Th 08
Chất xơ là thành phần không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng mỗi ngày, bởi chất xơ không những có lợi cho hệ tiêu hóa, mà còn giúp giảm cân và nhiều tác dụng của chất xơ khác. Vậy chất xơ có tác dụng gì? 1.CHẤT XƠ LÀ GÌ? Chất xơ là một loại carbohydrate mà cơ thể không phân hủy được. Không giống như các thành phần khác như chất béo, protein cơ thể có thể phân hủy được và hấp thụ. Ngược lại, chất xơ vẫn giữ nguyên vẹn khi nạp vào cơ thể, khi đi qua dạ dày, ruột non và ruột kết, ra khỏi cơ thể. Chất xơ thường được phân chia thành 2 loại: chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan: có thể tan trong nước, tạo thành dạng như gel, giúp làm ổn định lượng đường trong máu, giảm mức cholesterol và kiểm soát cân nặng. Bạn có thể tìm thấy chất xơ hòa tan trong yến mạch, đậu Hà Lan, các loại đậu, táo, trái cây họ cam quýt, cà rốt, lúa mạch. Chất xơ không hòa tan: Chất xơ không hòa tan trong nước, giúp thức ăn di chuyển qua hệ thống tiêu hóa và tăng khối lượng phân giúp bạn có thể đi ngoài thường xuyên và dễ dàng hơn, từ đó ngăn ngừa táo bón. Một số thực phẩm chứa chất xơ không hòa tan như các loại hạt, đậu và rau. Cụ thể là súp lơ, rau cải xoăn, đậu xanh và khoai tây. Có nhiều loại thực phẩm chứa cả hai loại chất xơ này, điều quan trọng là hãy bổ sung đa dạng nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ để tận dụng những tác dụng của chất xơ đối với sức khỏe. 2.SÁU TÁC DỤNG CỦA CHẤT XƠ ĐỐI VỚI CƠ THỂ Chất xơ hỗ trợ hệ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón Chất xơ có khả năng hút nước, làm tăng khối lượng và làm mềm phân, kích thích nhu động ruột co bóp và giúp dễ dàng đào thải phân ra bên ngoài. Nhờ cơ chế này mà bạn có thể đi ngoài đều đặn và dễ chịu hơn, tránh tình trạng táo bón. Ngăn ngừa ung thư đại trực tràng và bệnh trĩ Một trong những tác dụng của chất xơ trong chế độ ăn uống lành mạnh chính là làm giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ hay bệnh túi thừa đại tràng. Theo nghiên cứu những người ăn nhiều chất xơ có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng thấp hơn 35%, do chất xơ thúc đẩy thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa nhanh hơn, giảm thiểu sự tiếp xúc tế bào với các chất gây ung thư tiềm ẩn. Đặc biệt, butyrate được sản sinh khi vi khuẩn ở ruột non phân hủy chất xơ. Đây là chất có khả năng chống lại sự phát triển của các khối u ở đại tràng và trực tràng, đồng thời giúp giảm bớt tình trạng viêm nhiễm trong ruột. Giảm mức cholesterol Chất xơ hòa tan có trong đậu, yến mạch, hạt lanh và yến mạch có tác dụng làm giảm mức cholesterol trong máu, thông qua việc giảm tỷ trọng lipoprotein hay mức cholesterol xấu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thực phẩm giàu chất xơ còn có lợi cho sức khỏe tim mạch, như giảm huyết áp và viêm nhiễm. Kiểm soát lượng đường trong máu Chế độ ăn giàu chất xơ sẽ rất cần thiết đối với người bệnh tiểu đường, bởi chất xơ hòa tan sẽ làm chậm quá trình hấp thụ đường và cải thiện lượng đường trong máu. Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm chất xơ không hòa tan, để giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Hỗ trợ giảm cân Thực phẩm giàu chất xơ chứa lượng calo thấp, tạo cảm giác no lâu hơn, từ đó giảm cảm giác thèm ăn. Hơn nữa, bạn thường mất nhiều thời gian hơn để ăn những loại thực phẩm này. Chính vì lý do đó mà các loại rau củ, trái cây giàu chất xơ sẽ là thực phẩm lý tưởng cho những ai đang muốn giảm cân. Chống bệnh ung thư (ung thư vú) Các nhà khoa học cho thấy rằng ăn nhiều chất xơ giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư vú ở phụ nữ, nhờ những liên kết với estrogen. Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung chất xơ hằng ngày ở phụ nữ tuổi vị thành niên và trưởng thành giúp giảm 13% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. 3.LƯỢNG CHẤT XƠ CẦN CUNG CẤP CHO CƠ THỂ MỖI NGÀY Chất xơ trong chế độ ăn hằng ngày là cần thiết với hầu hết chúng ta. Dựa vào tuổi tác và giới tính, các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra khuyến nghị về chất xơ hằng ngày cho người trưởng thành là 25 đến 35g mỗi ngày, cụ thể: Từ 19-30 tuổi: Phụ nữ cần 28g chất xơ hằng ngày, Từ 31-50 tuổi: Nữ giới cần 25g chất xơ, nam giới cần 31g chất xơ hằng ngày. Trên 51 tuổi: Phụ nữ cần ít nhất 22g chất xơ, nam giới là 28g. 4.CHẤT XƠ CÓ TRONG NHỮNG THỰC PHẨM NÀO? Cơ thể cần hấp thụ vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống đa dạng các loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu để có một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Có 4 nhóm thực phẩm giàu chất xơ: Các loại đậu: đậu đen, đậu lăng, đậu lima, đậu khô. Ngũ cốc nguyên hạt: các sản phẩm lúa mì nguyên cám, yến mạch, lúa mạch, quinoa, gạo lứt, lúa mạch đen, ngô… Trái cây: táo, quả mọng, lê, cam, mận, chuối… Rau: Cải Brussels, bông cải xanh, bắp cải, đậu xanh, bí, khoai tây, khoai lang, rau bina. MẸO BỔ SUNG CHẤT XƠ TRONG CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG Để tận dụng tác dụng của chất xơ với sức khỏe kể trên, bạn có thể tham khảo một số mẹo bổ sung chất xơ sau: Ăn ngũ cốc nguyên hạt vào bữa sáng: Với hơn 5g chất xơ mỗi khẩu phần ăn, yến mạch hoặc ngũ cốc sẽ là thực phẩm lý tưởng cho bữa sáng. Đồng thời, cho thêm vài thìa cafe hạt lanh để tăng lượng chất xơ cung cấp nhiều năng lượng hoạt động cho một ngày mới. Bổ sung đậu vào chế độ ăn uống: Trong bữa ăn chính, bạn có thể nấu cơm với đậu đen hoặc làm bánh, súp… Bởi các loại đậu rất giàu chất xơ mà chúng ta không nên bỏ qua. Bổ sung trái cây và rau: Buổi chiều, bạn có thể ăn vặt với các loại trái cây để dễ dàng có thêm chất xơ hằng ngày. Ngũ cốc nguyên hạt: Bạn có thể ăn xen kẽ gạo trắng và gạo lứt, ăn bánh mì và mì ống từ lúa mì nguyên cám. Thực phẩm giàu chất xơ rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất xơ sẽ gây tác dụng ngược như đầy hơi, chướng bụng, và chuột rút. Do đó, bạn có thể tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống dần dần trong một vài tuần, để các vi khuẩn tự nhiên trong hệ tiêu hóa điều chỉnh và thích nghi từ từ. Ngoài ra, hãy uống nhiều nước để chất xơ hoạt động tốt hơn, cũng như giúp phân mềm và dễ đi ngoài hơn.
Th 08
Kẽm là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu mang ý nghĩa quan trọng với sức khỏe chỉ đứng thứ hai sau sắt. Thực phẩm bổ sung kẽm có thể giúp bạn cải thiện hệ miễn dịch, ngăn ngừa mụn, kiểm soát đường huyết… Kẽm có sẵn ở nhiều dạng khác nhau nên thực phẩm bổ sung kẽm thường được sử dụng để điều trị các bệnh. Nghiên cứu cho thấy khoáng chất này có thể tăng cường chức năng miễn dịch, ổn định lượng đường trong máu, giúp giữ cho làn da, mắt và trái tim của bạn khỏe mạnh. 1.CÁC LOẠI THỰC PHẨM BỔ SUNG KẼM Khi lựa chọn bổ sung kẽm, bạn có thể nhận thấy rằng có nhiều loại thực phẩm bổ sung kẽm trên thị trường. Các hình thức khác nhau của kẽm ảnh hưởng đến sức khỏe theo những cách riêng biệt. Dưới đây là một số thực phẩm bổ sung kẽm mà bạn sẽ thường tìm thấy trên thị trường: Kẽm gluconate: Là một trong những dạng kẽm không kê đơn phổ biến nhất, kẽm gluconate thường được sử dụng trong cảm lạnh như viên ngậm và thuốc xịt mũi. Kẽm acetate: Giống như kẽm gluconate, kẽm acetate thường được sử dụng trong viên ngậm để giảm triệu chứng và tăng tốc độ phục hồi khi mắc bệnh cảm lạnh. Kẽm sulfat: Ngoài việc giúp ngăn ngừa thiếu kẽm, kẽm sulfat đã được chứng minh làm giảm mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá. Kẽm picolinate: Một số nghiên cứu cho thấy cơ thể bạn có thể hấp thụ dạng này tốt hơn các dạng kẽm khác. Kẽm citrate: Một nghiên cứu cho thấy loại bổ sung kẽm này hấp thụ tốt như kẽm gluconate nhưng có vị đắng hơn. 2.LỢI ÍCH CỦA THỰC PHẨM BỔ SUNG KẼM Kẽm rất quan trọng đối với nhiều khía cạnh của sức khỏe và mang đến nhiều lợi ích khác nhau như: Thực phẩm bổ sung kẽm cải thiện miễn dịch Nhiều loại thuốc không kê đơn có chứa thành phần bổ sung kẽm nhờ vào khả năng tăng cường miễn dịch và chống viêm. Theo đánh giá của 18 nghiên cứu tác dụng của kẽm đối với cảm lạnh thông thường, việc dùng kẽm trong 24 giờ đầu tiên xuất hiện bệnh làm giảm thời gian của các triệu chứng cảm trung bình khoảng 1 ngày. Một nghiên cứu ở 50 người lớn tuổi cho thấy dùng 45mg kẽm gluconate trong 1 năm đã làm giảm một số dấu hiệu viêm và giảm tần suất nhiễm trùng. Thực phẩm bổ sung kẽm giúp trị mụn Việc bổ sung kẽm thường được sử dụng để tăng sức khỏe của da và điều trị các tình trạng da phổ biến như mụn trứng cá. Kẽm sulfat đã được chứng minh có khả năng làm giảm các triệu chứng của mụn trứng cá. Thực phẩm bổ sung kẽm giúp kiểm soát đường huyết Kẽm được biết đến với vai trò kiểm soát lượng đường trong máu và bài tiết insulin. Insulin là hormone chịu trách nhiệm vận chuyển đường từ máu đến các mô. Một số nghiên cứu cho thấy kẽm có thể giúp giữ lượng đường trong máu ổn định và cải thiện độ nhạy cảm của cơ thể với insulin. Một đánh giá báo cáo rằng việc bổ sung kẽm có hiệu quả trong việc tăng cường kiểm soát lượng đường trong máu ngắn hạn và dài hạn ở những người mắc bệnh tiểu đường. Thực phẩm bổ sung kẽm giúp cải thiện vấn đề tim mạch Bệnh tim là vấn đề nghiêm trọng chiếm khoảng 33% số ca tử vong trên toàn thế giới. Một số nghiên cứu cho thấy dùng kẽm có thể cải thiện một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, thậm chí có thể làm giảm mức triglyceride và cholesterol. Một đánh giá của 24 nghiên cứu cho thấy rằng các thực phẩm bổ sung kẽm giúp giảm mức cholesterol LDL và triglyceride trong máu hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim. Ngoài ra, một nghiên cứu ở 40 phụ nữ trẻ cho thấy liều lượng tiêu thụ kẽm cao có khả năng làm mức huyết áp tâm thu thấp hơn. Nồng độ kẽm trong huyết thanh thấp có thể liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch vành cao hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu đánh giá tác dụng của thực phẩm bổ sung kẽm đối với huyết áp còn hạn chế, vì vậy cần được nghiên cứu nhiều hơn. 3.LƯU Ý KHI DÙNG THỰC PHẨM BỔ SUNG KẼM Bạn nên dùng bao nhiêu kẽm mỗi ngày tùy từng loại, vì mỗi thực phẩm bổ sung kẽm có chứa một lượng kẽm nguyên tố khác nhau. Ví dụ 200mg kẽm sulfat tương đương với khoảng 50mg kẽm nguyên tố, 70mg kẽm gluconate chứa khoảng 10mg. Đối với người lớn, liều lượng khuyến cáo hằng ngày thường là từ 15-30mg kẽm nguyên tố. Liều lượng cao hơn được sử dụng để điều trị một số bệnh bao gồm mụn trứng cá, tiêu chảy và nhiễm trùng đường hô hấp. Trước khi lựa chọn thực phẩm bổ sung kẽm, bạn cần xem kỹ bảng thành phần và hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc sử dụng liều lượng kẽm nguyên tố sao cho phù hợp. Bạn nên tránh dùng thực phẩm bổ sung kẽm quá 40mg/ ngày, việc dùng quá liều có thể gây ra các triệu chứng như cúm, sốt, ho, nhức đầu và mệt mỏi.
Th 08
Thị trường thuốc Việt Nam đạt khoảng 7 tỷ USD (năm 2023), bình quân tiêu thụ ước đạt 70USD/ đầu người, tăng gấp 10 lần so với năm 2000. Tuy nhiên hiện công nghiệp dược ở nước ta vẫn đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới. Những thông tin trên được PGS.TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ Trưởng Bộ Y Tế, chuyên gia cao cấp dược học đưa ra tại tọa đàm “Công nghiệp Dược Việt Nam và hành trình tham gia toàn cầu hóa” diễn ra tối 31/7 tại Hà Nội. CƠ SỞ VẬT CHẤT - KỸ THUẬT CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP DƯỢC VIỆT NAM CÒN THẤP Thông tin tại buổi tọa đàm PGS.TS Lê Văn Truyền cho biết, ngành dược Việt Nam đang được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển. Cụ thể, ngày 9/10/2023, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược VIệt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo cho người dân tiếp cận thuốc với chi phí hợp lý. Cùng với đó là nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất thuốc, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công, chuyển giao công nghệ, chủ động sản xuất thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vaccine và sinh phẩm y tế, nguyên liệu làm thuốc, sản xuất biệt dược gốc từ nguồn nguyên liệu trong nước… đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm của ngành dược với tổng giá trị công nghiệp dược đạt 20 tỷ USD vào năm 2045. Các chuyên gia tham dự hội thảo điều trị nhấn mạnh việc xây dựng ngành dược Việt Nam phát triển, trở thành công nghiệp mũi nhọn, sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Tham luận tại tọa đàm trong phiên thứ nhất với chủ đề “Giải pháp cho ngành công nghiệp dược Việt Nam trong hành trình tham gia toàn cầu hóa”, PGS.TS Lê Văn Truyền cho biết, ngành công nghiệp dược của nước ta đang có tốc độ phát triển cao trong 10 năm qua với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm cao (7,3%) và trong bối cảnh GDP của Việt Nam đang đứng thứ 3 trong khối Đông Nam Á. Tuy nhiên, Nguyên Thứ Trưởng Bộ Y Tế cũng chỉ ra 5 thách thức đối với phát triển công nghiệp Dược tại Việt Nam, cụ thể: Thách thức đầu tiên mà ngành công nghiệp dược trong nước đang phải đối mặt đó là cơ sở vật chất - kỹ thuật - công nghiệp còn thấp. Việt Nam mới chỉ có 17/250 nhà máy đạt GMP tiên tiến. Hơn 200 nhà máy đạt WHO GMP nhưng không có nhà máy nào được WHO tiền thẩm định. Thứ hai, Việt Nam chưa có các khu công nghiệp dược - sinh học tập trung với một hệ sinh thái bao gồm trung tâm nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm tương đương sinh học - sinh khả dụng, thử nghiệm lâm sàng, kiểm nghiệm, nhà máy sản xuất dược phẩm, nhà máy sản xuất bao bì đóng gói, các trung tâm cung cấp dịch vụ liên quan, đặc thù cho công nghiệp dược phẩm. Thứ ba, về năng lực tài chính, đa số các công ty dược phẩm trong nước có quy mô còn nhỏ, doanh số thấp và chưa có các tập đoàn lớn quy mô đa quốc gia, nguồn lực tài chính để đầu tư mới còn rất hạn chế. “Trong 10 công ty dược có doanh thu cao tại Việt Nam, chỉ có 3 đơn vị của Việt Nam.” PGS.TS Lê Văn Truyền lấy dẫn chứng. Thứ tư, sự thay đổi cấu trúc thị trường dược phẩm từ thuốc hóa dược sang thuốc sinh học, sinh học tương tự trong các thập kỷ tới sẽ diễn ra rất mạnh mẽ. Thị phần thuốc sinh học, sinh học tương tự sẽ chiếm khoảng 40% thị trường dược phẩm toàn cầu và Đông Nam Á do già hóa dân số và chuyển đổi mô hình bệnh tật. Thứ năm, chuyển đổi số cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dược ở Việt Nam hiện nay trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ ở toàn cầu. Đứng trước những thách thức này, PGS.TS Lê Văn Truyền cho rằng cần có chính sách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất và nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy dược phẩm hiện có, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp dược xây dựng và phát triển nhà máy mới, đặc biệt các nhà máy sản xuất thuốc sinh học/ sinh học tương tự… Cùng với đó, theo ông, mỗi giai đoạn doanh nghiệp cần xem xét, điều chỉnh, thay đổi chiến lược phát triển trung và dài hạn để phù hợp với đường lối Nhà nước, môi trường kinh doanh quốc tế, khu vực và trong nước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp dược Việt Nam. LÀM GÌ ĐỂ THU HÚT CÁC TẬP ĐOÀN DƯỢC PHẨM VÀ CÔNG NGHỆ SINH HỌC ĐẾN ĐẦU TƯ? Trong phiên thứ hai của tọa đàm với chủ đề “Việt Nam - điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế - góc nhìn từ người trong cuộc”, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dược và đại diện hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã chỉ ra những tiềm năng vượt trội của Việt Nam, giúp cạnh tranh hơn so với các nước khác trong khu vực để có thể thu hút các nhà đầu tư từ nước ngoài. Bên cạnh đó, các phiên thảo luận cũng giúp các doanh nghiệp được hiểu rõ hơn về Khu Công Nghiệp Dược Sinh Học tại tỉnh Thái Bình. Dự án này đang được liên danh các nhà đầu tư nghiên cứu. Dự án này không chỉ thu hút các hãng Dược Phẩm, thiết bị y tế về Việt Nam sản xuất còn là cơ hội để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát minh, các sản phẩm sinh dược phẩm, hướng đến xuất khẩu với giá trị cao. Đặc biệt, người dân cũng được hưởng những thành quả khoa học công nghệ và tiếp cận dịch vụ y tế tốt với chi phí thấp.
Th 08
Trẻ bị ho khan do nhiều nguyên nhân từ bên trong lẫn bên ngoài gây nên. Nguyên nhân ho khan ở trẻ em là gì? Cách trị ho khan cho bé như thế nào? 1.TÌNH TRẠNG HO KHAN LÀ GÌ? Ho khan là loại ho tạo ra ít hoặc không có chất nhầy (đờm). Thông thường, trẻ bị ho khan do nhiễm virus cảm cúm gây kích thích dây thần kinh ở cổ họng. Ho khan là bệnh lý đường hô hấp do những ảnh hưởng từ bên ngoài và nội tiết tố bên trong gây ra. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kì ai, ở bất kì độ tuổi nào dù là trẻ em hay người lớn. Ở trường hợp đặc biệt, thì trẻ sơ sinh chỉ mới vài tuần tuổi cũng có thể gặp phải tình trạng ho khan. Khi nằm, trẻ thường có xu hướng bị ho nặng hơn vì ở tư thế này, các chất nhầy sẽ bám ở mặt sau của cổ họng. Trẻ thường có xu hướng nuốt chất nhầy chứ không nhổ nó ra ngoài như người lớn thường làm. Nhưng điều này lại vô tình gây ra những cơn đau bụng hoặc nôn ói mỗi khi ho ở trẻ. Chất nhầy còn có thể xuất hiện trong phân của trẻ. 2.NGUYÊN NHÂN KHIẾN TRẺ BỊ HO KHAN Nhiễm virus Khi bé bị ho khan do nhiễm virus, đó có thể là do bé đang bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Trẻ bị ho khan do nhiễm virus có thể bộc lộ cơn ho khi bắt đầu, ở giữa hoặc cuối giai đoạn nhiễm trùng, thậm chí bé bị ho khan có thể kéo dài sau khi các triệu chứng khác đã hết. Chảy dịch mũi sau Khi chất nhầy hình thành trong khoang mũi của bé giọt xuống phía sau cổ họng, thì theo thời gian có thể gây kích thích các dây thần kinh phía sau cổ họng và khiến