưỡng chất cho thai nhi. Uống đủ nước giúp duy trì lưu thông máu, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, hạn chế táo bón và phù nề - những vấn đề phổ biến trong thai kỳ. Ngoài ra, nước lọc còn hỗ trợ tiêu hóa, giúp hình thành nước ối và điều hòa thân nhiệt, đặc biệt quan trọng trong những ngày thời tiết nắng nóng. Thiếu nước có thể dẫn đến mất nước, gây mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu ở mẹ bầu và ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. Vì vậy, bà bầu cần duy trì thói quen uống đủ nước đều đặn trong ngày. Theo khuyến nghị, bà bầu nên uống 2,5-3l nước/ ngày, tương đương 12-15 cốc. Tuy nhiên lượng nước cụ thể đối với mỗi mẹ bầu có thể khác nhau tùy thuộc cân nặng, mức độ vận động và điều kiện thời tiết. Ngoài ra nếu mẹ bầu bị ra nhiều mồ hôi hoặc có dấu hiệu mất nước, cần tăng cường bổ sung để đảm bảo cơ thể luôn đủ nước. SỮA BẦU - CÓ THỰC SỰ CẦN THIẾT? Chúng ta thường nghe rằng sữa bầu chứa nhiều vi chất dinh dưỡng quan trọng giúp mẹ, bé phát triển toàn diện. Một số lợi ích của sữa bầu đối với em bé trong bụng có thể kể đến như: Cung cấp canxi: Hỗ trợ xương và răng của bé phát triển. Bổ sung protein: Giúp thai nhi phát triển tế bào và mô cơ. Cung cấp DHA: Phát triển trí não và thị giác của trẻ. Bổ sung vitamin D: Hỗ trợ hấp thu canxi, giúp bé phát triển hệ xương tốt hơn. Cung cấp sắt, acid folic: Ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Dù giàu dinh dưỡng, nhưng không phải mẹ nào cũng thích hợp với sữa bầu. Nhiều loại sữa bầu có hàm lượng đường cao, có thể gây nhiều tác hại cho cả mẹ và bé. Mặt khác, một số phụ nữ mang thai lại e ngại việc uống sữa bầu do sữa khó uống. Vậy nên không bắt buộc mẹ uống sữa bầu nếu có thể bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm hằng ngày. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng sữa bầu như một loại thức uống cho bà bầu, mẹ cần lưu ý chọn sản phẩm uy tín và an toàn. Một số tiêu chí để chọn sữa bầu phù hợp, an toàn cho mẹ bầu: Chọn sữa ít đường hoặc không đường, đặc biệt nếu mẹ có nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Kiểm tra thành phần dinh dưỡng: Ưu tiên thực phẩm giàu sắt, canxi, DHA, vitamin B12… Chọn thương hiệu uy tín, đã được kiểm định. Chọn sữa phù hợp với tình trạng sức khỏe: nếu mẹ hay mệt mỏi chọn sữa giàu sắt, nếu hay chuột rút, chọn sữa giàu magie, canxi… SỮA HẠT DINH DƯỠNG Sữa hạt được xem là thức uống cho bà bầu có thể dùng thay thế sữa bò, nhất là với mẹ bầu không dung nạp lactose hoặc muốn đa dạng thực đơn. Một số loại sữa hạt có giá trị dinh dưỡng đáng kể, có thể thay thế một số loại thức uống cho bà bầu hoặc bổ sung vào chế độ ăn cho mẹ bầu như: Sữa đậu nành: thành phần dinh dưỡng giống sữa bò. Sữa gạo: ít protein hơn sữa bò, nhưng thường được bổ sung vitamin C và D. Sữa yến mạch: chứa chất xơ, có lợi cho hệ tiêu