CÔNG TY CỔ PHẦN QUỐC TẾ DƯỢC PHẨM HADU

19

Th 06

THỰC ĐƠN 3 THÁNG GIỮA DÀNH CHO MẸ BẦU

THỰC ĐƠN 3 THÁNG GIỮA DÀNH CHO MẸ BẦU

  • admin
  • 0 bình luận

1.VÌ SAO NÊN XÂY DỰNG THỰC ĐƠN 3 THÁNG GIỮA DÀNH CHO BÀ BẦU?

Mẹ bầu cần xây dựng thực đơn 3 tháng giữa thai kỳ bởi:

  • Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu: Thực đơn cho bà bầu 3 tháng giữa cần được xây dựng một cách khoa học, lành mạnh để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu. Điều này sẽ giúp bé phát triển tốt, hỗ trợ mẹ tăng cân đủ, hạn chế gặp chứng táo bón thai kỳ, dị tật thai nhi, sảy thai…
  • Bù lại những chất bị thiếu hụt trong 3 tháng đầu: Khi bước sang tam cá nguyệt thứ 2, hầu hết thai phụ sẽ hết ốm nghén, ăn uống ngon miệng hơn. Vì thế mẹ bầu cần bổ sung nhiều dưỡng chất thông qua khẩu phần ăn uống để bù lại những chất bị thiếu hụt trong 3 tháng đầu.
  • Thai nhi cần phát triển xương khớp vượt trội: Thai nhi sẽ cần lượng lớn dưỡng chất trong tam cá nguyệt thứ hai, đặc biệt là canxi để phát triển hệ xương khỏe mạnh, hỗ trợ quá trình hình thành tay chân, khuôn mặt. Bên cạnh đó, não của em bé cũng đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ.
  • Nếu mẹ bầu có chế độ ăn nghèo nàn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bản thân đồng thời khiến thai nhi chậm phát triển, nhẹ cân. Vì vậy, thực đơn cho bà bầu 3 tháng giữa phải đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết, bổ sung đa dạng các loại thực phẩm lành mạnh.

2.THỰC ĐƠN CHO BÀ BẦU 3 THÁNG GIỮA SAO CHO ĐỦ CHẤT?

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng giữa cần đáp ứng nhu cầu năng lượng, carb, protein, lipid, và những vi chất thiết yếu. Có như thế, thể trạng của mẹ bầu mới được duy trì khỏe mạnh, giúp thai nhi phát triển thuận lợi.

NHU CẦU NĂNG LƯỢNG

Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia khuyến nghị, phụ nữ có thai 3 tháng giữa nên bổ sung 1.980-2.300 calo/ ngày. Nếu thiếu năng lượng kéo dài sẽ khiến thai phụ bị thiếu năng lượng trường diễn, thai nhi đối mặt với nguy cơ mắc chứng suy dinh dưỡng. Trường hợp mẹ bầu bị dư thừa năng lượng sẽ dễ tăng cân quá mức, có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, em bé sinh ra nặng hơn bình thường (>4.000g). Vì thế thực đơn cho bà bầu 3 tháng giữa cần đáp ứng được nhu cầu năng lượng này để thai phụ duy trì sức khỏe, hỗ trợ em bé phát triển.

NHU CẦU CARB, PROTEIN, LIPID

Thực đơn mẹ bầu 3 tháng giữa thai kỳ không thể thiếu carb, protein, lipid. Vì những dưỡng chất này đều cần thiết cho sức khỏe mẹ bầu, hỗ trợ thai nhi tăng trưởng tốt hơn. Nhu cầu dung nạp carb, protein, lipid được khuyến nghị cho mẹ bầu 3 tháng giữa như sau:

  • Carb (325-400 g carb/ ngày): Glucid (carb) là nguồn cung cấp 50-60% năng lượng cho cơ thể. Mẹ bầu cần dung nạp carb để bổ sung năng lượng, hỗ trợ quá trình hình thành tế bào diễn ra thuận lợi hơn. Chị em mang thai ở 3 tháng giữa dược khuyến nghị dung nạp 325-400 gam carb/ ngày.
  • Protein (70 gam protein/ ngày): Protein là thành phần quan trọng góp phần cấu tạo nên tế bào, các loại hormone, enzyme… Dưỡng chất này cũng có chức năng quan trọng trong hoạt động chuyển hóa, cân bằng dịch thể… Mẹ bầu sẽ cần nhiều protein hơn khi mang thai để giúp cơ thể của em bé phát triển thuận lợi. Theo khuyến nghị, thực đơn 3 tháng giữa cho bà bầu cần mang đến khoảng 70 gam protein/ ngày. Mẹ bầu cần dung nạp cả protein động vật và protein thực vật.
  • Lipid (52.5-64.5 gam/ ngày): Cấu trúc màng tế bào rất cần có lipid. Bên cạnh đó, lipid còn được dự trữ trong các mô như nguồn năng lượng tích trữ cho cơ thể. Với thai nhi, lipid hỗ trợ não bộ và hệ thần kinh phát triển. Với mẹ bầu, dung nạp thiếu lipid có thể không đủ tăng cân. Ở 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu khuyến nghị dung nạp khoảng 52.5-64.5 gam lipid/ ngày. Hạt điều, vừng, bơ… là những thực phẩm mang đến nhiều lipid.

NHU CẦU VI CHẤT DINH DƯỠNG

Axit folic, vitamin D, vitamin K, sắt, canxi, choline, omega 3… đều là những vi chất cần thiết, góp phần hỗ trợ thai nhi tăng trưởng, giúp sức khỏe mẹ bầu ổn định. Thực đơn hằng ngày 3 tháng giữa của bà bầu cần đáp ứng nhu cầu vi chất dinh dưỡng theo khuyến nghị của các chuyên gia, cụ thể như sau:

  • Folate (600 mcg/ ngày): Folate (axit folic) hay còn gọi là vitamin B9, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, tăng trưởng, phân chia những loại tế bào của con người. Mẹ bầu cần dung nạp axit folic để ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi như chẻ đôi cột sống, thai vô sọ… Thực phẩm sở hữu nhiều axit folic là rau xanh, măng tây, các loại đậu, dưa vàng… Phụ nữ có thai được khuyến nghị dung nạp khoảng 600 mcg axit folic/ ngày.
  • Sắt (27.4-41.1mg/ ngày): Khoáng chất sắt cùng protein sẽ tạo ra hemoglobin (huyết sắc tố) góp phần ngăn ngừa bệnh thiếu máu đồng thời giúp vận chuyển oxy trong máu đến các mô. Phụ nữ mang thai rất cần sắt để làm gia tăng khối lượng máu, cung cấp đủ lượng máu cho thai nhi phát triển. Sắt có nhiều trong các thực phẩm như thịt đỏ, hàu, đậu lăng, rau bina…. Mẹ bầu được khuyến nghị nên dung nạp 27.4-41.1 mg sắt/ ngày.
  • Canxi (1.200mg/ ngày): Thai nhi rất cần canxi để phát triển hoàn thiện hệ thần kinh, răng và xương. Mẹ bầu có nhu cầu canxi cao hơn bình thường, nếu thiếu hụt loại khoáng chất này sẽ tiềm ẩn nguy cơ loãng xương, ảnh hưởng đến khả năng phát triển kích thước của trẻ. Thực phẩm chứa nhiều canxi bao gồm cá mòi, sữa, cải xoăn, đậu phụ, rau xanh lá… Phụ nữ có thai được khuyến nghị dung nạp khoảng 1.200mg/ ngày.
  • Vitamin D (20mcg/ ngày): Loại vitamin này giúp mẹ tăng cường hấp thụ photpho, canxi… để ngăn ngừa bệnh loãng xương, hỗ trợ thai nhi phát triển xương đạt chuẩn. Thai phụ có thể dung nạp vitamin D qua thực phẩm như dầu gan cá (đặc biệt là các loại cá béo). Theo khuyến nghị, mỗi ngày mẹ bầu nên nhận đủ 20 mcg vitamin D/ ngày.
  • Vitamin K (150mcg/ ngày): Thực đơn cho bà bầu 3 tháng giữa không thể thiếu vitamin  K. Loại vitamin này hỗ trợ cơ thể cầm máu, ngăn ngừa chứng máu khó đông, hữu ích cho việc sơ cứu tình trạng chảy máu ở thai phụ. Vitamin K được tìm thấy trong các loại thực phẩm như dầu hướng dương, dầu đậu tương. Phụ nữ có thai được khuyến nghị dung nạp khoảng 150mcg/ ngày.
  • Choline (450mg/ ngày): Để cấu trúc của màng tế bào trọn vẹn không thể thiếu choline. Chất này còn tham gia vào quá trình chuyển hóa, vận chuyển cholesterol và lipid. Choline còn giúp mẹ bầu ngăn ngừa nguy cơ bị cao huyết áp, bảo vệ mật độ xương, hỗ trợ thai nhi phát triển hệ răng và xương. Thực phẩm sở hữu nhiều choline phải kể đến là phô mai, đậu hũ, sữa bò, nước cam… Mẹ bầu được khuyến nghị dung nạp khoảng 450mg/ ngày.
  • Omega 3 (0.8g/ ngày): Omega 3 rất hữu ích cho quá trình trao đổi chất. Đối với mẹ bầu, Omega 3 hỗ trợ làm giảm nguy cơ bị tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ… Omega 3 còn hỗ trợ thai nhi phát triển não bộ, hệ thần kinh, tăng cường miễn dịch…. Thai phụ có thể bổ sung Omega 3 qua những loại thực phẩm như cá hồi, hạt chia, súp lơ, dầu gan gá, rong biển… Các chuyên gia khuyến nghị mẹ bầu nên dung nạp 0.8g omge 3/ ngày.

3.YÊU CẦU THỰC ĐƠN CHO BÀ BẦU 3 THÁNG GIỮA THAI KỲ THEO TỪNG THÁNG

Thực đơn cho bà bầu 3 tháng giữa thai kỳ phải được xây dựng sao cho phù hợp với thể trạng của người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Tam cá nguyệt thứ hai chính là giai đoạn em bé sẽ phát triển nhanh chóng về cấu trúc não bộ và hình thái cơ thể. Do đó thực đơn cho mẹ bầu 3 tháng giữa phải đáp ứng được những yêu cầu về dưỡng chất, cụ thể như sau:

THỰC ĐƠN CHO MẸ BẦU THÁNG THỨ 4 THAI KỲ

Mẹ bầu cần có thực đơn sở hữu đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là canxi để giúp em bé không bị còi cọc, chậm lớn. Vì tam cá nguyệt thứ 2 là giai đoạn thai nhi phát triển vượt trội nhất về chiều dài (kích thước), thậm chí hơn cả tam cá nguyệt thứ 3. Chiều dài của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ 2 sẽ tăng khoảng 30cm. Ngoài ra, theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, mẹ bầu từ tháng 4 đến hết tháng thứ 6 chỉ cần ăn nhiều hơn một bát cơm (với đầy đủ thức ăn) so với thời điểm trước khi mang thai.

THỰC ĐƠN CHO MẸ BẦU THÁNG THỨ 5 THAI KỲ

Thai nhi sẽ phát triển mạnh mẽ về não bộ ở tháng thứ 5. Do đó, mẹ bầu phải áp dụng khẩu phần ăn sở hữu các dưỡng chất hữu ích, góp phần kích thích não bộ của con hoàn thiện. Thai phụ không nên dùng quá nhiều đường trắng, muối để làm ảnh hưởng đến não bộ của thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu. Thay vào đó, mẹ bầu nên đưa vào khẩu phần những loại thực phẩm sở hữu nhiều DHA như các loại đậu, cua, tôm, cá béo…

THỰC ĐƠN CHO MẸ BẦU THÁNG THỨ 6 THAI KỲ

Ở tháng thứ 6 thai kỳ, mẹ bầu nên đặc biệt quan tâm đến việc bổ sung choline cũng như tiếp tục dung nạp đầy đủ DHA thông qua khẩu phần ăn uống. Vì từ tuần 20 đến khi chào đời, kích thước não bộ sẽ gia tăng gấp 6 lần, tế bào thần kinh kết nối phức tạp hơn. Sự trưởng thành của não bộ sẽ góp phần quyết định đến khả năng học hỏi và trí tuệ của trẻ sau này.

