Sức khỏe làn da của trẻ em là một trong những ưu tiên chăm sóc sức khỏe hàng đầu của hầu hết các bà mẹ. Mùa hè nóng bức có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh da liễu thường gặp như chàm, mụn, khô… Những bệnh này tuy không quá nguy hiểm nhưng lại dễ khiến bạn khó chịu vào hè.
Vì vậy bài viết này Hadu sẽ chia sẻ cho các mẹ các bệnh da liễu thường gặp ở trẻ vào ngày hè cũng như biện pháp phòng tránh bảo vệ bé thích hợp!
1.BỆNH THỦY ĐẬU
Bệnh thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng do virus varicella - zoster gây ra. Các triệu chứng phát ban, phồng rộp ngứa do bệnh có thể xuất hiện từ 10 đến 21 ngày sau khi tiếp xúc với virus và thường kéo dài khoảng 5 đến 10 ngày.
Thủy đậu từng là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ nhỏ, tuy nhiên ngày nay bệnh này thường ít gặp hơn do các chương trình tiêm chủng. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh khuyến nghị mọi người nên được tiêm chủng định kỳ.
2.BỆNH CHỐC LỞ
Bệnh chốc lở là bệnh nhiễm trùng da phổ biến và dễ lây lan do các vi khuẩn như staphylococcus aureus lây nhiễm vào các lớp ngoài của da, được gọi là lớp biểu bì. Những bộ phận dễ bị ảnh hưởng nhất bao gồm mặt, cánh tay và chân.
Vi khuẩn bệnh chốc lở phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm và có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 2 đến 5 tuổi.
3.PHÁT BAN NHIỆT
Phát ban nhiệt là bệnh da liễu thường gặp ở trẻ em thường bùng phát trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, có thể xảy ra do tắc nghẽn lỗ chân lông và mồ hôi không thể thoát ra được. Nguyên nhân gây phát ban nhiệt thường do ma sát trên bề mặt da.
Trẻ em thường bị phát ban nhiệt ở cổ, nhưng cũng thường phát triển ở các vùng nếp gấp da như nách, khuỷu tay, đùi.
4.TAY CHÂN MIỆNG
Bệnh tay, chân, miệng xuất hiện do virus coxsackie gây ra. Đây là một bệnh nhiễm trùng ở trẻ nhỏ rất phổ biến, đặc biệt là trong mùa hè và đầu thu. Tình trạng này thường bắt đầu bằng cơn sốt, sau đó phát triển thành phát ban không gây ngứa trên cơ thể, bao gồm cả tay và chân.
Bệnh tay, chân, miệng là bệnh da liễu ở trẻ em có thể gây lở miệng, làm xuất hiện các vết loét đau đớn và ảnh hưởng đến khả năng ăn uống. Bệnh còn dễ lây lan thông qua tiếp xúc, thường do ho và hắt hơi. Thông thường bệnh tay, chân, miệng có thể tự khỏi trong 1 tuần.
5.MỤN CÓC
Mụn cóc là bệnh thường gặp ở trẻ em do virus HPV gây ra. Mụn cóc xuất hiện khi loại virus này xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài, tạo thành những u nhỏ lành tính có bề mặt sần sùi.
Chứng bệnh này thường xảy ra ở độ tuổi trẻ em và thanh thiếu niên do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó trẻ có thói quen đi lại bằng chân trần trên các bề mặt ẩm ướt như phòng tắm, môi trường sống không sạch sẽ, dùng chung dụng cụ cá nhân với người mắc bệnh… Những thói quen này sẽ tăng nguy cơ bị mắc bệnh mụn cóc.
6.VIÊM DA DỊ ỨNG
Viêm da dị ứng là bệnh da liễu ở trẻ em khiến cơ thể bé nổi mẩn đỏ và ngứa. Tình trạng này có xu hướng kéo dài, bùng phát định kỳ và có thể đi kèm với hen suyễn hoặc sốt.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị nào cho bệnh viêm da dị ứng. Tuy nhiên các biện pháp tự chăm sóc có thể làm giảm ngứa và ngăn chặn sự bùng phát các vấn đề viêm da dị ứng khác. Ví dụ như giữ ẩm cho làn da thường xuyên, bôi kem hoặc thuốc mỡ theo chỉ định…
7.NỔI MỀ ĐAY DO CÁC CHẤT KÍCH ỨNG GÂY RA
Nổi mề đay là kết quả của của tình trạng phản ứng dị ứng, xuất hiện dưới dạng những vết ngứa nhỏ hoặc đỏ, có thể gây đau đớn. Việc tiếp xúc chất gây dị ứng, chẳng hạn như thực phẩm hoặc thuốc có thể gây ra tình trạng này.
Mặc dù tình trạng nổi mề đay không nguy hiểm nhưng nếu trẻ kèm theo các vấn đề khó thở như ho và thở khò khè thì đây có thể là báo hiệu của một phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Trong trường hợp này bạn hãy đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ để tư vấn dùng thuốc chống dị ứng cho trẻ.
CÁCH PHÒNG TRÁNH CÁC BỆNH DA LIỄU MÙA HÈ
Để phòng tránh bệnh da liễu hiệu quả, cha mẹ cần chú ý trong việc đảm bảo dinh dưỡng, cách ăn mặc, bảo vệ da khi đi ngoài đường. Đặc biệt là giữ vệ sinh cá nhân luôn sạch sẽ.
- Chế độ ăn: Da của chúng ta rất cần các chất dinh dưỡng. Vì vậy cha mẹ nên bổ sung chất xơ, các loại vitamin cho bé để giúp da khỏe mạnh hơn.
- Bổ sung nước mỗi ngày: Nước lọc giúp cơ thể đào thải các chất độc tố ra ngoài, đồng thời giúp phục hồi da.
- Bảo vệ làn da: Ánh nắng mặt trời là nguyên nhân khiến làn da bị tổn thương.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân: Cha mẹ nên tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ cho các con mỗi ngày. Điều này giúp loại bỏ bụi bẩn, giúp da thông thoáng. Đồng thời nên lựa chọn quần áo từ vải cotton giúp da thoáng mát
- Không được phép gãi, chà xát lên da: Điều này chỉ giúp các con thỏa mãn cơn ngứa tạm thời, nhưng vô tình lại khiến da bị trầy xước, làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.