trẻ bị ho khan. Ô nhiễm không khí Thực tế, các tác nhân gây ô nhiễm trong không khí trong nhà (bụi, khói thuốc lá…) cũng có thể kích thích vùng phía sau cổ họng gây ho khan cho trẻ. Do đó, nếu bạn thấy trẻ ho kéo dài, rất có thể là do không khí ô nhiễm. Trẻ bị ho khan do mắc các bệnh đường hô hấp Khi bị viêm phế quản, bé thường có biểu hiện ho. Bé bị ho khan từng cơn đặc hoặc ho khan liên tục. Đây là cơ chế bình thường khi mà cơ thể con người đang chống lại bệnh tật và tìm cách tống các chất nhầy hoặc đờm ra bên ngoài. Ho khan cũng là triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi hoặc bệnh suyễn. Ngoài ra ho còn giúp lưu thông không khí dễ dàng hơn qua nội khí quản vào phổi, giúp trẻ hô hấp thoải mái hơn. 3.PHÂN BIỆT CÁC LOẠI HO THÔNG THƯỜNG Ở TRẺ Ho là một triệu chứng rất phổ biến ở trẻ em. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh và bộ phận bị tác động mà trẻ có thể bị ho khan, ho có đờm, ho về đêm. Dưới đây là một số loại ho thường gặp: Trẻ bị ho khan từng cơn Trẻ bị ho khan có thể là do nhiễm trùng đường hô hấp trên (vùng mũi và hầu họng) như cảm cúm, cảm lạnh thông thường. Ho khan cũng có thể là triệu chứng cảnh báo sớm các bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản. Ngoài ra, ho khan ở trẻ em cũng có thể do bé thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi. Ho có đờm Ho có đờm là tình trạng trẻ bị ho do có dịch đờm nhầy trong đường hô hấp dưới. Nguyên nhân trẻ ho ra đờm thường do viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, hen suyễn… Thông qua cơn ho, trẻ có thể loại bỏ đờm ra khỏi đường hô hấp dưới. Ho gà Ho gà cũng là một căn bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng của bệnh gần giống như cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, càng về sau, cơn ho càng trở nên nặng, nhất là về đêm. Âm thanh của tiếng ho gà giống như những tiếng rít, cho thấy bé đang khó thở. Nhiều trẻ cũng bị tím tái mặt do thiếu oxy. 4.MỘT SỐ BÍ QUYẾT GIÚP GIẢM TRIỆU CHỨNG HO Ở TRẺ Cho trẻ bị ho khan uống đủ nước Để điều trị ho khan cho trẻ hiệu quả, điều quan trọng nhất bố mẹ cần lưu ý là bổ sung đầy đủ nước cho bé yêu mỗi ngày. Ngoài ra việc cung cấp đủ nước sẽ giúp bạn hạn chế bệnh do mất nước, giúp dưỡng ẩm và làm dịu cơn đau, ngứa cổ họng cho trẻ ho khan. Bổ sung tỏi vào thực đơn của bé Theo nghiên cứu cho thấy, tỏi có tác dụng tăng cường đề kháng với virus gây bệnh cho cơ thể bé. Điều này giúp bé nhanh khỏe hơn và tình trạng ho khan cũng nhanh chóng biến mất. Sử dụng thuốc trị ho và một số tinh dầu thiên nhiên Khi bé đã hơn 3 tuổi, bố mẹ có thể áp dụng cách giảm cơn ho cho bé bằng thuốc. Tuy nhiên nếu bé dưới 3 tuổi bạn không thể điều trị cho bé bằng thuốc ho vì có thể gây tắc nghẽn đường thở rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, một số tinh dầu như bạc hà hoặc bạch đàn có thể giúp làm giảm và trị ho khan cho bé. Đảm bảo độ ẩm cho mũi họng của bé Nếu bé bị ho khan từng cơn, hãy cung cấp đủ độ ẩm cho cổ họng và mũi của trẻ ho nhiều bằng cách sử dụng phòng tắm hơi hoặc sử dụng máy xông mũi họng. Độ ẩm có thể làm giảm ho cho bé tạm thời. Cho trẻ bị ho khan ngậm thìa cà phê mật ong Lúc này, bố me nên tham khảo mẹo trị ho dứt điểm cho trẻ bằng việc cho trẻ ngậm ngậm một thìa cà phê mật ong để trị ho khan cho bé. Mật ong có tác dụng như một chất giảm ho tự nhiên mà trẻ ho khan có thể sử dụng để làm diu cơn ho.