Bé yêu đang lớn khôn, mẹ vội vàng muốn tập cho bé kỹ năng nhai, nuốt, sau này con ăn thô giỏi hơn. Có nhà ông bà cũng liên tục hối thúc bố mẹ ăn quá sớm để con cứng cáp, bụ bẫm. Ti tỉ ý kiến này, phương án kia, mà sức khỏe của con lại quan trọng, mẹ muốn tìm hiểu kỹ xem cho con ăn dặm sớm có tốt không, từ đó cân nhắc điều chỉnh lịch sinh hoạt cho con yêu.
1.MẸ ĐÃ THỰC SỰ HIỂU ĐÚNG VỀ ĂN DẶM SỚM?
Mẹ ơi trước thời điểm bé có thể ăn dặm 1-2 tuần mà mẹ cho bé ăn dặm thì được coi là ăn dặm sớm rồi đó. Cụ thể là:
Theo Tổ chức Y Tế thế giới WHO, 6 tháng tuổi là thời điểm bé nên tập ăn dặm. Mẹ cho bé ăn trước khoảng thời gian này được gọi là ăn dặm sớm.
Khi bé yêu chưa có dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm mà mẹ đã tập cho ăn cũng được coi là ăn dặm sớm mẹ nhé. (Dấu hiệu bé sẵn sàng ăn dặm như giữ được tư thế ngồi cân bằng, cân nặng tăng gấp đôi so với khi sinh, phản xạ đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn, bé thích thú với thức ăn mà bố mẹ, ông bà đưa cho…).
Trường hợp bé được 5,5 tháng trở lên và đã xuất hiện các dấu hiệu ăn dặm được thì không sao, bé vẫn đang ăn theo đúng khuyến cáo của chuyên gia đó ạ.
2.CHO TRẺ ĂN DẶM SỚM CÓ TỐT KHÔNG?
Việc cho bé cưng ăn dặm sớm không tốt đâu mẹ, nhiều khả năng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bé. Bởi vì bé còn quá nhỏ, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, các kỹ năng cầm, nắm, nhai, nuốt còn yếu, mẹ cho ăn sớm bé dễ bị quá tải, có khi còn dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, dần dần khiến con sợ hãi ăn dặm.
3.NGUY HẠI TỪ VIỆC ĂN DẶM SỚM
Giảm dung nạp dinh dưỡng từ sữa
Việc cho bé ăn dặm quá sớm có thể khiến bé bỏ lỡ những dưỡng chất quan trọng trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Mẹ có thể hiểu đơn giản là, thức ăn luôn có nhiều màu sắc và hương vị riêng, khi làm quen quá sớm con dễ bị thu hút bởi thức ăn và bỏ qua sữa mẹ (sữa công thức), bé cứ chăm chăm đòi ăn dặm, mẹ đưa sữa thì sẽ lè lưỡi, ngoảnh mặt, không chịu bú.
Điều này khiến con giảm dung nạp dinh dưỡng quan trọng từ sữa như oligosaccharide cung cấp lợi khuẩn tốt cho đường ruột, hơn 40 loại enzyme tăng cường miễn dịch, prolactin giúp cân bằng sinh hóa… Con dễ bị tiêu chảy, ốm vặt và cảm lạnh, tệ hơn là dị ứng và nổi mẩn đỏ khắp người.
Bé dễ bị hóc đồ ăn
Ở giai đoạn 4-5 tháng, hệ tiêu hóa của bé cưng còn non yếu, con hầu như chỉ tiêu thụ được mỗi sữa, vì sữa rất lành tính, kết cấu lỏng giúp con dễ nuốt chửng. Nếu mẹ chuyển cho con sang ăn dặm sớm, con khó làm quen với kết cấu của thức ăn, dẫn tới bị nghẹn, hóc. Lượng dưỡng chất đa dạng và mới lạ đến từ nhiều loại thực phẩm khiến gan và thận hấp thụ không kịp, con bị đầy hơi, khó tiêu thậm chí còn đau dạ dày và nôn ói liên tục.
Bé từ chối măm măm
Nếu tập cho con ăn dặm khi bé chưa đủ cứng cáp, chưa ngồi vững, mẹ buộc phải cho bé ngồi vào lòng như khi cho bú. Điều này có thể khiến bé nhầm tưởng sẽ được ti mẹ, và khi không đạt được điều mình mong muốn, bé có thể từ chối thức ăn. Hơn nữa, việc vận động cơ hàm để nhai nuốt thức ăn khi còn quá nhỏ cũng dễ làm con bị mỏi, đâm ra chán nản và từ chối măm măm.
Bé tăng cân mất kiểm soát
Việc cho bé ăn dặm sớm làm tăng nguy cơ béo phì cao gấp 6 lần. Bởi lẽ, thức ăn dặm phong phú, chứa nhiều calories và chất béo khiến con tăng cân mất kiểm soát. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bé dễ mắc các bệnh liên quan đến khả năng chuyển hóa như tiểu đường, bệnh Coeliac nếu ăn dặm quá sớm. Con sẽ mệt mỏi, khó chịu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giải trí, học tập và tìm tòi thế giới xung quanh.
4.MÁCH MẸ 3 CÁCH CHỮA CHÁY NẾU CHO BÉ ĂN DẶM QUÁ SỚM
Cho bé cai ăn dặm dần
Nếu đã ăn dặm rồi, mẹ không nên ngưng cho con ăn đột ngột, dễ làm con bị sốc và lầm tưởng rằng mẹ không thương con, giận nên mới cắt đồ ăn của con. Thay vào đó, mẹ hãy thực hiện cai ăn dặm dần mẹ nhé.
Ví dụ bình thường mẹ đang cho con ăn dặm 2 bữa/ ngày thì ngày đầu tiên của lịch trình cai, mẹ vẫn cho con ăn 2 bữa nhưng giảm lượng thức ăn xuống, trước đó con măm 1 lần một bát cơm thì giờ mẹ cho ăn ⅔ bát thôi. Ngày thứ hai mẹ tiếp tục giảm xuống còn ½ bát. Sang ngày kế tiếp, mẹ cắt còn một bữa, cho con khoảng ⅓ bát. Ngày 4-5 vẫn giữ nguyên như vậy, sang ngày thứ 6 con hết đòi ăn dặm là mẹ đã cai thành công rồi đó.
Khi con được 5-6 tháng tuổi hoặc con có các dấu hiệu đã sẵn sàng ăn dặm, mẹ tập cho con ăn các món phù hợp để luyện nhai, ăn uống giỏi y như người lớn.
Theo dõi sức khỏe bé thường xuyên
Ăn dặm sớm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Do đó mẹ cần thường xuyên quan sát, theo dõi sức khỏe của con, nếu phát hiện vấn đề bất thường, bé khó thở, dị ứng nặng hoặc tiêu chảy kéo dài, mẹ cho con thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân xử lý, tránh kéo dài quá lâu làm con mệt mỏi, chậm lớn.
Làm công tác tư tưởng cho ông bà
Nhiều mẹ bỉm chưa có kinh nghiệm chăm con, mới lên chức thường rất lo lắng khi tập ăn dặm cho con, mẹ nghe ông bà bảo gì làm nấy. Lỡ cho con ăn dặm quá sớm rồi nhưng nếu đột nhiên cai ăn dặm, ông bà sẽ hỏi tại sao rồi lại cấm cản, bắt mẹ phải tiếp tục cho bé ăn, nếu không bé sẽ thấp còi và kém phát triển.
Mách mẹ cách chữa cháy bằng cách làm tư tưởng cho ông bà. Chẳng hạn mẹ cho ông bà đọc sách, báo, rủ ông bà cùng đi nghe các hội thảo tư tưởng, cách chăm con, cho các ông bà xem chương trình tivi nói về tác hại xấu của cho con ăn dặm sớm để ông bà hiểu, cùng với mẹ đưa con trở về lịch trình ăn dặm khoa học, giúp con khôn lớn và khỏe mạnh.