Cơ thể chúng ta cần canxi để duy trì xương chắc khỏe và thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác nhau. Đặc biệt, phụ nữ mang thai càng cần canxi, vì nếu thiếu loại khoáng chất này sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ với sức khỏe bà mẹ và sự phát triển của em bé.
1.PHỤ NỮ MANG THAI CẦN CANXI HƠN NGƯỜI BÌNH THƯỜNG
Canxi là một loại khoáng chất có vai trò rất quan trọng trong cơ thể con người. Không chỉ là thành phần cấu tạo cơ bản của xương và răng, giúp hệ xương và răng chắc khỏe, canxi còn cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh cơ, hoạt động của tim, chuyển hóa tế bào và quá trình đông máu.
Nhu cầu canxi khác nhau theo lứa tuổi và tình trạng sinh lý. Những đối tượng có nhu cầu canxi cao là phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ trong giai đoạn dậy thì, người cao tuổi, phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh, người chế độ dinh dưỡng kém không cung cấp đủ thực phẩm chứa canxi hay có chế độ ăn nhiều thịt hay nhiều muối khiến cơ thể thải ra nhiều canxi, người ăn chay trường, người mắc bệnh phải dùng corticoid kéo dài.
Canxi là khoáng chất rất cần thiết với cơ thể và đối với phụ nữ khi mang thai lại càng cần thiết hơn. Canxi cần thiết cho quá trình tạo xương của thai nhi, chức năng thần kinh và sự đông máu. Nếu bà mẹ mang thai không bổ sung đủ canxi trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của bé, tăng nguy cơ còi xương, mẹ có nguy cơ tiền sản giật, loãng xương, hư răng… Phụ nữ có thai cần 1200mg canxi mỗi ngày, bà mẹ cho con bú là 1500mg, cao hơn mức bình thường.
2.THIẾU CANXI GÂY RỦI RO CHO SỨC KHỎE MẸ VÀ EM BÉ
Trong cơ thể người, 99% canxi nằm trong xương, 1% còn lại nằm trong các dịch và các tế bào của cơ thể. Vì xương là mô sống nên hằng ngày canxi đều lắng đọng và thoát khỏi bộ xương nên rất cần canxi.
Việc cung cấp canxi đều đặn là rất cần thiết, nó vừa thay thế cho phần canxi mất đi, vừa tạo nguồn dự trữ canxi cho hoạt động của cơ thể. Việc cung cấp đủ nhu cầu canxi trong thời kỳ mang thai sẽ giúp hình thành và phát triển bộ xương thai nhi và đảm bảo toàn vẹn xương của bà mẹ. Người mẹ cũng rất cần canxi để có đủ sức khỏe cho quá trình sinh nở và chăm sóc con sau này.
Nếu không được cung cấp đầy đủ canxi, thai tăng trưởng sẽ sử dụng canxi trong xương của người mẹ khiến người mẹ bị thiếu canxi trầm trọng. Trong trường hợp canxi thiếu do cơ thể không hấp thu đủ canxi hoặc lượng canxi đưa vào ít thì lượng canxi bị rút ra từ xương sẽ nhiều hơn, dần dần làm tiêu xương, xốp xương và dễ gãy. Và cơ thể người mẹ sẽ cạn kiệt nguồn dự trữ canxi trong xương để cung cấp cho thai nhi đang lớn.
Phụ nữ mang thai thiếu canxi có dấu hiệu: mệt mỏi, đau nhức bắp cơ, tê chân, đau lưng, đau khớp, răng lung lay, chuột rút… Trường hợp thiếu canxi nặng hơn có thể lên cơn co giật do hạ canxi huyết.
Còn thai nhi nếu không đủ canxi dẫn đến suy dinh dưỡng ngay khi còn trong bụng mẹ, còi xương bẩm sinh, biến dạng các xương…
3.BỔ SUNG CANXI KHI MANG THAI THẾ NÀO LÀ ĐÚNG CÁCH?
Theo Viện dinh dưỡng, nhu cầu về dinh dưỡng khuyến nghị về canxi (mg/ ngày) theo tuổi, giới tình và tình trạng sinh lý của người Việt, tiêu chuẩn canxi cần thiết cho phụ nữ mang thai là 1200mg/ ngày.
Biện pháp bổ sung canxi trong thời kỳ mang thai chủ yếu thông qua chế độ ăn uống và dùng thuốc bổ sung. Phụ nữ mang thai cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể về chế độ dinh dưỡng và bổ sung canxi đúng cách.
Lưu ý không tùy tiện uống bổ sung canxi vì đối với các trường hợp dùng canxi liều cao, kéo dài sẽ khiến cơ thể tự giảm hấp thu và có thể dẫn đến sỏi thận, tăng canxi huyết và suy thận, giảm hấp thụ các khoáng chất cần thiết khác như sắt, kẽm, magie và photpho.
Theo khuyến nghị của viện dinh dưỡng, chế độ ăn uống của người phụ nữ trong thời kỳ mang thai là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển của bào thai, sự tạo sữa và phát triển của trẻ sau khi được sinh ra. Vì thế, phụ nữ có thai cần phải ăn nhiều hơn lúc bình thường và biết cách chọn thức ăn để có đủ chất dinh dưỡng.
Bà bầu nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đa dạng nguồn thức ăn, ưu tiên thực phẩm giàu canxi trong bữa ăn hằng ngày.
Canxi có nhiều trong các loại thực phẩm như: tôm, cua, cá, sữa và chế phẩm từ sữa, các loại đậu đỗ, rau xanh lá… Để tăng thêm canxi trong khẩu phần ăn, bà bầu cần uống thêm sữa giàu canxi và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, pho mát hoặc uống bổ sung viên canxi kèm theo vitamin D theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra phụ nữ mang thai cũng nên chú ý vận động nhẹ nhàng, vừa sức, thường xuyên tắm nắng vào buổi sáng để tăng cường vitamin D, giúp cơ thể hấp thu canxi tốt hơn.