Paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt đang được sử dụng phổ biến, đem lại hiệu quả cao nếu sử dụng đúng liều lượng và thời gian. Tuy nhiên, nếu không sử dụng thuốc hợp lý, có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người. Bài viết dưới đây Hadu chia sẻ với bạn đọc hiểu hơn về paracetamol.
1.PARACETAMOL - ĐẶC ĐIỂM VÀ TÁC DỤNG
Paracetamol là loại thuốc được bào chế thông thường dưới dạng viên nén hay viên sủi, được bán ra thị trường dưới nhiều tên thương mại khác nhau. Đây là sản phẩm giảm đau tốt, ít tác dụng phụ và được sử dụng phổ biến trong việc điều trị giảm đau và hạ sốt ở mức độ nhẹ đến vừa.
Tuy nhiên, do paracetamol được sử dụng rộng rãi cùng với sự thiếu nhận thức về việc kết hợp các loại thuốc đều chứa hoạt chất paracetamol dẫn đến việc sử dụng thuốc quá liều, gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Trong trường hợp thuốc giảm đau Paracetamol, việc sử dụng thuốc quá liều dẫn tới nguy cơ gây độc tới gan, trường hợp nặng hơn có thể gây hoại tử gan thậm chí tử vong.
Nguyên nhân gây ngộ độc gan khi sử dụng Paracetamol quá liều là do khi uống thuốc, thuốc sẽ được hấp thụ vào máu và chuyển hóa qua gan dưới nhiều dạng, trong đó 4% chuyển hóa thành dạng N-acetyl benzoquinonimin - chất gây hại cho gan. Vì vậy lượng Paracetamol quá lớn dẫn đến việc thiếu hụt glutathione để đáp ứng khiến các chất độc hại ở gan tích lũy và gây hại cho gan.
Phần lớn, Paracetamol được chuyển hóa ở gan thành chất hòa tan trong nước và đào thải ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu.
Paracetamol còn được khuyến cáo không sử dụng với phụ nữ mang thai, nếu sử dụng quá liều có thể gây nguy hại cho thai nhi do loại thuốc này có thể xâm nhập qua nhau thai.
Trường hợp người cao tuổi, nếu sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây mệt mỏi do Paracetamol làm mất đi hemoglobin mang oxy trong máu. Ngoài ra, nghiên cứu của cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho biết việc sử dụng Paracetamol có thể gây ra một số biến chứng nguy hại cho da như bong da, hoại tử biểu bì.
Vì vậy, muốn sử dụng thuốc đạt hiệu quả cao trong thời gian ngắn, chúng ta không nên sử dụng Paracetamol với liều lượng cao mà nên kết hợp đồng thời với các loại thuốc khác, vừa tăng hiệu quả giảm đau vừa tránh được nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng do dùng quá liều.
2.CÁC THUỐC CÓ THỂ HOẶC CẦN TRÁNH KHI DÙNG VỚI PARACETAMOL
Một số thuốc thường kết hợp với Paracetamol trong điều trị:
- Kết hợp với Ibuprofen trong trường hợp điều trị đau kèm theo viêm.
- Kết hợp với Codein trong trường hợp điều trị giảm đau sau mổ, đau vừa hay cảm cúm có hiện tượng ho đi kèm.
- Kết hợp với Clorpheniramin trong trường hợp điều trị cảm cúm.
Một số loại thuốc cần tránh kết hợp với Paracetamol:
- Sử dụng cùng các loại đồ uống có cồn như bia, rượu, hay kết hợp với một số loại thuốc chống co giật có thể gây nguy hại cho gan.
- Sử dụng cùng với một số thuốc giảm huyết áp có thể dẫn đến tăng huyết áp hay hạ nhiệt đột ngột khi kết hợp với phenothiazin.
3.NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI SỬ DỤNG PARACETAMOL
-Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.
-Không sử dụng thuốc khi không đau nhức, sốt cao trên 38,5 độ C.
-Chống chỉ định sử dụng Paracetamol để điều trị giảm đau quá 10 ngày đối với người lớn và 5 ngày đối với trẻ nhỏ, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
-Trường hợp đau đầu, đau răng, đau khớp, đau do ngã, chấn thương… mà nhất thiết phải uống Paracetamol để giảm đau, cần chú ý Paracetamol chỉ có tác dụng sau khi uống từ 15-30 phút và tác dụng tối đa 3-4 giờ. Vì vậy, liều lượng thuốc nên sử dụng cách nhau ít nhất 4 giờ.
-Liều dùng cho người lớn là không quá 10mg/ kg và không quá 5mg/kg đối với trẻ em ở mỗi lần dùng.
-Nghiêm cấm uống bia, rượu trong quá trình dùng Paracetamol.
-Chống chỉ định dùng Paracetamol đối với những người mẫn cảm với các thành phần của thuốc; người say rượu; người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, phổi, gan, người bị thiếu máu hoặc người bệnh thiếu hụt glucose 6 phosphat dehydrogenase.
-Có thể sử dụng Paracetamol theo cơ chế phóng thích chậm để tác dụng thuốc được kéo dài và giảm thiểu nguy cơ tổn hại đến gan.
-Sử dụng Paracetamol trong bữa ăn, thức ăn có thể ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ của thuốc. Do vậy nên sử dụng thuốc cách bữa ăn từ 30 phút đến 1 tiếng. Uống thuốc với nước ấm sẽ làm tăng khả năng hấp thụ của thuốc.