Th 07
Thời tiết mùa hè nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao khiến cơ thể dễ mệt mỏi, mất nước và dẫn tới gia tăng nhiều bệnh liên quan nhiệt như say nắng, say nóng và nhiều bệnh khác do sức đề kháng suy giảm. Chuyên gia dinh dưỡng, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, cho biết bữa ăn hằng ngày cần cung cấp đầy đủ năng lượng, cân đối, đủ chất dinh dưỡng với 4 nhóm thực phẩm: chất đạm, chất béo, chất đường bột, và nhóm rau xanh, quả chín. Khi được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng phối hợp với việc vận động hợp lý, cơ thể mới có một hệ miễn dịch khỏe mạnh và tăng sức đề kháng phòng chống bệnh tật. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến khích vào mùa nóng, mọi người nên tăng cường rau xanh (400g/ngày), trái cây (100-300g/ngày), trong khẩu phần để có thể cung cấp cho cơ thể đầy đủ chất xơ cũng như các vitamin nhóm A, C, E, nhóm B… các khoáng chất: canxi, magie, kali, sắt, selen… Salad là một trong những giải pháp hữu ích để bạn có thể nạp đủ năng lượng rau xanh, quả chín cần thiết cho những ngày hè nóng bức. Việc cung cấp 1 đĩa salad cho mỗi bữa ăn là lựa chọn hoàn hảo, vừa giúp bạn ăn nhiều chất xơ hơn, vừa tốt cho sức khỏe nhờ kết hợp các loại rau xanh và trái cây bổ dưỡng. Các món salad gồm nhiều nguyên liệu rau củ tươi ngon, trái cây thanh mát và cách chế biến nhanh gọn, không cần quá cầu kỳ. Từ những thành phần cơ bản dễ kiếm và có sẵn theo mùa và khí hậu, bạn có thể gia giảm cho phong phú tùy theo sở thích, khẩu vị của gia đình. Sự hòa quyện của sốt dầu giấm cùng các loại rau quả làm cho món salad càng hấp dẫn hơn. Tươi mát, đầy màu sắc và ngon miệng, hãy thử 5 công thức salad mùa hè dưới đây cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và hương vị hấp dẫn bổ sung vào thực đơn hằng ngày của bạn. 1.SALAD QUINOA, RAU BINA VÀ QUẢ MỌNG Hạt quinoa, hay diêm mạch, có hàm lượng protein cao. Rau bina cung cấp lượng vitamin A và vitamin K lý tưởng, các loại quả mọng chứa đầy chất chống oxy hóa. Đây là một món ăn thanh mát và giàu dinh dưỡng. Thành phần: 200g hạt quinoa 200g rau bina tươi 200g quả mọng (dâu tây, mâm xôi, việt quất) Dầu oliu Giấm ăn Muối và tiêu Cách chế biến: Làm chín hạt quinoa theo hướng dẫn trên bao bì. Để nguội. Rửa sạch rau bina và quả mọng. Cắt nhỏ rau theo ý muốn. Trộn quinoa, rau bina và quả mọng trong 1 bát lơn. Thêm vài giọt dầu oliu, giấm ăn, muối và hạt tiêu xay. Trộn đều và thưởng thức. Nếu thích có thể thêm một số loại hạt như hạnh nhân nướng để món salad có độ giòn. 2.SALAD ĐẬU GÀ, DƯA CHUỘT VÀ BẠC HÀ Đậu gà rất giàu protein và chất xơ, dưa chuột giúp bù nước và bạc hà mang lại cảm giác tươi mát. Salad chế biến từ đậu gà Thành phần: 200g đậu gà đóng hộp hoặc đậu gà khô Một quả dưa chuột Một nắm lá bạc hà Một ít nước cốt chanh Một ít dầu oliu Muối và tiêu Cách chế biến: Đậu gà đóng hộp rửa với nước lạnh cho sạch. Nếu là đậu khô thì ngâm và hấp chín đậu rồi để ráo. Rửa sạch dưa chuột và thái nhỏ. Cắt nhỏ lá bạc hà. Trong một bát salad, trộn đều đậu, dưa chuột và bạc hà. Nêm nước cốt chanh, dầu oliu, muối và hạt tiêu. Trộn đều trước khi phục vụ. Để món salad thêm hương vị, cho một ít cà chua bi và oliu đen tùy thích. 3.SALAD BẮP CẢI TÍM, BƠ, VÀ BƯỞI HỒNG Bắp cải là một loại thực phẩm siêu giàu vitamin A, C, K và khoáng chất. Quả bơ chứa chất béo tốt và bưởi mang lại hương vị thơm ngon và một lượng vitamin C tốt. Thành phần: 200g bắp cải tím Một quả bơ Một quả bưởi Dầu oliu Muối và tiêu Cách chế biến: Rửa sạch và thái nhỏ bắp cải. Cắt bơ thành lát vừa ăn. Bưởi gọt vỏ và tách sẵn múi. Trộn đều các nguyên liệu trong một bát salad lớn. Bảo quản các nguyên liệu trong tủ lạnh và trước khi ăn nêm dầu oliu, muối và tiêu xay theo ý thích. 4.SALAD CÀ RỐT NGHIỀN, TÁO VÀ QUẢ ÓC CHÓ Cà rốt rất giàu vitamin A, táo cung cấp chất xơ và các loại hạt là nguồn cung cấp omega3 dồi dào. Thành phần: 200g cà rốt 2 quả táo 50g quả óc chó Một chút nước cốt chanh Một muỗng canh dầu oliu Muối và tiêu Cách chế biến: Cà rốt rửa sạch, nạo hoặc thái sợi. Rửa và cắt táo thành từng miếng nhỏ. Óc chó rang chín, nghiền vỡ. Trong một bát salad, trộn cà rốt, táo và quả óc chó. Nêm nước cốt chanh, dầu oliu, muối và hạt tiêu. Trộn đều trước khi phục vụ. 5.SALAD ĐẬU LĂNG, CÀ CHUA BI VÀ PHÔ MAI FETA Đậu lăng là nguồn protein và chất xơ tuyệt vời, cà chua bi cung cấp một lượng vitamin A và C… Phô mai feta là loại phô mai nổi tiếng nhất ở Hy Lạp với kết cấu mềm, trắng, rất bổ dưỡng và chứa nhiều canxi. Đây là một món ăn lành mạnh tốt cho sức khỏe nếu biết cách kết hợp vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Salad chế biến từ đậu lăng và cà chua bi Thành phần: 200g đậu lăng 200g cà chua bi 200g phô mai feta Một chút giấm táo Một thìa canh dầu oliu Muối và tiêu Cách chế biến: Nấu đậu lăng theo hướng dẫn trên bao bì, sau đó để nguội. Cà chua bi rửa sạch, cắt làm đôi. Cắt phô mai feta thành khối. Trong một bát salad, trộn đậu lăng, cà chua bi và phô mai. Nêm giấm táo, dầu oliu, muối và hạt tiêu. Trộn đều và phục vụ ướp lạnh. 5 công thức salad mùa hè vừa ngon vừa bổ dưỡng sẽ cho phép bạn tận hưởng những lợi ích của trái cây và rau quả mùa hè, đồng thời giúp bạn hạ nhiệt trong những ngày hè nóng bức. Đừng ngần ngại cá nhân hóa chúng theo sở thích của bạn và thay đổi niềm vui ẩm thực mỗi ngày.
