Còi xương là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, vì đây là lứa tuổi có hệ xương đang phát triển khỏe mạnh. Hậu quả của bệnh còi xương có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, vận động và tinh thần của trẻ. Vì thế, phòng ngừa bệnh còi xương cho trẻ là một vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.
1.BỆNH CÒI XƯƠNG LÀ GÌ?
Còi xương là một dạng rối loạn gây giảm khoáng hóa của đĩa sụn tăng trưởng, giảm khoáng hóa xương ở trẻ nhỏ, trẻ em, thanh thiếu niên đang lớn do thiếu vitamin D hoặc khiếm khuyết về chuyển hóa và chức năng của nó, thiếu canxi hoặc phosphat hoặc làm giảm hoạt động của phosphataze kẽm.
Có 3 loại còi xương:
- Còi xương dinh dưỡng;
- Còi xương do rối loạn chuyển hóa vitamin D hoặc làm giảm hoạt động của vitamin D;
- Còi xương do rối loạn tái hấp thu phosphat ở ống thận.
Còi xương dinh dưỡng là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D hay rối loạn chuyển hóa vitamin D, ảnh hưởng đến chuyển hóa hấp thu canxi và phospho trong quá trình tạo xương. Còi xương do thiếu vitamin D là bệnh hay gặp ở trẻ em, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các hậu quả không mong muốn cho trẻ như biến dạng ở xương, răng, ảnh hưởng đến tầm vóc phát triển.
Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và phosphat ở ruột. Khi cơ thể thiếu vitamin D, sự hấp thụ và chuyển hóa canxi sẽ bị ảnh hưởng, do đó biểu hiện của thiếu vitamin D chính là biểu hiện của thiếu canxi. Một trong các thể bệnh của thiếu canxi là bệnh còi xương.
2.NHỮNG TRẺ NÀO CÓ NGUY CƠ BỊ BỆNH CÒI XƯƠNG?
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ bao gồm:
TUỔI TÁC
Bệnh còi xương phổ biến nhất ở trẻ từ 6 tháng đến 36 tháng tuổi. Đây là giai đoạn tăng trưởng nhanh của trẻ nên cơ thể trẻ cần nhiều canxi và phosphat nhất để củng cố và phát triển xương.
CHẾ ĐỘ ĂN
Trẻ có nguy cơ mắc bệnh còi xương cao hơn nếu thực đơn hằng ngày của trẻ không có nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin D như cá, trứng, sữa… Trẻ cũng có nguy cơ bị còi xương nếu gặp khó khăn trong việc tiêu hóa sữa, dị ứng với sữa hoặc bất cứ dung nạp lactose (một loại đường có trong tất cả các loại sữa, kể cả sữa mẹ). Ngay cả khi trẻ sơ sinh được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ cũng có thể bị thiếu vitamin D nếu sữa mẹ không có đủ vitamin D.
MÀU DA
Trẻ em gốc Phi, Thái Bình Dương và người gốc Trung Đông có nguy cơ mắc bệnh còi xương cao nhất vì có làn da sẫm màu. Da sẫm màu sẽ làm giảm sự tác động của tia cực tím lên da do đó lượng vitamin D được tổng hợp từ da sẽ ít hơn.
VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Tắm nắng sẽ giúp cơ thể tự tổng hợp vitamin D, bổ sung thêm cho trẻ lượng vitamin D mà thực phẩm chưa đáp ứng đủ. Cơ thể trẻ sản xuất nhiều vitamin D hơn khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên. Do đó, trẻ sẽ có nguy cơ còi xương cao hơn nếu sống trong khu vực địa lý có ít ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, nếu thường xuyên ở trong nhà mà ít tham gia các hoạt động ngoài trời, trẻ cũng dễ bị thiếu vitamin D.
GENE
Có một dạng còi xương là do di truyền, ngăn ngừa thận hấp thụ phosphat.
3.TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH CÒI XƯƠNG
Các triệu chứng của bệnh còi xương ở trẻ em bao gồm:
- Trẻ ra nhiều mồ hôi ngay cả khi trời mát, thường vào buổi đêm (gọi là ra mồ hôi trộm).
- Trẻ kích thích, khó ngủ, quấy khóc, giật mình, có thể có nôn trớ.
- Trẻ rụng tóc gáy hoặc rụng tóc vành khăn (còn có thể gọi là dấu hiệu chiếu liếm).
- Xương sọ mềm, dễ bị méo mó, đầu bẹt phía sau hoặc méo sang một bên.
- Thóp chậm liền, bờ thóp mềm, chồng khớp sọ.
- Đầu có bướu trán, bướu đỉnh.
- Lồng ngực hình gà, chuỗi hạt sườn.
- Vòng cổ chân, vòng cổ tay, xương chi cong, chân cong hình chữ X, chữ O.
- Răng mọc chậm, men răng kém, hay bị sâu răng.
- Trẻ chậm phát triển vận động: chậm lẫy, chậm bò, chậm ngồi, chậm đi.
- Đối với trẻ lớn, có thể hay kêu đau nhức mỏi xương dài vào chiều tối hoặc ban đêm.
- Đối với dấu hiệu còi xương cấp và nặng có thể gặp: tiếng thở rít thanh quản, cơn khóc lặng, co giật do hạ canxi máu.
- Nếu tình trạng còi xương không được điều trị kịp thời, dẫn đến trẻ chán ăn, suy dinh dưỡng, thiếu máu.
4.CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG NGỪA BỆNH CÒI XƯƠNG Ở TRẺ
Cách hiệu quả nhất để phòng ngừa và điều trị bệnh còi xương tập trung vào việc bổ sung đủ lượng vitamin D, canxi và phosphat cho trẻ.
Đối với bà mẹ khi mang thai, cần tuân thủ một thực đơn đa dạng nhằm cung cấp đủ nhu cầu canxi (khoảng 1.200mg/ ngày) và vitamin D (khoảng 1.000IU/ ngày) cho cả mẹ và thai nhi. Ngoài ra, cần ăn đa dạng thực phẩm, chú trọng các loại thực phẩm dồi dào canxi và vitamin D như sữa và chế phẩm từ sữa, tôm, cua, cá… đảm bảo cho bé chào đời khỏe mạnh.
Đối với trẻ nhỏ, tăng cường vitamin D qua hai nguồn chủ yếu là ánh nắng mặt trời và thực phẩm.
Vitamin D được tổng hợp tai da chiếm 80% nguồn cung cấp cho cơ thể hằng ngày. Vì thế, bạn hãy tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên từ mặt trời bằng cách cho trẻ phơi nắng mỗi ngày, thời điểm tắm nắng tốt nhất cho trẻ là từ 9-15h. Lưu ý phải tắm nắng trực tiếp, không tắm nắng qua cửa kính. Thời gian tắm nắng từ 3-10 phút, phụ thuộc vào cường độ ánh nắng. Nên thay đổi vị trí chiếu nắng mỗi 1 phút, lưu ý che chắn bảo vệ mắt cho trẻ.
Bên cạnh đó, vitamin D, canxi và phosphat còn đến từ nguồn thực phẩm. Một số loại thực phẩm phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ hiệu quả là cá (cá hồi, cá mòi, cá trích, cá ngừ, cá thu), gan động vật, sữa, trứng, vừng đen, rau ngót, rau đay, rau muống…
Bác sĩ cũng có thể chỉ định uống viên thực phẩm bổ sung vitamin D hằng ngày cho những trẻ không thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc không uống đủ 1.000ml sữa công thức/ ngày (đối với trẻ dưới 1 tuổi không bú mẹ). Trong quá trình bổ sung vitamin D cha mẹ cần tham khảo bác sĩ về liều lượng chính xác, vì con số đối với mỗi trẻ là không giống nhau tùy thuộc vào tuổi tác, cân nặng và tình trạng bệnh, không nên tự ý bổ sung cho trẻ.
TRẺ BỊ CÒI XƯƠNG NÊN ĐI KHÁM DINH DƯỠNG SỚM ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN TỐT NHẤT
Dinh dưỡng phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ là một yếu tố quan trọng giúp cung cấp đủ nhu cầu canxi, vitamin D và phosphat cho cơ thể. Làm sao để xây dựng một thực đơn dinh dưỡng với đầy đủ thực phẩm chứa các dưỡng chất cho trẻ còi xương là mối quan tâm của hầu hết các bậc cha mẹ.