Th 02
Bệnh mỡ máu (hay máu nhiễm mỡ) là căn bệnh không chỉ phổ biến ở các nước trên thế giới mà còn ngày càng phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Theo thống kê tại Việt Nam, có tới 30% người trưởng thành bị mắc bệnh mỡ máu (rối loạn lipid máu), tỷ lệ người thành thị bị mắc bệnh là 44,3%. Số người bị bệnh ngày càng gia tăng, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Căn bệnh này rất nguy hiểm có thể gây ra tử vong nếu không chữa trị kịp thời và cách chữa trị dứt điểm nó không nằm ở phương pháp chữa trị mà nằm ở lối sống của bạn. Bệnh máu nhiễm mỡ Hãy cùng Hadu tìm hiểu rõ hơn về bệnh máu nhiễm mỡ qua bài viết dưới đây nhé: I.MỠ MÁU CAO LÀ GÌ? Mỡ máu cao còn được gọi là rối loạn mỡ máu hay máu nhiễm mỡ, tăng cholesterol máu. Bệnh đặc trưng bởi hiện tượng tăng thành phần mỡ gây hại và giảm thành phần mỡ bảo vệ cơ thể. Người bệnh sẽ được chẩn đoán mỡ máu cao khi các chỉ số mỡ máu vượt ngưỡng an toàn như sau: Cholesterol toàn phần > 6,2 mmol/L. LDL-Cholesterol > 4,1 mmol/L. Triglyceride > 2,3 mmol/L. HDL-Cholesterol < 1 mmol/L. II.NGUYÊN NHÂN GÂY MỠ MÁU CAO Theo thống kê ở Mỹ, có khoảng 93 triệu người trưởng thành (từ 20 tuổi trở lên) có chỉ số mỡ máu cao hơn giới hạn khuyến nghị là 200 mg/dL. Nhiều yếu tố khác nhau tạo nên mỡ trong máu và tích tụ lâu dài bao gồm: lối sống không lành mạnh, lười tập thể dục, chế độ ăn uống kém khoa học, mắc các bệnh như đái tháo đường, huyết áp cao… Có 2 loại nguyên nhân chính dẫn đến tăng mỡ máu hiện nay: 1.Nguyên nhân nguyên phát Tiền sử gia đình mắc bệnh mạch vành sớm hoặc đột quỵ: khả năng cao người bị mắc mỡ máu có người thân là nam giới (bố hoặc anh trai) dưới 55 tuổi hoặc người thân là nữ giới (mẹ hoặc chị gái) dưới 65 tuổi bị bệnh mạch vành hoặc đột quỵ. Tiền sử gia đình có tình trạng liên quan đến cholesterol: có cha/mẹ hoặc anh/chị/em bị tăng mỡ máu trong gia đình. Tăng mỡ máu gia đình là một thuật ngữ y khoa để chỉ tình trạng mỡ trong máu cao xảy ra trong gia đình với nguyên nhân là do sự đột biến gen di truyền từ cha mẹ. Những người bị tăng mỡ máu gia đình bị vấn đề này từ khi sinh ra, có thể dẫn đến xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành sớm. 2.Nguyên nhân thứ phát Yếu tố lối sống Chế độ ăn uống không lành mạnh, nhiều chất béo bão hòa như thịt đỏ, kem, bơ và các sản phẩm từ sữa khác. Tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa như bắp rang bơ, bánh quy, khoai tây chiên, đồ uống có gas,... Lười tập thể dục thể thao, ít vận động và duy trì các hoạt động thể chất. Sử dụng thuốc lá, uống nhiều rượu bia, đồ uống có cồn. Bị thừa cân, béo phì. Yếu tố sức khỏe Khi mắc những căn bệnh này người bệnh cũng có nguy cơ mắc máu nhiễm mỡ như: bệnh thận, bệnh gan, suy giáp, đa u tủy, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), xơ gan mật tiên phát, bệnh tiểu đường, lupus, chứng ngưng thở lúc ngủ. III.MỠ MÁU CAO GÂY BIẾN CHỨNG GÌ Ban đầu các triệu chứng mỡ máu cao khá mơ hồ và bệnh nhân chưa cảm nhận được ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe. Tuy nhiên, theo thời gian, LDL-Cholesterol dư thừa sẽ bám vào thành động mạch ngày một nhiều, hình thành các mảng bám dày, thu hẹp lòng mạch và làm giảm lưu lượng máu đến tim, não, tay, chân. Ngoài ra các mảng bám cũng có thể vỡ ra, hình thành cục máu đông, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm: Mỡ máu cao gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm Bệnh tim mạch vành: các mảng bám tích tụ trong động mạch làm giảm lưu lượng máu tới tim. Đột quỵ: tương tự cơn đau tim, các cơn đột quỵ xảy ra khi thiếu oxy lên não. Hiện tượng này xảy ra do mảng bám tích tụ từ LDL-Cholesterol dư thừa bị vỡ ra, hình thành cục máu đông, chặn động mạch cấp oxy cho não. Không có oxy, tế bào não chết đi, xuất hiện các triệu chứng như suy nhược cơ thể đột ngột, tê liệt, gặp khó khăn khi nhìn hoặc nói chuyện… LDL-Cholesterol tăng cao gây bệnh tiểu đường và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. LDL-Cholesterol tăng cao gây tăng huyết áp, dẫn tới đột quỵ sớm. Tăng mỡ máu có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ, suy giảm chức năng gan và ung thư gan. IV.NÊN ĂN GÌ ĐỂ KIỂM SOÁT MỠ MÁU Những người bị bệnh dù ở mức độ nào cũng nên thực hiện chế độ ăn hợp lý chứa các loại thực phẩm sau: Nên ăn các loại rau xanh vì chúng ít Cholesterol. Ăn thịt nạc thăn, hạn chế thịt mỡ và nội tạng động vật. Ăn thức ăn ít chất béo như cá, các họ đậu, hoa quả tươi. Các loại nấm: nấm hương, mộc nhĩ. Gừng hỗ trợ rất tốt trong việc giảm mỡ máu. Trà sen hoặc các loại trà thanh lọc cơ thể. Các loại thực phẩm cần tránh ăn nhiều: Đồ ăn chiên nhiều dầu mỡ Đồ ăn chế biến sẵn Nội tạng động vật Ăn nhạt sẽ tốt hơn cho hoạt động của tim mạch Không nền ăn nhiều đồ chiên rán, đồ mỡ Hy vọng bài viết vừa rồi của Hadu đã giúp bạn hiểu rõ và cụ thể hơn về bệnh máu nhiễm mỡ và cách phòng bệnh. Đừng quên theo dõi Website của Hadu để cập nhật nhiều thông tin Y Dược mới nhất nhé!
Th 02
Sốt virus là một căn bệnh khá phổ biến ở cả người lớn và trẻ em, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường nhằm tạo điều kiện cho virus phát triển và gây bệnh. Sốt virus là tình trạng thân nhiệt tăng lên do nhiễm virus. Sốt virus là biểu hiện sốt cao trên 38 độ C kèm theo nhiều triệu chứng khác nhau như tiêu chảy, phát ban, đau đầu,...tùy thuộc vào loại virus gây bệnh. Sốt virus có lây lan hay không cũng tùy thuộc vào loại virus người bệnh đang mắc, có những bệnh sốt virus tự giới hạn, không nguy hiểm nhưng có những virus lây lan nhanh và thậm chí có thể gây thành dịch. Hãy cùng Hadu tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này và hướng dẫn phòng bệnh sốt virus nhé! Bệnh sốt virus khá phổ biến ở cả người lớn và trẻ em I.SỐT VIRUS LÀ GÌ? Sốt virus còn được gọi với tên khác là sốt siêu vi là một tình trạng tăng thân nhiệt bệnh lý do tác dụng của các virus (hay còn gọi là siêu vi) gây sốt làm rối loạn trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi khiến thân nhiệt phải tăng đến một điểm định nhiệt mới. Sốt virus ở trẻ em và người lớn tuổi thường gặp hơn cả do hệ miễn dịch yếu. Sốt virus là một loại bệnh cấp tính, hiện tại, chưa có sự đồng thuận quốc tế về mốc thời gian của sốt cấp tính là bao lâu. Người ta chỉ định nghĩa sốt chưa rõ nguyên nhân ra đời với thời gian sốt trên 3 tuần nên từ cơ sở có một số tác giả định nghĩa sốt cấp tính là sốt kéo dài dưới 3 tuần. Tuy nhiên, cũng có vài tác giả định nghĩa sốt cấp tính là dưới 2 tuần hoặc ngắn hơn. II.BIỂU HIỆN SỐT VIRUS Biểu hiện sốt virus ở trẻ em: Trẻ thường bị sốt cao từ 38-39 độ C, thậm chí có trường hợp sốt cao lên tới 40-41 độ C. Lúc đang sốt cao trẻ thường mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại hạ sốt thông thường. Khi hạ sốt trẻ lại tỉnh táo và chơi đùa bình thường. Trẻ bị đau mình mẩy, với trẻ lớn sẽ kêu đau cơ bắp, đau khắp mình. Với những trẻ nhỏ, chưa biết nói, trẻ sẽ có nhiều biểu hiện quấy khóc, bỏ bú. Trẻ bị đau đầu, có một số trẻ bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không bị kích thích. Ngoài ra, trẻ có các triệu chứng như ho, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, chán ăn… Biểu hiện sốt virus ở trẻ em Biểu hiện sốt virus ở người lớn: Sốt cao Đau đầu: đây là biểu hiện thường gặp của sốt virus, bệnh nhân thường có dấu hiệu nhức đầu dữ dội. Viêm đường hô hấp: kèm theo sốt và đau đầu là các biểu hiện của viêm đường hô hấp như viêm họng (họng bị sưng tấy, đỏ), rát họng, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi… Người bệnh có biểu hiện đỏ mắt, chảy nước mắt. Da nổi mẩn: thường xuất hiện sau 2-3 ngày khi sốt virus, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt vì bệnh đã qua thời kỳ ủ bệnh và phát bệnh. Đau nhức mình mẩy: người bệnh đau nhức khắp người, đặc biệt là đau nhức ở cơ bắp. Những cơn đau này thường khiến bệnh nhân mệt mỏi không làm được việc. Rối loạn tiêu hóa: biểu hiện này thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt virus do virus đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là đại tiện lỏng (tiêu chảy), không có máu, chất nhầy. Ngoài ra người bệnh có thể buồn nôn, nôn, xuất hiện hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau, có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy… Sốt virus ở người lớn III.NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA SỐT VIRUS Sốt virus ở trẻ em thường không nguy hiểm, khi được điều trị tích cực, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm. Tuy nhiên diễn biến của bệnh sốt virus nhanh, nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, hoàn toàn có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Ở người trưởng thành, với hệ miễn dịch khỏe mạnh, thì bệnh sốt virus không quá nguy hiểm, bệnh tự diễn biến và khỏi hẳn sau khoảng 5-7 ngày. Muộn nhất bệnh tự khỏi sau khi mắc khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, nếu thấy bệnh kéo dài, diễn biến nặng thì sớm tới khám, điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng xảy ra. Sốt virus có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: 1.Viêm thanh quản Thanh quản bị viêm sưng phù, chèn hẹp thanh quản. Người bệnh có triệu chứng thở rít, khó thở, thậm chí thiếu oxy cần can thiệp hỗ trợ thở. 2.Viêm phổi Đây là biến chứng nặng của sốt virus, đồng thời bệnh cũng dễ dàng lây nhiễm cho cộng đồng hơn. 3.Viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim Nhiều người bệnh đã hết sốt, nhưng cơ thể vẫn còn mệt mỏi, đặc biệt có thể bị viêm cơ tim, làm xuất hiện cơn đau ở tim, nhịp tim đập loạn, có thể ngừng tim gây ngất. 4.Biến chứng não Sốt virus có thể diễn tiến gây biến chứng não, co giật, hôn mê sâu. Nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn tới tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn. IV.LÀM GÌ KHI BỊ SỐT VIRUS Hầu hết bệnh nhân sốt virus chỉ cần điều trị triệu chứng. Cơ thể sẽ loại trừ virus trong vài ngày và bệnh tự giới hạn nếu được điều trị đúng cách và đầy đủ. Cần nghỉ ngơi hợp lý, hoạt động vận động thể lực ở mức vừa phải, không quá sức. Làm gì khi bị sốt virus Có thể sử dụng một số thuốc điều trị triệu chứng để giảm bớt khó chịu cho người bệnh: Thuốc hạ sốt Thuốc kháng histamin để điều trị nghẹt mũi Thuốc điều trị ho Thuốc kháng viêm dùng để giảm viêm và phù nề đường hô hấp Biện pháp vật lý: làm ẩm không khí, cởi bỏ quần áo, lau người bằng nước mát,... Tùy thuộc vào loại virus gây bệnh sốt virus mà ta có thể sử dụng một số loại thuốc kháng virus để điều trị bệnh. Kháng sinh không có tác dụng diệt virus nên không được sử dụng. Chính vì vậy