Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong tất cả các chức năng của cơ thể. Ăn các thực phẩm lành mạnh và uống vitamin trước khi sinh đầy đủ mỗi ngày, có thể giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh.
Khi mang thai, bạn cần nhiều vitamin và khoáng chất hơn. Dinh dưỡng tốt trong thai kỳ là rất quan trọng cho sự phát triển của mẹ và em bé khỏe mạnh. Một số chất còn giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh…
1.MỘT SỐ VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT CẦN THIẾT CHO MẸ BẦU
- Axit folic: Axit folic còn gọi là folate, là một loại vitamin rất quan trọng trong thai kỳ. Axit folic có thể giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở não và cột sống thai nhi (dị tật ống thần kinh). Nghiên cứu cho thấy, khiếm khuyết ống thần kinh phát triển trong 28 ngày đầu tiên thụ thai. Do đó, việc bổ sung axit folic trước khi mang thai rất quan trọng.
Thông thường, khi mang thai cơ thể bà bầu mỗi ngày cần 600 microgam axit folic. Tuy nhiên, khó có thể đo được lượng axit folic từ thực phẩm hằng ngày. Vì vậy, phụ nữ mang thai nên uống vitamin dành cho bà bầu hằng ngày với hàm lượng ít nhất là 400 microgam/ ngày từ 1 tháng trước khi mang thai và trong 12 tuần đầu của thai kỳ.
- Sắt: Sắt được sử dụng để tạo ra lượng máu bổ sung cho cơ thể mẹ và bé trong thai kỳ. Ngoài việc uống vitamin trước khi sinh có chứa sắt, bà bầu nên ăn các thực phẩm giàu chất sắt (như đậu, đậu lăng, ngũ cốc, thịt bò, gà tây, gan và tôm…) và những thực phẩm giúp cơ thể hấp thụ chất sắt (bao gồm cam, bưởi, dâu tây, bông cải xanh và ớt).
Thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai và cho con bú là vấn đề sức khỏe toàn cầu. Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) khuyến nghị bổ sung hằng ngày là 30-60 mg sắt nguyên tố (300mg sắt sunfat tương đương với 60mg sắt nguyên tố) cùng với axit folic. Điều này có thể ngăn ngừa các biến chứng khi mang thai như thiếu máu, sinh non, trẻ nhẹ cân và nhiễm trùng sau sinh.
- Vitamin D: Vitamin D đặc biệt quan trọng trong thai kỳ, giúp điều chỉnh lượng canxi và photphat trong cơ thể. Những chất dinh dưỡng này giữ cho xương, răng và cơ bắp phát triển. Vitamin D cũng rất cần thiết cho làn da và thị lực khỏe mạnh. Mẹ bầu cần tiêu thụ liều 600IU vitamin D/ ngày.
Vitamin D được tổng hợp ở dưới da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, mẹ bầu có thể sử dụng chất bổ sung chứa vitamin D và kết hợp với tiêu thụ các thực phẩm sữa tăng cường và ngũ cốc ăn sáng, cá béo (cá hồi, cá thu), dầu gan cá và lòng đỏ trứng…
- Canxi: Canxi là một khoáng chất giúp hình thành xương và răng của thai nhi. Canxi cũng giúp mẹ bầu duy trì mật độ xương và ngăn ngừa chân tay tê bì, chuột rút do hạ canxi huyết trong thai kỳ.
Sữa và các sản phẩm từ sữa khác nhau như phô mai và sữa chua là nguồn cung cấp canxi tốt nhất. Ngoài bông cải xanh, thực phẩm tăng cường (ngũ cốc, bánh mì và nước trái cây), hạnh nhân và hạt vừng, cá mòi hoặc cá cơm có xương và các loại rau lá xanh đậm… cũng có nhiều canxi.
Bà bầu nên bổ sung 1200mg canxi/ ngày thông qua các loại viên uống vitamin với bà bầu. Với những bà bầu không hấp thụ đủ canxi thông qua chế độ ăn uống có thể cần bổ sung liều cao hơn.
- Vitamin C: Vitamin C cũng rất quan trọng với phụ nữ có thai. Nếu thiếu vitamin C trong thai kỳ, thai nhi có thể không phát triển toàn diện. bà bầu dễ bị chảy máu chân răng, da khô, tóc khô chẻ ngọn, chậm lành vết thương.
Việc bổ sung đủ vitamin C giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, giúp xây dựng xương và cơ bắp chắc khỏe. Có thể nhận đủ lượng vitamin C trong các thực phẩm hàng ngày, từ trái cây và nước ép cam quýt, dâu tây, bông cải xanh và cà chua.
Nếu chế độ ăn không đủ dinh dưỡng có thể dùng thêm chất bổ sung vitamin C. Lưu ý không nên tự ý dùng bổ sung thêm vitamin C mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng. Mẹ bầu nên bổ sung đều đặn 110mg vitamin C/ ngày trong suốt thai kỳ để duy trì cơ thể khỏe mạnh.
- Vitamin B bao gồm vitamin B1, B2, B6, B9, B12 là những dưỡng chất quan trọng trong thai kỳ. Những vitamin này cung cấp năng lượng cho sự phát triển của thai nhi, thúc đẩy tầm nhìn tốt, xây dựng nhau thai. Ăn thực phẩm giàu vitamin B bao gồm thịt lợn, thịt gà, chuối, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì.
Ngoài ra mẹ bầu cũng cần bổ sung thêm:
-Choline đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não của thai nhi. Choline cũng có thể giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh phổ biến. Mặc dù cơ thể tự sản xuất một số choline nhưng không đủ đáp ứng mọi nhu cầu khi đang mang thai. Choline không có trong hầu hết các loại vitamin dành cho bà bầu. Vì vậy, cần bổ sung 450mg choline mỗi ngày khi mang thai, có trong thịt gà, bò, trứng, sữa, các sản phẩm từ đậu nành và đậu phộng.
-Omega 3 quan trọng cho sự phát triển trí não trước và sau khi sinh. Các nghiên cứu cho thấy Omega 3 có thể làm giảm nguy cơ sinh non và sinh con nhẹ cân. Hạt lanh (dạng xay hoặc dạng dầu) là nguồn cung cấp Omega 3 dồi dào. Các nguồn cung cấp Omega 3 khác bao gồm bông cải xanh, dưa đỏ, đậu tây, rau bina, súp lơ trắng và quả óc chó.
Một số loại cá có hàm lượng thủy ngân cao hơn những loại khác. Thủy ngân là kim loại có liên quan đến dị tật bẩm sinh. Lưu ý, không ăn cá ngừ mắt to, cá thu vua, cá marlin, cá cam, cá mập, cá kiếm hoặc cá ngói. Hạn chế cá ngừ trắng.
2.LƯU Ý DÙNG VITAMIN BỔ SUNG TRONG QUÁ TRÌNH MANG THAI
-Vitamin tổng hợp là sự kết hợp của nhiều vitamin và khoáng chất khác nhau, thường dùng dưới dạng viên nén. Một số loại vitamin tổng hợp được thiết kế đặc biệt dành cho phụ nữ mang thai và sẽ đáp ứng hầu hết các nhu cầu vitamin của bà bầu. Nhưng vitamin tổng hợp không thể thay thế cho một chế độ ăn uống cân bằng. Điều quan trọng là phải ăn uống lành mạnh ngay cả khi đang dùng vitamin tổng hợp.
-Một số loại vitamin có thể gây buồn nôn ở phụ nữ có thai. Có thể trao đổi với bác sĩ để đổi loại vitamin khác phù hợp hơn, giảm nguy cơ buồn nôn.
-Chất sắt trong vitamin cho bà bầu có thể gây táo bón. Để giảm táo bón, nên ăn nhiều chất xơ: Ngũ cốc nguyên hạt, trái cây (chuối, táo và quả mọng), đậu Lăng và đậu Hà Lan, uống nhiều nước. Đồng thời nên tập thể dục với cường độ vừa phải, khoảng 2,5 giờ mỗi tuần. Ngoài ra có thể dùng thuốc làm mềm phân theo chỉ định của bác sĩ.
-Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng bất kỳ chất bổ sung nào để đảm bảo vitamin đúng liều lượng, đúng đối tượng và đúng thời gian.