CÔNG TY CỔ PHẦN QUỐC TẾ DƯỢC PHẨM HADU

18

Th 11

SỰ PHÁT TRIỂN THỊ GIÁC CỦA TRẺ SƠ SINH TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI

SỰ PHÁT TRIỂN THỊ GIÁC CỦA TRẺ SƠ SINH TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU ĐỜI

  • admin
  • 0 bình luận

Sau khi chào đời, trẻ có thể nhìn thấy được mọi vật như người lớn? Để trả lời thắc mắc này, bạn hãy tham khảo bài viết về sự phát triển thị giác của trẻ sơ sinh.

Cuối cùng, cuộc vượt cạn cũng thành công tốt đẹp. Bạn hạnh phúc lắm khi nhận con từ tay cô y tá. Đôi mắt bé dường như chưa quen với ánh sáng bên ngoài nên lúc nào cũng nhắm nghiền lại. Thi thoảng bé mở mắt he hé ra để làm quen với thế giới xung quanh. Mỗi lần như thế bạn lại òa lên: “Đây là mẹ nè, đây là ba nè con.” Thật ra lúc này bé đã có thể thấy bạn chưa? Bài viết sau sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.

KHI NÀO TRẺ CÓ THỂ NHÌN THẤY?

Trẻ sơ sinh sẽ phát triển thị giác đầy đủ vào cuối tháng thứ 9 và hoàn thiện khi bé 1 tuổi. Bé sẽ thích nhìn những màu sắc có độ tương phản cao và hình thể rõ ràng. 

Đôi mắt của bé đã có thể nhìn thấy khi vừa mới chào đời, nhưng lúc này não vẫn chưa sẵn sàng để xử lý và giải thích những thông tin phức tạp. Do đó, khả năng xử lý màu sắc của bé vẫn còn khá hạn chế. Trong những tháng tiếp theo, bé sẽ dần phát triển thị giác về màu sắc.

5 ĐIỀU BẠN NÊN BIẾT VỀ THỊ GIÁC CỦA BÉ SƠ SINH

1.Đôi mắt “Sơ Khai”

Tiền thân của đôi mắt là 2 đường rãnh nhỏ xuất hiện trên phôi thai ở ngày thứ 22 của thai kỳ. Từ đây, hình thành dây thần kinh thị giác và sau đó là đôi mắt.

2.Kiểm tra các dị tật mắt bẩm sinh

Ngay khi bé chào đời, bác sĩ kiểm tra xem em bé có mắc các dị tật mắt bẩm sinh hay không. Bên cạnh đó, bác sĩ còn nhỏ nước muối sinh lý cho bé để ngăn nhiễm trùng.

3.Bé sẽ nhìn thấy gì?

Ngay khi sinh ra, bé chỉ nhìn thấy sự vật xung quanh 2 màu: đen, trắng và sắc độ xám xung quanh. Điều này là do các tế bào thần kinh não và các tế bào mắt chưa phát triển hoàn toàn.

4.Tầm nhìn hạn chế

Bé không thể di chuyển mắt của mình để quan sát cùng lúc 2 đối tượng và chỉ có thể nhìn thấy vật thể trong phạm vi 20-30cm trước mặt.

5.Tật khúc xạ

Trẻ sơ sinh sẽ mắc phải một số tật khúc xạ tự nhiên. Người lớn mắc tật khúc xạ thì sẽ phải đeo kính. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, bạn không cần phải lo lắng vì đây là do võng mạc của bé đang phát triển. Ngoài ra, bạn cũng sẽ thường thấy bé phản ứng với ánh sáng rực rỡ bằng cách nhấp nháy mắt.

SỰ PHÁT TRIỂN THỊ GIÁC CỦA BÉ TỪ 0-2 TUỔI

1.BÉ SẼ THẤY MÀU GÌ ĐẦU TIÊN?

Bé có thể nhìn thấy tất cả các màu sắc, nhưng có một số màu bé thấy rõ hơn những màu còn lại. Một số nghiên cứu cho rằng trẻ sơ sinh có thể phân biệt được những màu sắc cơ bản như đỏ, xanh dương, xanh lá cây. Tuy nhiên, bé không phân biệt được các màu tương tự nhau như màu đỏ và màu cam. Điều này có nghĩa là bé có thể nhận biết được các màu sắc nhưng không phân biệt được các sắc thái.

2.BỊ “ĐƠ”

Những màu sắc có sự tương phản cao dễ khiến bé chú ý. Thế nhưng, não của bé vẫn chưa thể xử lý hết các hình ảnh dữ liệu. Do đó, đừng quá ngạc nhiên khi bé bỗng rơi vào trạng thái “vô hồn” khi bạn mỉm cười hoặc nhấp nháy mắt.

3.GIÃN ĐỒNG TỬ

Đồng tử của bé thường co lại trong 2 tuần đầu để hạn chế sự xâm nhập của ánh sáng vì võng mạc của bé còn rất nhạy cảm. Đến tuần thứ 3, đồng tử của bé sẽ bắt đầu giãn ra để ánh sáng lọt vào nhiều hơn. Sau khi chào đời vài tuần, bạn sẽ thấy bé mở mắt trong 1 khoảng thời gian nhất định.

4.THỊ LỰC MỜ

Ở tháng đầu tiên, tầm nhìn của bé giống như một lớp sương bao phủ. Do đó, bé chỉ có thể phản ứng khi đối tượng mà bé nhìn thấy lớn, hình thể rõ ràng và có nhiều màu sắc tương phản.

5.PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG PHỐI HỢP TAI - MẮT

Cuối tháng đầu tiên, bé sẽ phát triển kỹ năng phối hợp giữa tai và mắt. Điều này có nghĩa là khi bạn rung cái lúc lắc cách mặt bé từ 20-30cm, bé sẽ phản ứng lại bằng cách nhìn vào nó.

6.PHÁT TRIỂN TẦM NHÌN NGOẠI VI

Bé sẽ có tầm nhìn ngoại vi tốt hơn và có thể nhìn tập trung vào một vật cách bé 1m.

7.HỌC CÁCH TẬP TRUNG

Ở thời điểm này, bạn sẽ có cảm giác dường như bé bị lé. Điều này hoàn toàn bình thường vì bé vẫn đang học cách để nhìn chăm chú vào một vật.

8.PHÂN BIỆT MÀU SẮC

Cuối tháng thứ hai, bé sẽ bắt đầu phân biệt được các sắc thái màu. Trẻ nhỏ thường thích màu sáng và đó là lý do tại sao đồ chơi trẻ em thường có màu sắc rực rỡ.

9.MẸ ĐANG MỈM CƯỜI

Bây giờ bé đã nhận biết được nụ cười trên gương mặt bạn và biết nở nụ cười đáp lại. Đây là một dấu hiệu cho thấy bé đã có thể tập trung vào một đối tượng cụ thể.

SỰ PHÁT TRIỂN THỊ GIÁC CỦA BÉ TỪ 2-4 THÁNG TUỔI

1.MỞ RỘNG PHẠM VI THỊ GIÁC

Ở giai đoạn này, phạm vi thị giác của bé sẽ được mở rộng. Điều này có nghĩa là bé nhận thức được vật thể cách bé bao xa. Ngoài ra, đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sự phối hợp giữa mắt và não trở nên tốt hơn.

2.GHI NHẬN CÁC VẬT THỂ

Lúc này bé đã có thể ghi nhận sự chuyển động của các vật thể tốt hơn. Nếu có vật thể nào thay đổi vị trí, bé sẽ nhìn nó. Bé bắt đầu quan sát mọi thứ xung quanh. Hãy di chuyển cái lúc lắc trong tầm nhìn, bé sẽ dựa theo âm thanh và nhìn theo nó.

3.NHIỀU MÀU SẮC HƠN

Bé sẽ nhìn thấy nhiều màu hơn.

4.BÉ NHÌN THẤY XA VÀ RÕ HƠN

Cuối tháng thứ 4, tầm nhìn của bé được cải thiện. Bây giờ khi bạn đặt bé ngồi bên cửa sổ, bé không chỉ nhìn thấy tấm kính mà còn nhìn thấy những vật xuyên qua đó.

SỰ PHÁT TRIỂN THỊ GIÁC CỦA BÉ 4-8 THÁNG TUỔI

1.Một thế giới đầy màu sắc: Đến tháng thứ năm, thị giác màu sắc của bé đã phát triển rất mạnh mẽ.

2.Ghi nhớ khuôn mặt: Bé đã nhận thức sự quen thuộc của khuôn mặt và vật thể ở cách mình 2m.

3.Sự cố định: Lúc này, bé đã dần có tầm nhìn như người lớn. Bé đã nhìn được những chi tiết nhỏ và hiểu về sự cố định của các vật thể. Điều này có nghĩa là nếu bạn giấu một món đồ chơi ở dưới tấm chắn ngay trước mặt, bạn sẽ biết món đồ chơi vẫn còn ở đó.

SỰ PHÁT TRIỂN THỊ GIÁC CỦA BÉ TỪ 9-12 THÁNG TUỔI

1.Thị giác của bé dần hoàn thiện

Đây là lúc bé đã có khả năng thị giác giống như người lớn. Thị giác màu sắc và nhận thức của bé đã dần cải thiện rất nhiều.

2.Màu mắt cố định

Màu mắt của bé lúc này không còn thay đổi nữa và sẽ theo bé đến suốt cuộc đời.

3.Nhận thức được gần xa

Khi 1 tuổi, bé sẽ có tầm nhìn như người lớn, sẽ phân biệt được giữa gần và xa, phân biệt được màu sắc và nhận ra khuôn mặt và vật thể quen thuộc.

4.Phối hợp giữa mắt và cơ

Bé sẽ dần học được cách phối hợp giữa cơ và mắt. Tuy nhiên, lúc này các cơ của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ. Đôi lúc bạn sẽ thấy khá vụng về đấy.

Kiểm tra mắt thường xuyên là điều mà bác sĩ đề nghị bạn sẽ thực hiện để đảm bảo sức khỏe của đôi mắt.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BÉ PHÁT TRIỂN THỊ GIÁC TỐT HƠN?

Bạn có thể thực hiện các bước sau để giúp bé phát triển tốt hơn:

0-2 tháng tuổi

  • Sử dụng những đồ chơi có màu sắc tương phản cao và đặt cách bé 30cm.
  • Sử dụng ánh sáng mờ trong phòng bé.
  • Trẻ sơ sinh thường thấy khuôn mặt của mẹ khi bú. Vì vậy, hãy cho bé bú luân phiên cả 2 bên để quan sát bạn bằng cả 2 mắt.
  • Khi bé 1,5 tháng tuổi, hãy cho bé chơi những trò chơi đơn giản. Để bé xa bạn khoảng 15cm và nhìn vào mắt bé. Khi bé đã nhìn vào mắt bạn, hãy di chuyển từ từ sang 2 bên. Đây sẽ là bài tập luyện mắt tuyệt vời.
  • Khi 2 tháng tuổi, bé sẽ mỉm cười và phản ứng lại những biểu cảm trên khuôn mặt của bạn. Hãy nhìn vào mắt bé và mỉm cười hoặc nói chuyện. Điều này sẽ giúp cải thiện sự tập trung tăng chú ý.

2-4 tháng tuổi

  • Thị giác của bé đã bắt đầu phát triển trong giai đoạn này. Cho bé chơi những đồ chơi có màu sắc sống động.
  • Kệ treo đồ chơi (kệ chữ A) là một nơi lý tưởng để bé phát triển thị giác. Bạn có thể treo những món đồ lủng lẳng để kích thích sự tò mò của bé.

4-8 tháng tuổi

  • Cho bé chơi những món đồ chơi có nhiều màu sắc. Mua các loại trái cây để bé nhận biết các màu sắc tự nhiên.
  • Giấu đồ vật, kiếm kho báu… là những trò chơi bạn có thể chơi với bé. Những trò chơi này sẽ kích thích thị giác bé phát triển.
  • Những đồ chơi với màu sắc rực rỡ sẽ là những thứ mà bé yêu thích. Do đó, mua cho bé nhiều món đồ chơi loại này để thu hút sự chú ý.

9-12 tháng tuổi

  • Chơi những trò chơi di chuyển vật thể đơn giản như ném bóng.
  • Đọc truyện cho bé nghe. Bạn hãy mua những quyển truyện có nhiều màu sắc, để trước mặt bé, vừa đọc vừa minh họa. Khuyến khích bé chỉ vào hình ảnh minh họa và nhắc lại tên.
  • Bé thích nhìn khuôn mặt con người. Do đó, bạn và các thành viên khác trong gia đình nên chơi với bé nhiều hơn. Đây là cách tuyệt vời để kích thích khả năng ghi nhớ khuôn mặt mới.

 

 

Đối tác chiến lược

Hotline 1900 633 486
popup

Số lượng:

Tổng tiền: