FOS (Fructo oligosaccharide) là chất xơ hòa tan có nguồn gốc tự nhiên, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe (hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch, các quá trình chuyển hóa…). Để hiểu rõ hơn về FOS và tác dụng của nó, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
I-TỔNG QUAN VỀ FOS (Fructooligosaccharides)
1.FOS là gì?
FOS là chất tiền sinh - Prebiotics, có nguồn gốc từ thực vật, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe của con người, đặc biệt giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Prebiotics là “một loại thực phẩm không được phân cắt bởi hệ thống enzyme tiêu hóa.”
- Kích thích sự phát triển của các vi khuẩn Bifidobacterium nội sinh. Bao gồm Bifidobacterium và Lactobacillus là hệ vi sinh vật đường ruột có lợi cho sức khỏe con người.
- Thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra nhanh và an toàn.
- Bảo vệ được lớp niêm mạc dạ dày.
- Cân bằng được hệ vi sinh vật có lợi cho đường ruột ở đại tràng.
- Giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn và quá trình đào thải phân dễ dàng hơn.
- Prebiotics còn kìm hãm, tiêu diệt những vi khuẩn có hại cho đường ruột.
2.Vai trò của FOS trong các bệnh lý của cơ thể
Giúp lợi khuẩn có trong đường ruột tồn tại và phát triển
FOS đóng vai trò là những prebiotics (nguồn thức ăn) cho các lợi khuẩn có trong đường ruột, giúp chúng phát triển và tăng sinh một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, sau khi vào cơ thể, FOS được lên men bởi các vi khuẩn có trong đường ruột tạo thành SCFAs (acid béo chuỗi ngắn: butyrate, acetate, propionate), chúng axit hóa môi trường, làm giảm pH trong ruột, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của lợi khuẩn.
Sản xuất các axit chuỗi ngắn (SCFAs)
Quá trình lên men FOS bởi các vi khuẩn kỵ khí có trong ruột tạo ra các axit béo chuỗi ngắn (SCFAs). Chúng tham gia vào các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể, duy trì và bảo vệ sức khỏe đường ruột.
Acetate làm giảm pH trong ruột kết, tạo điều kiện thuận lợi cho lợi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, nó còn tham gia tổng hợp nên acid béo và cholesterol trong cơ thể.
Butyrate cung cấp năng lượng, kích thích tăng sinh và biệt hóa các tế bào biểu mô ruột, ức chế quá trình viêm nhiễm ở ruột và điều hòa nhu động ruột.
Propionat làm giảm glycogen và ức chế tổng hợp cholesterol ở gan.
Làm giảm tình trạng táo bón
Táo bón là tình trạng xảy ra phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc trưng bởi các biểu hiện như đi ngoài phân khô, cứng, có thể đau rát ở hậu môn, tần suất đại tiện 2-3 lần/tuần.
Bổ sung chất xơ hòa tan FOS giúp cải thiện tình trạng táo bón bằng cách:
- Là nguồn dinh dưỡng cho lợi khuẩn đường ruột, tạo điều kiện cho chúng tồn tại và phát triển. Sự có mặt của lợi khuẩn sẽ giúp cơ thể tiết ra enzyme phân cắt triệt để thức ăn và điều hòa nhu động ruột.
- Tăng cường hấp thu nước làm tăng khối lượng phân, làm mềm phân. Bên cạnh đó độ nhớt của FOS còn giúp phân dễ dàng di chuyển trong đường ruột để đi ra bên ngoài. Nhờ vậy mà tần suất đi đại tiện tăng lên, ;làm giảm được tình trạng táo bón.
Ảnh hưởng đến sự hấp thu khoáng chất
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra sự có mặt của FOS giúp tăng cường hấp thu các khoáng chất như canxi, magie, sắt, kẽm…
Điều hòa chuyển hóa lipid
Sản phẩm chuyển hóa của FOS - SCFAs tham gia điều hòa chuyển hóa lipid bằng cách:
Ức chế tổng hợp cholesterol ở gan, làm giảm được nồng độ LDL - C (cholesterol xấu) và chất béo trung tính trong máu.
Tăng cường tổng hợp acid mật hấp thu chất béo có trong ruột.
Điều hòa đường huyết
Các sản phẩm chuyển hóa của FOS tham gia vào các phản ứng đường phân, làm giảm tổng hợp glycogen ở gan, tăng cường sử dụng glucose ở tế bào.
Độ nhớt của FOS làm cản trở tương tác của enzyme tiêu hóa với các chất dinh dưỡng, làm chậm sự hấp thu của các chất dinh dưỡng, do đó làm giảm sự hấp thu glucose ở các tế bào niêm mạc ruột.
Chất xơ FOS cũng kích thích tuyến tụy tăng cường tiết insulin (hormon hạ đường huyết), nhờ vậy mà giảm lượng đường trong máu.
Làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng
Bổ sung chất xơ FOS giúp ngăn ngừa ung thư đại tràng bằng cách tăng cường sản xuất ra các acid béo chuỗi ngắn (SCFAs) nhằm:
- Thúc đẩy tăng sinh và biệt hóa biểu mô ruột, ức chế tình trạng viêm nhiễm ở ruột.
- Tham gia củng cố, bảo vệ hàng rào niêm mạc ruột tránh khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, virus.
- Điều hòa hệ thống miễn dịch
FOS tham gia điều hòa hệ thống miễn dịch ruột bằng cách:
- Kích thích cơ thể tăng cường sản xuất globulin miễn dịch (IgA), interferon (IFN) và các tế bào lympho T, cytokine,... chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn.
- Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của lợi khuẩn có trong đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, bảo vệ niêm mạc ruột và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm.
Vai trò của FOS trong sữa mẹ và tác động của chúng lên trẻ sơ sinh
FOS là nguồn chất xơ thiết yếu không chỉ đối với người lớn mà còn đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, cần chú trọng bổ sung vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Đối với trẻ sơ sinh, có thể bổ sung FOS thông qua việc bú sữa mẹ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, oligosaccharide là thành phần có nhiều trong sữa mẹ (chỉ sau lactose và lipid). Chúng đảm nhận vai trò quan trọng đối với sức khỏe trẻ.
Đối với hệ miễn dịch đường ruột
FOS giúp tăng cường hệ thống miễn dịch đường ruột của trẻ.
FOS có trong sữa mẹ khi đi vào cơ thể trẻ không bị hấp thụ ở ruột non mà đi thẳng xuống ruột già. Tại đây FOS làm giảm pH của ruột già và là nguồn dinh dưỡng cho lợi khuẩn đường ruột, tạo điều kiện cho chúng phát triển và tăng sinh, cân bằng hệ vi sinh đường ruột, kích thích cơ thể trẻ tăng cường sản xuất ra kháng thể bảo vệ niêm mạc ruột, ngăn ngừa viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, độ nhớt của FOS còn giúp ngăn cản bám dính của vi khuẩn có hại bên trong ruột, hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng táo bón ở trẻ.
FOS tham gia điều hòa nhu động ruột, hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng táo bón ở trẻ.
Đối với quá trình chuyển hóa của trẻ
FOS giúp tăng cường hấp thu khoáng chất, đặc biệt là canxi - góp phần giúp hình thành nên cấu trúc xương và răng.
Đối với não bộ
Sau khi vào cơ thể trẻ, các oligosaccharides bị thủy phân thành monosaccharide và acid sialic. Axit sialic tham gia vào cấu tạo nên ganglioside (chất có nhiều ở các mô thần kinh), duy trì sự ổn định của các khớp thần kinh, giúp trí não trẻ phát triển một cách toàn diện.
II-NHỮNG THỰC PHẨM CHỨA NHIỀU FOS VÀ CÁCH DÙNG ĐÚNG CÁCH
1.Thực phẩm tự nhiên chứa FOS
Các Hiệp Hội Khoa Học Tiêu Hóa và Gan mật nhi khoa châu Âu chỉ ra rằng trong sữa mẹ Oligosaccharid chiếm 7-12g/l.
Hàm lượng oligosaccharide trong sữa mẹ thay đổi theo độ tuổi thai của em bé, thời gian cho con bú, thời gian trong ngày và di truyền của mẹ.
Nồng độ cao nhất của oligosaccharides được tìm thấy trong sữa non (24% tổng lượng carbohydrate), giảm xuống 19% trong tháng đầu tiên và 15% vào tháng thứ hai.
Các thực phẩm như: mật ong, chuối, cà chua, khoai tây, tỏi, lúa mạch, lúa mì, củ cải đường, măng tây, hành tây, atiso,... chứa lượng lớn các FOS.
2.Một số cách bổ sung FOS an toàn và hiệu quả
- Bổ sung sữa công thức cho trẻ nhỏ vì trong sữa công thức chứa hàm lượng lớn các chất xơ hòa tan, giúp trẻ cân bằng được hệ vi khuẩn đường ruột.
- Cho trẻ ăn những loại trái cây chứa nhiều chất xơ hòa tan như chuối, artiso…
- Tăng cường những món ăn giàu rau củ như măng tây, cà chua, khoai tây, hành tây…
- Bổ sung các sản phẩm từ ngũ cốc và tinh bột từ lúa mạch, lúa mì…
- Trước nhiều các sự lựa chọn khác nhau bổ sung chất xơ hòa tan cho cơ thể, ta cần kiểm soát hàm lượng chất xơ hòa tan cần nạp vào mỗi ngày nhằm phát huy tối đa lợi ích mà chất xơ hòa tan mang lại cho cơ thể.