Tại tháng thứ 6, mẹ bầu cũng cần bổ sung thực phẩm giàu vitamin D. Theo nghiên cứu, nồng độ vitamin D trong cơ thể mẹ sẽ cao hơn về mặt sinh lý ở tam cá nguyệt thứ 2, 3. Ngoài ra, thực đơn cho bà bầu 3 tháng giữa không nên chứa nhiều muối, dầu mỡ để hạn chế tình trạng phù nề, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp.

4.XÂY DỰNG THỰC ĐƠN CHO BÀ BẦU 3 THÁNG GIỮA THAI KỲ

Mẹ bầu ở 3 tháng giữa cần biết nên và không nên ăn gì khi xây dựng thực đơn. Vì chế độ dinh dưỡng sẽ góp phần quyết định lớn đến thể trạng, sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là một số loại thực phẩm quen thuộc mà thai phụ ở tam cá nguyệt thứ 2 nên dùng và cần tránh đưa vào khẩu phần ăn.

THỰC PHẨM TỐT NÊN BỔ SUNG VÀO THỰC ĐƠN CHO BÀ BẦU 3 THÁNG GIỮA THAI KỲ

Nhiều bạn đọc thắc mắc bà bầu 3 tháng giữa thai kỳ nên ăn gì để hỗ trợ thai nhi phát triển tốt, tăng cường sức khỏe cho bản thân. Ở giai đoạn này, thai phụ nên dung nạp những thực phẩm lành mạnh sau đây:

  • Thịt: thịt bò, gà, heo… đều là những loại thực phẩm lý tưởng để cung cấp thêm khoáng chất sắt cho thai nhi. Mẹ bầu nên chọn phần thịt nạc để bổ sung thêm protein, sắt, tránh việc tiêu thụ quá nhiều chất béo.
  • Tôm: tôm cũng nên được bổ sung vào thực đơn cho bà bầu 3 tháng giữa thai kỳ. Ngoài canxi, loại hải sản này còn sở hữu hàm lượng kẽm vô cùng phong phú. Ước tính trong 100g tôm trung bình chứa 1.77 mg kẽm. Khoáng chất kẽm rất cần thiết với thai nhi, hỗ trợ quá trình phân chia tế bào diễn ra thuận lợi, hạn chế nguy cơ bị thấp bé, nhẹ cân. Mẹ bầu trong 3 tháng giữa thai kỳ được khuyến nghị dung nạp từ 6-20 mg kẽm/ ngày.
  • Sữa: Hàm lượng canxi trong sữa rất dồi dào. Ước tính trong 100g sữa trung bình có chứa khoảng 125 mg canxi. Từ tam cá nguyệt thứ hai, bà bầu nên tăng cường bổ sung sữa. Thai phụ nên đưa sữa tách béo vào thực đơn cho bà bầu 3 tháng giữa thai kỳ nếu lo bị thừa cân. Ngoài sữa ra, bà bầu có thể bổ sung thêm những chế phẩm từ sữa để bổ sung như phô mai, yogurt.
  • Các loại hạt: Não bộ của em bé sẽ phát triển nhanh chóng trong 3 tháng giữa thai kỳ. Do đó ở thời điểm này, mẹ bầu nên bổ sung thêm các chất béo có lợi cho thai nhi thông qua những loại thực phẩm như hạt óc chó, macca, hạnh nhân… Ngoài ra, thai phụ cũng nên ăn một lượng vừa đủ dầu mè, dầu oliu, cá hồi… để dung nạp thêm nhiều chất hữu ích.

THỰC PHẨM CẦN TRÁNH THÊM VÀO THỰC ĐƠN BÀ BẦU 

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, giúp thai nhi phát triển thuận lợi, bạn cần biết bà bầu 3 tháng giữa không nên ăn gì. Vì một số loại thực phẩm có thể tác động tiêu cực đến thể trạng của cả mẹ và bé, cụ thể như sau:

  • Món cay nóng, chứa nhiều gia vị: Mẹ bầu sẽ gặp chứng ợ nóng nhiều hơn trong tam cá nguyệt thứ hai. Nếu ăn nhiều thực phẩm chứa tiêu, ớt… sẽ càng khiến tình trạng ợ nóng diễn ra trầm trọng hơn. Thai phụ cũng nên hạn chế dùng món chứa nhiều bột ngọt, muối vì sẽ làm tình trạng phù nề (tích nước) gia tăng.
  • Cá chứa hàm lượng thủy ngân cao: Một số loại cá biển có chứa hàm lượng thủy ngân cao trong thành phần, điển hình là cá kiếm, cá thu, cá ngừ mắt to… Mà thủy ngân nếu dung nạp quá nhiều, liên tục sẽ làm gia tăng nguy cơ sảy thai, khiến thai nhi bị chậm phát triển. Vì thế thai phụ nên hạn chế đưa các loại cá kể trên vào chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng giữa thai kỳ.
  • Món chứa nhiều dầu mỡ: Món chứa nhiều dầu mỡ như đồ chiên rán, thức ăn nhanh… sẽ gia tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, khiến mẹ bầu dễ bị khó tiêu, ợ chua, đầy bụng. Ngoài ra thai phụ ăn nhiều dầu mỡ còn có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, bệnh tim mạch.
  • Gan động vật: Gan vốn là cơ quan tiếp nhận độc tố, chứa nhiều kim loại nặng cũng như những loại vi khuẩn, virus có thể gây hại cho cơ thể. Bên cạnh đó, hàm lượng vitamin A trong gan rất cao, nếu mẹ bầu dung nạp dư thừa sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây dị tật thai nhi.
  • Thực phẩm còn sống: Thực phẩm còn sống, chưa được chế biến chín, không nên có trong khẩu phần ăn của mẹ trong 3 tháng giữa, vì chúng làm tăng nguy cơ gây nhiễm độc, rối loạn tiêu hóa. Điển hình là cá sống, sữa chưa tiệt trùng, trứng sống.
  • Đồ uống không tốt cho sức khỏe: Mẹ bầu không nên dùng thức uống chứa cồn như rượu, bia… vì sẽ làm gia tăng nguy cơ sảy thai, sinh non. Bên cạnh đó, thức uống chứa caffeine cũng không có lợi cho mẹ bầu, thai phụ nên hạn chế sử dụng để tránh gặp tình trạng mất ngủ, tăng huyết áp, căng thẳng, sinh non, nhẹ cân.

5.LƯU Ý KHI LÊN THỰC ĐƠN CHO MẸ BẦU 3 THÁNG GIỮA THAI KỲ

Khi xây dựng thực đơn cho mẹ bầu 3 tháng giữa thai kỳ cần lưu ý một số vấn đề trong việc lựa chọn, chế biến thực phẩm, cách dùng bữa, kiêng khem… để nhận được lợi ích tối ưu về khẩu phần dinh dưỡng, cụ thể như sau:

  • Lựa chọn thực phẩm sạch, tươi ngon: Mẹ bầu nên chọn mua thực phẩm ở nơi đáng tin cậy, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn. Thai phụ không nên dùng thực phẩm đã có dấu hiệu bị hỏng để chế biến thức ăn.
  • Ăn món đã chín, dễ tiêu hóa: Mẹ bầu chỉ nên dùng thực phẩm đã được chế biến, để tránh tình trạng bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn. Ngoài ra, thai phụ cũng không nên ăn các món ăn khó tiêu hóa (đặc biệt là trong bữa tối) để tránh tạo áp lực cho dạ dày, đường ruột.
  • Lưu ý khi ăn trái cây: Mẹ bầu nên ưu tiên lựa chọn dùng trái cây tươi ngon, giàu dưỡng chất (không ăn quá 320g trái cây/ ngày). Bên cạnh đó thai phụ không nên bổ sung thường xuyên những loại quả chứa hàm lượng đường cao như xoài chín, vải, sầu riêng… để hạn chế nguy cơ gặp đái tháo đường thai kỳ.

 




 

Đối tác chiến lược

Hotline 1900 633 486
popup

Số lượng:

Tổng tiền: