Dạo gần đây mẹ thấy con biếng ăn, nhẹ ký, cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng nên mẹ rất lo lắng. Mẹ sợ con thiếu chất, chậm phát triển hơn bạn bè cùng trang lứa nên muốn tìm hiểu xem có nên cho con uống sữa cao năng lượng không?
1.CÓ NÊN CHO BÉ UỐNG SỮA CAO NĂNG LƯỢNG?
Sữa cao năng lượng chứa nhiều dưỡng chất, nhưng không phải bé nào cũng uống được. Góc của mẹ hiểu rằng, mẹ rất xót, lo lắng khi thấy con yêu biếng ăn, gầy gò nên mới muốn bổ sung sữa cao năng lượng, giúp con cải thiện tình trạng nhanh chóng. Tuy nhiên mẹ không nên cho bé uống sữa cao năng lượng nếu chưa nhận được sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.
Mẹ cần đưa bé đi khám và đánh giá tình trạng dinh dưỡng để biết có thực sự bị suy dinh dưỡng hay không và tìm ra nguyên nhân biếng ăn trước khi cho bé uống sữa năng lượng cao. Nếu bé bị suy dinh dưỡng thì cần đánh giá đang ở giai đoạn nào để lựa chọn sữa cao năng lượng cho phù hợp.
Mẹ cũng đừng vì thấy bé hơi biếng ăn, sợ thiếu chất mà vội vàng dùng sữa cao năng lượng để thay thế bữa ăn của bé. Không nên sử dụng sữa cao năng lượng cho trẻ em có sức khỏe bình thường, bởi độ thẩm thấu chất dinh dưỡng của nó rất cao, có thể gây béo phì, gan nhiễm mỡ, dư mỡ trong máu hay thậm chí gây ra các bệnh tim mạch, cao huyết áp.
2.TÁC HẠI XẤU NẾU MẸ CHO BÉ UỐNG SỮA CAO NĂNG LƯỢNG SAI CÁCH
Bé không phát triển toàn diện kỹ năng nhai
Mẹ nghĩ sữa là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng khi thấy bé biếng ăn, ít ăn mẹ đã dùng sữa thay thế cho bữa ăn của con. Nhưng điều này hoàn toàn không tốt mẹ ơi. Một bữa ăn chỉ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé mà còn giúp bé phát triển hàm răng bằng những động tác nhai. Nếu mẹ quá lạm dụng sữa cho mỗi bữa ăn khi bé không ăn hết suất, bé sẽ càng ỷ lại, biếng nhai, trở nên thụ động và khó thích nghi khi gặp các thức ăn dạng như cơm, phở…
Đặc biệt, đối với trẻ trong giai đoạn ăn dặm, sử dụng sữa liên tục ở các bữa ăn trong thời gian dài, bé sẽ không có kỹ năng nhai, dẫn đến nuốt chửng cơm, thức ăn dễ bị hóc hay gây khó tiêu, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tiêu hóa. Không những thế còn khiến bé dễ sợ hãi khi phải ăn thức ăn cần nhai, dẫn đến cơ nhai yếu, men tiêu hóa ở dạ dày và ruột cũng không được như bình thường.
Bé không hứng thú với bữa ăn mẹ nấu
Khi bé mới có biểu hiện hơi biếng ăn, mẹ sợ con đói nên vội vàng thay thế bữa ăn ngay bằng sữa mẹ làm bé lệ thuộc vào sữa và chán ăn, không hứng thú với cơm mẹ nấu. Đây là trạng thái thay đổi tâm lý ở bé rất khó điều chỉnh về sau và gây nhiều ảnh hưởng xấu đến bé như sợ hãi mỗi khi đến bữa ăn, dạ dày khó tiếp xúc thức ăn dạng đặc (cơm, phở, rau), có thể thiếu chất dẫn đến suy dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, sữa tuy tốt nhưng vẫn không cung cấp đủ dinh dưỡng cho bé. Bé cần ăn cơm, ăn thêm nhiều loại thực phẩm khác như rau củ, trái cây, thịt cá… để bổ sung đủ nguồn vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể bé phát triển toàn diện.
Làm tình trạng suy dinh dưỡng của con trầm trọng hơn
Bé suy dinh dưỡng có nguyên do là do liên tục uống sữa cao năng lượng. Nghe có vẻ hơi vô lý nhỉ, bé uống sữa xịn dành riêng cho trẻ suy dinh dưỡng, nhưng khi uống nhiều lại gầy và lười ăn hơn?
Do trước mỗi bữa ăn, mẹ đã cho bé uống 1 ly sữa cao năng lượng dẫn đến no và không thể ăn được nữa hoặc ăn được ít cực, mẹ thấy thế, lo con đói bụng lại tiếp tục cho con uống sữa. Lâu dần bé sẽ trở nên lười ăn, cơ thể thiếu chất, thiếu cân khiến tình trạng suy dinh dưỡng trở nên trầm trọng hơn.
Dễ dẫn tới các bệnh lý như mỡ máu - béo phì
Tỷ lệ chất béo trong các loại sữa cao năng lượng cao hơn những loại sữa bình thường khác (từ 24-42% chất béo). Nếu mẹ cho uống quá nhiều, kéo dài 3-6 tháng, cơ thể sẽ tích tụ rất nhiều đạm, năng lượng gây béo phì, dư mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ hay thậm chí sau khi bé lớn lên có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp… cao hơn những bé khác.
Khiến cơ thể bé thiếu chất xơ - gây táo bón
Bé đang trong giai đoạn hoàn thiện các chức năng cơ thể nên hệ tiêu hóa còn rất yếu, đặc biệt là thận, nếu cho bé uống sữa cao năng lượng trong thời gian dài sẽ khiến thận phải làm nhiều để tiêu thụ chất đạm, năng lượng gây lão hóa thận, suy thận. Chưa kể, sữa cao năng lượng chứa rất ít chất xơ và nước nên nếu mẹ sử dụng sữa thay thế cho các bữa ăn của bé lâu dần sẽ gây chứng táo bón, trĩ, lồng ruột…
Giảm khả năng hấp thu chất của bé khi bé lớn
Mẹ biết không, thành phần trong sữa cao năng lượng chính là chất béo thẩm thấu nhanh. Thế nên, đối với bé dưới 2 tuổi (ruột đang trong giai đoạn phát triển) mà mẹ cho con uống quá nhiều sữa cao năng lượng hoặc uống một thời gian dài, nồng độ thẩm thấu của sữa mẹ sẽ làm cho nhung mao ruột - nơi hấp thụ các chất dinh dưỡng bị ngắn đi so với khi bé sử dụng các loại sữa thông thường. Lâu dần khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng từ các thực phẩm khác như cơm, thịt, cá, rau củ, trái cây… trở nên kém đi, ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của bé.
Khiến dạ dày bé khó làm quen với thức ăn thô
Giai đoạn bé 9-18 tháng tuổi là thời điểm vàng để tập cho bé nhai và làm quen với các loại thức ăn,
nếu mẹ cho bé uống quá nhiều sữa sẽ trở nên chậm nhai, biếng ăn và khó làm quen với thức ăn hơn. Lâu dần bé hình thành một số thói quen xấu trong ăn uống như chỉ nuốt không nhai dẫn đến khó tiêu hoặc có các phản ứng tiêu cực, chẳng hạn như nôn, ói, hóc, sặc… khi thức ăn thô do dạ dày không quen với dịch vị để xử lý.
Bé dễ bị tiêu chảy khi uống lại sữa công thức chuẩn
Trong sữa công thức chuẩn (sữa bình thường) có đường Lactose cung cấp nhiều lợi khuẩn, hỗ trợ bé cải thiện hệ thống miễn dịch và tiêu hóa. Nhưng trong sữa cao năng lượng lại không hề tốn đường Lactose, thế nên nếu mẹ cho bé dùng loại sữa này trong thời gian dài, cơ thể bé sẽ giảm bài tiết, không dung nạp đường Lactose gây ra tiêu chảy khi mẹ cho bé uống lại sữa công thức chuẩn hoặc sữa tươi.
3.DẤU HIỆU BÉ NÊN GẶP BÁC SĨ ĐỂ TƯ VẤN SỮA UỐNG CAO NĂNG LƯỢNG
Tuy không nên tự ý cho bé uống sữa cao năng lượng, nhưng nếu bé có một trong những biểu hiện dưới đây mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn uống sữa cao năng lượng đúng cách. Tránh trường hợp bé suy dinh dưỡng quá lâu dẫn đến chậm phát triển, trở nên thấp bé, nhẹ cân.
Bé biếng ăn trong thời gian dài
Biếng ăn thường gặp ở bé, đặc biệt trong giai đoạn mọc răng, tuần khủng hoảng, tập ăn dặm… làm mẹ rất đau đầu. Bé biếng ăn thường ăn rất ít, hay ngậm thức ăn, vừa ăn vừa xem phim dẫn đến kết thúc bữa ăn quá lâu, thậm chí bé sợ hãi, chạy trốn khi đến giờ ăn.
Nếu tình trạng này kéo dài hơn 1 tháng, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn cho bé uống sữa cao năng lượng đúng cách. Tránh để quá lâu bé thiếu dinh dưỡng, khoáng chất dẫn đến suy dinh dưỡng, không có năng lượng duy trì hoạt động cho các cơ quan khiến cơ thể bé luôn rơi vào trạng thái lờ đờ, mệt mỏi.
Cân nặng của bé không đạt chuẩn so với độ tuổi
Mẹ thấy bé cưng đi đứng gần với bạn bè thì trở nên nhỏ bé, số ký lại nhẹ hơn, mẹ lo lắng bé chậm phát triển nên muốn dùng sữa năng lượng cao cho bé. Nếu thấy cân nặng của bé chưa đạt chuẩn, kèm theo dấu hiệu biếng ăn, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và nhận tư vấn trước khi cho bé uống sữa cao năng lượng. Mẹ tránh cho con uống khi chưa thực sự cần thiết, dẫn đến dư thừa dinh dưỡng, năng lượng gây hại cho sức khỏe.
Bé dọa suy dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng thể nhẹ cân
Mẹ nhìn bằng mắt thường cũng nhận biết được bé suy dinh dưỡng thông qua cân nặng, chiều cao của bé. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp mẹ cần theo dõi biểu hiện hằng ngày của bé mới biết được bé có suy dinh dưỡng hay không. Cụ thể như bé chậm tăng cân, đứng cân trong 2-3 tháng hay sụt cân, chiều cao không tăng, da xanh xao, tóc mọc thưa, chậm biết đi, chậm mọc răng, ít ăn, kém linh hoạt… đều là những biểu hiện bé rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng.
Trong trường hợp này mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn loại sữa năng lượng cao phù hợp với cơ thể của bé, cách uống, uống trong bao lâu để mang lại lợi ích tốt nhất cho cơ thể.
Bé thường xuyên ăn không hết bữa
Mẹ thấy bé thường xuyên ăn không hết bữa ăn của mình, không rõ nguyên nhân vì sao, băn khoăn có nên dùng sữa cao năng lượng bổ sung chất dinh dưỡng hay không. Trong trường hợp chưa biết rõ nguyên nhân mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời gợi ý hướng xử lý phù hợp, tránh lạm dụng sữa năng lượng cao gây ảnh hưởng đến bé.