Vitamin D3 đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển xương, giúp phòng chống còi xương, chậm lớn và kích thích hệ thống miễn dịch của trẻ. Vì vậy việc bổ sung vitamin D3 cho trẻ ngay từ khi chào đời là thật sự cần thiết. Tuy nhiên hiện nay, nhiều phụ huynh lạm dụng hoặc cho trẻ uống sai cách, dẫn đến việc dư thừa vitamin D3 ở trẻ sơ sinh. Vậy dấu hiệu thừa vitamin D3 ở trẻ sơ sinh là gì?
1.NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN TÌNH TRẠNG THỪA VITAMIN D3 Ở TRẺ SƠ SINH
Tình trạng thừa vitamin D3 hay còn gọi là nhiễm độc vitamin D3 thường không tốt cho sức khỏe của bé. Nguyên nhân thường do cha mẹ bổ sung cho trẻ lượng vitamin D3 quá lớn so với nhu cầu bổ sung hằng ngày. Liều lượng khiến trẻ bị ngộ độc là từ 240.000 đến 4.500.000 IU vitamin D3 trong một ngày. Việc trẻ bị quá liều vitamin D3 là do bố mẹ tính sai số giọt hoặc hiểu sai hàm lượng. Về lâu dài, lượng vitamin D3 dư thừa tích lũy nhiều hơn và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
2.DẤU HIỆU THỪA VITAMIN D3 Ở TRẺ SƠ SINH
Thừa vitamin D3 ở trẻ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, vì vậy bố mẹ cần nhận biết sớm các dấu hiệu thừa vitamin ở trẻ sơ sinh để có thể xử lý kịp thời, đảm bảo sự an toàn cho bé. Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình ở những trẻ nhỏ bị thừa vitamin D3:
Buồn nôn
Khi cơ thể bị dư thừa vitamin D3 sẽ kích thích tiết nhiều enzyme dạ dày và ruột non, từ đó gây ra sự rối loạn tiêu hóa, tạo cảm giác buồn nôn cho trẻ.
Khó thở, mệt mỏi
Cơ thể trẻ sơ sinh vốn rất yếu và nhạy cảm. Khi cơ thể được bổ sung lượng lớn vitamin D3 sẽ khiến hàm lượng canxi trong máu tăng đột ngột, tác động lên hệ thần kinh, gây tăng các phản ứng trên tim mạch, từ đó dẫn đến tình trạng khó thở và mệt mỏi.
Tiểu nhiều
Vitamin D3 hoạt động như một hormone tham gia hoạt động điều hòa hệ thống nước của cơ thể. Khi nồng độ vitamin D3 trong cơ thể cao, lượng nước đi qua thận cũng sẽ nhiều hơn và gây ra triệu chứng tiểu nhiều. Nếu tình trạng này kéo dài có thể gây rối loạn chức năng thận, thậm chí có thể gây ra triệu chứng thận hư, lâu dài có thể gây nguy hại đến tính mạng của trẻ.
Khô miệng, chán ăn
Bổ sung vitamin D3 quá liều có thể khiến trẻ khô miệng, chán ăn và bỏ bú. Nguyên nhân là do dư thừa vitamin D3 sẽ kích thích dạ dày, gây ra cảm giác buồn nôn, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và cảm giác đói. Ngoài ra, việc đi tiểu nhiều cũng khiến bé bị mất nước và khô miệng.
Da bị kích ứng
Dư thừa vitamin D3 trong một khoảng thời gian dài, cơ thể bé sẽ xuất hiện tình trạng kích ứng da. Đây là phản ứng tự nhiên, báo hiệu cơ thể bé không đáp ứng với hàm lượng vitamin D3 bổ sung vào cơ thể. Có thể quan sát thấy triệu chứng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ trên da của bé.
Táo bón hoặc tiêu chảy
Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh rất yếu, còn chưa phát triển toàn diện. Khi phải xử lý một lượng lớn vitamin D3 sẽ gây ảnh hưởng đến dạ dày của trẻ, gây ra các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón.
Co giật
Thừa vitamin D3 không phải là nguyên nhân trực tiếp gây co giật ở trẻ. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng đến chức năng của hệ thần kinh và cơ, từ đó gián tiếp gây ra tình trạng co giật.
Tăng canxi máu
Một chỉ dấu rõ ràng của việc thừa canxi D3 là tăng canxi máu bởi vitamin D3 giúp cơ thể tăng khả năng hấp thụ canxi. Tuy nhiên dấu hiệu này khó nhận biết bằng mắt thường, chủ yếu bằng kết quả xét nghiệm.
3.CÁCH XỬ TRÍ KHI TRẺ SƠ SINH BỊ THỪA VITAMIN D3
Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu thừa vitamin D3, điều đầu tiên bố mẹ cần làm là dừng ngay lập tức việc bổ sung vitamin D3 và hạn chế thực phẩm có chứa canxi trong khẩu phần ăn của bé.
Hãy đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu tái khám định kỳ để theo dõi và khắc phục tình trạng dư thừa vitamin D3.
4.PHÒNG NGỪA DƯ THỪA VITAMIN D3 Ở TRẺ SƠ SINH
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng
Trẻ sơ sinh chủ yếu nhận vitamin D3 từ sữa mẹ. Vì vậy, các mẹ hãy đảm bảo chế độ ăn uống đa dạng và đủ dinh dưỡng hằng ngày từ khi mang thai và trong thời gian cho con bú. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D3 như cá hồi, dầu gan cá, trứng gà, sữa… kết hợp với đa dạng các loại thực phẩm để tránh gây thiếu hụt các chất khác.
Ngoài ra, nếu trẻ sơ sinh bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ cũng có thể cho con bổ sung vitamin D3 thông qua các loại bột ăn dặm hoặc sữa công thức có đầy đủ chất dinh dưỡng để cung cấp vitamin cho cơ thể.
Thường xuyên tắm nắng cho trẻ
Vitamin D3 có thể được tạo ra khi da của trẻ sơ sinh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ánh nắng có tác dụng rất tốt trong quá trình chuyển hóa 7-dehydrocholesterol thành vitamin D3, hỗ trợ hiệu quả việc hấp thu canxi, giúp phát triển hệ xương khớp của trẻ, giúp xương chắc khỏe.
Thời điểm tắm nắng tốt nhất và hiệu quả nhất là từ 7 giờ đến 8 giờ sáng và từ 5 giờ chiều trở đi bởi lúc này ánh nắng không còn quá gay gắt với chỉ số tia UV cũng không quá cao. Chỉ nên cho bé tắm nắng trong khoảng thời gian từ 10-15 phút.
Bổ sung chế phẩm chứa vitamin D hợp lý
Trong trường hợp sữa mẹ và sữa công thức không cung cấp đủ vitamin D3, mẹ có thể cho bé bổ sung các chế phẩm vitamin D3. Tuy nhiên các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên sử dụng một cách tùy tiện, cần sử dụng vitamin D3 theo đúng liều lượng chỉ định của bác sĩ chuyên gia và nên dùng ống nhỏ giọt của sản phẩm đó, không nên thay thế bằng ống khác vì có thể ảnh hưởng đến liều lượng.
Vitamin D3 có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng, không phải cứ cho trẻ uống nhiều vitamin D3 là tốt. Tình trạng dư thừa vitamin D3 ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cả tính mạng của trẻ.