Thai 3 tháng đầu là quãng thời gian mà những “hiểm họa” thai kỳ thường xuyên rình rập. Do đó, bạn cần thay đổi nhiều trong chế độ sinh hoạt để đảm bảo cả mẹ và bé đều khỏe.
3 tháng đầu thai kỳ là khoảng thời gian rất đáng để mong đợi nhưng cũng rất nhạy cảm. Ở giai đoạn này cơ thể mẹ sẽ trải qua rất nhiều thay đổi cùng với đó là hàng loạt các cung bậc cảm xúc khác nhau từ hạnh phúc cho đến vỡ òa cho đến những nỗi băn khoăn, lo lắng về sức khỏe của bé cưng. Nếu đây là lần đầu bạn mang thai và chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc bản thân thì những chia sẻ dưới đây sẽ vô cùng hữu ích với bạn.
ĐỪNG CHỦ QUAN, LƠ LÀ KHI MANG THAI 3 THÁNG ĐẦU
Một thai kỳ kéo dài khoảng 40 tuần và được chia thành 3 tam cá nguyệt. Trong đó, tam cá nguyệt thứ nhất sẽ được tính ngày đầu của kỳ kinh và kéo dài đến cuối tuần thứ 13 của thai kỳ. Trong thời gian này, hầu hết các mẹ đều băn khoăn về những vấn đề như:
- Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt
- Xét nghiệm tiền sản
- Sự thay đổi của cơ thể, đặc biệt là về cân nặng
- Sức khỏe và sự phát triển của bé
- Kiêng cữ khi mang thai
Nếu tam cá nguyệt thứ hai, thứ ba được xem là “tuần trăng mật thai kỳ” thì tam cá nguyệt thứ nhất lại là giai đoạn hết sức cẩn trọng. Bởi ở giai đoạn này, mẹ sẽ phải đối mặt với chứng ốm nghén, nôn ói, khó chịu. Ngoài ra, đây cũng là lúc mà mẹ rất dễ gặp phải các tai biến sản khoa như thai chết lưu, thai có vấn đề nhiễm sắc thể.
3 THÁNG ĐẦU THAI KỲ LÀ LÚC CƠ THỂ MẸ CÓ NHIỀU THAY ĐỔI
Mỗi người sẽ gặp những triệu chứng thai kỳ khác nhau. Sẽ có những bà bầu trải qua 3 tháng đầu hết sức thoải mái nhưng cũng có những trường hợp gặp phải những triệu chứng cực kỳ khó chịu. Dưới đây là một số thay đổi cụ thể và nguyên nhân thường là do sự thay đổi của hormon đang làm ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan:
- Chảy máu: Khoảng 25% phụ nữ mang thai bị ra máu nhẹ khi mang thai 3 tháng đầu. Đây là dấu hiệu cho thấy phôi thụ tinh đã làm tổ trong tử cung.
- Ngực căng tức: Có thể xảy ra trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất và nguyên nhân là do nội tiết tố thay đổi để các ống dẫn sữa sẵn sàng tiết sữa để nuôi bé cưng.
- Táo bón: Nồng độ hormon progesterone tăng có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Ngoài ra, việc bổ sung sắt trước khi sinh cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
- Khí hư: Xuất hiện tình trạng loãng, màu trắng sữa.
- Mệt mỏi quá mức do cơ thể đang phải làm việc hết sức để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
- Thay đổi khẩu vị: Hơn 60% bà bầu có cảm giác thèm ăn và một nửa trong số đó thèm những món mình không thích.
- Đi tiểu nhiều do tử cung đã bắt đầu phát triển và tăng áp lực lên bàng quang.
- Ợ nóng: Nồng độ hormon progesterone tăng có thể làm giãn van ngăn cách dạ dày và thực quản, khiến axit từ dạ dày trào ngược lên, gây ra cảm giác nóng rát.
- Tâm trạng bất ổn: Mệt mỏi, hormon thay đổi có thể khiến tâm trạng bạn thay đổi liên tục từ vui sướng đến đau khổ, hy vọng đến thất vọng chỉ trong vài giây.
- Ốm nghén: Hơn 85% bà bầu gặp phải và nguyên nhân là do sự thay đổi hormon trong cơ thể. Bạn có thể bị ốm nghén suốt tam cá nguyệt đầu tiên.
- Tăng cân: Ở tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ có thể tăng từ 1,4-2,7kg.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THAI NHI TRONG 3 THÁNG ĐẦU
Trong thời gian mang thai 3 tháng đầu, hầu hết các cơ quan trong cơ thể bé đều đã hình thành. Cụ thể là:
- Trứng được thụ tinh sẽ phân chia thành nhiều tế bào và nhanh chóng làm tổ trong tử cung. Nhau thai, dây rốn và túi ối đều bắt đầu phát triển.
- Hệ thần kinh sẽ thay đổi từ ống thần kinh mở não sang tủy sống. Các dây thần kinh và cơ bắt đầu hoạt động cùng nhau.
- Trái tim hình thành và bắt đầu đập. Các bác sĩ có thể nghe thấy tim thai sớm nhất là vào tuần thứ 6.
- Hệ tiêu hóa đang phát triển, kể cả ruột và thận.
- Bé đã hình thành cánh tay, chân, ngón tay và ngón chân. Khuôn mặt cũng đã có mắt, mũi, tai, miệng. Lưỡi và chồi răng mọc lên. Mí mắt che đi đôi mắt và đến cuối tam cá nguyệt thứ nhất, bé còn có cả móng tay.
- Bộ phận sinh dục cũng đã hình thành nhưng vẫn còn quá sớm để biết giới tính.
- Cuối tam cá nguyệt thứ nhất, chiều dài của thai nhi khoảng 6,5-7,5cm.
CHĂM SÓC MẸ BẦU TRONG 3 THÁNG ĐẦU THAI KỲ
Khám thai 3 tháng đầu thai kỳ
Khi mới biết mình có thai, bạn hãy đi khám ngay để xác định chắc chắn về việc mang thai. Thông thường, bạn nên đi khám mỗi tháng 1 lần trong tam cá nguyệt đầu tiên. Bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và lắng nghe nhịp tim của thai nhi.
Dinh dưỡng cho mẹ
- Dù đang phải ăn cho 2 người nhưng bạn không nên ăn quá nhiều, mỗi ngày bạn chỉ nên cung cấp thêm 150 calo trong tam cá nguyệt đầu tiên.
- Duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng, nhiều rau xanh, trái cây, các dạng protein ít chất béo và giàu chất xơ.
- Bổ sung axit folic, sắt, canxi, vitamin A, D, C, B đầy đủ. Thiếu hụt axit folic có thể gây khiếm khuyết ở ống thần kinh của thai nhi.
- Nếu khó chịu vì buồn nôn do ốm nghén, hãy chia thành nhiều bữa ăn nhỏ với những món ăn nhạt, giàu protein như bánh quy giòn, thịt, phô mai, nước trái cây…
- Nếu bạn thèm ăn những thứ phi thực phẩm như đất sét, bụi bẩn, bột giặt, phấn… bạn nên đi khám vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn mắc hội chứng Pica.
- Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày. Bạn cũng có thể bổ sung thêm chất lỏng cho cơ thể từ nước trái cây, canh, súp, sữa.
Chế độ sinh hoạt
- Vận động nhẹ nhàng với các bài tập như yoga cho bà bầu, thiền, đi bộ, chạy bộ… Bạn cũng có thể rèn luyện cơ sàn chậu bằng các bài tập kegel.
- Theo nghiên cứu, quan hệ khi mang thai 3 tháng đầu hoàn toàn được nếu sức khỏe của bạn hoàn toàn ổn định và cảm thấy hứng thú.
- Chú ý nghỉ ngơi, thư giãn, tránh làm việc quá sức. Bạn cũng nên chợp mắt hoặc nghỉ ngơi khi cần trong ngày.
- Nếu thấy quá mệt mỏi, hãy tìm người để chia sẻ lo lắng, băn khoăn của bản thân.
NHỮNG ĐIỀU CẦN TRÁNH KHI MANG THAI TRONG TAM CÁ NGUYỆT THỨ NHẤT
- Tập thể dục quá sức vì có thể gây chấn thương cho dạ dày.
- Sử dụng rượu, bia, các món ăn, thức uống chứa caffeine như trà, cà phê.
- Hút thuốc.
- Sử dụng ma túy.
- Dùng đồ tái, thịt sống hoặc hải sản hun khói.
- Dùng các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao.
- Ăn rau mầm sống.
- Tiếp xúc với phân chó mèo.
- Sữa chưa tiệt trùng hoặc các sản phẩm từ sữa khác.
- Thịt nguội hoặc xúc xích.