Ít ai biết rằng, khi bé biếng ăn, bé rất dễ gặp phải tình trạng thiếu hụt 4 vi chất dinh dưỡng quan trọng. Vậy những vi chất này là gì? Đâu là chìa khóa giúp bé ăn ngon, tăng đề kháng để khỏe mạnh hơn mỗi ngày?
1.TRẺ BIẾNG ĂN THIẾU CHẤT GÌ?
Biếng ăn là tình trạng mà phần đông trẻ đều gặp phải, đặc biệt là trong giai đoạn 1-6 tuổi và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh.
Theo Thống kê của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, trên 50.000 trẻ trong độ tuổi 2-5 tuổi thì có tới 20% trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 29% trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Cùng nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng rất phổ biến ở trẻ Việt Nam, dẫn tới trẻ bị thiếu máu, thiếu vitamin A, thiếu kẽm, selen… ở mức cao. Mà nguyên nhân thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng này chủ yếu đến từ tình trạng biếng ăn của trẻ nhỏ.
VITAMIN A
Vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể. Nếu trẻ bị thiếu hụt, trẻ dễ bị quáng gà, khô mắt, giảm thị lực… Không chỉ vậy, Vitamin A còn liên quan đến chức năng miễn dịch, tăng trưởng của xương, hoạt động chống oxy hóa bảo vệ tế bào, … nên khi thiếu hụt trẻ sẽ chậm lớn, dễ nhiễm trùng…
SẮT
Sắt là vi chất không có nhiều trong sữa mẹ và phải bổ sung từ các thực phẩm tự nhiên bên ngoài. Đặc biệt, trong khoảng 5 năm đầu đời do nhu cầu sắt tăng cao ở giai đoạn tăng trưởng nhanh nên trẻ em dễ bị thiếu máu do thiếu sắt.
Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây tình trạng chán ăn, chậm lớn, chậm phát triển, chậm lên cân. Trẻ thường xuyên mệt mỏi, kém hoạt động, chậm phát triển tinh thần vận động, giảm nhận thức.
KẼM
Kẽm giúp duy trì và bảo vệ các tế bào vị giác và khứu giác. Chính vì vậy, kẽm tham gia vào quá trình hỗ trợ cân bằng vị giác, tăng cảm giác ngon miệng và giúp nâng cao khả năng hấp thu dưỡng chất ở trẻ nhỏ. Khi thiếu hụt vi chất này tình trạng biếng ăn thường dễ xuất hiện, trẻ giảm khả năng cảm nhận hương vị, ăn không ngon miệng, chậm lớn, còi cọc.
SELEN
Là vi chất cần cho quá trình chuyển hóa i ốt, selen tham gia vào quá trình tạo hormone tuyến giáp nhằm kích thích đầu vào năng lượng, cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển của cơ thể. Sự thiếu hụt selen khiến hệ miễn dịch suy yếu, khả năng chống nhiễm trùng bệnh suy giảm, tăng tổn hại tế bào, gia tăng quá trình lão hóa tự nhiên, tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa.
Không chỉ 4 vi chất dinh dưỡng kể trên, trẻ biếng ăn trong thời gian dài còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiều vi chất dinh dưỡng khác.
2.GIẢI PHÁP NÀO CHO TRẺ ĂN NGON, TĂNG ĐỀ KHÁNG
Bổ sung các vi chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống hằng ngày là lựa chọn ưu tiên hàng đầu khi trẻ có hiện tượng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng này. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra đó là làm thế nào khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ? Ba mẹ có thể tham khảo một vài giải pháp như:
- Cho con “được đói” bằng cách cho trẻ ăn đúng bữa, đúng giờ. Dừng bữa khi con không muốn được ăn thêm.
- Thay đổi đa dạng các món ăn hằng ngày, ưu tiên các món trẻ thích ăn.
- Cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, không cho trẻ ăn quá nhiều thịt, cá, bổ sung thêm rau xanh và dầu, mỡ để tăng hứng thú của trẻ với đồ ăn.
- Thay đổi cách chế biến để trẻ có cảm giác ngon miệng.
- Đa dạng màu sắc sử dụng trong bữa ăn để kích thích sự thèm ăn ở trẻ nhỏ. Có thể sử dụng thêm bát, thìa nhiều hình thù, màu sắc đặc biệt để trẻ hứng thú hơn khi ăn.
- Nếu trẻ không thích một món ăn nào đó, đừng cố ép con ăn.
- Giới hạn thời gian ăn của trẻ, không quá 30 phút.
- Tránh việc ép con ăn liên tục, cho con ăn khi đói.
- Cho trẻ có quyền chủ động lựa chọn món ăn, tự xúc ăn, cầm thức ăn để ăn.
- Cho trẻ ăn cùng gia đình, tránh vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại hay đi rong.
- Tạo bầu không khí vui vẻ trong gia đình trước khi vào bữa.
- Tránh cho trẻ sử dụng bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn.