Trẻ bị coi là hay ốm vặt nếu có biểu hiện là hầu như tháng nào cũng ốm và thường xuyên phải dùng đến thuốc. Cha mẹ có thể đổ lỗi tình trạng này là do cơ địa mỗi trẻ nhưng thực chất trẻ hay ốm vặt là do có nguyên nhân.
1.TRẺ HAY ỐM VẶT LÀ DO HỆ MIỄN DỊCH CỦA TRẺ KÉM, SỨC ĐỀ KHÁNG YẾU
Sau khi sinh, trẻ nhận được một lượng kháng thể miễn dịch từ mẹ qua sữa. Tuy nhiên trong quá trình lớn lên, hệ miễn dịch của trẻ mới được hoàn thiện dần. Do vậy, trẻ rất nhạy cảm với những thay đổi môi trường bên ngoài. Với những trẻ có hệ miễn dịch hoàn thiện chậm tức là ít có khả năng đề kháng, chống lại những tác nhân bên ngoài thì sẽ hay bị ốm hơn. Hệ miễn dịch càng kém trẻ càng hay ốm, đặc biệt là dễ mắc các bệnh đường hô hấp mà cha mẹ thường gọi chung là ốm vặt.
2.TRẺ HAY ỐM VẶT DO HỆ TIÊU HÓA KÉM
Đối với trẻ nhỏ, sau khi sinh hệ tiêu hóa của trẻ chưa được hoàn thiện đầy đủ, hệ vi khuẩn đường ruột chưa được cân bằng, do đó thức ăn sẽ không được tiêu hóa hiệu quả, sự hấp thu các chất vào cơ thể trẻ bị ảnh hưởng. Một khi quá trình hấp thụ dinh dưỡng bị hạn chế, trẻ sẽ dễ bị thiếu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, đặc biệt là hệ miễn dịch, dẫn đến trẻ dễ phát sinh nhiều bệnh.
3.TRẺ BIẾNG ĂN DỄ BỊ ỐM VẶT
Cũng giống như người lớn, trẻ cần ăn uống đầy đủ để lấy năng lượng cho các hoạt động. Nhưng nếu trẻ có dấu hiệu chán ăn, biếng ăn, ăn không ngon miệng thì có thể ảnh hưởng đến lượng thức ăn đưa vào cơ thể trẻ, điều này dẫn đến trẻ có thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, và hệ quả là trẻ có thể bị thiếu chất, sức đề kháng kém, dễ bị tác động bởi các tác nhân gây bệnh, trẻ sẽ hay bị ốm vặt. Bởi vậy, bạn nên chú ý theo dõi các biểu hiện chán ăn, biếng ăn của trẻ để có các biện pháp giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, hạn chế tình trạng ốm vặt cho trẻ.
Những thực phẩm được sử dụng trong bữa ăn hằng ngày của trẻ có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch cũng như tăng cường sức đề kháng của trẻ. Vì vậy cha mẹ có thể sử dụng những thực phẩm này giúp trẻ tránh được cúm, ốm vặt và phát triển khỏe mạnh:
- Thịt nạc: thịt lợn, thịt bò, thịt gà được xếp vào nhóm thực phẩm giúp tăng cường đề kháng tốt cho trẻ.
- Thực phẩm giàu kẽm không chỉ đảm bảo cung cấp đủ kẽm cho cơ thể mà còn giúp tăng miễn dịch, phòng chống bệnh tật do virus như cảm cúm, cảm lạnh. Vì vậy cha mẹ hãy bổ sung những thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, sò, ngao… để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng.
- Rau có lá màu xanh đậm có hàm lượng vitamin C khá phong phú bao gồm cải bó xôi, bông cải xanh, rau dền, rau ngót…
- Trái cây họ cam, quýt có hàm lượng vitamin C và vitamin A khá phong phú, được xem như thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ một cách hiệu quả, đồng thời tăng khả năng phòng chống bệnh truyền nhiễm…
- Khoai lang chứa nhiều beta caroten, vitamin C, vitamin E giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn và virus…
- Thực phẩm chứa acid omega 3 như quả óc chó, dầu cá… giúp cho hệ miễn dịch của trẻ tốt hơn, ngăn ngừa sự tấn công của vi khuẩn, virus.
- Sữa chua chứa nhiều vi khuẩn có lợi như probiotics giúp đường ruột của trẻ có thể ức chế vi khuẩn có hại và lập lại hệ vi sinh đường ruột cho trẻ.
- Bên cạnh đó, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả seri, để cải thiện vị giác, ăn ngon hơn, tăng cường hấp thu từ đó cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng, ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
4.CÁCH CHĂM SÓC TRẺ HAY ỐM VẶT
Bên cạnh chế độ ăn tạo nền tảng sức khỏe tốt để nâng cao miễn dịch, tăng cường đề kháng, các bác sĩ thường khuyến nghị các cha mẹ nên:
- Cho trẻ ngủ đủ giấc, giúp trẻ được phục hồi, nghỉ ngơi.
- Vệ sinh sạch sẽ bàn tay, đồ dùng, vật dụng, các bề mặt trẻ hay tiếp xúc, tránh nguy cơ lây bệnh vi khuẩn, virus…
- Tiêm vaccine đầy đủ theo từng độ tuổi.
- Khuyến khích trẻ vận động với những hoạt động phù hợp với lứa tuổi.