Th 07
Quả óc chó chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết như acid béo omega 3 và chất chống oxy hóa. Loại hạt tốt cho sức khỏe này cũng dễ dàng kết hợp vào chế độ ăn uống. Quả óc chó cung cấp chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất lành mạnh góp phần hỗ trợ sức khỏe. Dưới đây là những lợi ích sức khỏe của quả óc chó dựa trên cơ sở khoa học. 1.QUẢ ÓC CHÓ RẤT GIÀU CHẤT CHỐNG OXY HÓA Quả óc chó có hoạt tính oxy hóa cao hơn bất kỳ các loại hạt thông thường nào khác. Hoạt động này đến từ vitamin E, melatonin và các hợp chất thực vật được gọi là polyphenol trong quả óc chó. Một nghiên cứu năm 2022 ở những người trưởng thành khỏe mạnh trên 60 tuổi cho thấy rằng thường xuyên ăn quả óc chó làm giảm mức cholesterol LDL (có hại) của những người tham gia. 2.NGUỒN OMEGA 3 SIÊU THỰC VẬT Quả óc chó có hàm lượng acid béo omega 3 cao hơn đáng kể so với bất kỳ loại hạt nào khác, cung cấp 2,5g mỗi khẩu phần 30g. Chất béo omega 3 là chất béo thiết yếu từ thực vật, bao gồm cả quả óc chó, được gọi là ALA. Theo Viện Y Học, lượng ALA hấp thụ đầy đủ là 1,6g mỗi ngày đối với nam và 1,1g mỗi ngày đối với nữ. Việc tăng mức ALA trong chế độ ăn uống có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như bệnh tim và rối loạn nhịp tim. 3.CÓ THỂ GIẢM VIÊM Một số hợp chất thực vật và chất dinh dưỡng trong quả óc chó có thể giúp giảm viêm, vốn là thủ phạm chính gây ra nhiều tình trạng mãn tính. Viêm có thể do stress oxy hóa gây ra, là căn nguyên của nhiều bệnh như: Bệnh tim. Bệnh đái tháo đường type 2. Bệnh Alzheimer. Bệnh ung thư. Các polyphenol trong quả óc chó có thể giúp chống lại stress oxy hóa và viêm nhiễm. Một nhóm nhỏ của polyphenol được gọi là ellagitannin có thể đặc biệt tham gia vào quá trình này. Vi khuẩn có lợi trong ruột chuyển đổi ellagitannin thành các hợp chất gọi là urolithin, được cho là có tác dụng bảo vệ chống lại chứng viêm. ALA, chất béo omega 3, magie và acid amin arginine trong quả óc chó cũng có thể làm giảm chứng viêm. 4.THÚC ĐẨY ĐƯỜNG RUỘT KHỎE MẠNH Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu ruột giàu vi khuẩn tăng cường sức khỏe và các vi khuẩn (hệ vi sinh vật đường ruột) giúp đường ruột khỏe mạnh và sức khỏe tổng thể tốt. Hệ vi sinh vật đường ruột không lành mạnh tác động đến tình trạng viêm và bệnh tật trong ruột cũng như các nơi khác trong cơ thể, làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim, ung thư. Ăn quả óc chó nuôi dưỡng các vi khuẩn sống có lợi trong ruột, thúc đẩy sức khỏe đường ruột và góp phần giảm nguy cơ béo phì, bệnh tim và ung thư. Chế độ ăn có ảnh hưởng đáng kể đến việc hình thành hệ vi sinh vật. Ăn quả óc chó có thể là một cách để hỗ trợ sức khỏe của hệ vi sinh vật và đường ruột. 5.CÓ THỂ GIẢM NGUY CƠ MẮC MỘT SỐ BỆNH UNG THƯ Một số nghiên cứu trên động vật và con người cho thấy rằng ăn quả óc chó làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư vú, tuyến tiền liệt, đại trực tràng. Như đã nói, quả óc chó rất giàu polyphenol gọi là ellagitannin. Một số vi khuẩn đường ruột có thể chuyển hóa chúng thành các hợp chất gọi là urolithin. Urolithin có đặc tính chống viêm trong ruột, những chất chống viêm trong quả óc chó cũng giúp bảo vệ chống ung thư trực tràng và một số bệnh ung thư khác. Hơn nữa, urolithin có đặc tính