Th 07
Một số loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và đặc tính chống viêm có thể giúp bảo vệ da, làm chậm tổn thương, giúp bạn trẻ trung hơn. Một số chất chống oxy hóa có thể giúp bạn giảm tác hại của tia UV. Ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và đặc tính chống viêm có thể làm chậm quá trình lão hóa. Cách ăn uống để có làn da khỏe mạnh hoặc trẻ trung hơn, là một quá trình lâu dài. Do đó không bao giờ là quá muộn để bắt đầu thay đổi chế độ ăn uống, ngay cả khi collagen, loại protein giúp mang lại độ đàn hồi cho da, bị tổn thương vĩnh viễn. Mất collagen có thể xảy ra do lão hóa, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hút thuốc hoặc ô nhiễm. Trong khi đó, nhiều yếu tố khác nhau như di truyền, căng thẳng, giấc ngủ và lượng nước uống đều có thể ảnh hưởng đến làn da và thực phẩm chúng ta ăn cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Mặc dù không có một loại thực phẩm nào có thể thay đổi quá trình lão hóa, nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh tổng thể có thể giúp tạo ra sự khác biệt trong cách chúng ta già đi. Dưới đây là 7 loại thực phẩm có thể giúp bảo vệ làn da: 1.BƠ MANG LẠI RẤT NHIỀU LỢI ÍCH CHỐNG LÃO HÓA Bơ là thành phần có trong rất nhiều sản phẩm làm đẹp. Kem dưỡng mắt, mặt nạ giấy và các sản phẩm chăm sóc da khác nhau có khả năng dưỡng ẩm cho da có thành phần của loại trái cây này. Ăn bơ cũng mang lại rất nhiều lợi ích chống lão hóa, tăng cường độ đàn hồi và độ săn chắc của da. Các nhà nghiên cứu cho rằng, thực phẩm giàu chất béo không bão hòa đơn và chất carotenoid chống oxy hóa có thể thúc đẩy da trẻ trung hơn. Carotenoid là sắc tố tự nhiên cũng được tìm thấy trong nhiều loại trái cây, rau và nấm, đồng thời chúng cũng có chức năng như chất chống oxy hóa có thể làm giảm thiểu thiệt hại các gốc tự do và stress oxy hóa gây ra. 2.CÀ CHUA Cà chua chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa có lợi cho da. Nhiều người dùng loại trái cây này trộn với sữa chua để làm mặt nạ tự nhiên. Ăn cà chua cũng giúp mang lại làn da tươi trẻ. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát từ năm 2001 cho thấy, tiêu thụ bột cà chua có thể giúp da chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời tốt hơn. 3.QUẢ MỌNG Quả mọng được biết là có lợi cho sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, nhưng chúng có thể giúp bảo vệ làn da trong mùa hè. Dây tây, việt quất, quả mâm xôi… có chứa chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa tổn thương, bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia cực tím và các chất chống ô nhiễm. 4.SOCOLA ĐEN Socola đen chứa chất chống oxy hóa có thể bảo vệ da khỏi tia UV và thúc đẩy lưu lượng máu trong da. Nếu bạn muốn kết hợp socola đen vào thói quen chống lão hóa của mình, nên sử dụng loại socola đen có ít nhất 70% để có được tác dụng chống oxy hóa cao nhất. Socola sữa không mang lại lợi ích tương tự và hàm lượng đường cao thậm chí có thể gây hại cho làn da của bạn. Thực phẩm có hàm lượng đường cao thực sự có thể góp phần gây ra các dấu hiệu lão hóa như đường nhăn và nếp nhăn. 5.TRÀ XANH Trà xanh rất giàu polyphenol, có thể hỗ trợ sức khỏe đường ruột và ngăn ngừa tổn thương tế bào. Epigallocatechin - 3 -gallate (EGCG), hợp chất polyphenol có nhiều nhất trong trà xanh, đã được chứng minh là có tác dụng giảm viêm da và chống lại vi khuẩn gây mụn. 6.CÁ BÉO Cá mòi, cá hồi và các loại hải sản khác chứa nhiều axit omega 3 có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chúng cũng là nguồn cung cấp protein tuyệt vời có thể giúp giảm bớt các dấu hiệu lão hóa. Mất khối lượng cơ là điều bình thường trong quá trình lão hóa, đặc biệt là khi một người không tiêu thụ đủ chất đạm trong chế độ ăn uống của mình. Do đó việc tiêu thụ đủ protein nạc rất quan trọng khi chúng ta già đi. 7.QUẢ HẠCH Hạnh nhân là một trong những thực phẩm chống lão hóa tốt vì chúng là nguồn cung cấp chất béo và chất xơ lành mạnh. Dùng các loại hạt này rất linh hoạt, có thể kết hợp trong sinh tố, dùng như một món ăn nhẹ khi di chuyển hoặc thêm vào các món ăn khác.
Th 07
Trẻ em còn nhỏ thường hay bệnh, biểu hiện qua một số triệu chứng. Có những triệu chứng không nên bỏ qua ở trẻ em vì đó là dấu hiệu của vấn đề về sức khỏe cần được can thiệp. Giải mã các triệu chứng của trẻ là một phần không thể thiếu trong cuộc đời làm cha mẹ, giúp trẻ luôn được an toàn. Cha mẹ là người hiểu trẻ nhất nên hãy mạnh dạn hỏi, hoặc thậm chí đổi sang khám bác sĩ khác khi cảm thấy cần. Bạn cũng đừng quên rằng chẳng có đứa trẻ nào lớn lên mà không bị bệnh, dù là bệnh vặt hay bệnh nguy hiểm. Vậy nên, hãy luôn giữ đầu óc tỉnh táo để cân nhắc xem khi nào nên bình tĩnh chờ đợi và khi nào cần hành động. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh hãy theo dõi con trẻ, đừng bỏ lỡ hay làm ngơ khi thấy các triệu chứng dưới đây: 1.KHÔNG PHẢN HỒI Nếu trẻ không thể thức dậy hoặc trở nên thụ động một cách bất thường, không tỏ ra hứng thú với điều gì (chẳng hạn như đồ chơi mà thường ngày trẻ yêu thích) thì bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Không phản hồi là một triệu chứng đáng lo ngại. Những thay đổi về khả năng phản hồi, tương tác với thế giới xung quanh, đặc biệt là sau lúc té ngã hay bị va đập phần đầu là dấu hiệu cho thấy trẻ cần nhập viện ngay lập tức hoặc sau đó vài giờ (khi người xung quanh bắt đầu nhận thấy những bất thường của trẻ). 2.KHÓ THỞ Hãy gọi cấp cứu nếu trẻ không thở được. Trong trường hợp trẻ thở dốc, thở hổn hển, thở khò khè, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Khó thở hay ho một cách kỳ lạ là triệu chứng không nên bỏ qua, chứng tỏ trẻ gặp vấn đề hô hấp và cần được can thiệp càng sớm càng tốt. Nếu trẻ bị ho quá mức có thể là do: Mắc bệnh suyễn: Đây là căn bệnh nghiêm trọng mà phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ cẩn thận. Có vật gì đó chặn ở thực quản, khí quản của trẻ: Hãy kiểm tra lồng ngực của trẻ có đang phập phồng theo nhịp thở không, có luồng khí lưu thông ở ổ mũi không, và xem vùng quanh miệng, móng tay, môi trẻ, xem làn da có bị tái nhợt đi không. 3.MẤT NƯỚC Cơ thể phải đủ nước thì mới có thể hoạt động bình thường được. Mất nước là do trẻ uống không đủ nước, hoặc do nôn mửa, tiêu chảy, tập thể dục nhiều mà không bù nước. Trẻ có biểu hiện lờ đờ, thờ ơ, cáu kỉnh, không đi tiểu được hoặc nước tiểu sẫm màu. Khi trẻ khóc thì mắt ráo hoảnh, không ra nước mắt, da hoặc môi khô. Trong khi bạn gọi bác sĩ, hãy tranh thủ cho trẻ uống nước để bù lại lượng nước đã hao hụt. 4.SỐT Sốt đôi khi rất đáng sợ, nhưng nó cũng là phản ứng bình thường của hệ thống miễn dịch. Nếu em bé bị sốt kèm theo co giật, hãy gọi cấp cứu. Gọi bác sĩ ngay nếu con bạn bị sốt một trong các trường hợp dưới đây: Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi: 38 độ C Trẻ từ 3-6 tháng: 39 độ C Trẻ từ 6-24 tháng: 39 độ C (kéo dài tới 24 tiếng đồng hồ mà chưa hạ sốt) Trẻ lớn hơn: 39 độ C (kéo dài tới 72 tiếng đồng hồ mà chưa hạ sốt) Thanh thiếu niên: 39,5 độ C (kéo dài 3 ngày trở lên mà chưa hạ sốt) Nếu con bạn bị sốt nhưng vẫn hoạt động và biểu hiện bình thường thì đừng lo lắng. Chỉ sốt đi kèm với ho và các triệu chứng khác thì mới cần quan sát và theo dõi trẻ kỹ hơn. 5.NHỨC ĐẦU, CHÓNG MẶT HOẶC NGẤT XỈU Cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ sau khi trẻ bị va đập vào vùng đầu và có một trong những triệu chứng dưới đây: Nôn mửa Thay đổi thị lực hoặc tâm trạng Hay nhầm lẫn, bối rối hoặc nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn Những biểu hiện nên trên cho thấy vùng não trẻ bị chấn động hoặc tổn thương nhẹ. Các bậc phụ huynh cũng hãy thận trọng với những cơn nhức đầu dai dẳng ở trẻ nhỏ hay cơn đau kèm theo nôn mửa. Nếu trẻ bị đau đầu kèm theo sốt và cổ bị cứng đơ, cần đưa đi cấp cứu ngay lập tức. 6.KHÓC MÃI KHÔNG DỨT Nếu em bé của bạn khóc mãi không dứt mà không chịu cho ai bế, hay tiếng khóc của bé nghe có vẻ không ổn, nhất là khi đang bị sốt thì bạn cần đưa bé đi bác sĩ. Trong thời gian chờ đợi, hãy kiểm tra xem ngón tay, ngón chân của bé có bị thứ gì như mác quần áo, chỉ thừa quấn quanh không… Đồng thời cần xem trên da trẻ có các vết như phát ban không. THƯỜNG XUYÊN ĐI TIỂU KÈM THEO SỤT CÂN, HAY KHÁT NƯỚC VÀ LỜ ĐỜ Thường xuyên đi vệ sinh, khát khô cổ, sụt cân và lờ đờ uể oải là các triệu chứng không nên bỏ qua ở trẻ vì đây là những dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 1. Vấn đề này có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ. Những triệu chứng nêu trên cũng là dấu hiệu của rối loạn ăn uống. Số lượng trẻ em bị rối loạn ăn uống có sự gia tăng, ở cả bé trai và bé gái. Chứng rối loạn ăn uống có hậu quả lâu dài, vì vậy phụ huynh không nên phớt lờ mà cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ. TIÊU CHẢY MÃN TÍNH VÀ NÔN MỬA Tiêu chảy và nôn mửa là cách mà cơ thể tự nó loại bỏ những thực phẩm xấu và các chất độc hại khác. Bị tiêu chảy/ nôn mửa một hoặc hai lần là bình thường, trong khi tiêu chảy/ nôn mửa mãn tính là triệu chứng đáng lo, báo hiệu cơ thể đang bị nhiễm trùng nghiêm trọng và dẫn đến mất nước. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh nên phải đưa đi gặp bác sĩ. Sau khi bị tiêu chảy hay nôn mửa, bạn cần xem xét sản phẩm đầu ra. Nếu phân có vẻ bất thường, có máu (trông như nhựa màu đen, vệt đỏ, đốm màu) hoặc mật (chất nhờn màu xanh lá cây) hoặc chất nhầy (chất nhờn màu trắng) thì hãy đưa con đi khám.
Th 07
Những gì ăn vào trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi mang thai. Mẹ bầu cần nhiều vitamin và khoáng chất hơn để giúp bé phát triển và duy trì sức khỏe của chính bản thân trong suốt thai kỳ. Nhu cầu năng lượng tùy theo trọng lượng cơ thể của mẹ, trung bình trong khoảng từ 1800kcal đến 2350kcal. Tuy nhiên, mức năng lượng khuyến nghị nói trên cho các bà mẹ có tình trạng dinh dưỡng bình thường khi mang thai, thì mức tăng cân khuyến nghị là từ 9-12kg trong suốt thai kỳ. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu thai kỳ, nhu cầu năng lượng của mẹ bầu tăng thêm một chút so với khi chưa có thai, khoảng 50kcal/ ngày so với lúc chưa có thai, tương đương với 50g thịt lợn, 1 quả trứng gà hoặc hơn một nửa cốc sữa… Mẹ bầu cần ăn đủ và cân đối 4 nhóm dưỡng chất dinh dưỡng thiết yếu (chất đạm, chất béo, chất bột đường, các vitamin và khoáng chất) cho thai kỳ trong suốt 9 tháng mang thai. Dưới đây là một số món ăn nhẹ giúp mẹ bầu có được dưỡng chất cần thiết đồng thời tránh cảm giác thèm ăn kém lành mạnh: 1.KHI THÈM ĂN KEM HÃY THỬ SINH TỐ SỮA CHUA Nếu mẹ bầu muốn thử gì đó mát lạnh và đậm đà, hãy thử sinh tố sữa chua. Sữa chua là nguồn cung cấp canxi dồi dào, cần thiết cho sự phát triển xương và răng của thai nhi cũng như chức năng của tim, thần kinh và cơ. Nếu mẹ bầu không tiêu thụ đủ canxi, cơ thể sẽ lấy từ xương. Sữa chua cũng cung cấp protein - khối xây dựng các cơ cũng như men vi sinh (vi khuẩn tốt giúp tiêu hóa thức ăn). Tuy nhiên cần chú ý đến các chất phụ gia trong sữa chua. Nhiều loại hương vị có chứa nhiều đường. Ngoài ra nếu mẹ bầu thích vị chua, hãy chọn sữa chua Hy Lạp vì nó chứa nhiều protein hơn. Các phần bổ trợ lành mạnh bao gồm: cacao, quả mọng (việt quất, dâu tây, mâm xôi…), bơ hạt, trái bơ. 2.KHI THÈM ĂN KHOAI TÂY CHIÊN HÃY THỬ HẠT ĐẬU KHÔ Khi thèm ăn khoai tây chiên, đồ ăn nhẹ từ hạt đậu khô là một lựa chọn thay thế lành mạnh hơn. Mẹ bầu có thể tìm thấy các phiên bản đậu xanh rang, đậu fava và đậu nành có hương vị khác nhau tại cửa hàng hoặc tự làm tại nhà. Đậu có chứa acid folic, rất cần thiết cho phụ nữ mang thai vì nó làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở tủy sống. Chúng cũng chứa nhiều chất sắt, được sử dụng để tạo ra nhiều tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể và đến thai nhi. Khi mang thai, mẹ cần lượng sắt gấp rưỡi lượng thông thường. Thiếu sắt hay thiếu máu là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai. Để tăng khả năng hấp thu sắt trong đậu, hãy kết hợp chúng với thực phẩm giàu vitamin C như ớt chuông thái lát, cam, dưa hoặc dâu tây. Tuy nhiên, đồ ăn nhẹ từ đậu khô đóng gói có hàm lượng natri khác nhau. Lượng natri dư thừa khiến mẹ bầu giữ nước và có thể dẫn đến phù, sưng tấy. Nếu thấy có dấu hiệu phù, sưng tấy đột ngột, hãy đến gặp bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, một tình trạng thai kỳ nguy hiểm. 3.THÈM ĂN MÓN GÌ ĐÓ NGON MIỆNG HÃY THỬ TRỨNG LUỘC CHÍN Khi muốn ăn một món gì đó thơm ngon và no bụng, trứng là một lựa chọn tốt. Đó là bởi vì lòng đỏ trứng là nguồn cung cấp choline tuyệt vời, một chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển trí não của bé. Có thể ăn trứng bất kỳ khi nào mẹ bầu cảm thấy đói. Chỉ cần đảm bảo trứng được luộc chín hoàn toàn để giảm nguy cơ mắc bệnh do thực phẩm. 4.THÈM ĐỒ ĂN VẶT HÃY THỬ CÁC LOẠI HẠT Khi mẹ bầu muốn thử một cái gì đó giòn hãy thử các loại hạt. Các loại hạt rất tốt để nhai trong thời kỳ mang thai vì chúng cung cấp protein, chất xơ, chất béo lành mạnh và khoáng chất. Ngoài ra, chúng còn là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nên mẹ bầu không cần phải ăn nhiều để thỏa mãn cơn đói, điều này rất lý tưởng cho mẹ bầu đang phải vật lộn với chứng buồn nôn hoặc những người có xu hướng no nhanh vào cuối thai kỳ. Bất kỳ loại hạt nào cũng được, nhưng quả óc chó đặc biệt có lợi vì chúng chứa acid béo omega 3, một loại chất béo thường có trong cá và giúp phát triển trí não của thai nhi. 5.CẦN TĂNG CƯỜNG CHẤT XƠ HÃY THỬ ĂN RAU Một trong những tác dụng phụ đáng tiếc khi mang thai là táo bón. Cùng với việc uống đủ nước, việc bổ sung nguồn chất xơ dồi dào như rau củ có thể giúp mẹ bầu duy trì hoạt động đều đặn. Rau cũng có chất chống oxy hóa, chất dinh dưỡng thực vật, vitamin và khoáng chất - những chất bảo vệ sức khỏe của tế bào và hỗ trợ hệ thống miễn dịch của mẹ bầu, hệ thống này bị giảm nhẹ khi mang thai. Việc lựa chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh không cần tốn nhiều sức. Ưu tiên dinh dưỡng khi mang thai bằng cách luôn có sẵn lựa chọn bổ dưỡng. Bằng cách đó khi bạn ăn một bữa ăn nhẹ thì đó sẽ là một bữa ăn tốt cho mẹ và thai nhi.
Th 07
Nhiều mẹ bầu thường băn khoăn loại sữa nào tốt, mẹ uống không tăng cân nhiều vào con không vào mẹ? Trong thời kỳ thai sản, mẹ bầu cần bổ sung nhiều loại dinh dưỡng để mẹ và bé đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, có những trường hợp mẹ không ăn uống được nhiều hoặc khó hấp thụ nên chất dinh dưỡng trong các loại thực phẩm là chưa đủ, do đó mẹ cần bổ sung thêm dưỡng chất từ sữa để dễ hấp thụ, tăng cường đề kháng, và tốt cho em bé. 1.TÁC DỤNG CỦA SỮA DÀNH CHO BÀ BẦU Khi đi khám thai, bác sĩ sẽ có những lời khuyên về dinh dưỡng cho bà bầu. Có mẹ được khuyến nghị bổ sung dinh dưỡng qua các bữa ăn hằng ngày là được. Với những mẹ ốm nghén nặng, thể trạng yếu phải bổ sung thêm sữa bầu để đảm bảo an toàn dinh dưỡng trong thai kỳ. Sữa là nguồn cung cấp đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất quan trọng cho quá trình phát triển của thai nhi, bao gồm: -Canxi: hỗ trợ hình thành xương khớp cho thai nhi, cung cấp lượng canxi cần thiết cho cơ thể mẹ. Giảm các nguy cơ như bé suy dinh dưỡng, còi xương cho canxi. -Sắt: giúp máu trong cơ thể sản sinh ra nhiều hơn, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu ở mẹ bầu. Giúp thai nhi tăng cân theo tiêu chuẩn cân nặng thai nhi. -Chất xơ: giảm tình trạng táo bón, tránh rối loạn tiêu hóa, giảm mỡ máu, tránh các vấn đề về tim mạch. -DHA: tăng cường trí thông minh, thị lực và hệ tim mạch tốt cho bé. -Kẽm: giúp thai nhi tăng phát triển chiều cao, và tăng cường hệ miễn dịch của bé. Ngoài ra, các loại sữa bà bầu còn giúp mẹ có thêm năng lượng, tránh hiện tượng phù nề tay chân, buồn nôn, chuột rút khi mang thai. 2.NÊN UỐNG SỮA BẦU KHI NÀO VÀ UỐNG BAO NHIÊU LÀ ĐỦ? Thông thường, mẹ bầu có thể uống sữa ngay khi biết mình có em bé. Nếu không khi thai nhi được 4 tuần tuổi là lúc mẹ cần bổ sung sữa bầu. Từ giai đoạn này, thai nhi bắt đầu phát triển mạnh mẽ về não bộ, hệ xương và răng. Đặc biệt ống thần kinh của thai nhi được hình thành trong khoảng 28 ngày đầu của thai kỳ. Mẹ không nên để xảy ra tình trạng thiếu hụt axit folic để đảm bảo thai nhi tránh khỏi nguy cơ dị tật ống thần kinh. Mẹ có thể duy trì uống sữa cả thai kỳ và kéo dài đến giai đoạn sau sinh. Tiếp tục uống sữa sau sinh giúp mẹ có thêm năng lượng, nhanh chóng phục hồi và có nhiều sữa cho con. Một phụ nữ mang thai có thể uống ba ly sữa, tốt nhất là loại ít béo hoặc không béo mỗi ngày để có thể hưởng đủ những lợi ích về dinh dưỡng. Tuy nhiên việc lựa chọn loại sữa bầu nào và lượng cụ thể là bao nhiêu còn phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý của mẹ. Vì vậy mẹ bầu tốt nhất hãy hỏi ý kiến bác sĩ đang theo dõi thai kỳ của mình để có câu trả lời chính xác nhất. 3.SO SÁNH CÁC LOẠI SỮA CHO BÀ BẦU Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sữa cho bà bầu lựa chọn nhưng sẽ được chia ra thành 3 nhóm chính: Sữa công thức, sữa tươi tiệt trùng và sữa tự nấu. Trong đó sữa công thức được chia thành sữa bột tự pha và sữa nước pha sẵn. Thông thường tiêu chí của mẹ bầu là chọn sữa giàu dinh dưỡng, giúp thai nhi tăng cân, phát triển, nhưng không bị béo mẹ. Ngoài ra, các tiêu chí về giá cả, độ tiện lợi… cũng cần được cân nhắc. Dưới đây là ưu nhược điểm của những loại sữa bầu trên. SỮA BỘT Ưu điểm: -Dễ tìm mua ở các siêu thị, đại lý bán sữa lớn. -Có đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu được tạo cho bà bầu và thai nhi. -Có nhiều mùi vị cho mẹ bầu lựa chọn như: vị socola, vị cam, vani… -Có thể pha ấm hoặc lạnh theo ý thích của mẹ. Nhược điểm: -Phải pha và pha chế theo đúng liều lượng quy định. -Giá thành thường cao. -Có thể gây ngán với một số mẹ bầu. -Có thể gây nóng trong, táo bón với một số mẹ bầu. -Không tiện mang theo khi ra ngoài. SỮA BẦU PHA SẴN Ưu điểm: -Phổ biến, dễ tìm mua. -Có đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu được tạo riêng cho bà bầu và thai nhi. -Có nhiều mùi vị cho mẹ bầu lựa chọn như: vị socola, vị cam, vani… -Không cần pha chế, tiện cho mẹ bầu mang đi làm, đi chơi. Nhược điểm: -Giá thành cao. -Có định lượng sẵn nên mẹ không quyết định được theo nhu cầu bản thân, mở hộp không uống hết sẽ phải bỏ. -Khó khăn khi làm nóng ấm. -Có thể gây ngán với một số mẹ bầu. -Có thể gây nóng trong, táo bón với một số mẹ bầu. SỮA TƯƠI TIỆT TRÙNG Ưu điểm: -Tiện lợi, sử dụng được ngay, không cần phải pha chế. -Giá thành rẻ, dễ tìm mua ở tạp hóa, cửa hàng nhỏ, siêu thị, đại lý. -Dễ hấp thụ các chất dinh dưỡng vào cơ thể. -Ít gây nóng trong, tốt cho hệ tiêu hóa. Nhược điểm: -Hạn sử dụng ngắn. -Phải bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, ở nhiệt độ cao dễ hỏng. -Có chất bảo quản thực phẩm. -Khó làm nóng ấm -Thành phần không chuyên biệt dành cho bà bầu, không chứa DHA - dưỡng chất quan trọng với thai nhi. SỮA TỰ NẤU (sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa gạo…) Ưu điểm: -Nguyên liệu 100% thiên nhiên, an toàn, tốt cho sức khỏe. -Chi phí làm sữa thấp. -Nguyên liệu phổ biến, dễ tìm. -Có thể kiểm soát cân nặng, tùy chỉnh lượng đường trong sữa theo ý muốn. -Giàu chất dinh dưỡng, cơ thể dễ hấp thụ. -Dễ uống, thanh mát. -Không gây nóng trong, táo bón. -Không có chất bảo quản. -Phù hợp với bà bầu bị bệnh tiểu đường. Nhược điểm: -Thành phần không chuyên biệt dành cho bà bầu, không chứa DHA - dưỡng chất quan trọng với thai nhi. -Không để được quá 1 ngày, phải uống trong ngày. -Dễ lên men, chua. -Mất thời gian chế biến, nấu theo công thức. 4.CÁCH LỰA CHỌN SỮA CHO BÀ BẦU TỐT NHẤT Dựa trên những ưu điểm và hạn chế nêu trên, mẹ bầu có thể lựa chọn loại sữa tốt nhất, phù hợp với tình trạng thai kỳ, sở thích và hoàn cảnh của bản thân. Khi mua sữa hay nguyên liệu về làm sữa, các mẹ nên lưu ý các vấn đề sau: -Mẹ bầu cần biết mình đang thiếu vitamin, khoáng chất gì và lựa chọn mua loại sữa có hàm lượng khoáng chất đó cao hơn. -Xem hạn sử dụng: Nếu sữa gần hết hạn sử dụng, hết hạn sử dụng mẹ bầu tuyệt đối không được sử dụng vì các chất đã biến chất, vi khuẩn dễ xâm nhập vào gây hại cho cơ thể. -Nguồn gốc, nơi sản xuất: Mẹ bầu phải xem loại sữa dành cho bà bầu đó được sản xuất từ đâu, nhãn hàng có uy tín, chất lượng không để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái. -Lựa chọn vị sữa yêu thích sẽ giúp mẹ kích thích khẩu vị, dễ uống, tránh hiện tượng sợ sữa bầu. -Với mẹ bầu thừa cân, tiểu đường nên lựa chọn loại sữa ít đường, chất béo. -Chọn nguyên liệu làm sữa tại nhà đảm bảo, hạt đậu không lép, sâu mọt…