Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc phải các vấn đề về tiêu hóa. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa thường có các biểu hiện như tiêu chảy, táo bón, khó tiêu… Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nên được điều trị sớm.
1.RỐI LOẠN TIÊU HÓA Ở TRẺ LÀ GÌ?
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng cơ vòng trong hệ tiêu hóa bị co thắt một cách thất thường, gây đau bụng và có những thay đổi trong vấn đề tiêu hóa thức ăn.
Tình trạng rối loạn tiêu hóa tuy không gây hại đến sức khỏe và tính mạng nhưng lại ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của trẻ. Rối loạn tiêu hóa kéo dài có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm lớn… do giai đoạn nhỏ tuổi, bé cần nguồn dinh dưỡng đáng kể để lớn lên.
Bên cạnh đó, nếu ngày bé trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài có thể diễn tiến thành mãn tính và bé sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng này sau khi lớn lên.
2.NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH RỐI LOẠN TIÊU HÓA Ở TRẺ
- Hệ miễn dịch trẻ chưa phát triển hoàn thiện là nguyên nhân cốt lõi khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
- Hệ tiêu hóa còn non nớt khiến trẻ thích nghi kém và dễ mắc các chứng của rối loạn tiêu hóa, đặc biệt trong những giai đoạn thay đổi chế độ ăn đột ngột.
- Sử dụng kháng sinh bừa bãi không theo sự hướng dẫn của bác sĩ làm rối loạn hệ vi khuẩn trong đường ruột của trẻ, tiêu diệt cả những nhóm vi khuẩn có lợi, thường gây ra tiêu chảy hay táo bón.
- Môi trường sống nhiễm bẩn, chứa nhiều ổ vi khuẩn làm trẻ dễ bị nhiễm khuẩn nhiễm độc hơn. Cộng hưởng với sức đề kháng chưa hoàn thiện càng tạo điều kiện thuận lợi, dễ mắc rối loạn tiêu hóa hơn.
3.TRIỆU CHỨNG BỊ RỐI LOẠN TIÊU HÓA
Nôn trớ
Nôn là hiện tượng phản ứng đẩy các chất trong dạ dày qua miệng nhờ các tác động gắng sức của cơ thể tạo ra. Trớ là hiện tượng thường xảy ra sau khi ăn no, sữa bị trào ra khỏi miệng khi rướn người hoặc thay đổi tư thế đột ngột. Hầu hết trẻ nhỏ đều gặp phải tình trạng nôn chớ trong giai đoạn mấy tháng đầu đời, đây là hiện tượng sinh lý không có gì phải lo lắng.
Tuy nhiên, nếu trẻ lớn hơn nhưng vẫn bị nôn trớ thì có thể đây là một hiện tượng bệnh lý. Sau 1 tuổi, bé vẫn thường xuyên bị nôn trớ, chậm tăng cân, sợ ăn,... thì khả năng cao con bị rối loạn tiêu hóa hay mắc phải các bệnh lý về tiêu hóa, ba mẹ cần cho bé đi khám để biết chính xác tình trạng sức khỏe của con.
Tiêu chảy
Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi phân lỏng nhiều hơn 3 lần/ ngày. Đây là hiện tượng bệnh lý rất phổ biến ở trẻ, thường do nhiễm virus gây bệnh đường ruột hoặc nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng hoặc ăn phải thức ăn ôi thiu, kém chất lượng…
Tiêu chảy là một biểu hiện cho thấy trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Nếu kéo dài có thể dẫn đến mất nước, mất điện giải, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không bù nước, bù điện giải kịp thời.
Táo bón
Một triệu chứng nữa khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa là do táo bón. Đây là tình trạng trẻ không đi ngoài thường xuyên, 2-3 ngày mới đi một lần. Tính chất phân là khô rắn, cứng, to, đóng khuôn… Bé bị đau bụng và gặp khó khăn khi đi đại tiện, đại tiện đau, muốn đi nhưng không được… Hậu quả của táo bón là khiến trẻ biếng ăn, sợ ăn, đau bụng, chậm lớn.
Nguyên nhân khiến bé bị táo bón có thể là do bé ăn phải thực phẩm khó tiêu như đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, thức ăn cứng, thức ăn quá giàu đạm, trẻ ăn ít chất xơ, uống ít nước, không ăn trái cây… Ngoài ra, yếu tố tâm lý căng thẳng cũng có thể khiến bé bị táo bón.
Bên cạnh đó, trẻ sinh non, suy giáp, bị nứt hậu môn, trẻ bị phình đại tràng bẩm sinh, dùng thuốc kháng sinh nhiều… cũng dễ gặp phải tình trạng táo bón hơn những em bé khác.
Ợ hơi chán ăn
Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như đầy bụng, trướng hơi. Biểu hiện là bụng thường xuyên căng to và bé ợ hơi liên tục. Do bị đầy hơi nên bé thường xuyên đánh hơi và đôi khi còn bị hôi miệng.
Tình trạng rối loạn tiêu hóa này khiến trẻ kém ăn, lười ăn do hệ tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng kém.
Đi ngoài phân nát
Đây là một triệu chứng rất điển hình khi trẻ rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa đang gặp vấn đề nên thức ăn sẽ không được tiêu hóa tốt, dẫn đến đi ngoài phân nát.
Đi ngoài phân sống
Hệ tiêu hóa của trẻ mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại, cụ thể là lượng vi khuẩn có hại tăng cao khiến cho quá trình tiêu hóa thức ăn, hấp thu dinh dưỡng và đào thải cặn bã bị rối loạn. Kết quả khiến trẻ đi ngoài phân sống do thức ăn không được tiêu hóa tốt.
Tình trạng đi ngoài phân sống rất dễ nhận biết, phân lỏng, có chất nhầy. Nếu phân có lẫn máu thì nên cho bé đi khám ngay.