khi sốt không nên tự ý mua thuốc kháng sinh ở các nhà thuốc tây để sử dụng vì việc sử dụng kháng sinh vừa không giúp diệt được virus, vừa liên quan đến một số tác dụng không mong muốn và có thể thúc đẩy đề kháng kháng sinh và nhiễm khuẩn thứ phát, nên kháng sinh cần được sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ. Sốt virus nên ăn gì? Một chế độ ăn uống dành cho bệnh nhân sốt virus: Không nên ép người bệnh ăn mà nên để người bệnh ăn theo nhu cầu. Thức ăn phù hợp và tốt cho người bị sốt virus là cháo loãng, các loại thức ăn lỏng và dễ tiêu hóa như bún, phở, súp, oresol, các loại nước từ trái cây như cam, quýt, táo, lê…vừa bổ sung vitamin và nước, vừa giúp giải nhiệt. Không nên ăn đồ lạnh hoặc uống nước đá. Không ăn đồ ăn có tính cay nóng như ớt, hạt tiêu, gừng… vì chúng làm tăng nhiệt độ cơ thể Không ăn đồ ăn có chứa nhiều chất đạm do chứa nhiều protein gây khó tiêu, không tốt cho hệ tiêu hóa như trứng gà… Cơ thể khi chuyển hóa protein sẽ tỏa ra rất nhiều nhiệt lượng, làm tăng nhiệt độ cơ thể. Không nên ăn đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ. Không nên ăn đồ ăn lạnh hoặc uống nước đá. Hy vọng bài viết vừa rồi của Hadu đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh sốt virus và cách phòng tránh. Đừng quên theo dõi Website Hadu để cập nhật thêm nhiều tin tức Y Dược mới nhất nhé!
Th 02
Loãng xương là một trong những triệu chứng bệnh lý thường gặp khi tuổi càng cao. Bệnh lý này nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Một số trường hợp chỉ khi gặp biến chứng, bệnh mới được phát hiện. Vì vậy mỗi cá nhân nên thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ và chủ động trang bị kiến thức về bệnh để bảo vệ sức khỏe của mình. Bệnh loãng xương Trong bài viết này Hadu sẽ chia sẻ cùng bạn một số kiến thức về bệnh loãng xương: I.LOÃNG XƯƠNG LÀ GÌ? Bệnh loãng xương, hay còn gọi là bệnh giòn xương, hoặc xốp xương, là xương liên tục mỏng dần và mật độ chất trong xương ngày càng thưa dần, điều này khiến xương giòn hơn, dễ tổn thương và dễ bị gãy dù chỉ chấn thương nhẹ. Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh và người già. Gãy xương do loãng xương có thể gặp ở bất cứ xương nào, tuy nhiên hay gặp ở xương cột sống, xương đùi, xương cổ tay. Một số xương bị gãy có thể không lành lại được, trong đó có xương cột sống và xương đùi là những xương lành lại rất khó khăn, trong hầu hết trường hợp phải phẫu thuật với chi phí tốn kém. Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng. Thường người bệnh chỉ cảm thấy đau mỏi người không rõ ràng, giảm dần chiều cao, gù vẹo cột sống. Đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ được phát hiện khi có các biểu hiện gãy xương. Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nên nặng nề hơn khi về già. Do độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như ở tuổi trưởng thành. II.DẤU HIỆU CỦA BỆNH LOÃNG XƯƠNG Tình trạng mất xương (giảm mật độ xương) do loãng xương thường không có dấu hiệu rõ ràng. Người bệnh thường không biết mình mắc bệnh cho tới khi xương trở nên yếu, dễ gãy sau các sang chấn nhỏ như trẹo chân, té ngã, va đập. Những triệu chứng thường gặp của bệnh là: Các dấu hiệu của bệnh loãng xương Giảm mật độ xương: tình trạng này khiến xương cột sống có thể bị xẹp, gãy lún. Người bệnh thường bị các cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi lom khom, gù lưng. Đau nhức đầu xương: đây là triệu chứng người bệnh dễ nhận thấy nhất khi bị giảm mật độ xương. Bệnh sẽ gây mỏi dọc các xương dài, thậm chí là bị đau nhức toàn thân như kim chích. Đau tại vùng xương chịu trọng lực của cơ thể, các xương này gồm: xương cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông; động, di chuyển, đứng ngồi lâu, thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Đau tại cột sống, thắt lưng hay hai bên liên sườn: tình trạng này làm ảnh hưởng đến những dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và dây thần kinh tọa. Các cơn đau ở lưng trở nặng khi người bệnh vận động hay bất ngờ thay đổi tư thế. Do đó, bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các tư thế như cúi gập, xoay hẳn người. Tình trạng giảm mật độ xương khớp ở người tuổi trung niên có thể kèm theo những dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, cao huyết áp, thoái hóa khớp… III.NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH LOÃNG XƯƠNG Xương bình thường cần các khoáng chất canxi và phosphate để tạo thành. Nếu cơ thể không nhận đủ canxi từ chế độ ăn uống, việc hình thành các mô xương và xương có thể bị ảnh hưởng. Xương là một cơ quan luôn trong trạng thái liên tục đổi mới, xương mới sẽ liên tục được tạo ra và xương cũ bị phá vỡ. Khi còn trẻ, cơ thể tạo ra xương mới nhanh hơn, do đó khối lượng xương sẽ tăng lên. Hầu hết mọi người đạt được khối lượng xương cao nhất vào khoảng năm 20 tuổi. Khi lớn tuổi, khối lượng xương bị mất đi nhanh hơn được tạo ra, từ đó gây nên bệnh loãng xương. Các nguyên nhân chính của bệnh loãng xương bao gồm: Lối sống sinh hoạt không hợp lý, ít vận động Thường xuyên mang vác các vật nặng, lao động vất vả Có chế độ dinh dưỡng thiếu canxi Giới tính: nữ giới có nguy cơ mắc bệnh loãng xương nhiều hơn nam giới Lượng canxi cho quá trình tạo xương lúc trẻ không được bổ sung đầy đủ, dẫn đến việc khi về già, cùng với sự lão hóa, quá trình tạo xương giảm xuống và quá trình hủy xương diễn ra nhanh, mạnh khiến cho mật độ xương giảm sút, làm cho xương giòn và yếu, giảm sức chịu đựng và dễ gãy hơn. IV.ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH LOÃNG XƯƠNG Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh loãng xương. Một số yếu tố có thể thay đổi được trong khi số khác thì không thể. Những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như: Giới tính: ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh thì nguy cơ loãng xương tăng cao hơn hẳn so với nam giới cùng tuổi do tổng khối lượng xương thấp hơn. Tuổi tác: độ tuổi càng cao, càng có nguy cơ loãng xương. Kích thước cơ thể: những phụ nữ gầy và nhỏ con có nguy cơ bị loãng xương cao. Tiền sử gia đình từng có người bị loãng xương hoặc gãy xương hông. Mãn kinh trước 45 tuổi. Đã từng bị gãy xương. Có các bệnh đi kèm như: bệnh nội tiết, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận hoặc hội chứng Cushing. Chủng người da trắng hoặc người châu Á. Những đối tượng dễ mắc bệnh loãng xương Những yếu tố có thể thay đổi bao gồm: Nội tiết tố giới tính: nồng độ estrogen thấp do kinh nguyệt không đều, hoặc thời kỳ mãn kinh có thể gây ra bệnh loãng xương ở phụ nữ. Trong khi đó nồng độ testosterone thấp có thể gây ra loãng xương ở nam giới. Chế độ ăn ít hoặc thiếu canxi và vitamin D. Chán ăn tâm thần: chứng rối loạn ăn uống này có thể dẫn đến loãng xương. Dùng một số loại thuốc như corticosteroid hoặc heparin trong thời gian dài. Mức độ hoạt động: thiếu tập thể dục hoặc nghỉ ngơi tại giường lâu dài có thể gây yếu xương. Hút thuốc: thuốc lá rất có hại cho xương, cũng như tim và phổi. Uống rượu: uống quá nhiều rượu có thể làm xương yếu