giống hormone cho phép chúng ngăn chặn các thụ thể hormone trong cơ thể. Điều này có thể giúp giảm bệnh ung thư liên quan đến hormone, đặc biệt là ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng cần có nhiều nghiên cứu hơn trên người để xác định tác động của việc ăn óc chó với các bệnh nhân ung thư. 6.HỖ TRỢ QUẢN LÝ CÂN NẶNG Quả óc chó chứa nhiều calo nhưng một nghiên cứu nhỏ năm 2016 cho thấy cơ thể hấp thụ năng lượng từ chúng ít hơn 21% so với dự kiến dựa trên chất dinh dưỡng của quả óc chó. Hơn thế nữa, ăn quả óc chó giúp điều chỉnh sự thèm ăn. 7.CÓ THỂ GIÚP QUẢN LÝ VÀ GIẢM NGUY CƠ MẮC BỆNH TIỂU ĐƯỜNG Các nghiên cứu quan sát cho thấy một lý do khiến quả óc chó có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 là vì chúng giúp kiểm soát cân nặng. Cân nặng quá mức làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và lượng đường trong máu cao. Ăn quả óc chó góp phần điều chỉnh lượng đường trong máu. Trong một nghiên cứu năm 2016, 100 người mắc bệnh đái tháo đường type 2 đã tiêu thụ 1 thìa dầu óc chó ép lạnh mỗi ngày trong 3 tháng trong khi tiếp tục dùng thuốc trị đái tháo đường thông thường và chế độ ăn uống cân bằng. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu lúc đói giảm 8%. Ngoài ra, những người sử dụng dầu óc chó đã giảm khoảng 8% lượng huyết sắc tố A1C (lượng đường trong máu trung bình trong 3 tháng). Nhóm đối chứng cho thấy không có sự cải thiện về A1C hoặc lượng đường trong máu lúc đói. Cả hai nhóm đều không có sự thay đổi về cân nặng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là tiêu thụ dầu óc chó không giống như ăn cả quả óc chó. 8.CÓ THỂ GIÚP HẠ HUYẾT ÁP Một số nghiên cứu cho thấy rằng ăn các loại hạt, bao gồm cả quả óc chó hằng ngày như một phần của chế độ ăn có lợi cho tim có thể giúp cải thiện huyết áp. Các tác giả của một đánh giá nghiên cứu năm 2019 đã xem xét tác động của chế độ ăn Địa Trung Hải thường tiêu thụ quả óc chó và các loại hạt khác kết luận rằng tuân theo chế độ ăn Địa Trung Hải có thể giúp giảm huyết áp ở một số người. Điều này cho thấy các loại hạt góp phần cải thiện một chút lợi ích về huyết áp của chế độ ăn uống lành mạnh cho tim. Ngay cả những khác biệt nhỏ về huyết áp cũng có chút tác động lớn đến nguy cơ mắc bệnh tim. 9.HỖ TRỢ QUÁ TRÌNH LÃO HÓA KHỎE MẠNH Trong một quan sát khoa học với hơn 50.000 phụ nữ trong 18 năm, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người phụ nữ có chế độ ăn uống lành mạnh nhất có nguy cơ giảm thể chất thấp hơn 13%. Quả óc chó là một trong những thực phẩm có đóng góp lớn nhất cho chế độ ăn uống lành mạnh. Mặc dù có lượng calo tương đối cao nhưng quả óc chó chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất béo và các hợp chất thực vật thiết yếu giúp hỗ trợ hoạt động thể chất tốt nhất khi bạn già đi. 10.HỖ TRỢ CHỨC NĂNG NÃO TỐT Các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa trong quả óc chó có thể giúp giảm căng thẳng oxy hóa, giảm viêm bằng cách giảm các gốc tự do. Một nghiên cứu năm 2016 trên chuột gợi ý rằng chiết xuất quả óc chó giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh Parkinson. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2019 trên người cho thấy những người bị trầm cảm cho thấy sự cải thiện các triệu chứng nếu các loại hạt, bao gồm cả hạt óc chó, là một phần chế độ ăn uống của họ. Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn về tác động của quả óc chó lên chức năng não ở người trước khi các nhà nghiên cứu có thể đưa ra các kết luận chắc chắn. 11.HỖ TRỢ SỨC KHỎE SINH SẢN NAM GIỚI Ăn quả óc chó có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tinh trùng và khả năng sinh sản của nam giới. Trong một nghiên cứu năm 2012 với 117 thanh niên khỏe mạnh, những người tham gia ăn 75g quả óc chó mỗi ngày trong 3 tháng như một phần chế độ ăn kiêng kiểu phương Tây đã cải thiện chất lượng và khả năng vận động của tinh trùng so với những người không ăn hạt. Nghiên cứu trên động vật gợi ý rằng ăn quả óc chó có thể giúp bảo vệ tinh trùng bằng cách giảm tổn thương oxy hóa trong màng của chúng. Cần có những nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu thêm về những lợi ích này. 12.CẢI THIỆN LƯỢNG MỠ TRONG MÁU Thường xuyên ăn quả óc chó đã chứng minh là có tác dụng giảm mức cholesterol. Trong một nghiên cứu năm 2017 ở người trưởng thành khỏe mạnh, ăn 43g quả óc chó mỗi ngày trong 8 tuần giúp giảm 5% lượng cholesterol toàn phần, cholesterol LDL và chất béo trung tính so với việc không ăn quả óc chó. Những người ăn quả óc chó cũng giảm gần 6% lượng apolipoprotein B, đây chỉ là một chỉ số cho thấy có bao nhiêu hạt LDL trong máu. Apolipoprotein B tăng cao là yếu tố chính gây ra bệnh tim.
Th 07
Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng nhiều chuyên gia cho rằng vitamin dành cho phụ nữ mang thai là một chất bổ sung cho chế độ ăn uống lành mạnh trong thai kỳ. 1.VITAMIN CHO PHỤ NỮ MANG THAI CÓ PHẢI VITAMIN TỔNG HỢP? Vitamin dành cho phụ nữ mang thai cũng có nhiều thành phần tương tự như vitamin tổng hợp hằng ngày dành cho người lớn. Tốt nhất nên sử dụng các vitamin và khoáng chất quan trọng theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp cần thiết, ví dụ chế độ ăn uống không đáp ứng được. Thực tế nhiều thai phụ không bổ sung đủ được lượng dinh dưỡng phù hợp khi mang thai thông qua chế độ ăn uống. Kết hợp chế độ ăn uống và bổ sung vitamin có thể cung cấp cho cơ thể chất dinh dưỡng cần thiết đáp ứng nhu cầu năng lượng để duy trì các hoạt động và đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên có một số khác biệt lớn giữa vitamin tổng hợp và vitamin dành cho phụ nữ mang thai. Vitamin dành cho phụ nữ mang thai thường có hàm lượng acid folic, sắt, canxi và chất dinh dưỡng khác cao hơn mẹ bầu cần để duy trì sức khỏe và nuôi dưỡng em bé. Những chất dinh dưỡng này giúp em bé phát triển khỏe mạnh, đồng thời hỗ trợ ngăn ngừa dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. 2.BỔ SUNG VITAMIN DÀNH CHO PHỤ NỮ MANG THAI NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG? Nếu thai phụ có đủ hiểu biết về quá trình mang thai, về dinh dưỡng, về ăn uống, về sinh hoạt lành mạnh thì không cần đến một loại thuốc gì cho thai. Việt Nam là một nước đang phát triển vì vậy Tổ Chức Y Tế thế giới (WHO) vẫn khuyến nghị bà mẹ mang thai và cho con bú một số loại thuốc bổ sung để tránh thiếu hụt vi chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Một số phụ nữ mang thai một thời gian trước khi họ nhận ra (khoảng một nửa số trường hợp mang thai ngoài ý muốn), nên việc uống vitamin cho bà bầu bắt đầu càng sớm càng tốt. Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến nghị phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên uống bổ sung acid folic hoặc vitamin tổng hợp trước khi sinh hằng ngày. Tuy nhiên thai phụ không nên tự ý sử dụng thuốc mà uống theo chỉ định của bác sĩ. Khi uống thuốc cần xem hàm lượng thuốc có đúng với chỉ định, có nhiều loại thuốc có thành phần giống nhau, gây chồng chéo dễ dẫn đến ngộ độc thai. Đặc biệt không lạm dụng loại thuốc nào trong 3 tháng đầu thai kỳ. Bổ sung vitamin và khoáng chất tốt nhất qua đường thực phẩm. 3.CÁC VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT CHÍNH TRONG VITAMIN DÀNH CHO BÀ BẦU Acid folic Chất quan trọng nhất trong vitamin dành cho bà bầu trong khoảng tháng đầu tiên của thai kỳ là acid folic. Acid folic (hay còn gọi là folate) là một loại vitamin thuộc vitamin nhóm B, có ký hiệu là B9. Vitamin B9 có vai trò quan trọng trong việc tổng hợp ADN, phân bào và sản xuất hồng cầu. Bổ sung đầy đủ acid folic trước và trong mang thai giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Acid folic đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu của thai kỳ vì nó giúp hình thành ống thần kinh và do đó giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở não và tủy sống, chẳng hạn như tật nứt đốt sống. Những khiếm khuyết này thường hình thành trong 28 ngày đầu tiên của thai kỳ, đó là lý do vì sao phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được khuyến khích bổ sung vitamin trước khi sinh hoặc bổ sung acid folic hằng ngày ngay khi biết có thai. Sắt Vitamin dành cho phụ nữ mang thai chứa nhiều sắt hơn vitamin tổng hợp thông thường vì khoáng chất này thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển tổng thể của em bé. Sắt cũng làm tăng sự phát triển của các tế bào hồng cầu mà em bé cần để vận chuyển oxy đúng cách và có thể giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu, một tình trạng khi máu của bạn có số lượng hồng cầu khỏe mạnh thấp. Canxi Phụ nữ mang thai thường có nguy cơ bị giảm mật độ xương vì em bé đang lớn sử dụng canxi để tăng trưởng và phát triển xương trong thai kỳ. Canxi là thành phần chính của xương và răng, cung cấp cấu trúc vững chắc cho hệ cơ xương khớp của bé. Vitamin dành cho phụ nữ mang thai và chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp phụ nữ mang thai cung cấp đủ canxi cho cả mẹ và con để phát triển. Bổ sung đủ canxi trong thai kỳ còn giúp dự phòng loãng xương cho mẹ sau sinh. I-ốt Trước khi sinh, cơ thể cần dự trữ đủ i-ốt để đảm bảo chức năng tuyến giáp khỏe mạnh trong suốt thai kỳ, điều này cần thiết cho sự phát triển bình thường của em bé. I-ốt là thành phần thiết yếu của hormone tuyến giáp, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi. Trong một số trường hợp, thiếu i-ốt có thể dẫn đến chậm phát triển, rối loạn phát triển hệ thần kinh, thiểu năng nhận thức và chậm lớn ở trẻ, điếc và thậm chí sảy thai hoặc thai chết lưu. 4.CÓ PHẢI CHỈ CẦN UỐNG VITAMIN TỔNG HỢP CHO BÀ BẦU LÀ ĐỦ? Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng vitamin cho phụ nữ mang thai chỉ đóng vai trò bổ sung chứ không thể thay thế cho chế độ ăn uống bổ dưỡng. Bà mẹ mang thai cần duy trì chế độ ăn những thực phẩm lành mạnh để cung cấp đủ chất dinh dưỡng mà em bé cần để phát triển trong suốt thai kỳ.
Th 07
Hệ miễn dịch của trẻ từ 3-12 tháng rất non nớt nên bé thường dễ mắc các bệnh lây nhiễm như cảm, ho… Do đó, mỗi khi bệnh đường hô hấp bùng phát, nhất là thời điểm về dịch bệnh viêm phổi cấp liên quan đến chủng virus corona diễn ra như hiện nay, nhiều bậc cha mẹ lại loay hoay tìm cách phòng tránh sao cho hiệu quả. Chăm con là một hành trình dài với biết bao cảm xúc mà chỉ những người đã và đang trải qua mới hiểu. Khoảng thời gian mà tuổi con chỉ được tính bằng tuần hay tháng là thời điểm mà cha mẹ vô cùng căng thẳng, đặc biệt là mỗi khi con ốm. Bé cưng bị cảm, ho phải làm sao cho nhanh khỏi và làm thế nào để bảo vệ bé yêu trước dịch bệnh là trăn trở của rất nhiều cha mẹ. 1.TẠI SAO TRẺ TỪ 3-12 THÁNG TUỔI LẠI DỄ BỊ CẢM LẠNH? Cảm lạnh là bệnh rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn thiện nên không đủ sức để bảo vệ bé yêu khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường. Trong tháng đầu, bé yêu sẽ được bảo vệ bằng các kháng thể của mẹ được truyền qua cơ thể bé trong quá trình mang thai và cho con bú. Nhưng sau sáu tháng, các kháng thể này sẽ dần suy yếu và bé sẽ rất dễ bị cảm cho đến khi hệ miễn dịch hoàn thiện và có thể tự sản xuất ra các kháng thể. Virus, vi khuẩn gây cảm lạnh, cảm cúm có thể tấn công mọi em bé, tuy nhiên, bé yêu nhà bạn sẽ rất dễ trở thành đích nhắm, nếu: Không được bú mẹ: Sữa mẹ giúp bảo vệ bé khỏi các bệnh nhiễm trùng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu sẽ ít bị cảm hơn so với những bé được nuôi bằng sữa công thức. Tiếp xúc với khói thuốc lá: Những bé thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc sẽ có nguy cơ bị cảm lạnh cao hơn những bé khác. Cha mẹ có thói quen vệ sinh kém: Không rửa tay cẩn thận bằng nước rửa tay sạch trước khi chăm hoặc chế biến thức ăn cho bé sẽ khiến vi khuẩn từ bàn tay người lớn dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ gây bệnh. Tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh hay cảm cúm: Việc tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh không đeo khẩu trang, không thực hành rửa tay đúng cách làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho trẻ. 2.CHA MẸ CẦN LÀM GÌ KHI BÉ TỪ 3-12 THÁNG TUỔI BỊ CẢM LẠNH? Khi bé bị cảm, đừng bao giờ cho bé uống thuốc, thay vào đó, nên thực hành một số điều sau giúp bé cảm thấy thoải mái và nhanh hồi phục hơn: Nghỉ ngơi Nghỉ ngơi được xem là phương thuốc hiệu quả nhất giúp bé nhanh hồi phục khi bị cảm lạnh. Khi thấy mí mắt bé bắt đầu có vẻ muốn cụp xuống, bạn nên để bé nghỉ ngơi ngay lập tức bởi trì hoãn sẽ khiến bé khó chịu và khó ngủ. Khi cho bé ngủ, bạn nên cho bé nằm ngửa, ngủ nôi hay cũi thay vì nằm trên giường của người lớn có thể làm cho bé thấy không thoải mái, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm. Giảm nghẹt mũi Tình trạng nghẹt mũi không những làm cho bé khó chịu mà còn có thể cản trở hô hấp, khiến bé gặp khó khăn trong việc ngủ và bú. Bạn có thể giúp bé khắc phục điều này bằng một số cách đơn giản sau: Dùng bóng hút mũi chất nhầy từ mũi để bé hít thở dễ dàng hơn. Sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm không khí. Bạn nên đặt máy ở trong phòng bé nhưng không đặt quá gần chỗ bé nằm vì điều này có thể làm bé dễ bị cảm lạnh. Hãy thay nước và vệ sinh mỗi ngày để tránh nấm mốc tích tụ. Nâng cao phần đầu của nệm, giường, cũi lên một chút giúp trẻ dễ thở hơn. Bạn không nên đặt gối dưới đầu bé vì tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Bạn chỉ nên đặt một chiếc khăn bên dưới nệm để nâng đầu thêm một chút. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ khi cho bé uống thuốc Đa phần các bé bị cảm thường hiếm khi phải uống thuốc. Tuy nhiên, nếu bé bị sốt, bạn có thể điều trị bằng thuốc hạ sốt phù hợp. Bạn có thể cho bé uống paracetamol, ibuprofen (nếu trẻ trên 3 tháng tuổi) và tuyệt đối không nên sử dụng aspirin vì có thể gây hội chứng Reye rất nguy hiểm. Nếu bác sĩ có kê đơn thuốc cho bé, bạn hãy làm theo đúng hướng dẫn. Không bao giờ cho bé uống vượt liều chỉ định hoặc tự ý cho bé dùng bất kỳ loại thuốc nào khác. Nếu bé bị nôn mửa hoặc mất nước, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Đặc biệt không cho trẻ uống siro ho trừ khi được bác sĩ kê đơn bởi siro ho có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm với trẻ sơ sinh. Những lưu ý quan trọng cần nhớ khi chăm trẻ Khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh, bạn cần nhớ một số lưu ý sau: Tránh xa khói thuốc: Trẻ sơ sinh bị cảm nếu hít phải khói thuốc sẽ càng cảm thấy khó chịu do các chất có trong khói thuốc sẽ làm tình trạng nghẹt mũi và đau họng trở nên khó chịu hơn. Không tự ý dùng thuốc: Đừng cho bé dùng thuốc trừ khi bác sĩ cho phép bởi các loại thuốc điều trị cảm lạnh trên thị trường đều quá mạnh với trẻ sơ sinh, thậm chí còn có thể chứa tới 25% cồn. Siro ho cũng được khuyến cáo không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Không dùng mật ong cho trẻ sơ sinh: Tránh dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi. Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy mật ong hiệu quả trong điều trị cảm lạnh nhưng với trẻ dưới 12 tháng tuổi, mật ong có thể gây ngộ độc. Không cho trẻ uống kháng sinh: Kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn trong khi cảm lạnh thông thường là do virus gây ra. Chính vì vậy, nếu dùng không đúng, trẻ không những không khỏi bệnh mà còn có thể phải chịu các tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc. 2.PHÒNG NGỪA CẢM LẠNH CHO TRẺ SƠ SINH NHƯ THẾ NÀO? Cảm lạnh không thể phòng ngừa được bằng vắc xin như những loại nhiễm trùng khác. Nguyên nhân là do đội quân virus gây bệnh cảm lạnh rất đông đảo. Tuy nhiên bạn đừng quá lo lắng bởi có rất nhiều phương pháp khác nhau có thể giúp bạn làm điều này: Cho bé bú mẹ: Nuôi con bằng sữa mẹ là điều tốt nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa cảm lạnh trong năm đầu đời. Sữa mẹ truyền cho trẻ nhiều kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các loại virus gây cảm lạnh. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng sẽ cung cấp cho trẻ rất nhiều dưỡng chất mà những loại sữa khác không thể đem đến được. Rửa tay bằng nước sát khuẩn: Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi cho bé ăn để phòng ngừa cảm lạnh và cúm cho bé và những thành viên khác trong gia đình. Trước khi chạm vào bé hãy rửa tay cẩn thận bởi virus gây cảm lạnh có thể tồn tại trên bề mặt tay sau khi bạn ho, hắt hơi hoặc chạm vào bề mặt bị nhiễm khuẩn. Diệt khuẩn đồ chơi của bé: Trẻ nhỏ thường thích cho tất cả mọi thứ vào miệng. Nếu không cẩn thận, vi khuẩn bám vào đồ vật sẽ xâm nhập vào cơ thể. Hãy ngăn ngừa nguy cơ này bằng cách làm sạch những vật mà bạn biết bé thích đưa vào miệng. Tránh đưa trẻ đến những nơi đông người bởi đây là môi trường mà vi khuẩn, virus lây lan nhanh nhất, đặc biệt là trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Ngoài ra, bạn không nên cho phép bất cứ ai có triệu chứng cảm lạnh hay cảm cúm hoặc người trở về từ các vùng dịch có viêm phổi cấp bế hoặc cho bé ăn hay tiếp xúc gần với trẻ. Trước khi có bất cứ ai chạm vào bé, bạn đừng ngại ngần mà hãy yêu cầu họ rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi: Che miệng khi ho hoặc hắt hơi sẽ giúp hạn chế vi khuẩn, virus xâm nhập vào không khí. Nhắc nhở các thành viên trong gia đình duy trì thói quen này và đừng quên rửa tay thật sạch sau mỗi lần ho và hắt hơi nhẹ.
Th 07
Sữa là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, cần thiết cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đôi lúc, sữa lại chính là thủ phạm làm cho trẻ bị tiêu chảy. Tiêu chảy là tình trạng thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là khi trẻ ăn phải thực phẩm ôi thiu, hoặc uống nhiều kháng sinh dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Tuy nhiên, cũng có 1 thủ phạm gây tiêu chảy ít người nghĩ đến, đó chính là sữa. Vì sao bé uống sữa bị tiêu chảy và làm thế nào hạn chế điều này? 1.SỮA LÀ THỰC PHẨM KHÔNG THỂ THIẾU TRONG THỰC ĐƠN MỖI NGÀY Theo các chuyên gia, sữa là nguồn dinh dưỡng quý giá đối với sức khỏe con người. Nguyên do là do sữa cung cấp lượng lớn các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như vitamin, khoáng chất, protein, carbohydrate và các chất béo thiết yếu. Với trẻ nhỏ, sữa giúp: Tăng cường miễn dịch: Sữa cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Trẻ uống sữa thường xuyên có sức khỏe tốt, tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời nồng độ vitamin D trong máu cũng cao hơn. Phát triển chiều cao: Sữa và các sản phẩm từ sữa giúp cung cấp canxi tự nhiên dồi dào cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của xương. Trẻ uống đủ sữa ngay từ khi còn nhỏ có thể giúp xương chắc khỏe và phát triển chiều cao tối ưu. Tăng cường thể lực: Sữa chứa hàm lượng protein và calo cần thiết giúp trẻ tăng trưởng và phát triển. Với những trẻ kén ăn, cơ thể sẽ phải chật vật để thu nhận đủ protein và calo từ chế độ dinh dưỡng. Để khắc phục điều này, việc cho trẻ uống sữa được xem là một giải pháp tốt. Mặc dù rất có lợi cho sức khỏe nhưng nhiều bà mẹ lại than phiền về việc sữa chính là nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy. Tại sao lại như vậy và điều này nên được khắc phục như thế nào? 2.NGUYÊN NHÂN KHIẾN BÉ UỐNG SỮA BỊ TIÊU CHẢY? Thực tế có rất nhiều nguyên nhân khiến bé uống sữa bị tiêu chảy nhưng phần lớn là do: Dị ứng sữa Tất cả chúng ta đều có nguy cơ dị ứng với sữa. Tuy nhiên, lứa tuổi bị dị ứng nhiều nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Một số trẻ sau khi lớn vẫn còn mắc phải tình trạng này. Khi dị ứng sữa, hệ miễn dịch sẽ lầm tưởng các protein sữa là các kháng thể lạ gây hại cho cơ thể nên bắt đầu chống lại chúng. Dị ứng sữa bò là một trong những loại dị ứng mẫn cảm nhất bởi sữa bò có chứa protein lạ mà trẻ phải hấp thụ với lượng lớn. Khi bị dị ứng, ngoài tiêu chảy, trẻ còn có thể gặp phải các triệu chứng lạ như da nổi mẩn đỏ, các vấn đề về hô hấp, nôn trớ… Theo thống kê, có khoảng 2-3% trẻ em trên toàn cầu dị ứng sữa bò (tức cứ 100 trẻ thì có đến 2-3 trẻ mắc căn bệnh này), trong đó 50% trẻ hết bị dị ứng sữa khi tròn 1 tuổi, 70% khi tròn 2 tuổi. Không dung nạp lactose Tiêu chảy ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân hay gặp là trẻ không dung nạp đường lactose, một loại đường chủ yếu có trong sữa động vật và các sản phẩm từ sữa. Theo thống kê, ¾ dân số thế giới mắc phải tình trạng này. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do cơ thể bé thiếu men lactase, một loại men có chức năng tiêu hóa đường lactose. Ngoài tiêu chảy, trẻ mắc chứng không dung nạp đường lactose còn có các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, chướng bụng, đầy hơi khi uống sữa hoặc ăn các sản phẩm như pho mát, sữa chua hoặc bơ. Sữa không phù hợp có thể khiến trẻ bị tiêu chảy Nếu bé bị tiêu chảy không phải do những nguyên nhân trên thì rất có thể cơ địa của trẻ không phù hợp với loại sữa đang dùng. Một nguyên nhân khác có thể kể đến là bạn lựa chọn loại sữa không phù hợp với độ tuổi của con khiến bé khó hấp thu. Ngoài ra, việc pha, bảo quản sữa, vệ sinh dụng cụ pha sữa không đúng cách, chẳng hạn như thói quen thử sữa trước khi cho bé bú bằng cách ngậm vào núm vú có thể là nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy khi uống sữa do điều này làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, việc cho bé uống quá nhiều sữa trong một ngày cũng có thể gây tiêu chảy, vì trong sữa có chứa đạm casein. Khi lượng đạm này nhiều quá, hệ tiêu hóa sẽ có những phản ứng đào thải, làm cho trẻ bị tiêu chảy. Không đảm bảo vệ sinh khi pha sữa cho trẻ Ngoài những nguyên nhân kể trên, trẻ cũng có thể bị tiêu chảy khi người chăm sóc trẻ không tuân thủ các yêu cầu vệ sinh trong việc rửa bình sữa, dụng cụ pha sữa, không rửa tay sạch sẽ trước khi pha sữa cho trẻ… Điều này vô tình làm lây lan nguy cơ bị tiêu chảy, đặc biệt là khi trong nhà có người mắc phải căn bệnh này. Để đảm bảo sức khỏe của bé yêu, bạn nên tuân thủ việc vệ sinh bình sữa cho trẻ đúng cách, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước khi pha sữa cho bé, không thử xem sữa nóng hay lạnh bằng cách ngậm vào núm bình bú… 3.TRẺ UỐNG SỮA BỊ TIÊU CHẢY NÊN LÀM THẾ NÀO? Nếu trẻ bị tiêu chảy khi uống sữa, vậy có nên cho trẻ uống sữa tiếp không là thắc mắc khá phổ biến. Tất nhiên bạn vẫn nên tiếp tục cho trẻ uống vì với trẻ nhỏ, sữa là sản phẩm cần thiết. Vì vậy, đảm bảo sức khỏe cho bé, bạn nên áp dụng một số lời khuyên sau: Với trường hợp sữa không phù hợp với bé Nếu nghi ngờ loại sữa đang dùng không phù hợp với cơ thể của bé, hãy thay đổi sử dụng sang một loại sữa khác. Khi bắt đầu cho trẻ uống một loại sữa mới, bạn nên chia nhỏ hàm lượng sữa tiêu thụ trong ngày để con thích nghi dần. Điều này giúp hạn chế tình trạng bé đổi sữa bị tiêu chảy. Trường hợp trẻ uống sữa bị tiêu chảy do không dung nạp lactose Bạn nên loại bỏ tất cả các thực phẩm có lactose ra khỏi chế độ ăn của bé. Bạn có thể sử dụng sữa đặc không có lactose (hay còn gọi là lactofree) cho đến khi trẻ ngưng tiêu chảy hẳn. Sau khoảng 1-2 tuần, ruột hồi phục, men lactase sẽ được sản xuất đầy đủ thì có thể quay trở lại chế độ ăn trước đó. Khi bé bị dị ứng sữa bò Nếu bé bị dị ứng sữa bò, cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng này là ngưng cho trẻ sử dụng các sản phẩm có protein từ sữa bò. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn thay đổi sang những loại sữa phù hợp cho con. Bên cạnh đó, bạn cũng cần vệ sinh, tiệt trùng dụng cụ pha sữa của trẻ đúng cách. Trước khi pha sữa cho bé, hãy nhớ rửa tay cẩn thận, sạch sẽ. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ rửa tay với nước hay xà phòng thông thường thì chưa thể diệt khuẩn hết các vi khuẩn gây hại. Để làm được điều này, bạn nên chọn xà phòng hoặc nước rửa tay có tính năng bảo vệ vượt trội để đánh bay vi khuẩn gây hại.