Rượu bia có tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người. Việc sử dụng rượu bia quá mức có thể dẫn đến ngộ độc và thậm chí tử vong. Vậy cần làm gì sau khi uống nhiều rượu bia?
1.TẠI SAO CẦN GIẢM TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA
Trong những dịp quan trọng, đặc biệt là Lễ, Tết, tình trạng rượu bia quá mức đã khiến số trường hợp ngộ độc rượu tăng so với ngày thường. Nhiều trường hợp ngộ độc rượu do không được xử lý kịp thời đã dẫn đến hôn mê sâu và thậm chí tử vong.
Thành phần rượu bình thường (hay còn gọi là rượu bia thực phẩm) có chứa ethanol (là một loại cồn). Tuy được dùng trong công nghiệp thực phẩm nhưng bản thân Ethanol cũng là chất có thể gây độc cho con người. Ethanol ức chế hệ thần kinh trung ương và gây giảm hoạt động các nơ ron thần kinh.
Tình trạng ngộ độc Ethanol có thể cấp hoặc mãn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu bia thường xuyên uống. Do đó việc sử dụng nhiều rượu bia không chỉ dẫn đến say xỉn mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
Bên cạnh các trường hợp ngộ độc cấp tính, các đệ tử lưu linh còn là đối tượng nguy cơ số một của nhiều căn bệnh: viêm gan mãn tính dẫn đến xơ gan ở những người uống rượu bia nhiều hoặc lâu năm, viêm tụy cấp, giảm sức đề kháng cơ thể nên những người nghiện rượu bia dễ bị nhiễm trùng, lao phổi hơn người bình thường.
Rượu bia cũng được xếp hạng top là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh ung thư như: tăng nguy cơ ung thư miệng và thực quản, ung thư gan, ung thư đại tràng.
Ngoài ra rượu bia còn gây rối loạn về thần kinh như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng, loạn thần, tâm trạng dễ bị kích động, bạo lực, thậm chí có những trường hợp ảnh hưởng đến tính mạng con người.
Với những người hay tự ngâm rượu để uống theo truyền miệng là bài thuốc với đủ loại cây cỏ, động vật. Theo các nghiên cứu, rượu ngâm không hẳn là an toàn và tốt cho sức khỏe hơn so với những loại rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Nếu sử dụng các loại rễ cây, động vật, thảo dược ngâm vào rượu mà không rõ thành phần hay công dụng, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể. Uống các loại rượu ngâm quá nhiều vẫn có thể bị nghiện rượu, ngộ độc rượu và các tác hại tương tự bia rượu thông thường.
2.CẦN LÀM GÌ SAU KHI UỐNG NHIỀU RƯỢU, BIA
Những việc nên làm sau khi uống rượu, bia
- Khi sử dụng rượu mà cảm thấy chếnh choáng, chúng ta nên tìm cách để gây nôn ói, sau đó xát mạnh 2 bên má.
- Sau uống rượu nên uống nhiều nước để dự phòng mất nước, đặc biệt khi nôn ói liên tục. Trong đó nước ấm sẽ tốt hơn nước lạnh, đồng thời có thể nên uống thêm các loại nước khác như nước chanh, nước cam, nước ép, sinh tố chuối, các loại nước đậu ninh nhừ (đặc biệt là đậu xanh). Uống nhiều lần các loại nước trên sẽ hỗ trợ giải độc gan trong các trường hợp nhẹ.
- Cởi nút áo cổ, tháo thắt lưng, và nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa sau khi uống nhiều rượu bia.
- Duy trì tư thế nằm úp xuống giường, 2 tay xuôi ra sau và mặt nghiêng về bên trái.
- Người sau uống nhiều rượu nếu buồn ngủ thì người nhà hãy để yên cho họ ngủ. Tuy nhiên khoảng vài tiếng phải đánh thức họ dậy và cho ăn cháo loãng và dự phòng hạ đường huyết do đói rất nguy hiểm.
Những việc không nên làm sau khi uống rượu bia:
- Không sử dụng những loại thuốc có tác dụng giải độc gan với mục đích giải rượu.
- Không uống vitamin B1, B6, acid folic… để điều trị đau đầu do say rượu vì khả năng gây hại cho tế bào gan.
- Paracetamol, aspirin, và một số loại thuốc giảm đau hạ sốt khi dùng đồng thời với rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ kích ứng niêm mạc dạ dày, đôi khi gây xuất huyết đường tiêu hóa.
- Không uống các loại thuốc chống nôn vì nguy cơ giữ lại chất độc trong cơ thể. Khi gan không kịp đào thải thì chất độc càng gây tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ dẫn đến xơ gan và thậm chí là ung thư gan.
4.MỘT SỐ LƯU Ý ĐỂ GIẢM TÁC HẠI CỦA RƯỢU BIA
- Có nên tắm sau khi uống rượu là thắc mắc của nhiều người. Các chuyên gia cho biết không tắm ngay sau khi uống rượu bia vì tắm ngay sẽ làm tiêu hao một lượng lớn đường glucose, từ đó dẫn đến hạ đường huyết, đôi khi đột ngột gây giảm thân nhiệt và thậm chí gây đột quỵ/ trụy tim mạch.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, hay đậu nành do thành phần rất giàu vitamin và chất chống oxy hóa. Khi dùng sẽ giúp bảo vệ gan và hạn chế tác hại của cồn đến hoạt động của gan.
- Không hút thuốc lá trong khi đang uống rượu bia do tăng nguy cơ ung thư thực quản và vòm họng.
- Không uống trà ngay sau khi uống rượu bia vì thành phần trong trà có chứa tanin sẽ kích thích nhanh hơn quá trình thẩm thấu của cồn vào niêm mạc dạ dày.
- Để giảm tác hại của rượu bia thì cách tuyệt đối nhất vẫn là không uống, đặc biệt là khi đói. Khi bụng đói, lượng acid trong dạ dày tăng lên, khi kết hợp với cồn trong rượu bia sẽ làm người uống dễ say hơn, kèm theo đó là cảm giác nôn nao, khó chịu. Vì vậy vừa ăn vừa uống hay ăn một chút lót dạ trước khi uống rượu bia là cách là giảm tác hại của rượu bia vừa tốt do đẩy lùi được cơn vừa giảm bớt tác hại của rượu bia với sức khỏe cơ thể.
- Không uống nhiều rượu trong một lần, thay vào đó hãy uống từ từ để giảm cơn say. Đây cũng là một cách giảm tác hại của rượu bia vì một lượng cồn lớn bất ngờ đổ bộ vào cơ thể trong thời gian ngắn có thể gây những triệu chứng nguy hiểm như tác động nhanh, mạnh đến não bộ, có biểu hiện choáng và nhịp tim nhanh say hơn.
- Uống nhiều nước khi uống rượu bia. Dù lượng nước nhiều hay ít thì việc này cũng đẩy nhanh quá trình đào thải cồn ra khỏi cơ thể qua đường tiểu tiện, làm bạn không bị say khi uống rượu.
- Làm “ấm” rượu trước khi uống: Đối với tất cả các loại rượu, trước khi uống, bạn hãy làm ấm chúng bằng cách ngâm vào nước nóng. Dưới tác động của nhiệt độ, một số chất có hại trong rượu sẽ bay hơi, từ đó làm giảm tác động xấu của rượu tới sức khỏe.