đi và dễ gãy. V.PHÒNG NGỪA BỆNH LOÃNG XƯƠNG Các phương pháp sau đây có thể giúp ngăn chặn hoặc làm chậm tiến độ mất xương và phòng ngừa gãy xương, nhưng không thể khỏi được bệnh: Ăn khẩu phần giàu canxi hoặc bổ sung canxi mỗi ngày. Đối với người lớn từ 19 đến 50 tuổi, ăn 3 bữa hoặc hấp thụ 1000 mg canxi mỗi ngày. Nam giới trên 50 tuổi, ăn 3 bữa hoặc 1000 mg canxi mỗi ngày. Nam giới trên 70 tuổi, ăn 4 bữa hoặc 1200 mg canxi mỗi ngày. Nữ giới trên 50 tuổi, ăn 4 bữa hoặc 1200 mg canxi mỗi ngày. Nguồn canxi trong thực phẩm bao gồm sữa, các sản phẩm từ sữa hoặc các loại thực phẩm giàu canxi như nước trái cây hoặc đậu, cá, các loại rau lá xanh. Thường xuyên đo loãng xương để kiểm tra mật độ xương. Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe. Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc được kê toa. Thường xuyên tập các bài tập chịu tải trọng và các bài tập tăng cường sức mạnh cơ bắp theo đề nghị của bác sĩ. Không hút thuốc. Tránh uống quá nhiều rượu: uống nhiều hơn 2 ly rượu mỗi ngày có thể làm giảm khả năng hình thành xương. Tránh để bị ngã. Hy vọng bài viết vừa rồi của Hadu đã giúp bạn có cái nhìn cụ thể hơn về bệnh loãng xương để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cả gia đình. Đừng quên theo dõi Website của Hadu để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về Y Dược mới nhất nhé!
Th 02
Huyết áp là một trong những thông số cho biết tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Huyết áp tăng đột ngột ít nhiều gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Do đó nhận biết và có cách xử trí khi bị tăng huyết áp đột ngột sẽ giúp mọi người có cách ứng phó phù hợp để giữ huyết áp ổn định, từ đó bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Cùng Hadu tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết dưới đây nhé! Huyết áp tăng đột ngột I.THẾ NÀO LÀ TĂNG HUYẾT ÁP ĐỘT NGỘT Tăng huyết áp đột ngột là tình trạng huyết áp đột nhiên tăng rất cao kịch phát, có thể lên đến 200mmHg hoặc trên 200mmHg. Lúc này cơ thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng như: Đau đầu dữ dội, choáng váng, xây xẩm mặt mày Đột nhiên nhìn mờ, khó nói Đau tức ngực, tim đập nhanh bất thường hay khó thở Chảy máu cam, buồn nôn hoặc nôn Tê yếu tay chân, đột nhiên không nhấc được chân lên, đi lại không vững, bị té, cầm đồ bị rơi… Miệng méo, cơ mặt lệch sang một bên Co giật, tinh thần không minh mẫn, hôn mê… II.TĂNG HUYẾT ÁP ĐỘT NGỘT NGUY HIỂM THẾ NÀO Trong trường hợp huyết áp tăng cao và tăng nhanh liên tục, áp lực dòng máu trong thành mạch máu quá lớn sẽ có nguy cơ dẫn đến các biến cố tim mạch. Điều đáng sợ nhất chính là vỡ mạch máu, nếu tại não thì gây ra xuất huyết não, bệnh nhân bị yếu liệt, nói khó hay nặng hơn là lú lẫn, hôn mê. Tăng huyết áp đột ngột rất nguy hiểm Nếu bệnh nhân đã có phình bóc tách động mạch chủ trước đó, với áp lực máu lớn, nguy cơ vỡ ra rất cao, nhanh chóng tụt huyết áp và tử vong. Áp lực dòng máu lớn còn có thể gây bong tróc các mảng xơ vữa động mạch, làm tắc hẹp máu nuôi đến các cơ quan gây nhồi máu não, nhồi máu cơ tim. Ngoài ra tăng huyết áp đột ngột còn gây phù phổi cấp, suy tim cấp, suy thận cấp, chảy máu mũi liên tục, xuất huyết võng mạc làm mù lòa… III.NGUYÊN NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP ĐỘT NGỘT Huyết áp luôn thay đổi tùy vào hoạt động co bóp của tim, cảm xúc và sức khỏe của con người. 1.Sử dụng quá nhiều thuốc Một số loại thuốc điều trị có thể khiến chỉ số huyết áp của bạn tăng cao một cách đột ngột. Điển hình là NSAIDs (ibuprofen hay aspirin). Ngoài ra sự kết hợp không hợp lý của một số loại thuốc cũng có nguy cơ gây tăng huyết áp bất ngờ. 2.Hút thuốc lá, uống rượu bia gây tăng huyết áp đột ngột Khói thuốc chứa đến hơn 7000 chất độc khác nhau. Trong đó nicotine có nguy cơ gây tổn thương các mao mạch dẫn đến mạch máu bị giảm tính đàn hồi, khó đối phó với sự thay đổi liên tục của huyết áp. Điều này có thể dẫn đến tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột. 3.Chế độ ăn uống Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với người mắc bệnh huyết áp. Thói quen ăn uống không tốt như sử dụng những thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa cao, nồng độ natri (muối) cao có khả năng dẫn đến tăng huyết áp. Các chất này làm tăng hàm lượng chất tan và các chất béo trong máu. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tích tụ trong các mao mạch, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn mạch máu. 4.Các yếu tố khác -Thay đổi vị trí, tư thế -Uống cafe hay hút thuốc lá trong thời gian dài -Căng thẳng, xúc động, lo lắng… -Các bệnh lý như bệnh thận, u trong tuyến tiết hormon, tăng cân, mất cân bằng nội tiết tố, chấn thương cột sống… IV.CÁCH PHÒNG TRÁNH HUYẾT ÁP TĂNG ĐỘT NGỘT Bệnh tăng huyết áp không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể cải thiện được nếu bạn tuân thủ, thực hiện các biện pháp sau: 1.Hạn chế cafe, rượu và thuốc lá Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng cafein và cồn bạn nên dùng hằng ngày. Ngoài ra bỏ thói quen hút thuốc lá bằng cách dùng đến các lựa chọn thay thế sẽ giúp bạn sớm cải thiện huyết áp. 2.Ăn nhạt hơn giúp giảm tình trạng tăng huyết áp đột ngột Muối là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tăng huyết áp. Vì vậy, lựa chọn các thực phẩm ít muối, giảm lượng muối khi chế biến có thể giúp ngăn chặn cao huyết áp hiệu quả. Sử dụng các loại gia vị khác nhau thay thế muối để món ăn đậm đà mà vẫn an toàn cho sức khỏe. Người cao huyết áp đột ngột cần đặc biệt chú ý chế độ ăn uống 3.Giảm chất béo bão hòa, giảm cholesterol xấu Đồ ăn vặt, thức ăn nhanh, đồ chiên rán, thức ăn chế biến sẵn là “kẻ thù” của bệnh nhân cao huyết áp. Hãy tránh xa các loại thực phẩm này nếu không muốn bị tăng huyết áp bất thường. Thay vào đó bạn có thể sử dụng các thực phẩm tươi như trái cây, rau và chất béo không bão hòa. Điều này sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc điều trị cao huyết áp. 4.Tập thể dục đều đặn Tập thể dục rất có lợi với sức khỏe tim mạch. Việc này cũng giúp đốt cháy lượng chất béo dư thừa, giúp cơ bắp khỏe mạnh. Bạn nên xây dựng chế độ tập thể dục phù hợp để giúp ích cho việc điều trị bệnh. Ngoài ra bạn còn có thể phòng ngừa huyết áp tăng đột ngột bằng những loại thực phẩm dinh dưỡng sau, bao gồm: chanh, tỏi, cần tây… Các biện pháp trên đây chỉ có tính chất tham khảo, hỗ trợ. Để giúp huyết áp trở lại bình thường và ổn định, cần một phác đồ điều trị hiệu quả đến từ các chuyên gia tim mạch. Tóm lại, nếu tăng huyết áp đột ngột nếu không được xử trí kịp thời có thể gây ra các biến cố như tắc hẹp động mạch, vỡ mạch máu, suy tim cấp, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não,...Vì vậy, nếu thấy hiện tượng này, bạn nên xử trí ngay. Và sau đó, huyết áp có bình thường lại không cũng nên đi khám để được điều trị nếu cần. Hy vọng bài viết vừa rồi của Hadu đã giúp bạn có cái nhìn cụ thể hơn về việc tăng huyết áp đột ngột. Đừng quên theo dõi Website của Hadu để cập nhật thông tin Y Dược hữu ích và mới nhất nhé!