Th 07
Có nhiều thực phẩm lành mạnh ăn thường xuyên sẽ giúp đường ruột khỏe mạnh nhưng cũng có một số loại thực phẩm gây hại cho đường ruột của bạn. Sức khỏe đường ruột đóng vai trò to lớn đối với chức năng thiết yếu của cơ thể bạn. Thức ăn đưa vào cơ thể được hệ thống tiêu hóa chuyển hóa và hấp thu để tạo nên các chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. Đây là lý do tại sao chế độ ăn uống hằng ngày rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe đường ruột. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên phó Viện Trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, đường ruột khỏe mạnh đóng góp tới hơn 70% hệ miễn dịch biểu mô của cơ thể. Khi đường ruột khỏe mạnh, không bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón, sẽ đảm bảo quá trình tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng diễn ra suôn sẻ giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường miễn dịch trong cơ thể. Để giúp bạn chăm sóc đường ruột một cách tối ưu, có một số loại thực phẩm không tốt với sức khỏe đường ruột và hệ vi sinh vật đường ruột bạn cần tránh tiêu thụ. Nhiều loại thực phẩm và đồ uống trong danh sách này có thể sử dụng ở mức độ vừa phải, vì vậy bạn không cần phải kiêng hoàn toàn. Tuy nhiên khi những thực phẩm này được tiêu thụ quá mức, chúng có thể làm thay đổi tiêu cực đến sự cân bằng trong hệ vi sinh đường ruột. 1.THỨC ĂN NHANH GÂY MẤT CÂN BẰNG VI KHUẨN ĐƯỜNG RUỘT Thức ăn nhanh với hương vị hấp dẫn và giúp bạn tiết kiệm thời gian, nhưng thật không may thức ăn nhanh là một trong những loại thực phẩm tồi tệ nhất đối với sức khỏe đường ruột và hệ vi sinh vật của bạn. Theo BS. Phan Thị Hồng Diệu, trường Đại Học Y Hà Nội, do thành phần ít chất xơ, nhiều chất béo và đường nên những thực phẩm này gây ra rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, thúc đẩy phản ứng viêm trong cơ thể. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí GUT (Hoa Kỳ) cho thấy thức ăn nhanh có liên quan đến việc tăng mức độ của một số vi khuẩn trong ruột, dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi sinh trong ruột. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng do sự mất cân bằng này, việc tiêu thụ thức ăn nhanh cũng có liên quan đến bệnh Crohn, hội chứng kích thích và viêm loét đại tràng. 2.THỰC PHẨM CHỨA NHIỀU ĐƯỜNG Cùng với thức ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều đường là một trong những thủ phạm hàng đầu gây ra các vấn đề về đường ruột liên quan đến chế độ ăn uống. Bạn nên hạn chế đồ nướng chứa đường đã qua chế biến chẳng hạn như bánh rán, bánh nướng xốp đóng gói, bánh quy, bánh ngọt… đây là cách tốt nhất cho sức khỏe đường ruột. Một báo cáo năm 2020 được công bố trên Tạp chí dinh dưỡng Hoa Kỳ đã kết luận rằng ăn thực phẩm chứa nhiều đường tạo ra nhiều hại khuẩn và làm giảm mức độ lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột của bạn. Theo một đánh giá được công bố trên tạp chí dinh dưỡng châu Âu, đồ uống có đường có liên quan đến sự mất cân bằng của một số vi khuẩn trong ruột và có thể dẫn đến tăng nguy cơ ung thư trực tràng khởi phát sớm ở phụ nữ. Theo các nhà nghiên cứu một trong những lời giải thích hàng đầu cho mối liên hệ này là do đường bổ sung có thể làm xói mòn hàng rào ruột và gây ra mức độ thẩm thấu ruột cao hơn. 3.THỨC ĂN QUÁ MẶN DỄ DẪN ĐẾN VIÊM RUỘT Ngày càng có nhiều nghiên cứu được công bố về tác động tiêu cực mà chế độ ăn tiêu thụ quá nhiều muối gây ra đối với sức khỏe. Chế độ ăn nhiều muối làm trầm trọng thêm các phản ứng tiền viêm, có liên quan đến sự phát triển của các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ, bệnh đa xơ cứng và bệnh Crohn. Theo BS. Phan Thị Hồng Diệu bằng chứng ngày càng chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây nhiều rủi ro đối với sức khỏe con người và làm ảnh hưởng không tốt đến chức năng của hệ miễn dịch. Kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Sinh Lý học Hoa Kỳ cho thấy, chế độ ăn nhiều natri có thể dẫn đến tăng mô và viêm ruột, và quá nhiều natri có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột. Trên thực tế, nhiều chuyên gia đã tìm thấy mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và tăng huyết áp. 4.CHẤT LÀM NGỌT NHÂN TẠO Hiện nay nhiều người sử dụng chất làm ngọt nhân tạo thay thế đường để tiết kiệm calo và giúp giảm cân, nhưng những chất này có tác dụng tiêu cực đối với sức khỏe đường ruột của bạn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy rằng việc tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo thực sự có thể liên quan đến việc phát triển chứng không dung nạp gluten do cách nó có thể làm thay đổi hệ sinh vật đường ruột của bạn. Theo một báo cáo mới năm 2023 được công bố trên tạp chí Độc học và Sức Khỏe môi trường, sucralose có trong chất làm ngọt nhân tạo được phát hiện là có khả năng làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, cũng như gây tổn thương niêm mạc ruột và tăng tính thấm của nó. 5.THỰC PHẨM GIÀU CHẤT BÉO BÃO HÒA Mặc dù là nguồn cung cấp protein dồi dào, nhưng các loại thịt chế biến sẵn như thịt xông khói hoặc xúc xích được biết có khả năng gây ra các vấn đề cho sức khỏe đường ruột do hàm lượng chất béo bão hòa tương đối nhiều. Một đánh giá từ tạp chí dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ đã tìm thấy mối liên hệ giữa tổng lượng chất béo ăn vào (cụ thể là chất béo bão hòa), và việc giảm số lượng, sự phong phú và đa dạng của vi khuẩn có lợi trong ruột, tất cả đều là dấu hiệu của sức khỏe đường ruột kém. Cũng cần lưu ý rằng thịt chế biến sẵn có hàm lượng natri cao cũng có liên quan đến sức khỏe đường ruột kém hơn. 6.UỐNG RƯỢU BIA KHÔNG TỐT CHO ĐƯỜNG RUỘT Đồ uống có cồn được chứng minh làm gián đoạn quá trình tiêu hóa bình thường và những người nghiện rượu vừa phải đến nặng thực sự có ít vi khuẩn lành mạnh hơn trong hệ tiêu hóa của họ. Trên thực tế, việc sử dụng rượu kéo dài với nhiều sẽ làm thay đổi sự đa dạng của ruột, tăng tính thấm và tăng viêm. BS Phan Thị Hồng Diệu thông tin: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống quá nhiều rượu có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, giảm khả năng phòng chống nhiễm trùng của cơ thể, gây tổn thương các cơ quan, tác động tiêu cực đến sức khỏe. Cũng theo BS Diệu một trong những tác động của rượu là ảnh hưởng đến cấu trúc và tính toàn vẹn của đường tiêu hóa. Rượu làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột, làm hỏng các tế bào biểu mô, tế bào T và bạch cầu trung tính trong hệ thống đường tiêu hóa.
Th 07
Biếng ăn, chậm tăng cân ở trẻ đang là nỗi lo của rất nhiều bậc cha mẹ. Đôi khi, những sai lầm trong cách chăm sóc con của cha mẹ chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo thống kê của Viện Dinh Dưỡng, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm tăng cân ở nước ta chiếm khoảng 23,4%, một con số khá cao so với các nước trong khu vực. Suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất ở trẻ, ảnh hưởng đến vóc dáng, thể trạng khi trẻ trưởng thành, mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ tăng cao do sức đề kháng yếu. Bên cạnh đó, suy dinh dưỡng còn làm trẻ chậm phát triển trí não, thiếu linh hoạt, phản xạ chậm, tiếp thu kém. NHỮNG SAI LẦM THƯỜNG GẶP CỦA CHA MẸ KHIẾN TRẺ BIẾNG ĂN, CHẬM LỚN Các bậc cha mẹ luôn mong muốn con trẻ phát triển tốt nhất nhưng đôi khi chúng ta lại mắc nhiều sai lầm khiến tình trạng biếng ăn, chậm tăng cân, suy dinh dưỡng của con ngày càng trầm trọng hơn. Lạm dụng đồ điện tử: vì muốn con ăn nhanh và nhiều, không ít cha mẹ áp dụng “chiêu” vừa ăn vừa xem điện thoại. Mắt trẻ “dán” vào điện thoại, miệng há và nuốt thức ăn như một cái máy, không biết món đó có ngon hay không. Tình trạng này lặp đi lặp lại sẽ khiến việc hấp thụ, tiêu hóa của trẻ gặp vấn đề, trẻ vẫn suy dinh dưỡng, và thậm chí mắc các bệnh dạ dày. Ăn rong: cho trẻ ăn rong cũng là một thói quen không tốt mà các bậc phụ huynh thường mắc phải. Thời gian ăn rong quá lâu, thường trên 30 phút, ăn rong khắp nơi không đảm bảo vệ sinh có thể khiến trẻ nhiễm khuẩn. Ép trẻ ăn: một nguyên nhân khác khiến trẻ biếng ăn chậm tăng cân là ép trẻ ăn bằng mọi giá. Ở giai đoạn 1-2 tuổi, sự phát triển thể chất của trẻ nhỏ sẽ chậm hơn giai đoạn 1 tuổi. Nếu cha mẹ ép ăn trong giai đoạn này sẽ khiến con biếng ăn kéo dài đến 3-4 tuổi hoặc lâu hơn. Nhiều khi trẻ đã ăn no nhưng vẫn cứ bắt ăn thêm, cách này hoàn toàn sai lầm vì khiến bé sợ hãi, càng trở nên biếng ăn hơn. Sai lầm trong chế biến món ăn và thiếu hụt vi chất cần thiết: thói quen nấu nhuyễn, nghiền nát thức ăn dù con đã lớn khiến trẻ thấy ngán. Thêm vào đó việc cha mẹ muốn con ăn thật nhiều nhưng chế độ dinh dưỡng lại không đầy đủ, thiếu hụt một số vi chất như kẽm, sắt cũng khiến trẻ trở nên chán ăn, sức khỏe kém đi, da xanh xao, mệt mỏi, quấy khóc kéo dài, chậm phát triển về thể lực và trí tuệ. HẬU QUẢ CỦA VIỆC BIẾNG ĂN KÉO DÀI Thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết làm rối loạn tăng trưởng Nhiều chuyên gia cho biết biếng ăn trong 2 năm đầu có nguy cơ nhẹ cân hơn, thậm chí thua kém 6-22% chỉ số cân nặng lý tưởng so với những trẻ ăn uống tốt. Đây cũng chính là con đường ngắn nhất dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Tình trạng phổ biến thường gặp ở các phòng khám dinh dưỡng cho trẻ là chỉ số cân nặng và chiều cao thấp hơn với trẻ ở cùng độ tuổi đa phần đều là những bé biếng ăn. Chậm phát triển trí não Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển trí não của trẻ. Trẻ biếng ăn sẽ gặp phải tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết như omega3, omega6, taurin, DHA,... Đây là những dưỡng chất cần thiết để bộ não hoạt động một cách hiệu quả nhất. Theo các chuyên gia việc bé không được bổ sung đầy đủ dưỡng chất này còn ảnh hưởng kéo dài đến 5 năm phát triển về sau của bé. Suy giảm sức đề kháng, hệ miễn dịch Khi còn nhỏ, sức đề kháng và hệ miễn dịch của bé còn yếu, vì thế khi không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể thì sức đề kháng suy giảm nhanh chóng, bé dễ nhiễm bệnh hơn và khi đã mắc bệnh thì việc điều trị cho bé sẽ lâu và khó khăn hơn. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG BIẾNG ĂN CỦA TRẺ Ngay từ bây giờ các bậc phụ huynh phải thay đổi thói quen chăm sóc cho trẻ Tập cho bé ăn trong một thời gian nhất định, hình thành thói quen tập vào việc ăn uống. Các bậc cha mẹ cũng nên cải thiện bữa ăn cho trẻ ngay từ khi bé bắt đầu tập ăn dặm. Các bữa ăn của bé nên được chú trọng, chia đều hàm lượng các chất dinh dưỡng. Nên tập thói quen ăn đầy đủ rau thịt cho bé từ khi bắt đầu để hệ tiêu hóa của bé thích nghi kịp thời với các chất dinh dưỡng. Không nên ép bé ăn Nếu bé ăn ít hoặc không ăn hết khẩu phần thức ăn thì mẹ không nên ép bé phải ăn hết bằng được. Vì đôi khi, tình trạng này khiến bé dễ bị nôn trớ thức ăn, từ đó cảm thấy “sợ” khi nhìn thấy thức ăn, dẫn đến biếng ăn sau này. Nếu thấy bé ăn quá ít mẹ có thể cho bé ăn thêm vào các bữa phụ đồ ăn như chuối hoặc sữa để bù đủ năng lượng, nuôi bé khỏe và giúp bé tăng cân tốt. Tăng bữa ăn hằng ngày cho bé Mẹ có thể chia nhỏ khẩu phần ăn cho bé và tăng lên 5-6 bữa trong ngày, đồng thời mẹ cũng có thể cho bé ăn thêm bữa tối trước khi đi ngủ. Điều này không những giúp trẻ dễ ăn hơn mà còn dễ hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tăng sức đề kháng của hệ tiêu hóa Ngoài những biện pháp tự nhiên thì cha mẹ nên bổ sung trực tiếp các lợi khuẩn từ các sản phẩm men vi sinh. Việc này giúp cho hệ tiêu hóa của bé được cải thiện và phục hồi nhanh hơn.
Th 07
Lâu nay chất tạo ngọt nhân tạo được coi là một giải pháp cho những người thích ăn ngọt và không muốn lượng calo dư thừa từ đường tinh luyện hoặc các chất làm ngọt tự nhiên. Vậy chất làm ngọt nhân tạo là gì, ưu và nhược điểm ra sao? Hãy cùng Hadu tìm hiểu qua bài viết dưới đây! 1.CHẤT TẠO NGỌT TỔNG HỢP LÀ GÌ? Chất tạo ngọt tổng hợp (hay còn gọi là chất tạo ngọt nhân tạo, đường hóa học) là chất không có trong tự nhiên, chủ yếu được tổng hợp từ các chất hữu cơ, vô cơ trong nhà máy: thường có vị ngọt rất cao so với đường kính saccharose (đường tự nhiên khai thác từ mía, củ cải đường) không chuyển hóa được, do đó không có giá trị dinh dưỡng, thường có mục đích sử dụng là tạo vị ngọt trong điều trị cho những người bệnh thừa cân hay đái tháo đường. Đến nay cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt 6 loại chất tạo ngọt nhân tạo (saccharin, acesulfame K, aspartame, sucralose, advantame, neotame) và hai loại chất tạo ngọt tự nhiên (steviol glycosides, SGFE) để sử dụng trong thực phẩm. Các loại được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm với giới hạn tối đa và quy trình rõ ràng. Aspartame đã có mặt trong hơn 6.000 loại thực phẩm trên toàn thế giới và khoảng 5.500 tấn được tiêu thụ mỗi năm chỉ riêng tại Mỹ. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay vẫn đang tồn tại rất nhiều chất tạo ngọt có gốc hóa học là sodium cyclamate - một loại đường hóa học không hề có trong danh mục các loại phụ gia thực phẩm đã được Bộ Y Tế cho phép lưu hành tại Việt Nam, vì loại đường hóa học này có thể gây ra ung thư gan, ung thư phổi, dị dạng bào thai, ảnh hưởng đến các yếu tố di truyền… 2.CHẤT TẠO NGỌT TỔNG HỢP CÓ GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG KHÔNG? Các chất tạo ngọt tổng hợp hầu như không có giá trị dinh dưỡng, không chứa calo là do không phân hủy trong quá trình tiêu hóa thành các loại đường tự nhiên như glucose, fructose và galactose, vốn được sử dụng làm năng lượng chuyển hóa thành chất béo. Chất tạo ngọt không dinh dưỡng có các sản phẩm phụ khác nhau không được chuyển đổi thành calo. Ví dụ aspartame trải qua một quá trình trao đổi chất khác nhau mà không tạo thành đường đơn giản để cơ thể có thể sử dụng. Những loại khác như saccharin và sucralose hoàn toàn không bị phá vỡ mà thay vào đó được hấp thụ trực tiếp vào máu và bài tiết qua nước tiểu. Về lý thuyết, những chất tạo ngọt này có vẻ là lựa chọn tốt hơn để thay thế đường cho bệnh nhân đái tháo đường do bản chất thực sự không cung cấp đường. 3.TÁC HẠI CỦA CHẤT TẠO NGỌT NHÂN TẠO Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chất tạo ngọt nhân tạo có thể thay đổi các quá trình trao đổi chất tại ruột. Chẳng hạn, saccharin được phát hiện làm thay đổi loại và chức năng của hệ lợi khuẩn trong đường ruột, aspartame làm giảm hoạt động của một loại enzyme đường ruột. Nếu thường xuyên ăn nhiều đường hóa học, có thể gây suy giảm chức năng tiêu hóa, kích thích niêm mạc đường ruột, gây khó khăn cho sự hấp thu chất dinh dưỡng, thậm chí có thể ảnh hưởng tới chức năng thận. Nguy hiểm hơn, nếu sử dụng đường hóa học nhiều có thể kìm hãm sự phát triển của trẻ, sinh ra nhiều bệnh tật hay suy dinh dưỡng, có thể khiến trí não phát triển không bình thường… Ngoài ra, chức năng thải độc của gan, thận ở trẻ đều bị kém đi nên các hoạt chất này sẽ tích lũy lại. Ở trẻ em đường hóa học có thể cản trở khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng khiến trẻ chậm lớn, biếng ăn. Một số chất tạo ngọt có thể tác động não bộ làm thay đổi nhận thức vị giác và mất cân bằng trong sản xuất nội tiết tố. Ví dụ: Sucralose làm giảm hoạt động của amygdala, một phần của não liên quan đến nhận thức vị giác. Aspartame làm thay đổi việc sản xuất nội tiết tố tự nhiên trong cơ thể, làm tăng cả cảm giác ngon miệng và thèm chất ngọt. Chất tạo ngọt có thể làm giảm khả năng kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng, càng làm gia tăng rối loạn chuyển hóa. Nhiều người nghĩ rằng uống thức uống ăn kiêng nhiều lần một tuần vẫn tốt hơn nhiều so với uống một lần loại có đường, nên ăn uống thoải mái các sản phẩm sử dụng chất tạo ngọt thay thế đường như các loại thức uống, salad, bánh quy, sữa chua có chất tạo ngọt. Các chất tạo ngọt nhân tạo thường được xem là một chất thay thế an toàn cho đường, nhưng trái lại nhiều bằng chứng trên thực tế cho thấy việc sử dụng quá mức lại liên quan đến nguy cơ cao mắc hội chứng chuyển hóa trong đó có đái tháo đường type 2.