hóa, thường được bổ sung vitamin C và D. NƯỚC DỪA Nước dừa là một trong những thức uống cho bà bầu giàu chất điện giải, giúp bù nước hiệu quả và hỗ trợ sức khỏe trong thai kỳ. Ngoài việc cung cấp nước, nước dừa còn chứa nhiều khoáng chất như kali, magie, canxi và natri có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe nhất định cho mẹ bầu. Cung cấp nước và chất điện giải: Nước dừa là thức uống cho bà bầu vì chứa khoảng 95% là nước, giúp bổ sung chất lỏng và điện giải, đặc biệt hữu ích khi mẹ bầu ốm nghén trong tam cá nguyệt đầu tiên. Hỗ trợ giảm triệu chứng ốm nghén: Một nghiên cứu chỉ ra rằng uống 300ml nước dừa mỗi ngày có thể giảm ốm nghén đáng kể trong thời kỳ thai kỳ. Cân bằng huyết áp: Kali trong nước dừa có thể hỗ trợ điều hòa huyết áp, giúp giảm nguy cơ đường huyết cao lúc thai kỳ. Bổ sung vi chất dinh dưỡng: Nước dừa chứa glucose, protein, nhiều ion vô cơ… thậm chí cả các axit amin và axit béo thiết yếu, tất cả đều góp phần hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
Th 02
Ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người mắc bệnh viêm xoang cần tránh lạnh, ẩm kéo dài và có một chế độ ăn uống phòng thức ăn dị ứng gây xuất tiết, giúp tăng sức đề kháng của cơ thể để mang lại hiệu quả cao. Viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang bị viêm, bít tắc lỗ thông xoang gây tình trạng tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong lòng xoang. Trên thực tế, rất khó để tránh tình trạng viêm xoang và đau xoang nhưng có những biện pháp đơn giản có thể giúp làm giảm các triệu chứng. 1.THỰC PHẨM ẢNH HƯỞNG XẤU TỚI VIÊM XOANG NHƯ THẾ NÀO? Mặc dù không có loại thực phẩm hoặc sự kết hợp giữa thực phẩm và chất lỏng nào có thể chữa khỏi bệnh viêm xoang nhưng nhiều loại thực phẩm có tác động đáng kể đến các triệu chứng của bệnh xoang. Người bệnh viêm xoang nên có chế độ ăn khoa học, đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. cần cân đối đủ các nhóm chất dinh dưỡng: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Thực phẩm có thể ảnh hưởng xấu đến viêm xoang theo nhiều cách khác nhau, chủ yếu thông qua việc gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng viêm, tiết dịch nhầy, và gây dị ứng. Uống nước ấm, tránh ăn, uống từ những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Không uống các thức uống nhiều đường làm dịch mũi nhầy đặc lại. Không ăn những thức ăn mà cơ thể bị dị ứng như thịt bò, tôm, cua, nghêu, sò… Tránh ăn đồ ăn vặt như pizza, khoai tây chiên, bánh mì kẹp thịt… Không uống cafe, rượu, bia vì chúng có thể làm cho dịch nhầy đặc lại, rượu được xem là một chất lợi tiểu, kích thích việc đào thải nước nên cơ thể thiếu nước, ảnh hưởng xấu đến việc đẩy dịch nhớt ứ đọng trong xoang. Khi được chẩn đoán viêm xoang, cần tránh xa đồ chiên rán, đường trắng, bột mì trắng và thịt mỡ. Hơn nữa, gluten, carbohydrate tinh chế và chất tạo ngọt nhân tạo cũng như những thứ bị cắt bỏ như lúa mì, khoai tây nghiền ăn liền, súp chế biến và bánh ngọt. Nhiều bác sĩ tin rằng sữa, các sản phẩm từ sữa và caffeine cũng nên tránh đối với bệnh viêm xoang. 