Canxi đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn bú mẹ. Vậy làm sao để bổ sung canxi hiệu quả qua nguồn sữa mẹ an toàn và hiệu quả?
1.DẤU HIỆU TRẺ TRONG THỜI KỲ BÚ MẸ THIẾU CANXI
Canxi là thành phần chính quyết định đến sự hình thành và phát triển cấu tạo xương, răng cũng như tham gia vào nhiều hoạt động khác của cơ thể.
Với trẻ bú mẹ, sữa mẹ chính là nguồn cung cấp canxi chủ yếu cho trẻ. Do đó, giai đoạn cho con bú nếu người mẹ không được bổ sung đủ lượng canxi cần thiết thì cả mẹ và bé đều có nguy cơ thiếu hụt khoáng chất này.
Người mẹ thiếu canxi sẽ có những biểu hiện điển hình sau đây:
- Tê mỏi buồn bực chân tay.
- Đau nhức cơ bắp, hay bị chuột rút vào ban đêm.
- Rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc.
- Đau lưng, đau hông, đau mỏi xương khớp.
- Đau răng.
- Móng tay, móng chân của mẹ dễ bị gãy.
- Loãng xương.
Ở trẻ sơ sinh, dấu hiệu thiếu canxi tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ. Nhưng thông thường bé sơ sinh bị thiếu canxi sẽ có những biểu hiện sau đây:
- Bé ngủ hay giật mình và quấy khóc về đêm.
- Đổ mồ hôi trộm, nhất là khi đi ngủ.
- Rụng tóc hình vành khăn.
- Hay vặn mình nôn trớ sữa.
- Biếng ăn, chán ăn.
- Chậm mọc răng, răng mọc không đều, chậm phát triển vận động.
- Suy dinh dưỡng, còi xương, chậm lớn.
- Chậm nhận thức…
Sau sinh nhu cầu canxi tăng cao để cung cấp cho trẻ sơ sinh và bù lại lượng canxi bị thiếu hụt do quá trình mang thai và sinh nở. Vì thế, phụ nữ sau sinh cần chú ý bổ sung canxi đầy đủ và đúng cách để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé.
2.HẬU QUẢ TRẺ SƠ SINH THIẾU CANXI
Tình trạng bé sơ sinh thiếu canxi nếu không xử lý kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của bé.
Những hậu quả có thể gặp sau này do trẻ thiếu canxi các mẹ cần lưu ý:
- Còi xương, thấp còi, nhỏ con hơn so với các bạn cùng trang lứa. Trẻ dễ biến dạng xương, gù vẹo cột sống.
- Suy dinh dưỡng: khả năng hấp thu dinh dưỡng của trẻ cũng kém hơn do thiếu canxi làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
- Co giật, co rút cơ, rối loạn hệ thần kinh.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Trẻ rất dễ hay bị ốm vặt, lâu khỏi.
Đặc biệt, những biến dạng ở xương nếu không được điều trị kịp thời, khi trẻ lớn lên đầu sẽ có hình dạng cá trê, méo 1 bên, lưng gù, chân cong…
Vì thế mẹ tuyệt đối đừng chủ quan khi thấy những dấu hiệu thiếu canxi ở trẻ.
3.GIẢI PHÁP ĐỂ BÉ BÚ MẸ BỔ SUNG CANXI AN TOÀN VÀ HIỆU QUẢ
Đối với trẻ đang còn bú mẹ thì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính, đồng thời là nguồn cung cấp canxi an toàn cho bé. Vì thế, người mẹ cần có chế độ ăn uống đa dạng, bổ sung canxi đầy đủ để bé phát triển khỏe mạnh.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần khoảng 300mg canxi mỗi ngày và tăng lên khoảng 400mg canxi/ ngày khi trẻ 7-12 tháng tuổi.
Để đảm bảo lượng canxi cung cấp cho trẻ qua sữa mẹ, việc đầu tiên là phải cải thiện khẩu phần ăn uống cho người mẹ. Mẹ cho con bú nên tăng cường các thực phẩm giàu canxi trong chế độ ăn như: sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai…), lòng đỏ trứng, nước cam, các loại ngũ cốc và hạt (đậu, gạo, hạt mè, hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó…), hải sản như tôm, cua, cá.
Bên cạnh đó, mẹ nên bổ sung vitamin D hằng ngày cho bé để có thể hấp thu canxi tốt hơn.
Theo khuyến cáo, mẹ cho con bú cần khoảng 1300mg canxi mỗi ngày. Với nhu cầu canxi cao như vậy, chỉ bổ sung canxi qua chế độ ăn uống rất khó để đáp ứng đủ. Người mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung thêm canxi qua dược phẩm hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe sao cho phù hợp để bù đắp vào chỗ thiếu hụt.
Thực tế không phải toàn bộ lượng canxi mà chúng ta nạp vào cơ thể đều được hấp thu. Đây là lý do tại sao nhiều mẹ sau sinh bổ sung canxi nhưng vẫn gặp tình trạng thiếu hụt.