Viêm phế quản là một bệnh lý đường hô hấp phổ biến có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ nguyên nhân viêm phế quản là gì và cách để phòng ngừa hiệu quả.
1.VIÊM PHẾ QUẢN LÀ GÌ?
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản, đường dẫn khí chính (đường hô hấp), mang không khí đến và đi từ phổi. Khi đường hô hấp bị kích ứng hoặc nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ xuất hiện các phản ứng viêm, khiến niêm mạc phế quản sưng nề, đau, và tăng tiết dịch. Chính các phản ứng viêm tại chỗ này là cửa ngõ đầu tiên chống lại vi khuẩn hạn chế chúng xâm nhập sâu hơn vào cơ thể.
Viêm phế quản được phân chia thành các loại sau:
- Viêm phế quản cấp tính là tình trạng viêm xuất hiện nhanh chóng, chỉ khoảng 2-3 ngày sau khi tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm…
- Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm liên tục gây ho, khó thở kéo dài ít nhất 3 tháng trở lên trong 1 năm, với các cơn tái phát xảy ra trong ít nhất 2 năm liên tiếp. Viêm phế quản mạn tính là một dạng của bệnh viêm phổi tắc nghẹn mãn tính.
2.NGUYÊN NHÂN VIÊM PHẾ QUẢN LÀ GÌ?
Nguyên nhân viêm phế quản cấp tính
Viêm phế quản cấp tính thường phát triển do nhiễm trùng phế quản kích ứng và viêm. Các tác nhân gây nhiễm trùng là nguyên nhân gây viêm phế quản cấp tính có thể bao gồm:
- Virus: Các loại virus gây viêm phế quản bao gồm virus cúm, virus hợp bào hô hấp, virus gây cảm lạnh thông thường và virus corona.
- Vi khuẩn: Các loại vi khuẩn gây viêm phế quản bao gồm Bordetella (vi khuẩn gây bệnh ho gà), Mycoplasma, và Chlamydia. Trong các loại vi khuẩn thì Streptococcus Pneumoniae là nhóm vi khuẩn thường gặp gây nhiễm trùng ở đường hô hấp.
- Nấm: Thông thường, những người có hệ miễn dịch bình thường rất ít khi nhiễm nấm ở đường hô hấp. Nhiễm nấm ở đường hô hấp, cụ thể là phế quản thường gặp ở những người suy giảm hệ miễn dịch: suy dinh dưỡng mắc các bệnh như ung thư, ghép tạng, tiền căn lao phổi, HIV/ AIDS, hoặc những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài…
3.NGUYÊN NHÂN VIÊM PHẾ QUẢN MẠN TÍNH
Khác với viêm phế quản cấp tính, mạn tính không phải do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Nguyên nhân gây viêm phế quản mạn tính thường là do tiếp xúc lâu dài với các chất kích thích làm tổn thương phổi và đường thở.
- Nguyên nhân viêm phế quản mạn tính nhất là khói thuốc lá. Có tới 88% số người mắc bệnh viêm phế quản mạn tính hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc. Theo thời gian, khói thuốc lá có thể gây tổn thương phế quản vĩnh viễn, khiến chúng bị viêm kéo dài.
- Hút tẩu, xì gà và các loại khói thuốc lá, thuốc lào cũng có thể gây viêm phế quản mạn tính, ngay cả khi bạn là người hít khói thuốc thụ động.
- Ô nhiễm không khí, bụi hoặc khí độc trong môi trường hoặc nơi làm việc cũng có thể góp phần gây ra tình trạng này. Đặc biệt, những người có nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với khí SO2, NO2,... như công nhân quặng mỏ, nhà máy sản xuất xi măng, công nhân may, nhà máy dệt…
- Những người thường xuyên mắc viêm phế quản cấp tính do nguyên nhân vi khuẩn, virus hoặc nấm cũng dễ dẫn đến viêm phế quản mạn tính.
- Hiếm khi, một tình trạng di truyền gọi là thiếu hụt alpha-1 antitrypsin có thể gây ra viêm phế quản mạn tính. Ngoài ra những người hút thuốc có nhiều khả năng mắc các hơn nếu họ có tiền sử gia đình mắc bệnh COPD.
3.CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm phế quản, nhưng bạn có nguy cơ cao hơn nếu:
- Hút thuốc hoặc ở gần người hút thuốc. Những người hút thuốc hoặc sống chung với người hút thuốc có nguy cơ cao mắc cả viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mạn tính cao hơn.
- Tuổi trên 40 và thường xuyên khạc vào buổi sáng.
- Sức đề kháng kém. Các đối tượng có sức đề kháng kém bao gồm: người lớn tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người mắc một tình trạng mạn tính khác làm suy giảm hệ miễn dịch.
- Tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, xơ nang, giãn phế quản, COPD, lao phổi, hoặc các bệnh hô hấp khác.
- Mắc các bệnh rối loạn tự miễn dịch hoặc bệnh khác gây viêm.
- Tiếp xúc với các chất kích thích, chẳng hạn như khói bụi, khói hóa chất từ môi trường hoặc nơi làm việc. Bạn có nguy cơ cao hơn nếu ống phế quản đã bị tổn thương.
- Trào ngược dạ dày. Bạn có thể bị viêm phế quản cấp tính khi axit dạ dày đi vào ống phế quản và gây kích ứng, dẫn đến viêm.