2.10 LOẠI THỰC PHẨM CẦN TRÁNH KHI BỊ VIÊM XOANG Đường chế biến Đường đã qua chế biến trong các món tráng miệng được ưa chuộng như bánh ngọt, thanh socola, nước ngọt, và nước ép trái cây được dán nhãn là fructose hoặc sucrose. Thực phẩm béo Thực phẩm béo có hàm lượng chất béo bão hòa cao như pizza, pho mát, các sản phẩm từ thịt, mì ống, các sản phẩm từ sữa nguyên kem, món tráng miệng làm từ ngũ cốc có thể gây viêm mô mỡ. Acid béo omega 6 Tránh acid béo omega 6. Hãy nhớ dùng acid béo omega 3, có trong các loại dầu như ngô, cây rum, hướng dương, hạt nho, đậu nành, đậu phộng và quả bơ. Gluten và casein Hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa hàm lượng gluten và casein cao. Gluten và casein có trong các loại thực phẩm như lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và các sản phẩm từ sữa. Carbohydrate tinh chế Carbohydrate tinh chế, chẳng hạn như khoai tây ăn liền, các sản phẩm bột mì trắng đã qua chế biến, cũng như ngũ cốc, có thể là thủ phạm gây ra tình trạng viêm. Rượu và đồ uống có cồn Rượu có thể làm cho các triệu chứng viêm xoang như nghẹt mũi trở nên tồi tệ. Rượu gây viêm cũng như mất nước. Hơn nữa, nó cũng chứa đựng các chất gây sưng ở các mô mũi. Do đó, hãy hạn chế tiêu thụ các sản phẩm có cồn nếu bạn dễ bị viêm xoang. Sản phẩm từ sữa Sữa và các sản phẩm từ sữa khác làm đặc chất nhầy có trong xoang. Do đó tránh uống sữa nguyên chất để ngăn chất nhầy đặc lại. Cà chua ảnh hưởng xấu tới viêm xoang Cà chua mặc dù là một loại quả giàu dinh dưỡng nhưng có thể ảnh hưởng xấu đến viêm xoang ở một số người. Do hàm lượng acid cao, nó có thể làm tăng mức histamin trong cơ thể và gây ra dị ứng. Ở một số người, histamin có thể gây ra các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi và ngứa mũi, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm xoang. Thịt đỏ Thịt đỏ có hàm lượng protein cao. Protein có thể tích tụ dưới dạng chất nhầy trong cơ thể và làm cho các triệu chứng viêm xoang trở nên tồi tệ hơn. Thực phẩm và đồ uống lạnh Nước đá, kem và đồ uống ướp lạnh gây co thắt mạch máu, làm giảm lưu thông máu đến niêm mạc mũi và làm trầm trọng thêm tình trạng nghẹt mũi. Người bệnh viêm xoang không nên uống nước lạnh hay nước đá, vì sự khác biệt nhiệt độ sẽ là nguyên nhân tạo ra kích thích đối với niêm mạc vùng hầu họng và đường hô hấp. Để tránh tái phát và bệnh kéo dài, người mắc bệnh viêm xoang cần phải tránh lạnh và ẩm. Khi ra ngoài trời, nhất là buổi sáng sớm thời tiết lạnh cần dùng khẩu trang, xoa nóng mũi trước khi ra lạnh. Ngâm chân bằng nước nóng ẩm buổi tối trước khi đi ngủ từ 15-20 phút làm ấm cơ thể.
Th 02
Vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển bình thường của trẻ. Nhận biết sớm những dấu hiệu cho thấy trẻ đang thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng là cách cha mẹ kịp thời bổ sung những chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện. Vitamin và khoáng chất là những vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với mỗi người. Chỉ với một lượng rất nhỏ, những vi chất này lại tham gia vào rất nhiều phản ứng sinh hóa khác nhau trong cơ thể. Chính vì vậy, khi thiếu hụt các vitamin và khoáng chất, các dấu hiệu thường rất rõ rệt, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Mệt mỏi, thiếu năng lượng Trẻ nhỏ luôn có một nguồn năng lượng dồi dào và hiếu động. Tuy nhiên, nếu con bạn đột nhiên không muốn chạy đi chơi cùng các bạn, giảm hào hứng trong các trò chơi vận động, và chỉ thích ngồi một chỗ thì có khả năng bé đang thiếu sắt hoặc thậm chí là thiếu máu. Khi đó, cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa để được thăm khám và theo dõi. Khả năng tập trung, chú ý kém Thời gian tập trung, chú ý của trẻ thường ngắn nhưng sẽ tăng dần khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, nếu trẻ không thể nào tập trung, chú ý thì có thể thiếu kẽm là một phần nguyên nhân. Thay đổi hành vi Có mối liên hệ chặt chẽ giữa thiếu hụt dinh dưỡng và sự thay đổi về hành vi. Bởi các chất dinh dưỡng ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của trí não. Theo đó, những thay đổi về hành vi, tính cách của trẻ như: chậm chạp hơn, dễ cáu kỉnh, khó chịu hay lo sợ… đều có thể là dấu hiệu của sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng. Da khô Thời tiết khô hanh cũng có thể là nguyên nhân khiến da bé bị khô. Nhưng nếu đã sử dụng nhiều loại kem dưỡng mà tình trạng này không có cải thiện thì rất có nhiều khả năng bé đã bị thiếu vitamin A, E, D hoặc kali. Lưu ý, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con sử dụng thêm bất kỳ chất bổ sung nào. Sụt cân Sụt cân là một trong những vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh luôn lo lắng ở mọi lứa tuổi. Hiện tượng sụt cân ở trẻ là dấu hiệu cảnh báo lượng chất dinh dưỡng hằng ngày mà bé ăn vào không đủ hoặc do trẻ không hấp thu được. Táo bón Trẻ thường thích một số món nhất định và rất lười ăn rau. Do đó, hiện tượng táo bón do thiếu chất xơ khá phổ biến. Tuy nhiên hiện tượng này cũng có thể biểu hiện bé có nguy cơ thiếu vitamin và khoáng chất do những chất này có nhiều trong rau, củ, quả. Biếng ăn Ở những trẻ lười ăn, bỏ bữa thì rất khó đảm bảo được lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh đó, việc trẻ không muốn ăn cũng rất có thể là dấu hiệu bé đang thiếu chất dinh dưỡng. Do vậy, những trẻ thường xuyên biếng ăn, cha mẹ nên đưa đi khám dinh dưỡng để có cách xử trí phù hợp. LƯU Ý KHI BỔ SUNG VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT CHO TRẺ Với những trường hợp bị thiếu hụt vitamin và khoáng chất thì bổ sung là điều rất cần thiết. Cha mẹ nên lựa chọn biện pháp duy trì cho trẻ chế độ ăn uống đa dạng, nhiều hoa quả, trái cây tươi. Bên cạnh đó, một biện pháp đơn giản đó là sử dụng những sản phẩm bổ sung vi chất. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý một số điều để việc bổ sung vitamin và khoáng chất hiệu quả như: -Tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia về việc thiếu hụt chất dinh dưỡng ở trẻ. -Chất lượng và an toàn: phụ huynh nên chọn lựa những sản phẩm đảm bảo an toàn, đạt các tiêu chuẩn về chất lượng do cơ quan thẩm quyền xác nhận. -Thành phần: sử dụng những sản phẩm chứa vitamin, khoáng chất có thành phần phù hợp, bổ sung hợp lý vào lượng vi chất mà trẻ đang bị thiếu hụt, không có hại tới sức khỏe của trẻ. -Liều dùng: các sản phẩm phải được chia liều phù hợp, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của trẻ theo từng độ tuổi. -Thương hiệu uy tín: hiện nay có rất nhiều sản phẩm được giới thiệu là bổ sung thêm vitamin và khoáng chất. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý lựa chọn những sản phẩm thuộc các thương hiệu uy tín, lâu năm trên thị trường để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. -Để sản phẩm chứa vitamin, khoáng chất xa tầm tay trẻ em để tránh sử dụng quá liều (đặc biệt là các sản phẩm dạng kẹo). Thiếu hụt vitamin và khoáng chất ở trẻ sơ sinh sẽ khiến cho sự phát triển thể chất và trí tuệ bị chậm lại. Do vậy, cha mẹ nên bổ sung ngay khi thấy có những dấu hiệu của sự thiếu hụt.
Th 02
Biểu đồ tăng trưởng gồm một loạt các đường cong phần trăm minh họa cho sự thay đổi số đo của cơ thể. Tại Hoa Kỳ, biểu đồ tăng trưởng của trẻ em đã được các bác sĩ nhi khoa, y tá và các bậc phụ huynh sử dụng để theo dõi sự phát triển của trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên từ năm 1977. 1.BIỂU ĐỒ TĂNG TRƯỞNG CỦA TRẺ CÓ THỂ CHO CHÚNG TA BIẾT ĐIỀU GÌ? Biểu đồ tăng trưởng của trẻ có thể cung cấp cho bạn một bức tranh tổng quát về sự phát triển thể chất của trẻ. Theo cách so sánh các số đo, cân nặng, chiều cao và chu vi vòng đầu của bé với số đo của những trẻ khác cùng tuổi, cùng giới tính, và với những số đo tương tự từ những lần kiểm tra trước. Qua kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ xác định xem em bé có đang phát triển một cách khỏe mạnh hay không. Mặc dù các biểu đồ tăng trưởng hiện tại đã được cải thiện hơn trước đó, nhưng chúng không phải là điều bắt buộc với mọi trẻ. Vì thế, cha mẹ không nên quá lo lắng về tỷ lệ phần trăm của trẻ. Điều quan trọng nhất là trẻ đang phát triển với tốc độ ổn định, phù hợp theo thời gian, chứ không phải trẻ đang phát triển trùng khớp với biểu đồ tăng trưởng chung của những đứa trẻ khác. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo các bác sĩ nên sử dụng các biểu đồ của Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) trong 24 tháng đầu đời của trẻ. Các phép đo trong biểu đồ của WHO dựa trên trẻ sơ sinh bú sữa mẹ và trẻ sơ sinh có chiều dài được đo khi chúng nằm. Sau 2 tuổi, các bác sĩ thường sử dụng biểu đồ tăng trưởng của CDC, các biểu đồ này tương tự nhưng dựa trên các dữ liệu khác nhau. Các biểu đồ từ hai tổ chức này đơn vị chiều dài được tính bằng inch và cm, còn trọng lượng tính bằng pound và kg. Cả hai biểu đồ sử dụng tỷ lệ phần trăm, so sánh mức trung bình của trẻ em được chia nhỏ theo độ tuổi. 2.PHẦN TRĂM TRONG BIỂU ĐỒ TĂNG TRƯỞNG CÓ Ý NGHĨA LÀ GÌ? Điều này dễ giải thích nhất bằng ví dụ. Nếu con gái 3 tháng tuổi của bạn ở phân vị thứ 40 về cân nặng, điều đó có nghĩa là 40% bé gái 3 tháng tuổi có cân nặng bằng hoặc thấp hơn bé và 60% có cân nặng cao hơn bé. Số phần trăm càng cao thì bé càng lớn hơn so với những bé khác cùng tuổi. Nếu ở phân vị thứ 50 cho chiều cao, điều đó có nghĩa là em bé có mức chiều cao trung bình so với độ tuổi. 3.TRẺ Ở PHÂN VỊ THỨ 25 TRONG BIỂU ĐỒ TĂNG TRƯỞNG CÓ ĐÁNG LO HAY KHÔNG? Phần trăm biểu đồ tăng trưởng không giống như chấm điểm ở trường học. Phần trăm thấp hơn không có nghĩa là có bất cứ điều gì không đúng với trẻ. Giả sử cả bố và mẹ đều thấp hơn mức trung bình và trẻ lớn lên có cùng tầm vóc với bố mẹ. Điều đó hoàn toàn là bình thường nếu bé luôn đứng ở vị trí thứ 10 về chiều cao và cân nặng khi lớn lên. Điều quan trọng cần nhớ là bác sĩ đang theo dõi sự phát triển của bé như thế nào, chứ không phải chỉ trẻ đạt được bao nhiêu phần trăm. Trẻ sơ sinh có xu hướng phát triển nhanh chóng trong giai đoạn đầu, trong thời gian đó trẻ có thể tăng thêm một chút xíu cân nặng hoặc chiều cao. Những tháng sau, trẻ có thể chỉ phát triển một phần nhỏ so với trước đó. Bác sĩ sẽ lưu ý các đỉnh và vùng lõm riêng lẻ trong biểu đồ tăng trưởng, nhưng sẽ tập trung nhiều hơn vào mô tăng trưởng tổng thể. 4.KHI NÀO BẠN NÊN LO LẮNG VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ? Biểu đồ tăng trưởng của trẻ có thể khiến bạn lo lắng nếu phân vị của bé thay đổi đáng kể. Ví dụ, nếu bé thường xuyên ở khoảng phân vị thứ 50 về cân nặng sau đó đột ngột giảm xuống xuống thứ 15, bác sĩ sẽ cần tìm hiểu xem lý do tại sao. Có thể có một lý do liên quan đến y tế cho sự thay đổi cần được đánh giá thêm. Một bệnh nhẹ hoặc thay đổi trong cách ăn uống của bé có thể khiến bé giảm ít hơn, trong trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi sự phát triển của bé chặt chẽ trong một thời gian. Nếu trẻ không bị ốm nhưng tăng cân chậm lại trong khi vẫn phát triển chiều cao, bác sĩ có thể đề nghị tăng số lần bú cho trẻ. Bạn có thể phải thăm khám thường xuyên hơn để đảm bảo rằng trẻ bắt đầu tăng cân trở lại bình thường. Tuy nhiên, cũng có những lúc tăng hoặc giảm nhanh hơn bình thường lại là 1 điều tốt. Ví dụ, nếu trẻ nhẹ cân, đó có thể là một dấu hiệu tốt cho thấy trẻ đang tăng chiều cao nhanh hơn một chút. Ngoài ra, chỉ số tăng trưởng không phải lúc nào cũng là lý do để lo lắng. Ví dụ, nếu trẻ rất thấp và cả bố mẹ đều tương đối thấp, thì việc trẻ ở mức thấp nhất 5% là phù hợp. Nhưng nếu trẻ rất thấp và cả bố mẹ đều có chiều cao trung bình trở lên, hoặc là nếu trẻ rất mảnh mai và cả bố mẹ đều có cân nặng trung bình trở lên thì bác sĩ cần xem có vấn đề gì về sự phát triển của trẻ hay không. Ngoài ra, nếu trẻ nằm trong nhóm 5% có cân nặng cao nhất, bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của trẻ và tư vấn cho bạn về việc ăn của trẻ, để đảm bảo trẻ không bị béo phì. Nếu số đo vòng đầu của trẻ nhiều hơn so với mức trung bình, bác sĩ cần kiểm tra để chắc chắn rằng não của trẻ đang tăng trưởng, và phát triển bình thường,vì sự phát triển não bộ của trẻ được phản ánh qua kích thước hộp sọ. Nếu chu vi vòng đầu của trẻ lớn hơn nhiều so với mức trung bình, trẻ sẽ được đánh giá thêm để đảm bảo rằng trẻ không có dịch não tủy dư thừa trong não, một tình trạng gọi là não úng thủy. 5.CÂN NẶNG LÚC SINH CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ TĂNG TRƯỞNG TRONG TƯƠNG LAI KHÔNG? Cân nặng khi sinh dường như ít quan trọng hơn bạn nghĩ, trong việc phát triển của trẻ. Không phải trọng lượng trẻ sơ sinh, mà gen mới là yếu tố xác định kích thước lúc trưởng thành. Những em bé nhỏ nhắn khi sinh đôi phát triển nhanh hơn, và những em bé lớn hơn lúc sinh có thể trở nên nhỏ bé theo năm tháng. Cha mẹ của một đứa trẻ là chỉ số đánh giá tốt nhất để so sánh sự phát triển của trẻ. Có nhiều khả năng, trẻ sẽ phát triển và rất có thể, trẻ cũng sẽ đạt được chiều cao, cân nặng tương tự như bố mẹ khi trưởng thành.