Chế độ ăn uống góp phần gây bệnh ung thư, tái phát ung thư, và có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư. Nhiều bệnh nhân bị ung thư tự kiêng không ăn các loại thịt động vật, gia cầm, trứng, sữa…
1.DINH DƯỠNG QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN UNG THƯ?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư, trong đó có chế độ ăn chưa hợp lý, do thực phẩm nhiễm bẩn. Từ khâu chế biến, nuôi trồng, vận chuyển… đều có thể có nguy cơ gây ung thư.
Vì ung thư là tế bào đột biến, những tế bào khỏe mạnh khác cũng cần phát triển bình thường nên vấn đề dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp người bệnh có đủ sức để chống chọi với bệnh tật, đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc biệt như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… Nếu tình trạng dinh dưỡng người bệnh không cải thiện thì bác sĩ không được thực hiện các phác đồ điều trị hoặc kết quả thất bại vì bệnh nhân không có đủ sức chịu đựng các tác dụng phụ của phác đồ điều trị. Vì thế, người bệnh cần hiểu dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố nâng cao thể trạng người mắc bệnh ung thư.
2.BỆNH NHÂN UNG THƯ CÓ NÊN ĂN TRỨNG, UỐNG SỮA KHÔNG?
Vì quan niệm trong dân gian và hiện nay vẫn còn phổ biến ở nước ta là người mắc bệnh ung thư phải hạn chế các chất đạm có nguồn gốc động vật để tế bào ung thư không phát triển nhanh, nhưng đây là một quan niệm sai lầm.
Trứng, sữa, thịt gà, thịt bò, rau xanh, đậu đỏ, gạo mì, khoai… có nhiều protein, đây là chất cơ bản giúp cơ thể người bị ung thư làm lành vết thương, chống nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật, hóa chất và xạ trị. Nó cũng là nguyên liệu bồi phục lại các khối nạc của cơ thể đã bị mất đi do tăng quá trình dị hóa của cơ thể. Đồng thời giúp tăng cường khả năng ngon miệng trong khi người ung thư luôn cảm thấy chán ăn, ăn uống kém.
Vì vậy việc một số bệnh nhân ung thư kiêng trứng và uống sữa và các chất đạm khác như thịt gà, thịt lợn… là một sai lầm lớn. Các thực phẩm này rất giàu chất dinh dưỡng và dễ hấp thu, giúp nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, nhất là phòng chống suy dinh dưỡng cho các bệnh nhân ung thư tốt. Điều quan trọng là phải lựa chọn sữa sao cho phù hợp và liều lượng vừa phải.
Theo các chuyên gia, sữa và các sản phẩm từ sữa được khuyến nghị cho người ung thư gồm: sữa, phomat, phomat làm từ sữa tách kem, sữa chua, đồ uống trộn sữa, sữa chua uống. Các sản phẩm từ sữa với lượng vừa phải bao gồm: kem, sữa có thêm hương socola, cà phê, dâu và các loại sữa khác như sữa yến mạch, sữa gạo, sữa từ các loại hạt… Đặc biệt, sữa không tiệt trùng, phomat có chứa thành phần thực vật và gia vị không được nấu như tiêu ớt, phomat xanh thì không nên ăn uống.
Thực phẩm từ trứng được khuyến nghị bao gồm: trứng nguyên quả - trứng trần, trứng bác, trứng ốp lết chín kỹ, trứng tráng. Trứng muối, trứng bách thảo thì ăn với liều lượng vừa phải. Trứng sống, trứng chưa chín kỹ tuyệt đối không cho bệnh nhân ung thư ăn.
Thịt và gia cầm được các chuyên gia khuyến nghị nên ăn là thịt gà, thịt ngan, thịt nạc, thịt bò.
3.NGƯỜI BỊ UNG THƯ NÊN KIÊNG ĂN CÁC MÓN GÌ?
Kiêng theo món ăn
Một số nhóm thực phẩm người mắc bệnh ung thư nên kiêng kị, tuy nhiên còn tùy vào từng cơ thể, từng dạng bệnh và từng thời điểm mà chế độ ăn kiêng phù hợp như sau:
- Không nên ăn các thực phẩm chế biến sẵn như thịt đóng hộp, cá đóng hộp, thịt nguội, xúc xích…
- Không uống bia rượu, các loại nước ngọt đóng chai.
- Không ăn hải sản ở các vùng ô nhiễm, hạn chế ăn trai, ốc, hến vì nồng độ chì cao.
- Không nên dùng nhiều thực phẩm lên men như dưa muối, cà thịt ngâm, thịt muối.
- Không nên dùng cafe, nhất là những bệnh nhân bị ung thư bàng quang, tuyến tụy…
- Không ăn thức ăn nướng, vì trong quá trình nướng sẽ tạo ra chất gây ung thư.
- Kiêng theo thể trạng người bệnh:
- Người thể hư: cần chọn các chất thanh đạm, dễ tiêu, dinh dưỡng cao, kiêng ăn các thức ăn dầu mỡ ngậy béo, đậm đà, khó tiêu như các thức ăn chiên rán, thịt mỡ.
- Người thể nhiệt: chọn các loại thức ăn mát, kiêng các thức ăn cay như gừng, tỏi, ớt, rượu, các thức uống hun nướng, thịt dê, thịt gà, thịt chó, thịt chim sẻ.
- Người thể hàn: chọn các thức ăn bình bổ, kiêng các thức ăn sống, lạnh như các loại dưa và các loại trái cây sống lạnh, các thức uống lạnh khác, các thứ rau mát và hải sản có tính lạnh.
- Người thể thực: Tăng protein vào một cách thích đáng, kiêng ăn nhiều một thứ như thịt, vịt, gà, cá, kiêng thuốc lá, rượu bia, nhất là kiêng ăn uống bừa bãi, có hàm lượng mỡ cao.