Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hóa hấp thụ và có đủ các chất dinh dưỡng giúp đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ.
SỮA MẸ LÀ NGUỒN CUNG CẤP DINH DƯỠNG TỐT NHẤT VÀ HOÀN CHỈNH NHẤT
Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt nhất và hoàn chỉnh nhất bởi thành phần chất dinh dưỡng trong sữa mẹ là vừa đủ cho nhu cầu khuyến cáo hằng ngày của trẻ.
Trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng như protein, glucid, lipid, các vitamin và chất khoáng. Các chất này có tỷ lệ thích hợp và dễ hấp thu do đó đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ để phát triển bình thường trong vòng 6 tháng đầu. Khi bà mẹ có chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ, vi chất dinh dưỡng như vitamin và các khoáng chất trong sữa mẹ sẽ đảm bảo đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ.
Thiếu vitamin A ở trẻ nhỏ ở nước ta hiện nay chủ yếu là thể tiền lâm sàng, được phát hiện khi lượng retinol huyết thanh thấp dưới mức 0,7umol/l. Trẻ mới sinh ra thì lượng vitamin A được dự trữ ở gan và lượng này phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của mẹ khi mang thai. Sau khi ra đời, nhu cầu vitamin A của trẻ tăng lên do việc sử dụng nguồn vitamin A dự trữ đó cạn kiệt và cần thiết được bổ sung bởi trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nhu cầu vitamin A hằng ngày là khoảng 350-500 mcg/ ngày. Nguồn vitamin A trong sữa mẹ có thể đảm bảo nhu cầu về vitamin A cho trẻ được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất là trong vòng 6 tháng đầu (sữa mẹ chứa khoảng 400-700 mcg/l vitamin A).
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng ngay cả những bà mẹ có dinh dưỡng kém (ở những nơi thiếu thốn về lương thực thực phẩm) việc bổ sung vitamin A liều cao sau 24h sau khi sinh cho bà mẹ giúp duy trì lượng vitamin A (retinol) trong sữa mẹ trong vòng 4-6 tháng sau khi sinh ở những trẻ bú mẹ hoàn toàn. Do đó công tác khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ nhằm phòng ngừa vấn đề thiếu vitamin A ở trẻ là rất cần thiết và việc tuyên truyền này nên được kết hợp với những đợt tiêm chủng hoặc trong ngày vi chất dinh dưỡng cho trẻ.
Cho trẻ bú sữa mẹ có thể đảm bảo được lượng canxi cho trẻ bởi trong sữa mẹ lượng này tuy ít nhưng dễ hấp thu, bên cạnh đó hàm lượng phospho và vitamin D trong sữa mẹ có hàm lượng tương thích hơn với sữa công thức do đó trẻ bú sữa mẹ có nguy cơ còi xương thấp hơn ở trẻ được nuôi bằng sữa công thức. Lượng sắt trong sữa mẹ thấp, chỉ vào khoảng 0.3mg/ l. Tuy nhiên lượng sắt này vẫn đủ với nhu cầu khuyến cáo cho trẻ từ 4-6 tháng tuổi bởi vì giá trị sinh học của sắt trong sữa mẹ cao hơn do nó gắn trực tiếp với lactoferrin - một loại protein gắn sắt có trong sữa mẹ.
Do đó những đứa trẻ được nuôi bằng sữa bò có thể không nhận đủ sắt và thường bị thiếu máu, trẻ bú đủ sữa mẹ trong những tháng đầu thì nhận đủ sắt và sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh thiếu máu. Các vi chất dinh dưỡng khác như vitamin C, khoáng chất như kẽm, đồng cũng có hàm lượng vừa đủ trong sữa mẹ có thể đảm bảo cho quá trình sinh trưởng và phát triển của trẻ.
NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ CÓ NHỮNG LỢI ÍCH GÌ?
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hóa hấp thụ và có đủ chất dinh dưỡng đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ. Trẻ bú sữa mẹ ít khi bị suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì sau này.
Sữa mẹ có vai trò miễn dịch bảo vệ cơ thể phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn nhất là tiêu chảy và viêm phổi. Trẻ bú sữa mẹ cũng có tác dụng dự phòng các bệnh mãn tính khi trưởng thành như đái tháo đường, béo phì, tim mạch…
Nuôi con bằng sữa mẹ hình thành được mối quan hệ yêu thương gắn bó tình cảm mẹ con. Người mẹ có thời gian gần gũi, chăm sóc con giúp trẻ phát triển hài hòa.
Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp góp phần kế hoạch hóa gia đình, giúp cho mẹ chậm có thai và giảm được nguy cơ ung thư vú và buồng trứng.
Nuôi con bằng sữa mẹ thuận tiện, ít tốn kém và cũng là sự đầu tư tốt nhất cho gia đình và tiết kiệm ngân sách quốc gia.
TẠI SAO SỮA MẸ LÀ NGUỒN DINH DƯỠNG TỐT NHẤT CHO TRẺ NHỎ?
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ, ngay cả khi mẹ bị bệnh, có thai, có kinh nguyệt hay gầy yếu. Sữa mẹ chứa tất cả các chất dinh dưỡng mà trẻ cần trong khoảng thời gian từ sau sinh đến 6 tháng tuổi.
Sữa mẹ trong vài ngày đầu sau đẻ gọi là sữa non, có màu vàng nhạt và đặc sánh. Sữa non nhiều đạm, vitamin A, và các yếu tố bảo vệ cơ thể, giúp trẻ phòng chống nhiễm khuẩn và dị ứng. Sữa non có tác dụng đào thải phân su giúp trẻ đỡ vàng da.
Sau giai đoạn sữa non, sữa mẹ chuyển tiếp sang giai đoạn sữa trưởng thành, sữa này gồm có sữa đầu bữa và sữa cuối bữa. Sữa đầu bữa là sữa ở đầu bữa bú. Sữa có màu hơi xanh, trong và lỏng. Trẻ bú sữa đầu sẽ nhận được nhiều nước và đủ chất dinh dưỡng. Sữa cuối bữa là sữa ở cuối bữa bú, có màu trắng đục vì chứa nhiều chất béo và có nhiều năng lượng giúp trẻ tăng cân tốt.
Phân tích thành phần các chất trong sữa mẹ cho thấy chất đạm và chất béo trong sữa mẹ dễ tiêu hóa và hấp thụ. Đường lactose trong sữa mẹ nhiều hơn trong các loại sữa khác nên cung cấp năng lượng cho trẻ.
Chất sắt trong sữa mẹ dễ hấp thu nên trẻ bú mẹ sẽ không bị thiếu máu do thiếu sắt.
Sữa mẹ chứa đủ lượng canxi và photpho giúp trẻ phát triển tốt, không bị còi xương.
Sữa mẹ có đầy đủ các loại vitamin, nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu thì không cần bổ sung thêm vitamin và nước hoa quả.
VÌ SAO PHẢI CHO TRẺ BÚ SỚM NGAY SAU ĐẺ?
Sữa mẹ được bài tiết theo cơ chế phản xạ. Khi trẻ bú xung động cảm giác từ vú lên não để sản xuất hai loại nội tiết tố là Prolactin và Oxytocin. Prolactin kích thích tế bào tiết sữa. Oxytocin có tác dụng làm cho sữa chảy ra đầu vú.
Sự tiếp xúc sớm ngay sau đẻ làm tăng mối quan hệ gắn bó mẹ con. Động tác bú của trẻ có tác dụng co hồi tử cung, cầm máu sau đẻ, mẹ đỡ thiếu máu.
Bú sớm sẽ kích thích sữa bài tiết sớm đồng thời tránh được hiện tượng cương vú, khả năng tiết sữa kéo dài hơn, thời gian cho bú lâu hơn.
Bú sớm trẻ sẽ nhận được sữa non - là thức ăn phù hợp với bộ máy tiêu hóa của trẻ và tăng sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn sau đẻ.
Bú sớm cũng giúp trẻ bú đúng cách ngay từ ban đầu, nuôi con bằng sữa mẹ dễ thành công.
Vì vậy ngay sau đẻ cho trẻ tiếp xúc da kề da, mẹ nằm cạnh con và cho bú sớm trong vòng một giờ đầu tiên.
NGAY SAU ĐẺ CÓ CẦN CHO TRẺ UỐNG NƯỚC ĐƯỜNG, NƯỚC CAM THẢO HOẶC CÁC LOẠI SỮA KHÁC KHÔNG?
Điều này không tốt, vì nếu trẻ uống nước đường, cam thảo hoặc các loại sữa khác thì mẹ sẽ cho trẻ bú muộn hơn, và khi trẻ đã thỏa mãn cơn đói thì bú mẹ ít hơn làm ảnh hưởng đến ngậm bắt vú của trẻ.
Trẻ dễ bị mắc bệnh tiêu chảy, vì quá trình pha chế cốc thìa không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt nếu cho trẻ bú bình sẽ ảnh hưởng tới việc cho con bú sau này.
Chìa khóa để cho bú mẹ thành công, ngoài việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, dinh dưỡng cho bà mẹ đang cho con bú rất quan trọng trong việc duy trì hàm lượng các chất dinh dưỡng trong dòng sữa. Trong vòng 6 tháng đầu, người mẹ nên ăn nhiều và đa dạng các loại thực phẩm (15-20 loại thức ăn phối hợp từ 4 nhóm thực phẩm) hơn thì mới có đủ lượng sữa và chất lượng tốt để nuôi con.