CÔNG TY CỔ PHẦN QUỐC TẾ DƯỢC PHẨM HADU

20

Th 06

THỰC ĐƠN 3 THÁNG CUỐI DÀNH CHO THAI KỲ

THỰC ĐƠN 3 THÁNG CUỐI DÀNH CHO THAI KỲ

  • admin
  • 0 bình luận

1.TẦM QUAN TRỌNG CỦA THỰC ĐƠN CHO BÀ BẦU 3 THÁNG CUỐI

Thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ có vai trò vô cùng quan trọng. Vì chế độ dinh dưỡng của thai phụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con. Ảnh hưởng này có thể kéo dài từ lúc bé còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành. Trên thực tế, có nhiều trường hợp trẻ bị thấp bé, nhẹ cân khi chào đời vì tác động từ triệu chứng thiếu vi chất của mẹ.

Thai nhi có thể chỉ nhận được dưỡng chất từ mẹ. Các chất dinh dưỡng sẽ qua đường máu qua nhau thai rồi truyền đến cho thai nhi, giúp em bé phát triển. Nếu được nhận đầy đủ dưỡng chất, trẻ sẽ tăng trưởng tốt trong bụng mẹ, có sức đề kháng mạnh, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh. Lúc này người mẹ sẽ có đủ sức để lâm bồn, nhanh chóng phục hồi sau sinh, sở hữu được nguồn sữa chất lượng, sẵn sàng cho con bú.

Chị em có chế độ dinh dưỡng tốt từ trước và trong suốt thai kỳ giúp thai nhi tránh bị suy dinh dưỡng, suy thai, hạn chế nguy cơ gặp chứng chậm phát triển chức năng vận động, tâm thần.

2.THỰC ĐƠN CHO BÀ BẦU 3 THÁNG CUỐI THAI KỲ SAO CHO ĐỦ CHẤT

Thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối phải đáp ứng được nhu cầu năng lượng thiết yếu, bên cạnh đó khẩu phần ăn phải bổ sung đầy đủ các dưỡng chất quan trọng như chất béo, chất đạm, chất khoáng, vitamin… Vì thai nhi sẽ phát triển mạnh mẽ trong 3 tháng cuối thai kỳ, cả về thể chất và trí não.

Ngoài ra, tam cá nguyệt thứ ba cũng là giai đoạn thai phụ dễ bị tăng cân mất kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, béo phì. Thế nên, khẩu phần dinh dưỡng cho thai kỳ 3 tháng cuối thai kỳ phải được xây dựng một cách khoa học, đáp ứng đúng nguyên tắc, nhu cầu về dưỡng chất, cụ thể như sau:

NHU CẦU NĂNG LƯỢNG

Viện Dinh Dưỡng quốc gia khuyến nghị phụ nữ có thai ở 3 tháng cuối cần được cung cấp khoảng 2,180-2,500 calo/ ngày. Mẹ bầu có nguy cơ bị thiếu năng lượng trường diễn nếu cung cấp không đủ năng lượng trong một khoảng thời gian dài. Điều này có thể khiến bào thai bị suy dinh dưỡng. Trường hợp cung cấp năng lượng vượt nhu cầu cần thiết, mẹ bầu sẽ bị tăng cân quá mức, đối mặt với nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ, sinh con nặng hơn bình thường (cụ thể là trên 4.000gam).

NHU CẦU TINH BỘT, CHẤT ĐẠM VÀ CHẤT BÉO

Tinh bột, chất đạm và chất béo đều là những dưỡng chất quan trọng, cần thiết cho sức khỏe của mẹ bầu, hỗ trợ thai nhi phát triển thuận lợi. Vì thế, thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối cũng phải cung cấp đủ các chất kể trên, đáp ứng được nhu cầu của mẹ, cụ thể như sau:

  • Glucid (355-430 gam/ ngày): Cơ thể rất cần glucid vì chất này sẽ cung cấp nguồn năng lượng chính yếu. Thai phụ cần bổ sung thêm tinh bột để hỗ trợ cho quá trình cấu tạo tế bào. Mẹ bầu 3 tháng cuối cần được khuyến nghị dung nạp 355-430 gam glucid/ ngày. Mẹ bầu có thể nhận được tinh bột thông qua các thực phẩm như khoai, củ, cơm, hủ tiếu, bún, phở…
  • Chất đạm (91 gam/ ngày): Protein (đạm) là dưỡng chất có vai trò quan trọng trong việc cấu tạo nên tế bào. Nhu cầu dung nạp protein của mẹ bầu sẽ gia tăng để giúp thai nhi phát triển. Phụ nữ có thai 3 tháng cuối được khuyến nghị bổ sung 91 gam protein/ ngày. Thực đơn cho mẹ bầu 3 tháng cuối cần phối hợp cả protein thực vật và động vật.
  • Lipid (60-72 gam/ ngày): Lipid (chất béo) sẽ tham gia vào sự hình thành và phát triển não bộ của thai nhi. Nếu mẹ bầu dung nạp quá ít lipid sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến não bộ, hệ thần kinh cùng nhiều cơ quan khác của thai nhi. Bên cạnh đó, thiếu lipid còn khiến mẹ bầu không đạt được mức tăng cân cần thiết. Tuy nhiên, thai phụ tiêu thụ quá nhiều lipid cũng không tốt, dễ gây tình trạng thừa cân… Phụ nữ có thai 3 tháng cuối được khuyến nghị bổ sung 60-72 gam lipid/ ngày thông qua thực phẩm như đậu, thịt, cá, bơ…

NHU CẦU VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT

Bên cạnh tinh bột, chất đạm, chất béo, thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ cũng không thể thiếu vitamin và khoáng chất. Theo đó, khẩu phần của thai phụ trong tam cá nguyệt thứ ba cần được đáp ứng nhu cầu về các chất như sắt, canxi, iod, folate, vitamin D, omega 3…

  • Sắt (27.4-41.1 mg/ ngày): Khoáng chất sẽ giúp cơ thể ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Sắt sẽ cùng protein hỗ trợ tạo ra hemoglobin (huyết sắc tố), vận chuyển CO2 và O2. Phụ nữ có thai được khuyến nghị dung nạp 27.4-41.1 mg sắt/ ngày. Thực đơn bà bầu 3 tháng cuối nên có các thực phẩm giàu sắt như cải bó xôi, đậu lăng, súp lơ, hạt điều, thịt bò…
  • Canxi (1200 mg/ ngày): Khoáng chất canxi sẽ giúp cơ thể hình thành hệ răng và xương thêm chắc khỏe, hỗ trợ sự đông máu diễn ra bình thường, đảm bảo chức năng của hệ thần kinh. Mẹ bầu sẽ có nhu cầu dung nạp canxi cao hơn bình thường để giúp thai nhi phát triển xương, răng…Thai phụ thiếu canxi có nguy cơ bị loãng xương, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Phụ nữ có thai được khuyến nghị dung nạp 1200mg canxi/ ngày. Thực phẩm chứa canxi điển hình là hải sản, cải xoăn, sữa, đậu…
  • Iod (220 mcg/ ngày): Iod cũng là chất cần thiết cho cơ thể. Sự phát triển, tăng  trưởng chịu ảnh hưởng rõ rệt khi cơ thể thiếu iod, đặc biệt là não bộ. Người mẹ dung nạp đủ iod trong thai kỳ sẽ làm giảm nguy cơ thai nhi bị thiếu hụt iod, mắc chứng đần độn… Thai phụ được khuyến nghị dung nạp khoảng 220 mcg iod/ ngày. 
  • Folate (600 mcg/ ngày): Folate (Axit folic) cũng là chất cần thiết trong thực đơn mẹ bầu 3 tháng cuối. Đây là một loại vitamin quan trọng, tham gia vào quá trình phân chia, phát triển tế bào. Mẹ bầu được khuyến nghị dung nạp 600 mcg folate/ ngày. 
  • Vitamin D (20 mcg/ ngày): Cơ thể sẽ dùng photpho và canxi tốt hơn để hình thành, duy trì hệ xương, răng thêm chắc khỏe khi có vitamin D. Mẹ bầu nếu thiếu vitamin D có thể khiến con mắc bệnh còi xương. Ít thực phẩm tự nhiên sở hữu lượng vitamin D đáng kể. Hàm lượng vitamin D được khuyến nghị dành cho mẹ bầu là 20 mcg/ ngày.
  • Omega 3 (0.8g/ ngày): Thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối cần cung cấp một lượng Omega 3 phù hợp. Omega 3 sẽ giúp cơ thể mẹ bầu duy trì được trạng thái khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ sinh non, mắc bệnh đái tháo đường, tiền sản giật…

Omega 3 hỗ trợ tăng cường miễn dịch cho thai nhi, thúc đẩy thần kinh, não bộ phát triển… Mỗi ngày, mẹ bầu được khuyến nghị bổ sung 0.8g Omega 3.

3.THỰC ĐƠN DINH DƯỠNG CHO BÀ BẦU 3 THÁNG CUỐI THAI KỲ THEO TỪNG THÁNG

Trong tam cá nguyệt thứ ba, thực đơn cho bà bầu ở từng tháng sẽ có yêu cầu riêng về hàm lượng dinh dưỡng. Vì thế, thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ phải được xây dựng một cách lành mạnh, khoa học, đáp ứng được nhu cầu dưỡng chất của mẹ và thai nhi, cụ thể như sau:

THỰC ĐƠN CHO MẸ BẦU THÁNG THỨ 7 THAI KỲ

Mẹ bầu sẽ cần nhiều sắt khi bước sang tháng thứ 7. Thai phụ có thể bổ sung sắt thông qua các nguồn thực phẩm như đậu, trái cây, rau quả, thịt nạc… Song song đó, thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ phải được bổ sung thêm nhiều kẽm, iod, photpho, canxi… thông qua các loại thực phẩm như trứng gà, mộc nhĩ đen, rau cải, đậu phụ, đậu tương, táo đỏ, rong biển, cá tôm…

THỰC ĐƠN CHO MẸ BẦU THÁNG THỨ 8 THAI KỲ

Ở tháng thứ 8 của thai kỳ, mẹ bầu cần bổ sung những loại thực phẩm sở hữu giá trị dinh dưỡng cao. Khẩu phần ăn của thai phụ tháng thứ 8 nên có các thực phẩm như rau xanh, cá, thịt, trứng, ngũ cốc và những loại trái cây. Tại giai đoạn này, trí não của thai nhi sẽ phát triển nhanh chóng. Vì thế, thai phụ cần bổ sung Omega 3 vào chế độ ăn cho mẹ bầu 3 tháng cuối thông qua các thực phẩm như cá hồi, hạt dẻ cười, hạt chia, hạt óc chó…

THỰC ĐƠN CHO MẸ BẦU THÁNG THỨ 9 THAI KỲ

Thực đơn cho mẹ bầu tháng cuối phải được xây dựng một cách kỹ lưỡng. Vì đây chính là thời điểm chào đón em bé ra đời. Tại tháng thứ 9, thai nhi cũng phát triển một cách nhanh chóng để hoàn thiện mọi cơ quan chức năng. Do đó, mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất để đáp ứng nhu cầu của thai nhi.

Ở tháng thứ 9, mẹ bầu cần bổ sung thực phẩm nhiều canxi để giúp hệ xương chắc khỏe. Đồng thời, hàm lượng canxi còn hỗ trợ cho việc sản xuất sữa cho con bú sau sinh diễn ra thuận lợi hơn. Thai phụ nên bổ sung chất béo thông qua những loại thực phẩm tự nhiên. Để tránh tình trạng thiếu máu, thiếu sắt, thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối cần có những thực phẩm sở hữu nhiều khoáng chất sắt.

4.XÂY DỰNG THỰC ĐƠN CHO BÀ BẦU 3 THÁNG CUỐI

THỰC PHẨM TỐT NÊN THÊM VÀO THỰC ĐƠN

Thực đơn 3 tháng cuối vào con không vào mẹ cần có những thực phẩm hữu ích cho sức khỏe như rau xanh, hoa quả, thịt, cá, trứng gà…

Những loại thực phẩm này sẽ sở hữu hàm lượng dưỡng chất thiết yếu, hữu ích với sức khỏe, giúp thai nhi phát triển tốt, cụ thể như sau:

  • Rau xanh và hoa quả: Mẹ bầu nên ăn những loại rau xanh có màu xanh đậm, chứa nhiều folate như cải xoăn, cải bó xôi… Lấy ví dụ điển hình như trong 30g cải bó xôi sống chứa 58.2 mcg folate. Bên cạnh đó, thực đơn bà bầu 3 tháng cuối thai kỳ cũng nên dùng rau củ có màu vàng, đỏ, tím. Ngoài ra, mẹ bầu hãy lựa chọn ăn những loại hoa quả chứa ít đường, giàu vitamin, khoáng chất như chanh leo, táo, ổi, cam…
  • Tinh bột: Khi áp dụng thực đơn 3 tháng cuối thai kỳ vào con không vào mẹ, thai phụ có thể ăn 2-3 bát cơm/ ngày (chia đều cho 2 bữa chính). Nếu mẹ bầu được bác sĩ yêu cầu hạn chế dung nạp tinh bột để kiểm soát cân nặng tốt hơn thì bạn hãy ăn cơm gạo lứt thay cơm gạo trắng. Vào bữa sáng, thai phụ có thể thưởng thức những loại thực phẩm khác chứa tinh bột trong thành phần như khoai lang, bánh mì hay yến mạch.
  • Thịt: Nếu mẹ bầu muốn tăng cân và bổ sung nhiều sắt thì hãy ăn thịt có màu đỏ, điển hình là thịt bò. Ước tính trong 100g thịt bò có 2.6 mg sắt. Thịt heo, thịt gà cũng nên có trong thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối. Những loại thịt này đều mang đến công dụng bổ máu, thai phụ nên ăn luân phiên. Mẹ bầu có thể ăn hải sản để thay thế cho thịt tuy nhiên không nên tiêu thụ liên tục, dùng với lượng quá nhiều gây chứng lạnh bụng.
  • Cá: Mẹ bầu đừng quên đưa cá vào khẩu phần, vì loại thực phẩm này sở hữu nhiều dưỡng chất như folate, Omega 3… Thai phụ có thể chế biến cá thành nhiều món như luộc, kho, hấp hay nấu cháo…. Thực đơn 3 tháng cuối vào con không vào mẹ nên có đa dạng các loại cá, điển hình là cá hồi, cá chép, cá rô phi.
  • Trứng gà: Thai phụ có thể chế biến trứng gà thành nhiều món khác nhau như xào, hấp, rán… Trứng gà hữu ích cho mẹ bầu và thai nhi vì chứa nhiều khoáng chất, vitamin, điển hình là vitamin A, D, B2, B6, B12, kẽm, folate, selen, canxi… Bên cạnh đó, Omega 3 và choline trong trứng gà cũng rất hữu ích cho sự phát triển não bộ của thai nhi, góp phần phòng ngừa nguy cơ bị khuyết tật ống thần kinh.
  • Sữa tươi: Bên cạnh sữa công thức dành riêng cho bà bầu, thai phụ có thể dùng sữa tươi tiệt trùng. Hàm lượng dinh dưỡng của sữa tươi rất phong phú, chứa các vitamin hữu ích như canxi, vitamin B2, B12… Trong thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối, sữa tươi phù hợp để dùng ở bữa phụ, sau bữa chính khoảng 2-3 tiếng.

THỰC PHẨM CẦN TRÁNH

Nhiều thai phụ cũng thắc mắc bà bầu 3 tháng cuối không nên ăn gì để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và bé. Dưới đây là những thực phẩm thai phụ cần tránh trong tam cá nguyệt thứ ba:

  • Món cay nóng, nhiều dầu mỡ, gia vị: Thai phụ không nên ăn những món cay nóng, có nhiều dầu mỡ vì sẽ gây áp lực cho dạ dày, dẫn đến chứng khó tiêu, ợ nóng. Ngoài ra, các món này còn tiềm ẩn nguy cơ táo bón, gây bệnh trĩ.
  • Muối: Thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối nên là một chế độ ăn nhạt để tránh bị tích nước, sưng phù. Bên canh đó, ăn quá mặn còn khiến thai phụ dễ gặp chứng tăng huyết áp.
  • Đồ ăn ngọt: Chức năng thải đường của thận sẽ giảm đi khi chị em phụ nữ mang thai. Nếu thai phụ ăn quá nhiều món ngọt sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao, gây áp lực cho thận. Ngoài ra, mẹ bầu ăn quá nhiều món ngọt cũng làm gia tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ.
  • Thức ăn chế biến sẵn: Thực phẩm chế biến sẵn tại cửa hàng có thể chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không cung cấp đủ dưỡng chất cho mẹ bầu. Thực phẩm đóng hộp thì có nhiều phụ gia, chất bảo quản, hương liệu… không tốt cho sức khỏe.
  • Trái cây không hữu ích cho mẹ bầu: Thực đơn cho mẹ bầu 3 tháng cuối không nên có đu đủ xanh. Vì khi thai phụ ăn loại trái cây này sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra tình trạng co thắt tử cung. Mẹ bầu cũng nên hạn chế dùng nhãn, vải, sầu riêng… vì có tính nóng. Dù nước dừa hữu ích cho thai phụ nhưng cũng không nên uống quá nhiều, bạn chỉ nên uống 1-2 lần/ tuần.
  • Cá chứa hàm lượng thủy ngân cao: Mẹ bầu nên tránh ăn những loại cá biển có chứa hàm lượng thủy ngân cao, ví dụ như cá ngói, cá thu vua, cá kiếm… Vì nếu dung nạp thủy ngân liên tục với lượng nhiều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thần kinh của thai nhi, tiềm ẩn nguy cơ sảy thai…

LƯU Ý KHI NÊN THỰC ĐƠN CHO BÀ BẦU 3 THÁNG CUỐI THAI KỲ

  • Lựa chọn thực phẩm: Mẹ bầu hãy cân nhắc lựa chọn những loại thực phẩm hữu ích cho sức khỏe, sở hữu hàm lượng dưỡng chất thiết yếu. Thai phụ nên hạn chế/ tránh dùng các loại thực phẩm được khuyến cáo không phù hợp với mẹ bầu. Thực phẩm khi mua phải có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh. Thai phụ tuyệt đối không dùng thực phẩm đã hỏng.
  • Chế biến thực phẩm: Mẹ bầu hãy chắc chắn rằng thịt, cá, hải sản,... mình đang ăn đã được chế biến. Vì thực phẩm tái, còn sống có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn, ngộ độc. Khi chế biến món ăn, thai phụ nên ưu tiên cách hấp, luộc, chưng… hạn chế nhiều dầu mỡ khiến hệ tiêu hóa chịu áp lực.
  • Khẩu phần: Thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối nên chia thành 3 bữa chính và 3 bữa phụ xen kẽ. Thai phụ không nên bỏ qua bất kỳ bữa ăn nào trong ngày. Bữa ăn của mẹ bầu phải đảm bảo cân bằng dưỡng chất. Uống đủ nước cũng là việc làm cần thiết trong tam cá nguyệt thứ ba. 
  • Ăn kiêng: Mẹ bầu ở 3 tháng cuối không nên ăn kiêng vì mục đích giữ dáng. Vì cả thai phụ và em bé trong bụng đều đang cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất để duy trì sức khỏe. Sau khi sinh, chị em có thể giảm cân, lấy lại vóc dáng lý tưởng thông qua một số cách khoa học, lành mạnh.
  • Tăng cân trong thai kỳ: Cân nặng của mẹ bầu ở 3 tháng cuối cần phải được kiểm soát tốt. Nếu thai phụ bị tăng cân quá nhiều sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị béo phì, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ… Lúc này, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ bầu thực hiện khẩu phần ăn riêng biệt nhằm mục đích cải thiện vấn đề thừa cân. Để chủ động kiểm soát cân nặng, thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối phải được xây dựng một cách khoa học, tránh cung cấp dư thừa năng lượng, chất béo, đường…
  • Thèm ăn: Mẹ bầu ở 3 tháng cuối thai kỳ vẫn có thể có cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, thai phụ vẫn phải chủ động kiểm soát khẩu phần ăn thật tốt, tránh để bản thân tăng cân quá mức được bác sĩ khuyến nghị. Ngoài ra, mẹ bầu cần tuyệt đối tránh ăn các món gây hại cho sức khỏe hay những thứ kì lạ (không phải thức ăn) vì chúng sẽ tác động tiêu cực đến thể trạng và em bé trong bụng.
  • Khi mẹ bầu bị tiểu đường, táo bón, tăng huyết áp: Thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối đang mắc các bệnh lý kể trên đều phải được điều chỉnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Ví dụ như hạn chế thực phẩm ngọt, giảm ăn mặn, có nhiều chất béo, tránh dùng rượu bia…

 

Đối tác chiến lược

Hotline 1900 633 486
popup

Số lượng:

Tổng tiền: