CÔNG TY CỔ PHẦN QUỐC TẾ DƯỢC PHẨM HADU

27

Th 05

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO MẸ BẦU

CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO MẸ BẦU

  • admin
  • 0 bình luận

1.DINH DƯỠNG THAI KỲ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỨC KHỎE MẸ VÀ BÉ NHƯ THẾ NÀO?

Áp dụng khẩu phần dinh dưỡng tốt sẽ giúp sức khỏe mẹ bầu được củng cố, hỗ trợ thai nhi phát triển thuận lợi hơn. Cụ thể, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu sẽ có ảnh hưởng đến thể trạng của mẹ và bé như sau:

ẢNH HƯỞNG ĐẾN THỂ TRẠNG BÀ BẦU, KHẢ NĂNG TĂNG TRƯỞNG CỦA THAI NHI

Mẹ bầu cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng để củng cố sức khỏe cho bản thân cũng như góp phần giúp thai nhi hình thành, phát triển thuận lợi. Khẩu phần ăn uống của mẹ bầu cũng quyết định đến chiều cao cân nặng của trẻ khi chào đời. Thai nhi sẽ tăng cân tốt, đều đặn nếu mẹ bầu được cung cấp đủ chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống. Vì vậy, vấn đề bà bầu ăn gì được nhiều người quan tâm.

Ngược lại nếu chế độ dinh dưỡng của bà bầu bị thiếu chất, thai phụ sẽ có nguy cơ sinh con nhẹ cân, non tháng. Trẻ nhẹ cân, non tháng khi lớn lên sẽ dễ mắc bệnh mạch vành, tiểu đường, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến chức năng phổi, giảm dự trữ thận, dậy thì trễ, có tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn…

DINH DƯỠNG CHO BÀ BẦU LIÊN QUAN ĐẾN DỊ TẬT BẨM SINH Ở TRẺ

Nếu mẹ bầu không nhận đủ dưỡng chất, đặc biệt là trong 3 tháng đầu sẽ dễ suy giảm sức đề kháng, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, có thể gây ra tình trạng khuyết tật ở thai nhi như hở hàm ếch, sứt môi… Bên cạnh đó, vấn đề thiếu axit folic ở mẹ bầu chính là tác nhân chính khiến thai nhi bị dị tật ống thần kinh.

DINH DƯỠNG THAI KỲ LIÊN QUAN ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ CỦA BÉ

Từ ngày 18 của thai kỳ, phôi có mầm mống hình thành não bộ. Não bộ đã có đủ thành phần khi phôi được 3 tháng. Ở tuần thứ 20, não của thai nhi sẽ dần hoàn thiện các chức năng và gia tăng khối lượng mạnh mẽ. Kể từ tuần thứ 20 đến lúc chào đời, tế bào thần kinh sẽ kết nối phức tạp hơn, kích thước của não bộ sẽ tăng gấp 6 lần. Toàn bộ quá trình trên cần rất nhiều chất dinh dưỡng như kẽm, sắt, choline, vitamin D, B6. B12, iod, đồng, mangan, axit folic.

Não bộ sẽ trưởng thành và tăng trưởng nhanh chóng trong tam cá nguyệt thứ 3. Do đó thai phụ cần dung nạp đủ nhu cầu về dưỡng chất và năng lượng. Mẹ bầu có chế độ ăn đủ DHA, axit béo không no sẽ giúp thai nhi sở hữu hệ tim mạch khỏe mạnh, thị giác tốt và thông minh hơn.

NHU CẦU NĂNG LƯỢNG CỦA MẸ TRONG GIAI ĐOẠN THAI KỲ

Nhu cầu năng lượng của chị em phụ nữ khi mang thai và cho con bú sẽ tăng so với lúc chưa có thai. Vì trong thời kỳ này, khối lượng cơ thể và hoạt động chuyển hóa đều tăng. Nếu năng lượng không được cung cấp đủ trong thời gian dài thì thai phụ sẽ dễ bị thiếu năng lượng trường diễn. Bên cạnh đó, bào thai cũng sẽ dễ gặp tình trạng suy dinh dưỡng.

Ngược lại, việc cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu kéo dài sẽ năng lượng thừa tích lũy dưới dạng mỡ. Mẹ bầu một khi tăng cân quá đà sẽ đối mặt với nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ, trẻ lúc chào đời cũng nặng cân hơn bình thường cũng gây ra tình trạng sinh khó và nhiều tai biến lúc sanh. Vì thế khẩu phần dinh dưỡng cho mẹ bầu phải thật cân đối để đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, không để bị thừa hay thiếu.

Cân nặng của mẹ bầu thường tăng trung bình từ 10-12kg trong suốt thai kỳ. Ở 3 tháng đầu, thai phụ nên tăng khoảng 1kg. Trong tam cá nguyệt thứ 2 và 3, mẹ bầu sẽ tăng khoảng 300 gram/ tuần. 

2.THÁP DINH DƯỠNG CHO BÀ BẦU

Tháp dinh dưỡng cho bà bầu được Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia khuyến nghị áp dụng sẽ giúp mẹ xây dựng thực đơn ăn uống một cách hợp lý, lành mạnh, khoa học. Chế độ ăn uống cho bà bầu cần được quan tâm, chú trọng vào nhóm thực phẩm chứa những dưỡng chất, khoáng chất quý giá để hỗ trợ thai nhi phát triển tốt hơn. Vì thế, thực đơn cho bà bầu cần phải đảm bảo sự cân bằng dinh dưỡng.

Tháp dinh dưỡng cho bà bầu sẽ có 7 tầng. Những mục ở dưới cùng rộng hơn ứng với nhóm thực phẩm mà bạn cần dung nạp thường xuyên. Ngược lại, các mục ở trên hẹp hơn, ứng với nhóm thực phẩm ít dùng. Tháp dinh dưỡng cho bà bầu cũng giống với tháp của người trưởng thành. Thế nhưng ở mỗi tầng vẫn có sai khác về đơn vị. Các tầng của tháp dinh dưỡng mẹ bầu cụ thể gồm có:

NƯỚC

Nước được xếp vào tầng 1 trong tháp dinh dưỡng dành cho thai phụ. Mẹ bầu ở 3 tháng đầu cần uống 1600ml nước/ ngày. Thai phụ ở tam cá nguyệt thứ hai nên dùng 1800ml nước/ ngày. Bước sang 3 tháng cuối thai kỳ, chị em nên uống 2000ml nước/ ngày. Nước canh, nước ép trái cây, nước lọc được tính chung vào nhóm nước. Khẩu phần dinh dưỡng cho bà bầu nhất định không thể thiếu nước. Vì nước mang đến cho cả mẹ và thai nhi nhiều lợi ích, ví dụ như:

Nước sẽ hấp thụ dưỡng chất từ thực phẩm mà mẹ đã ăn rồi vận chuyển khoáng chất, vitamin thiết yếu đến những tế bào máu. Dưỡng chất sẽ được tế bào máu mang đến cho em bé qua nhau thai. Nước góp phần tạo điều kiện thuận lợi để các chất dinh dưỡng được vận chuyển đến thai nhi.

Nước còn có khả năng giúp mẹ bầu ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, táo bón, trĩ…

NGŨ CỐC

Ngũ cốc được xếp vào tầng 2 trong tháp dinh dưỡng của mẹ bầu. Ngũ cốc, lúa mì, gạo lứt, bánh ngọt, bánh mì, bún phở, cơm… đều nằm ở tầng này. Tầng thực phẩm ngũ cốc sẽ cung cấp cho mẹ bầu lượng lớn carbohydrate, ảnh hưởng nhiều đến cân nặng. Do đó, việc hạn chế dùng thực phẩm ở tầng 2 có thể giúp thai phụ kiểm soát khối lượng cơ thể.

Tuy nhiên chị em không nên áp dụng chế độ ăn kiêng low-carb trong thai kỳ. Vì carbohydrate sẽ cung cấp cho bạn nguồn năng lượng và chất xơ thiết yếu. Thế nhưng bạn vẫn cần chọn dùng carbohydrate một cách thông minh, cụ thể như sau:

Ngũ cốc nên ăn: Mẹ bầu hãy dung nạp carbohydrate từ ngũ cốc nguyên hạt, ví dụ như gạo lứt, bánh mì nâu, sản phẩm có thành phần lúa mì 100%.... Những loại thực phẩm này sẽ giúp ổn định đường huyết ở mức tối ưu và cung cấp chất xơ cho cơ thể.

Ngũ cốc nên tránh: Thai phụ nên tránh dùng thực phẩm tinh chế như mì ống, bánh mì trắng, bánh ngọt… Vì carbohydrate trong thực phẩm này sẽ dễ chuyển hóa thành đường.

RAU VÀ QUẢ

Rau và quả được xếp vào tầng thứ 3 trong tháp dinh dưỡng cho mẹ bầu. Theo đó, mẹ bầu được khuyến nghị dùng khoảng 4 đơn vị rau và 4 đơn vị quả mỗi ngày. Mỗi đơn vị rau/ quả tương ứng với 80gram.

Trái cây là nguồn cung cấp dưỡng chất tuyệt vời, giúp thai nhi phát triển toàn diện. Trái cây còn làm giảm cảm giác thèm ngọt, góp phần giữ đủ nước cho cơ thể. Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu mỗi ngày nên bao gồm tối thiểu 3-4 loại trái cây.

Rau xanh vốn là nhóm thực phẩm vô cùng hữu ích, bạn nên tiêu thụ nhiều. Bên cạnh nguồn dưỡng chất lành mạnh, rau còn cung cấp hàm lượng chất xơ tuyệt vời, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động thuận lợi. Khẩu phần dinh dưỡng cho mẹ bầu nên chứa nhiều loại rau màu sắc đa dạng.

THỊT, HẢI SẢN, TRỨNG VÀ CÁC LOẠI ĐẬU

Chúng được xếp vào tầng thứ 4 trong tháp dinh dưỡng cho mẹ bầu. Đây là nhóm thực phẩm sở hữu nhiều protein. Protein (đặc biệt là những loại axit amin tạo nên protein) có trách nhiệm quan trọng giúp thể chất của thai nhi phát triển. Mẹ bầu nên bổ sung protein nhiều hơn trong tam cá nguyệt thứ 2 và 3.

Khẩu phần dinh dưỡng cho mẹ bầu nên có những thực phẩm sở hữu nhiều protein, cụ thể là thịt, trứng, hải sản (tránh những loại chứa hàm lượng thủy ngân cao). Mẹ bầu cũng có thể bổ sung protein từ các loại hạt, đậu, ví dụ như đậu nành, đậu gà, đậu lăng, hạnh nhân…

SỮA VÀ CÁC SẢN PHẨM TỪ SỮA

Sữa và những sản phẩm từ sữa được xếp vào tầng thứ 5 trong tháp dinh dưỡng bà bầu. Tầng này sẽ cung cấp cho mẹ bầu và thai nhi lượng lớn canxi. Canxi sẽ giúp cho cơ bắp, răng, xương của bé phát triển. Ngoài ra, dưỡng chất này cũng rất hữu ích cho hệ thần kinh và tim mạch của thai nhi. 

CHẤT BÉO LÀNH MẠNH

Chất béo lành mạnh được xếp vào tầng thứ 6 trong tháp dinh dưỡng cho bà bầu. Đậu lăng, các loại hạt… là nguồn thực phẩm điển hình có chứa chất béo tốt. Loại dưỡng chất này sẽ hữu ích cho thị giác, mắt, giúp nhau thai phát triển thuận lợi. Do đó khẩu phần dinh dưỡng cho bà bầu nên được bổ sung với lượng chất béo đầy đủ.

ĐƯỜNG VÀ MUỐI

Đường và muối được xếp vào tầng đỉnh chóp trong tháp dinh dưỡng của bà bầu. Mỗi ngày, mẹ bầu chỉ nên dùng 1 ít đường, muối, cụ thể là 5 đơn vị (5g muối, 5g đường). 

3.CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO BÀ BẦU TRONG TỪNG GIAI ĐOẠN

Mỗi giai đoạn của thai kỳ sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau để củng cố sức khỏe cho bà bầu, giúp em bé phát triển. Do đó, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu phải được xây dựng một cách đúng đắn, khoa học, cụ thể như sau:

DINH DƯỠNG CHO MẸ TRONG 3 THÁNG ĐẦU THAI KỲ

Cố gắng dung nạp nguồn thực phẩm đa dạng: Trong tam cá nguyệt đầu tiên, nhiều thai phụ sẽ bị ốm nghén, cảm thấy buồn nôn, khó chịu khi ăn. Thế nhưng ngay cả khi không ăn được nhiều thì mẹ bầu cũng cần cố gắng bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể thông qua nguồn thực phẩm đa dạng, đặc biệt là trái cây, rau xanh… Vì ở giai đoạn này, hầu hết các cơ quan quan trọng của phôi đang hình thành.

Nên bổ sung axit folic, canxi, sắt: Nếu trước đó chị em chưa bổ sung axit folic thì hãy tìm cách dung nạp loại dưỡng chất này ngay khi biết bản thân mang thai. Liều lượng phù hợp là khoảng 400mcg axit folic/ ngày. Song song đó mẹ bầu đừng quên tăng cường bổ sung canxi, sắt, để phòng tránh nguy cơ loãng xương, thiếu máu đồng thời dung nạp đến cuối thai kỳ. Thai phụ có thể dùng vitamin tổng hợp, chứa canxi, sắt, axit folic trong thành phần theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Hãy tránh xa yếu tố gây hại: Thai nhi trong 3 tháng đầu rất nhạy cảm với những tác nhân bên ngoài, điển hình là hóa chất, rượu bia, chất kích thích. Vì thế chế độ ăn uống cho bà bầu phải được xây dựng thật lành mạnh, khoa học, tránh những tác nhân kể trên.

DINH DƯỠNG CHO MẸ TRONG 3 THÁNG GIỮA THAI KỲ

Chế độ dinh dưỡng 3 tháng giữa thai kỳ có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần giúp em bé phát triển thuận lợi, nâng cao sức khỏe cho mẹ bầu. Dưới đây là một số vấn đề bạn đọc cần lưu ý khi xây dựng khẩu phần dinh dưỡng cho bà bầu ở tam cá nguyệt thứ hai:

Nên bổ sung thực phẩm chứa kẽm: Đa số mẹ bầu đã không còn ốm nghén trong 3 tháng giữa thai kỳ nên thấy ngon miệng hơn khi ăn. Đối với thai nhi, các cơ quan, não bộ đang dần hoàn thiện, hệ xương cũng phát triển mạnh. Do đó mẹ bầu cần bổ sung thêm khoảng 20mg kẽm mỗi ngày thông qua thực phẩm. Nếu tình trạng thiếu kẽm diễn ra, em bé sẽ thấp bé, nhẹ cân, tiềm ẩn nguy cơ dị tật.

Ưu tiên thực phẩm giàu canxi: Thai nhi trong tam cá nguyệt thứ hai sẽ phát triển chiều cao, khung xương nhanh chóng. Do đó khẩu phần dinh dưỡng cho mẹ bầu nên có các thực phẩm giàu canxi như trứng, sữa, tôm, cua… Thai phụ hãy đảm bảo cung cấp khoảng 1.200mg/ ngày.

DINH DƯỠNG CHO MẸ TRONG 3 THÁNG CUỐI THAI KỲ

Mẹ bầu nhất định phải quan tâm đến chế độ ăn trong 3 tháng cuối thai kỳ. Có như thế bản thân người mẹ và thai nhi mới sở hữu thể trạng tốt, sẵn sàng cho quá trình sinh nở. Khi xây dựng khẩu phần ăn cho bà bầu trong tam cá nguyệt thứ 3, bạn cần lưu ý đến những điều dưới đây:

Mẹ bầu cần gia tăng khẩu phần ăn: Cân nặng thai nhi sẽ có bước phát triển vượt bậc trong 3 tháng cuối thai kỳ. Do đó vào giai đoạn này, mẹ bầu cần tăng khẩu phần ăn ở mức khoảng 2500g/ ngày để giúp em bé tăng cân tốt.

Bổ sung thêm vitamin C: Thai phụ cần bổ sung thêm nguồn vitamin C lành mạnh từ thực phẩm để hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi và sắt tốt hơn, hạn chế nguy cơ vỡ ối dẫn đến tình trạng sinh non (thiếu vitamin C).

Tăng cường dung nạp chất xơ, tránh thức ăn khó tiêu hóa: Ở tam cá nguyệt thứ 3, mẹ bầu sẽ dễ bị đầy bụng, táo bón do hormone thay đổi, em bé có kích thước lớn hơn gây áp lực lên bàng quang, vùng chậu. Để tránh gặp tình trạng này, thai phụ nên bổ sung nhiều chất xơ thông qua chế độ dinh dưỡng, tránh dùng món khó tiêu hóa.

4.CÁC CHẤT DINH DƯỠNG QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI MẸ BẦU

Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu phải có đủ những dưỡng chất hữu ích, góp phần cải thiện, nâng cao sức khỏe mẹ và bé. Vì chất dinh dưỡng cho bà bầu cũng rất đa dạng, sở hữu những tác dụng khác nhau. Dưới đây là những nhóm chất dinh dưỡng quan trọng mà mẹ bầu nên bổ sung trong thai kỳ:

CANXI

Khẩu phần dinh dưỡng cho bà bầu cần có đầy đủ canxi. Vì canxi giúp hệ xương, răng của mẹ và bé chắc khỏe hơn. Canxi còn hỗ trợ hệ ống thần kinh, tuần hoàn hoạt động tốt, ngăn ngừa hình thành cục máu đông, hỗ trợ hữu ích cho sự phát triển cơ bắp.

Nếu không dung nạp đủ canxi, cơ thể lấy loại khoáng chất này từ xương của thai phụ để cung cấp cho em bé. Như thế sẽ khiến mẹ bầu dễ bị nhức xương, gặp khó khăn khi di chuyển… Trẻ bị thiếu canxi có nguy cơ mắc bệnh về xương khớp, còi xương.

AXIT FOLIC

Axit folic (vitamin B9) có vai trò quan trọng với thai nhi, giúp làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh. Loại dị tật này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tủy sống và não của thai nhi, điển hình là nứt đốt sống não cũng như các bệnh lý khác về não. Mẹ bầu thiếu axit folic sẽ có nguy cơ suy nhược, dễ bị thiếu máu, sinh non.

SẮT

Sắt được cơ thể dùng để tạo huyết sắc tố. Mẹ bầu sẽ cần gấp đôi lượng sắt so với lúc trước mang thai. Vì cơ thể cần nhiều sắt để sản sinh máu mang oxy tới cho thai nhi. Mẹ bầu có thể bị thiếu máu do thiếu sắt nếu không có đủ sắt. Lúc này thai phụ dễ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, thường bị ốm vặt.

Nếu chứng thiếu máu thiếu sắt khi mang thai diễn ra nghiêm trọng sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, con nhẹ cân… thậm chí khiến thai chết lưu. Bên cạnh đó, người mẹ cũng có thể bị trầm cảm sau sinh, gặp biến chứng sản khoa như nhiễm khuẩn, băng huyết. Trẻ sinh ra xanh xao, không được khỏe mạnh, dễ mắc bệnh.

CHOLINE

Mẹ bầu cần bổ sung choline sẽ giúp thai kỳ hạn chế nguy cơ gặp chứng khuyết tật ống thần kinh, đồng thời hỗ trợ trẻ phát triển não bộ tốt hơn. Với thai phụ, choline mang đến công dụng nâng cao sức khỏe của hệ xương, ngăn ngừa tình trạng cao huyết áp.

DHA

DHA là một trong những loại axit béo Omega 3 hữu ích cho quá trình phát triển não bộ và thị lực của thai nhi. Bên cạnh đó, DHA còn hạn chế mắc bệnh tim ở mẹ bầu. 

VITAMIN D

Vitamin D khi phối hợp với canxi sẽ hỗ trợ răng và xương của thai nhi phát triển thuận lợi. Vitamin D cũng giúp cơ thể chuyển hóa và hấp thụ photpho, canxi dễ dàng hơn. Nếu thai phụ thiếu vitamin D sẽ có nguy cơ gặp chứng tiền sản giật. Thai nhi thiếu vitamin D có thể bị loãng xương, xương thủy tinh, còi xương bẩm sinh.

PROTEIN

Thai nhi cần protein để phát triển, hoàn thiện các cơ quan, bộ phận trên cơ thể, ví dụ như mô, não… Đối với mẹ bầu, protein cũng góp phần giúp tử cung và mô vú tăng trưởng, hỗ trợ tích cực cho quá trình sản sinh máu. Từ đó mẹ bầu có thể có đủ nguồn cung cấp máu cho thai nhi. Nhu cầu protein sẽ gia tăng trong mỗi 3 tháng của thai kỳ.

5.MẸ BẦU NÊN ĂN GÌ? KIÊNG GÌ?

Phụ nữ mang thai cần có khẩu phần ăn đa dạng để cung cấp cho cơ thể đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất cơ bản là chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Đồng thời bạn nên kiêng các món có thể chứa mầm bệnh, caffeine, rượu và bất cứ thứ gì không phải là thực phẩm. Vì bất cứ loại thức uống, thực phẩm nào mẹ bầu dung nạp vào cơ thể cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và thai nhi.

MẸ NÊN ĂN UỐNG NHỮNG LOẠI THỰC PHẨM NÀO?

  • Rau quả và trái cây: Mẹ bầu nên thường xuyên thưởng thức trái cây, rau quả như rau chân vịt, cà chua, bí đỏ, bắp cải, xoài, bơ, dâu tây… để nhận được nhiều chất dinh dưỡng hữu ích, điển hình như vitamin C, K, beta - carotene, kali, chất xơ, axit folic…
  • Ngũ cốc: gạo nâu, gạo lứt, bánh ngô, bánh mì nguyên cám, bánh mì ngũ cốc, bột yến mạch… đều là những thực phẩm hữu ích cho mẹ bầu. Các món ăn này sẽ cung cấp cho thai phụ hàm lượng dưỡng chất phong phú như vitamin B1, B2, axit folic, magie, sắt…
  • Sữa: Mẹ bầu nên ưu tiên dùng sữa và những sản phẩm từ sữa ít hoặc không béo. Bạn có thể dùng sữa gạo, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân… Những loại sữa kể trên sẽ cung cấp cho thai phụ nhiều chất dinh dưỡng như vitamin D, canxi, protein, kẽm…
  • Thực phẩm lành mạnh chứa protein: Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu nên có những thực phẩm lành mạnh sở hữu hàm lượng protein thiết yếu, ví dụ như thịt nạc, trứng, đậu, hải sản chứa ít thủy ngân…

MẸ KHÔNG NÊN ĂN UỐNG NHỮNG LOẠI THỰC PHẨM NÀO?

Khẩu phần dinh dưỡng thai kỳ không nên có những thành phần dinh dưỡng kém lành mạnh, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe mẹ và bé. Cụ thể thai phụ cần tránh những loại thực phẩm và đồ uống sau đây:

  • Rượu: Theo khuyến nghị của các chuyên gia, không có mức độ dùng rượu được xem là an toàn cho mẹ bầu hoặc chị em phụ nữ đang cố gắng mang thai. Tất cả các loại rượu, bia đều có hại như nhau. Cụ thể, thai phụ dùng rượu có thể khiến em bé bị khuyết tật trí tuệ, gặp vấn đề về thận, xương, tim mạch, thị giác, thính giác…
  • Caffeine: có thể khiến quá trình hấp thụ sắt bị cản trở, trong khi khoáng chất này thực sự cần thiết cho sự phát triển, tăng trưởng của thai nhi. Nếu mẹ bầu dung nạp quá nhiều caffeine sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, thai nhi dễ gặp tình trạng rối loạn hô hấp, nhịp tim.
  • Thực phẩm chứa mầm bệnh: Mẹ bầu nên tránh dùng những thực phẩm có nguy cơ gây bệnh ví dụ như trứng, thịt, hải sản chưa nấu chín, bột cookie thô, phô mai mềm làm từ sữa tươi hoặc sữa chưa tiệt trùng… Các thực phẩm này có thể chứa vi khuẩn, kí sinh trùng, virus gây hại cho sức khỏe.
  • Bất kỳ thứ gì không phải là thực phẩm: Một số mẹ bầu nghén những thứ kỳ lạ như tro, đất sét, bột giặt… Tuy nhiên, thai phụ tuyệt đối không được ăn những thứ đó để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và em bé trong bụng.

6.CÁC NGUYÊN TẮC VỀ DINH DƯỠNG ĐỂ BÀ BẦU CÓ THAI KỲ KHỎE MẠNH

ĐIỀU CHỈNH CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG PHÙ HỢP VỚI THỂ CHẤT CỦA MẸ

Cơ thể thai phụ có nhu cầu lớn về vitamin, khoáng chất, chất đạm ví dụ như canxi, sắt, axit folic… Vì thế chế độ ăn uống cho bà bầu mỗi ngày cần ưu tiên bổ sung các chất kể trên. Thông thường, khẩu phần của chúng ta hướng tới sự cân bằng về dưỡng chất, không quá tập trung vào các chất cố định. Do đó, chế độ ăn cần điều chỉnh lại phù hợp với nhu cầu của thai kỳ, giúp em bé phát triển tốt.

Không phải thai phụ cứ ăn với lượng nhiều sẽ đủ hàm lượng chất dinh dưỡng cần thiết. Trong mỗi giai đoạn của thai kỳ, cơ thể sẽ cần có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. 

KHÔNG ĂN NHỮNG LOẠI THỰC PHẨM TIỀM ẨN NGUY CƠ GÂY HẠI

Rượu bia, đồ uống chứa caffeine đều không có lợi cho sự phát triển của thai nhi, tiềm ẩn nguy cơ gây ra dị tật, tác động đến cảm xúc, khả năng tập trung và học tập sau này. Mặc dù cá, hải sản là thực phẩm tốt, giàu dưỡng chất, tuy nhiên trong 3 tháng đầu thai kỳ, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu không nên ăn những loại cá, hải sản chứa kim loại nặng, vì các chất này sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe của thai nhi.

Mẹ bầu cũng nên tránh ăn các loại thức ăn chưa được nấu chín như đồ tái, gỏi, trứng lòng đào…. vì có thể chứa hại khuẩn. Sữa tươi thanh trùng, chưa tiệt trùng cũng không nên xuất hiện trong khẩu phần dinh dưỡng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe mẹ và bé.

BỔ SUNG VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT ĐÚNG CÁCH

Thai phụ không nên chỉ bổ sung vitamin và vài loại khoáng chất với lượng quá liều. Bên cạnh đó, trước khi áp dụng chế độ dinh dưỡng bổ sung khoáng chất, vitamin, mẹ bầu cần kiểm tra thể chất, tình trạng sức khỏe cẩn thận, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Một số thai phụ chỉ cần dung nạp vitamin tự nhiên là đủ, nhưng cũng có trường hợp cần dùng thuốc chứa vitamin tổng hợp. Nếu mẹ bầu đang mắc bệnh lý nào đó, thì cần thông báo cho bác sĩ biết trước để có phương án tăng cường dưỡng chất, vitamin hợp lý. Mặc dù khoáng chất, vitamin rất hữu ích cho sức khỏe mẹ bầu nhưng bạn chỉ nên bổ sung lượng vừa đủ, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

KHÔNG ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ ĂN KIÊNG GIẢM CÂN TRONG THAI KỲ

Việc tăng cân khi mang thai có thể khiến mẹ bầu stress, lo âu, chán nản và tự ti. Thế nhưng vẫn có nhiều cách giúp bạn lấy lại sắc vóc sau sinh mà không cần áp dụng chế độ ăn kiêng trong thai kỳ, điển hình là luyện tập thể dục kết hợp với khẩu phần dinh dưỡng lành mạnh.

Ăn kiêng khi mang thai là việc làm sai lầm. Vì nếu bạn ăn kiêng, hàm lượng vitamin và khoáng chất sẽ bị giảm xuống. Trong khi đó, các dưỡng chất này đều rất cần thiết cho thai kỳ. Mặc dù mẹ có thể giữ được cân nặng khi ăn kiêng nhưng sức khỏe của con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

ĂN VỪA ĐỦ CHO MẸ VÀ BÉ, KIỂM SOÁT CÂN NẶNG THEO TỪNG THÁNG THAI KỲ

Mặc dù không nên ăn kiêng nhưng thai phụ vẫn nên kiểm soát tốt cân nặng của mình. Mức tăng cân của mẹ trong thai kỳ phải ở định mức cho phép để tránh gặp phải các nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Khẩu phần dinh dưỡng không nên có quá nhiều thực phẩm chứa calo, vì làm cân nặng gia tăng nhanh chóng nhưng cơ thể vẫn bị thiếu dưỡng chất.

CHIA NHỎ CÁC BỮA ĂN TRONG NGÀY

Chị em phụ nữ dễ bị khó tiêu, chán ăn, buồn nôn khi mang thai. Sự phát triển của thai nhi sẽ khiến cơ quan tiêu hóa và dạ dày của người mẹ bị chèn ép. Lúc này thai phụ khó có thể ăn với lượng nhiều trong bữa chính. Do đó, mẹ bầu nên chia nhỏ khẩu phần ăn thành 5-6 bữa/ ngày, bao gồm 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ.

Bạn có thể ăn bất cứ khi nào cảm thấy đói. Ngoài ra hệ tiêu hóa cũng hoạt động chậm chạp hơn trong thai kỳ, vì thế mẹ hãy bắt đầu ăn từ tốn với lượng vừa phải, tránh ăn nhiều món cùng một lúc.








 

Đối tác chiến lược

Hotline 1900 633 486
popup

Số lượng:

Tổng tiền: