CÔNG TY CỔ PHẦN QUỐC TẾ DƯỢC PHẨM HADU

25

Th 11

12 CÁCH TĂNG ĐỀ KHÁNG CHO BÉ HIỆU QUẢ, CHO TRẺ HAY ỐM VẶT

12 CÁCH TĂNG ĐỀ KHÁNG CHO BÉ HIỆU QUẢ, CHO TRẺ HAY ỐM VẶT

  • admin
  • 0 bình luận

Trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh là mục tiêu “lý tưởng” cho các loại vi khuẩn, virus nhắm đến. Khi trẻ mắc bệnh, thường diễn tiến nặng, nguy cơ biến chứng và tử vong cao. Tăng đề kháng cho bé là mối trăn trở của nhiều bậc phụ huynh.

CON BẠN HAY ỐM VẶT CÓ PHẢI DO ĐỀ KHÁNG YẾU KHÔNG?

Trước hết, ba mẹ cần hiểu được tầm quan trọng của sức đề kháng với sức khỏe của trẻ. Sức đề kháng tương tự chiếc khiên, có tác dụng ngăn chặn các tác nhân gây hại như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể của trẻ. Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu hơn người trưởng thành, tần suất mắc bệnh cũng cao hơn, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Hệ miễn dịch của trẻ lúc này chưa hoàn thiện, sức đề kháng với bệnh tật cũng kém. 6 tháng sau sinh, kháng thể trẻ có được do mẹ truyền sang đã suy giảm và mất dần, trẻ có nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Cơ thể trẻ nhỏ bé, mỗi khi bị tác nhân gây bệnh tấn công, dù được điều trị kịp thời vẫn có nguy cơ để lại di chứng nặng, thậm chí là tử vong.

HƯỚNG DẪN CÁCH TĂNG ĐỀ KHÁNG CHO CON BẠN HIỆU QUẢ

1.TIÊM PHÒNG ĐÚNG LỊCH

Vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh.

Cơ chế phòng bệnh của vac-xin là bắt chước quá trình gây bệnh tự nhiên của các tác nhân gây bệnh (vi rút, vi khuẩn,...) nhằm giúp cơ thể chống lại căn bệnh đó khi có sự xâm nhập của vi rút, vi khuẩn. Cụ thể, khi được đưa vào cơ thể, vắc xin kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra một chất đặc hiệu (được gọi là kháng thể) để chủ động tấn công hay tiêu diệt các tác nhân gây bệnh.

2.CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG PHÙ HỢP VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ

Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển và sức đề kháng của mỗi đứa trẻ. Thế nhưng, trên thực tế, tỷ lệ biếng ăn, suy dinh dưỡng thấp còi tại Việt Nam cao hơn mức trung bình của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và trong khu vực nói riêng. Có đến 40% trẻ em 2-3 tuổi tại Việt Nam biếng ăn, mỗi năm có hơn 23.000 trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng cấp, 50% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vi chất dinh dưỡng như kẽm, thiếu máu như sắt, thiếu vitamin A tiền lâm sàng…

Nguồn dinh dưỡng tăng đề kháng cho trẻ sơ sinh là sữa mẹ. Bên cạnh nguồn dinh dưỡng cần thiết cho bé những năm tháng đầu đời, sữa mẹ còn chứa kháng thể do có được lúc tiêm vắc xin trước khi mang thai, giúp bảo vệ bé trước nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác nhau. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu đời.

Ở nhóm trẻ lớn hơn, trẻ cần uống đủ nước, bữa ăn hằng ngày phải có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết gồm tinh bột, đạm, lipid, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, để tăng cường đề kháng cho trẻ, bữa ăn hằng ngày không được thiếu kẽm trong tôm, cua, gan, thịt bò và các loại ngũ cốc. Rau củ, rau quả tươi chứa nhiều vitamin và hạn chế tình trạng táo bón ở trẻ. Ngoài ra, các loại đậu, sữa chua, ngũ cốc nguyên cám cũng rất quan trọng trong thực đơn hằng ngày.

3.CHO TRẺ TIẾP XÚC VỚI MÔI TRƯỜNG BÊN NGOÀI

Vui chơi ngoài trời giúp trẻ được hưởng lợi từ việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ đó được hấp thu nhiều vitamin D. Môi trường tự nhiên và không khí thoáng đãng góp phần phát triển xương, hệ thống miễn dịch, hoạt động thể chất mạnh mẽ hơn, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và béo phì.

Hiện béo phì ở trẻ em tại Việt Nam đang là tình trạng báo động. Theo Tổ Chức Y Tế thế giới, Bồ Đào Nha là quốc gia châu Âu thứ hai có tỷ lệ thừa cân cao nhất ở trẻ em 11 tuổi (32%), sau Hy Lạp (33%) và tiếp theo là Ireland (30%). Tỷ lệ mắc béo phì tại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong các nước ở Đông Nam Á, ở mức 38%.

Mặt khác, trẻ lười vận động thường xuyên tiếp xúc với thiết bị điện tử trong thời gian dài có thể khiến thị lực giảm sút, nhưng vui chơi ngoài trời có thể mang kết quả ngược lại, giúp cải thiện thị lực của trẻ. 

4.HẠN CHẾ SỬ DỤNG THUỐC KHÁNG SINH CHO TRẺ

Hiện nay, khi thấy trẻ ốm, nhiều bậc cha mẹ hay mua thuốc cho trẻ uống mà không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Công dụng của thuốc kháng sinh là diệt vi khuẩn và không có tác dụng với virus trong khi đó nhiều bệnh như cảm cúm đều do tác nhân virus gây ra. Việc dùng kháng sinh bừa bãi, đặc biệt là sử dụng các loại thuốc kháng sinh liều cao, phổ rộng dài ngày sẽ dẫn đến nhiều hậu quả.

Ví dụ vi khuẩn bị kháng thuốc dẫn đến không đáp ứng được điều trị hoặc phải đổi thuốc khác gây kéo dài thời gian nằm viện, tốn kém chi phí, thuốc tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể… Trẻ uống kháng sinh bừa bãi còn có thể bị tổn thương gan thận, loạn khuẩn đường ruột, suy giảm miễn dịch.

5.DẠY BÉ THÓI QUEN GIỮ VỆ SINH CÁ NHÂN

Giữ vệ sinh cá nhân giúp trẻ tránh khỏi những nguy cơ tiếp xúc, xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, bảo vệ các tế bào miễn dịch. Cần dạy bé thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi về nhà và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, vi khuẩn, virus thường xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi, miệng. Ba mẹ nên nhắc nhở con không nên đưa tay bẩn lên mắt hoặc ngoáy mũi, bỏ thói quen mút tay hoặc cắn móng tay (nếu có). Trẻ trên 2 tuổi nên học cách tự vệ sinh răng miệng sau bữa ăn và 2 buổi sáng, tối mỗi ngày. Thời gian đánh răng tối thiểu 1 phút và tối đa 3 phút, vệ sinh răng cả vùng trong má, vòm miệng cùng chải lưỡi.

6.HÃY MASSAGE CHO TRẺ SƠ SINH ĐỂ TĂNG TUẦN HOÀN MÁU

Massage hay chạm vào bé trong giai đoạn phát triển giúp kích thích các dây thần kinh, thúc đẩy phát triển trí tuệ, làm dịu cảm xúc, tăng cường tình cảm… và tăng cả sức đề kháng cho trẻ. Massage cho trẻ sơ sinh còn giúp bé tăng khả năng miễn dịch, kháng bệnh, kích thích tiêu hóa, khả năng hấp thụ  và giảm đầy hơi.

Hãy chắc chắn rằng tay của ba mẹ đã sạch sẽ, chuẩn bị thêm khăn bông mềm, tã, quần áo, dầu massage cho bé sơ sinh. Thời điểm tốt nhất để massage cho bé là sau ăn 40 tới 50 phút. Khi vừa mới bắt đầu massage cho bé, ba mẹ nên thực hiện trong 5 tới 10 phút, sau đó tăng dần thời gian. Ở trẻ 3 tháng tuổi có thể massage lên đến 30 phút.

7.CHO BÉ NGỦ ĐỦ

Ngủ đủ giấc không chỉ giúp bé phát triển tốt thể chất và trí não, mà còn tăng đề kháng cho bé hiệu quả. Khi ngủ, cơ thể sẽ tự tiến hành sửa chữa các mô tổn thương, tăng tiết hormon cải thiện sức đề kháng, kháng viêm, kháng nhiễm trùng. Tùy theo từng lứa tuổi mà ba mẹ cho bé ngủ từ 9-12 tiếng mỗi ngày. Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, nên cho bé ngủ trong không gian yên tĩnh, hạn chế ánh sáng và duy trì độ ẩm thích hợp giúp bé không gặp khó khăn khi hô hấp.

8.CHO BÉ THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG THỂ THAO

Tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên giúp trẻ tăng cường các hoạt động trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng, có lợi cho xương khớp. Không chỉ tăng cường đề kháng cho bé, qua các nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ thường xuyên rèn luyện với các hoạt động tập thể dục, thể thao có khả năng tiếp thu kiến thức và xử lý vấn đề tốt hơn những đứa trẻ không có thói quen này.

9.KIỂM TRA SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ CHO BÉ

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp ba mẹ nắm được tình trạng sức khỏe của bé, đặc biệt là sự tăng trưởng về thể chất, tinh thần. Kiểm tra sức khỏe định kỳ đặc biệt quan trọng trong 1000 ngày đầu đời của trẻ. Trong giai đoạn này, nếu trẻ được chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng về sức khỏe dinh dưỡng, trẻ sẽ phát triển tối đa trong giai đoạn hiện tại, đồng thời tác động lâu dài đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ trong quá trình trưởng thành.

10.NẾU BỐ MẸ CÓ HÚT THUỐC HÃY BỎ NGAY HÔM NAY

Chất nicotin có trong thuốc có tác động tiêu cực đến sự phát triển thai nhi và trẻ sơ sinh. Thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh, có thể gây đột tử ở trẻ sơ sinh mà không rõ nguyên nhân. Ngoài ra khói thuốc gây bệnh hen suyễn, nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tai, viêm phế quản, viêm phổi thường gặp ở trẻ sơ sinh. Do đó, nếu đang hút thuốc lá, ba mẹ hãy thay đổi thói quen này. Nếu có thể, hãy từ bỏ ngay hôm nay để bảo vệ sức khỏe con và cả ba mẹ.

11.TẠO MÔI TRƯỜNG SỐNG TRONG SẠCH, LÀNH MẠNH CHO TRẺ

Chất lượng không khí tại các thành phố lớn nước ta đang ở mức báo động. Ô nhiễm không khí dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là ở nhóm tuổi trẻ sơ sinh có sức đề kháng yếu. Hệ hô hấp của trẻ suy yếu bởi ô nhiễm không khí, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus xâm nhập.

Để cải thiện môi trường sống cho trẻ, ba mẹ nên giữ phòng ở thông thoáng, sạch sẽ bằng cách lau dọn thường xuyên, thay ga gối để tránh bụi bẩn khiến bé kích ứng. Giữ vệ sinh bộ lọc điều hòa thông luồng không khí sạch sẽ. Che chắn kỹ càng, đeo khẩu trang cho bé mỗi khi ra ngoài. Nếu gia đình sống gần nhà máy, xí nghiệp, hãy đóng kín cửa sổ để hạn chế bụi vào nhà.

12.BA MẸ CẦN CẬP NHẬT THÔNG TIN BỆNH SỚM NHẤT

Cập nhật thông tin bệnh theo mùa và chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng vắc xin và một số phương pháp khác như giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ vệ sinh môi trường sống, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người… giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ngay từ sớm, tránh nguy cơ bệnh nặng, biến chứng và tốn kém nhiều chi phí điều trị khi mắc bệnh.

 

Đối tác chiến lược

Hotline 1900 633 486
popup

Số lượng:

Tổng tiền: