Kẽm là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu mang ý nghĩa quan trọng với sức khỏe chỉ đứng thứ hai sau sắt. Thực phẩm bổ sung kẽm có thể giúp bạn cải thiện hệ miễn dịch, ngăn ngừa mụn, kiểm soát đường huyết…
Kẽm có sẵn ở nhiều dạng khác nhau nên thực phẩm bổ sung kẽm thường được sử dụng để điều trị các bệnh. Nghiên cứu cho thấy khoáng chất này có thể tăng cường chức năng miễn dịch, ổn định lượng đường trong máu, giúp giữ cho làn da, mắt và trái tim của bạn khỏe mạnh.
1.CÁC LOẠI THỰC PHẨM BỔ SUNG KẼM
Khi lựa chọn bổ sung kẽm, bạn có thể nhận thấy rằng có nhiều loại thực phẩm bổ sung kẽm trên thị trường. Các hình thức khác nhau của kẽm ảnh hưởng đến sức khỏe theo những cách riêng biệt. Dưới đây là một số thực phẩm bổ sung kẽm mà bạn sẽ thường tìm thấy trên thị trường:
- Kẽm gluconate: Là một trong những dạng kẽm không kê đơn phổ biến nhất, kẽm gluconate thường được sử dụng trong cảm lạnh như viên ngậm và thuốc xịt mũi.
- Kẽm acetate: Giống như kẽm gluconate, kẽm acetate thường được sử dụng trong viên ngậm để giảm triệu chứng và tăng tốc độ phục hồi khi mắc bệnh cảm lạnh.
- Kẽm sulfat: Ngoài việc giúp ngăn ngừa thiếu kẽm, kẽm sulfat đã được chứng minh làm giảm mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá.
- Kẽm picolinate: Một số nghiên cứu cho thấy cơ thể bạn có thể hấp thụ dạng này tốt hơn các dạng kẽm khác.
- Kẽm citrate: Một nghiên cứu cho thấy loại bổ sung kẽm này hấp thụ tốt như kẽm gluconate nhưng có vị đắng hơn.
2.LỢI ÍCH CỦA THỰC PHẨM BỔ SUNG KẼM
Kẽm rất quan trọng đối với nhiều khía cạnh của sức khỏe và mang đến nhiều lợi ích khác nhau như:
Thực phẩm bổ sung kẽm cải thiện miễn dịch
Nhiều loại thuốc không kê đơn có chứa thành phần bổ sung kẽm nhờ vào khả năng tăng cường miễn dịch và chống viêm. Theo đánh giá của 18 nghiên cứu tác dụng của kẽm đối với cảm lạnh thông thường, việc dùng kẽm trong 24 giờ đầu tiên xuất hiện bệnh làm giảm thời gian của các triệu chứng cảm trung bình khoảng 1 ngày.
Một nghiên cứu ở 50 người lớn tuổi cho thấy dùng 45mg kẽm gluconate trong 1 năm đã làm giảm một số dấu hiệu viêm và giảm tần suất nhiễm trùng.
Thực phẩm bổ sung kẽm giúp trị mụn
Việc bổ sung kẽm thường được sử dụng để tăng sức khỏe của da và điều trị các tình trạng da phổ biến như mụn trứng cá. Kẽm sulfat đã được chứng minh có khả năng làm giảm các triệu chứng của mụn trứng cá.
Thực phẩm bổ sung kẽm giúp kiểm soát đường huyết
Kẽm được biết đến với vai trò kiểm soát lượng đường trong máu và bài tiết insulin. Insulin là hormone chịu trách nhiệm vận chuyển đường từ máu đến các mô. Một số nghiên cứu cho thấy kẽm có thể giúp giữ lượng đường trong máu ổn định và cải thiện độ nhạy cảm của cơ thể với insulin.
Một đánh giá báo cáo rằng việc bổ sung kẽm có hiệu quả trong việc tăng cường kiểm soát lượng đường trong máu ngắn hạn và dài hạn ở những người mắc bệnh tiểu đường.
Thực phẩm bổ sung kẽm giúp cải thiện vấn đề tim mạch
Bệnh tim là vấn đề nghiêm trọng chiếm khoảng 33% số ca tử vong trên toàn thế giới. Một số nghiên cứu cho thấy dùng kẽm có thể cải thiện một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, thậm chí có thể làm giảm mức triglyceride và cholesterol.
Một đánh giá của 24 nghiên cứu cho thấy rằng các thực phẩm bổ sung kẽm giúp giảm mức cholesterol LDL và triglyceride trong máu hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim.
Ngoài ra, một nghiên cứu ở 40 phụ nữ trẻ cho thấy liều lượng tiêu thụ kẽm cao có khả năng làm mức huyết áp tâm thu thấp hơn. Nồng độ kẽm trong huyết thanh thấp có thể liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch vành cao hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đánh giá tác dụng của thực phẩm bổ sung kẽm đối với huyết áp còn hạn chế, vì vậy cần được nghiên cứu nhiều hơn.
3.LƯU Ý KHI DÙNG THỰC PHẨM BỔ SUNG KẼM
Bạn nên dùng bao nhiêu kẽm mỗi ngày tùy từng loại, vì mỗi thực phẩm bổ sung kẽm có chứa một lượng kẽm nguyên tố khác nhau. Ví dụ 200mg kẽm sulfat tương đương với khoảng 50mg kẽm nguyên tố, 70mg kẽm gluconate chứa khoảng 10mg. Đối với người lớn, liều lượng khuyến cáo hằng ngày thường là từ 15-30mg kẽm nguyên tố. Liều lượng cao hơn được sử dụng để điều trị một số bệnh bao gồm mụn trứng cá, tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp.
Trước khi lựa chọn thực phẩm bổ sung kẽm, bạn cần xem kỹ bảng thành phần và hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc sử dụng liều lượng kẽm nguyên tố sao cho phù hợp.
Bạn nên tránh dùng thực phẩm bổ sung kẽm quá 40mg/ ngày, việc dùng quá liều có thể gây ra các triệu chứng như cúm, sốt, ho, nhức đầu và mệt mỏi.