CÔNG TY CỔ PHẦN QUỐC TẾ DƯỢC PHẨM HADU

CẢNH BÁO: SẢN PHẨM GIẢM ĐAU, TRỊ VIÊM KHỚP CÓ THÀNH PHẦN GÂY HẠI
27

Th 10

CẢNH BÁO: SẢN PHẨM GIẢM ĐAU, TRỊ VIÊM KHỚP CÓ THÀNH PHẦN GÂY HẠI

  • admin
  • 0 bình luận

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang cảnh báo người tiêu dùng về một số sản phẩm điều trị viêm khớp và giảm đau có chứa các thành phần không được liệt kê trên nhãn, có thể gây hại. Việc sử dụng các sản phẩm có những thành phần tiềm ẩn nguy hiểm, có thể khiến người dùng có nguy cơ bị tác dụng phụ nghiêm trọng, tương tác thuốc và phản ứng dị ứng nguy hiểm. 1.NHỮNG THÀNH PHẦN ẨN NÀO GÂY HẠI TRONG NHỮNG SẢN PHẨM GIẢM ĐAU Thành phần ẩn là bất cứ thứ gì có trong sản phẩm không kê đơn (OTC) không được tiết lộ hoặc liệt kê trên nhãn. Các thành phần trong sản phẩm OTC có thể hoạt động (ví dụ ibuprofen) hoặc không hoạt động (ví dụ: chất độn, hương liệu, chất phủ hoặc chất bảo quản). Nhiều sản phẩm giảm đau và viêm khớp OTC có chứa các thành phần thuộc 3 loại thuốc khác nhau, đó là: thuốc chống viêm không steroid, steroid và thuốc giãn cơ. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) Là nhóm thuốc thường được sử dụng để giảm viêm và điều trị các tình trạng như viêm khớp, đau đầu và chấn thương cơ. Một số NSAID ẩn đã được tìm thấy trong các sản phẩm giảm đau và trị viêm khớp OTC. Các sản phẩm có chứa NSAID có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch, chẳng hạn như đau tim và đột quỵ, cũng như nguy cơ tổn thương đường tiêu hóa cao hơn, bao gồm chảy máu, loét, thủng dạ dày và ruột… FDA cảnh báo rằng, các thành phần ẩn như NSAID cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác và làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, đặc biệt đối với những người dùng nhiều hơn một sản phẩm chứa NSAID. Thuốc chống viêm corticosteroid (steroid) Là một loại thuốc chống viêm được dùng để điều trị các tình trạng viêm như hen suyễn, bệnh chàm và bệnh đa xơ cứng… Dexamethasone và prednisone-21-acetate là các steroid đã được tìm thấy trong một số sản phẩm điều trị viêm khớp và giảm đau, vì chúng giúp giảm đau và viêm khớp, cơ và gân. Corticosteroid có thể ảnh hưởng đến khả năng đến khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể cũng như gây ra lượng đường trong máu cao, chấn thương cơ và các triệu chứng tâm thần. Khi dùng corticosteroid trong thời gian dài và/ hoặc với liều lượng cao, chúng có thể ức chế tuyến thượng thận và dẫn đến các triệu chứng cực kỳ mệt mỏi, yếu cơ, sụt cân, đau bụng và chán ăn. Thuốc giãn cơ Thuốc giãn cơ là thuốc kê đơn có thể được điều trị các triệu chứng liên quan đến cơ, chẳng hạn như đau cơ hoặc co thắt, cũng như các chấn thương gây ra các triệu chứng như đau lưng dưới. Thuốc giãn cơ đã được tìm thấy trong các sản phẩm giảm đau và viêm khớp bao gồm methocarbamol và chlorzoxazone. Thuốc giãn cơ có thể gây tác dụng phụ như an thần, chóng mặt và huyết áp thấp. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tinh thần và thể chất của một người, để thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, như lái xe hoặc vận hành máy móc tại nơi làm việc. 3.PHẢI LÀM GÌ NẾU SỬ DỤNG MỘT TRONG NHỮNG SẢN PHẨM NÀY Người bệnh không nên mua bất kỳ sản phẩm nào có chứa thành phần gây hại kể trên. Tuy nhiên nếu đã mua và đang sử dụng, nên dừng lại ngay lập tức và liên hệ với bác sĩ.  Một số thành phần ẩn có thể rất nguy hiểm, đặc biệt đối với những người bị dị ứng với thành phần ẩn hoặc nếu bị tổn hại chức năng thận hoặc gan hoặc nếu thành phần ẩn được tìm thấy với số lượng đáng kể có thể tương tác với các loại thuốc khác nhau mà bệnh nhân đang dùng.  Bác sĩ có thể giúp bạn về các lựa chọn an toàn hơn để kiểm soát các triệu chứng của mình. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho thực hiện một số xét nghiệm chức năng gan, thận… xem đã bị ảnh hưởng thế nào để tìm ra phương án điều trị an toàn và hiệu quả nhất cho bạn trong tương lai. Bạn cũng nên báo cáo bất kỳ tác dụng phụ hoặc biến chứng nào có thể gặp phải khi sử dụng các sản phẩm này. 4.LÀM CÁCH NÀO ĐỂ BIẾT SẢN PHẨM CÓ AN TOÀN KHÔNG? Người tiêu dùng nên hết sức thận trọng khi sử dụng các sản phẩm OTC (không kê đơn). Nên kiểm tra nhãn và điều quan trọng là phải thảo luận về việc dùng những loại thuốc này với bác sĩ. Mặc dù nhiều sản phẩm trong số này “được bán ở các cửa hàng phi truyền thống”, nhưng tốt hơn hết bạn nên mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe ở các hiệu thuốc. Khi bạn mua sản phẩm OTC, nên: -Tránh mua sản phẩm có nhãn ghi bằng ngôn ngữ mà bạn không thể đọc được. -Hãy cảnh giác với những lời quảng cáo có cánh như: sản phẩm có thể “chữa bách bệnh” hoặc dựa nhiều vào lời chứng thực cá nhân mà không có bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào. Bạn cũng nên tránh bất kỳ sản phẩm nào cung cấp ‘phương pháp chữa bệnh thần kỳ”. -Hãy lưu ý các sản phẩm được tuyên bố là sản phẩm thay thế thuốc chữa bệnh, chưa được chứng minh, công nhận hoặc có tác dụng tương tự như thuốc kê toa. -Hãy xem xét những rủi ro khi mua thuốc trực tuyến hoặc từ các quốc gia khác. -Không sử dụng hoặc mua thuốc OTC thiếu nhãn thông tin thuốc bắt buộc. Nếu bạn không thể đọc nhãn của bất kỳ đơn thuốc nào, thuốc OTC hoặc thực phẩm bổ sung, đừng sử dụng nó. -Hãy kiểm tra để đảm bảo tên, số điện thoại, địa chỉ của nhà sản xuất được liệt kê trên nhãn. -Hãy hỏi nhà thuốc gần nơi bạn sống để được tư vấn về các sản phẩm OTC. -Nói chuyện với bác sĩ về tất cả các sản phẩm bạn đang dùng cho tình trạng bệnh lý của mình.  

NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CHƯA BIẾT KHI DÙNG THUỐC THÔNG MŨI CHO TRẺ
27

Th 10

NHỮNG ĐIỀU CHA MẸ CHƯA BIẾT KHI DÙNG THUỐC THÔNG MŨI CHO TRẺ

  • admin
  • 0 bình luận

Nghẹt mũi gây khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt của trẻ. Việc sử dụng các thuốc thông mũi có thể giúp cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc nào để đảm bảo an toàn lại là điều cha mẹ chưa biết hết. Thời tiết thay đổi, ô nhiễm môi trường là những nguyên nhân phổ biến gây các bệnh lý mũi họng ở trẻ. Triệu chứng của người bệnh là nghẹt mũi, gây khó chịu, ảnh hưởng đến giấc ngủ sinh hoạt của trẻ. Các thuốc thông mũi được coi là biện pháp hiệu quả cải thiện tình trạng nghẹt mũi, khó chịu. 1.MỘT SỐ THUỐC THÔNG MŨI THƯỜNG DÙNG Thuốc chống sung huyết Thuốc chống sung huyết có tác dụng làm co các mạch máu trong niêm mạc mũi, giúp giảm sưng và tắc nghẽn (nghẹt mũi). Một số thuốc hay dùng gồm: thuốc tác động toàn thân (pseudoephedrine dạng uống), thuốc tác động tại chỗ (naphazolin, oxymetazolin, xylometazolin,... dạng thuống nhỏ/ xịt mũi). Lưu ý không sử dụng thuốc thông mũi pseudoephedrine cho trẻ em dưới 2 tuổi trừ khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ. Viên nén/ viên nang tác dụng kéo dài không được khuyến khích sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi. Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc là nhịp tim nhanh, lo lắng, bồn chồn, mất ngủ… Thuốc chống sung huyết tác dụng tại chỗ giúp giảm cảm giác ngạt mũi nhanh, nên nhiều người coi là “thần dược” tự ý mua đồ về sử dụng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc có thể gây hại cho trẻ, bởi thuốc nhỏ/ xịt mũi có tác dụng co mạch, không chỉ khu trú ở niêm mạc mũi mà còn có thể gây co mạch toàn thân, khiến trẻ bị tím tái, choáng, vã mồ hôi, trụy tim mạch… Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc là gây rát mũi, khô mũi, chảy máu mũi… khiến trẻ khó chịu và nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn cao hơn. Ngoài ra, cần lưu ý không nên sử dụng thuốc chống sung huyết trong thời gian dài (quá 7 ngày), đặc biệt với loại thuốc tác dụng tại chỗ ở dạng nhỏ/ xịt mũi. Lạm dụng thuốc có thể gây hiện tượng nhờn thuốc, thuốc không có hiệu quả theo thời gian, thậm chí còn gây hiện tượng tác dụng ngược, làm nặng thêm tình trạng nghẹt mũi. Nước muối dạng nhỏ hoặc xịt Nước muối sinh lý là các thuốc không cần kê đơn, độ an toàn cao, dùng được cho mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Hai loại thường dùng là nước muối đẳng trương, (nước muối sinh lý 0,9%) và nước muối ưu trương. -Công dụng chính của nước muối sinh lý (0,9%) là giúp làm vệ sinh lấy sạch mũi nhầy. Do có cùng nồng độ muối sinh lý với mũi/ họng nên có thể dùng nhiều lần, dài ngày tùy theo nhu cầu vệ sinh khi viêm nhiễm. Tuy nhiên, không nên lạm dụng nước muối sinh lý trong điều kiện mũi bình thường vì sẽ làm mũi trẻ mất đi lớp dịch tiết tự nhiên giúp bảo vệ lớp niêm mạc, từ đó mũi dễ bị khô rát, kích ứng, chảy nước mũi và có thể gây viêm nhiễm. -Nước muối ưu trương (là loại nồng độ muối cao hơn 0,9%), giúp cuốn mũi co lại, giảm phù nề và giúp trẻ dễ thở hơn. Tuy nhiên loại nước muối này không nên sử dụng quá 7 ngày liên tục vì có thể dẫn tới tổn thương niêm mạc mũi. Thuốc xịt mũi chứa glucocorticoid Có 2 thế hệ glucocorticoid thường dùng trong dạng xịt mũi, bao gồm: Thế hệ 1 (beclomethasone, flunisolide, triamcinolone, và budesonide) và thế hệ 2 (fluticasone propionate, fluticasone furoate và mometasone furoate). Thuốc nhỏ/ xịt mũi glucocorticoid chủ yếu có tác dụng tại chỗ, nhưng nếu sử dụng trong thời gian dài, liều cao sẽ gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm như: -Tác dụng phụ tại chỗ: kích ứng niêm mạc mũi, chảy máu cam hay có vết máu trong tiết chất nhầy của mũi, làm khô và teo niêm mạc mũi, loét vách mũi. -Tác dụng phụ toàn thân: khi dùng các thuốc nhỏ mũi/ xịt mũi chứa glucocorticoid lâu dài cần theo dõi ảnh hưởng trên tăng trưởng của trẻ em. Nguy hiểm hơn một số trường hợp bệnh nhi lạm dụng thuốc có thể gây suy tuyến thượng thận và các biến chứng của suy tuyến thượng thận mạn như loãng xương, chậm phát triển chiều cao, giảm sức đề kháng… 2.LƯU Ý KHI DÙNG THUỐC THÔNG MŨI CHO TRẺ -Khi chưa xác định được nguyên nhân gây nghẹt mũi, chỉ nên nhỏ/xịt mũi cho trẻ bằng các thuốc có thành phần là nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%). Những thuốc còn lại không được tự ý sử dụng cho trẻ, mà cần có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc tai mũi họng. -Không nên nhỏ mũi bằng các hoa lá, thảo mộc tự chế vì các loại thuốc này không đảm bảo vô khuẩn có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh hoặc chứa dị nguyên gây phản ứng dị ứng ở trẻ. -Menthol và tinh dầu bạc hà (chứa khoảng 70% menthol) gây ức chế tuần hoàn, hô hấp, dẫn đến ngừng tim, ngừng thở nhất là với trẻ 2 tuổi. Vì vậy không dùng các loại cao xoa, thuốc hít, thuốc xông chứa các loại chất này cho trẻ nhỏ. -Thời gian dùng thuốc cho trẻ phải do bác sĩ chỉ định, phụ huynh không tự ý mua hoặc sử dụng đơn cũ ở những lần nghẹt mũi sau. -Không được tự ý tăng/ giảm/ ngưng sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khi có dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử lý, tránh biến chứng nguy hiểm.  

QUAI BỊ - BỆNH TRUYỀN NHIỄM CÓ THỂ GÂY NHIỀU BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM
25

Th 10

QUAI BỊ - BỆNH TRUYỀN NHIỄM CÓ THỂ GÂY NHIỀU BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM

  • admin
  • 0 bình luận

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên và lan truyền qua đường hô hấp. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường thấy ở trẻ em tuổi thanh thiếu niên. Hiện bệnh quai bị chưa có thuốc trị đặc hiệu. Tuy bệnh có thể tự khỏi nhưng cũng có thể bị các biến chứng nguy hiểm. 1.BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH QUAI BỊ Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: tinh hoàn sưng to, đau, viêm và sốt kéo dài -> tinh hoàn teo dần và giảm số lượng tinh trùng -> có thể dẫn đến vô sinh. Viêm buồng trứng: biểu hiện đau bụng, rong kinh, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc quai bị có thể bị sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nhồi máu phổi: có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến. Viêm não, viêm màng não. Đặc biệt, bệnh quai bị ở người lớn thường có nguy cơ nặng và nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. 2.TRIỆU CHỨNG BỆNH QUAI BỊ NHƯ THẾ NÀO? Đau góc hàm là triệu chứng điển hình của bệnh quai bị. Khởi đầu triệu chứng bệnh quai bị không đặc hiệu như sốt nhẹ, đau người, kém ăn. Vì vậy, người bệnh có thể nhầm lẫn với một số bệnh khác mà không chú ý kiêng cữ, khiến cho bệnh nặng hơn. Sau 48h bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khác như: Sưng to vùng mang tai, có thể sưng 1 bên hoặc 2 bên và thường cách nhau vài ngày. Đây là dấu hiệu đặc trưng của quai bị. Đau họng và đau góc hàm. Sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Đau cơ, mệt mỏi toàn thân. Sợ gió, sợ ánh sáng. Để chắc chắn có thể đi làm xét nghiệm virus hoặc xét nghiệm các kháng thể. Đây là các xét nghiệm xác định chủng di truyền của virus hoặc xác định khả năng miễn dịch của cơ thể với virus quai bị thông qua kháng thể đặc trưng.  3.KHI BỊ QUAI BỊ PHẢI LÀM SAO? Cách ly và nên nghỉ ngơi tại giường. Uống nhiều nước nhưng không nên uống nước ép trái cây có vị chua vì nó chứa nhiều thành phần axit, gây kích thích các tuyến mang tai, tạo nhiều nước bọt và gây đau hơn. Hạn chế thức ăn có chứa thành phần nếp (xôi, bánh chưng…) vì chúng có thể làm cho vùng hàm trở nên sưng to hơn. Nên chọn thức ăn dạng lỏng, mềm, dễ nuốt, hạn chế nhai nhiều. Kiêng nước lạnh và ra gió để tránh làm cho vùng quai bị sưng to và nặng nề hơn, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Có thể bổ sung vitamin C để nâng cao miễn dịch. Có thể sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt thành phần paracetamol khi có các triệu chứng sốt cao > 38,5 độ C hay khi đau nhiều ảnh hưởng đến giấc ăn và ngủ. Có thể dùng bài thuốc dân gian dùng rượu hạt gấc bôi vào vùng bị sưng có tác dụng làm giảm triệu chứng sưng đau. 4.PHÒNG NGỪA QUAI BỊ NHƯ THẾ NÀO? Hạn chế tiếp xúc trực tiếp người bệnh, không ăn uống chung hoặc dùng chung đồ cá nhân với người bị bệnh. Tiêm phòng vaccine là biện pháp an toàn để chủ động phòng bệnh, mặc dù do vaccine quai bị thường kết hợp với sởi và rubella nên hiệu quả bảo vệ bệnh chỉ rơi vào 90-95%, tuy nhiên người bệnh sẽ bị bệnh nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh ít hơn nếu đã được tiêm phòng, do trong cơ thể đã tạo sẵn kháng thể phòng bệnh.  

TRÀN LAN CÁC LOẠI THỨC UỐNG MANG TÊN
09

Th 08

TRÀN LAN CÁC LOẠI THỨC UỐNG MANG TÊN "SỮA"

  • admin
  • 0 bình luận

Nhiều loại nước uống mang tên sữa nhưng thực chất không bổ sung các chất dinh dưỡng cho cơ thể, thậm chí còn gây thiếu, suy chất dinh dưỡng. MA TRẬN “SỮA” Chị Nguyễn Thị Hoài Nam (Nam Từ Liêm, Hà Nội) bất ngờ khi kết quả xét nghiệm của con trai 4 tuổi cho thấy bé thiếu rất nhiều chỉ số sắt, canxi. Chị Hoài cho biết con trai lười ăn. Hằng ngày, bé được bố mẹ bổ sung thêm bằng sữa hộp. Bé uống các loại sữa vị trái cây, chocolate. Trung bình, cậu bé uống 3-4 hộp mỗi ngày. Khi bác sĩ thông báo bé thiếu chất, bà mẹ giật mình vì con vẫn bổ sung sữa thường xuyên. Tuy nhiên các loại sữa chị bổ sung cho con thực tế chỉ là thức uống dinh dưỡng được gọi theo thói quen là sữa và không đủ các thành phần đạm, sắt và các vitamin, khoáng chất cần thiết theo khuyến nghị của các cơ quan dinh dưỡng. Chị Hoài cũng giống như nhiều bà mẹ khác khi mua sữa cho con đều chiều theo sở thích của trẻ. Thậm chí bé xem quảng cáo trên youtube và đòi mẹ phải mua loại thức uống như vậy. Chị Vũ Thị Tuyết (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết nhiều năm trước, chị thường mua các thùng sản phẩm nước uống có tên sữa về cho con nhưng bé vẫn còi cọc, xanh xao. Khi tìm hiểu kỹ hơn, chị mới biết các sản phẩm này chỉ là thực phẩm dinh dưỡng không phải sữa. Nhiều sản phẩm ghi trên bao bì là sữa trái cây nên bà mẹ trẻ này cho rằng đó là sữa. Khi cho con đi khám dinh dưỡng, chị Tuyết mới biết bé thiếu rất nhiều chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, các loại nước uống này được quảng cáo trên nhiều nền tảng, hương vị và kèm theo quà tặng hấp dẫn nên trẻ rất yêu thích. CẦN ĐỌC NHÃN MÁC SẢN PHẨM Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, hiện nay nhiều loại thức uống dinh dưỡng được gọi dưới tên sữa nhưng không phải là sữa. Trong khi đó người tiêu dùng theo thói quen có chữ sữa trong sản phẩm thì được gọi là sữa. Tuy nhiên, khi cho trẻ uống những thức uống dinh dưỡng này, cha mẹ phải chú ý tới thành phần trong đó. Bởi BS. Hưng gặp rất nhiều trẻ đến khám suy dinh dưỡng dù cha mẹ cho rằng con vẫn uống sữa thay nước lọc hằng ngày. Khi được hỏi, trẻ uống sữa loại gì, các bà mẹ “khoe” rất nhiều loại. Tuy nhiên, bác sĩ thấy chúng không phải là sữa. Hiện nay, không chỉ có thức uống dinh dưỡng, người dân coi các loại bột pha đều là sữa. Thậm chí các loại từ bột ngũ cốc cũng là sữa. “Do đó, khi chọn mua sữa dinh dưỡng bổ sung cho con, cha mẹ cần đọc nhãn mác sản phẩm để cân đối thành phần dinh dưỡng. Người tiêu dùng Việt mua nhiều sản phẩm nhưng lại lười đọc các thông tin trên nhãn sản phẩm,” BS. Hưng cho biết. Với trẻ dưới 5 tuổi, việc bổ sung protein, canxi, kẽm cần được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn. Trẻ có cân nặng, chiều cao hợp lý có thể sử dụng các loại thức uống dinh dưỡng theo sở thích của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ nên kiểm soát lượng uống, không nên dùng thay nước lọc. BS. Hưng khuyến cáo tốt nhất nên xem kỹ thành phần không mua theo quảng cáo hoặc thói quen gọi là sữa. Ngoài ra, các sản phẩm thức uống dinh dưỡng chỉ là hỗ trợ, không thể thay thế các loại thực phẩm ăn hằng ngày như chất bột đường, chất đạm, chất béo và vitamin từ rau củ, quả. Khi chọn sữa, các cha mẹ cần cân nhắc nhiều vấn đề gồm: tuổi, tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý, sự dung nạp của cơ thể trẻ với những loại khác nhau, phù hợp với nhu cầu sử dụng, điều kiện kinh tế của từng gia đình. BS. Hưng cho biết nếu trẻ bị suy dinh dưỡng, biếng ăn cần được khám và đánh giá tình trạng dinh dưỡng nhằm tìm nguyên nhân trước khi dùng sữa. Việc vội vàng cho trẻ uống các loại thực phẩm dinh dưỡng mang tên sữa có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn.  

Đối tác chiến lược

Hotline 1900 633 486
popup

Số lượng:

Tổng tiền: