Th 09
Mệt mỏi, yếu ớt… là triệu chứng bình thường khi đến kỳ kinh nguyệt nhưng cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Vậy kinh nguyệt có gây thiếu máu có cần bổ sung sắt không? 1.KINH NGUYỆT CÓ GÂY THIẾU MÁU KHÔNG? Thiếu sắt và thiếu máu ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt những người đang trong thời kỳ kinh nguyệt cần hiểu về nguy cơ và cách nhận biết triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt, cách bổ sung sắt. Thiếu máu do thiếu sắt thường xảy ra khi người bệnh có chế độ ăn nghèo nàn, thiếu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm giàu sắt, sử dụng chất ngăn cản hấp thu sắt, phụ nữ mất máu sau khi hành kinh, sinh đẻ… Máu trong cơ thể thường chứa sắt trong các tế bào hồng cầu. Vì vậy, nếu bị mất máu sẽ mất một lượng sắt tỷ lệ thuận với máu. Phụ nữ có kinh nguyệt trong các chu kỳ hằng tháng ra nhiều máu có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt. Các triệu chứng mệt mỏi hay yếu ớt trong thời kỳ kinh nguyệt đôi khi là bình thường nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu. Thiếu máu phụ thuộc vào lượng máu mất trong khi hành kinh, đặc biệt là tình trạng kinh nguyệt nhiều (hay còn gọi là rong kinh). 2.CÁCH NHẬN BIẾT CƠ THỂ THIẾU MÁU DO KINH NGUYỆT NHIỀU Rong kinh là tình trạng thường gặp nhất gây thiếu máu dẫn đến các triệu chứng mệt mỏi hoặc suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, không phải ai bị rong kinh cũng nhận ra rằng họ đang có nguy cơ thiếu máu. Chu kỳ kinh kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và nguy cơ viêm nhiễm mà còn có thể gây thiếu máu. Tuy không phải là bệnh lý cấp tính nhưng thiếu máu ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe. Biểu hiện rõ nhất của thiếu máu là: mệt mỏi, choáng váng, da xanh xao, chóng mặt, khó thở, nhức đầu, mất tập trung, tâm trạng cáu kỉnh, suy nhược cơ thể… Về lâu dài có thể gây biến chứng nguy hiểm. Thông thường, mỗi kỳ kinh ra máu kéo dài từ 3-4 ngày. Khi kinh kéo dài trên 7 ngày thì gọi là rong kinh. Cách nhận biết đơn giản nhất có rong kinh hay không là bạn cần lưu ý tần suất thay băng vệ sinh. Nếu máu kinh quá nhiều để cần thay băng vệ sinh, đau bụng dưới, bị chảy máu kinh kéo dài hơn 1 tuần thì bạn đang bị rong kinh. 3.PHỤ NỮ CÓ CẦN BỔ SUNG SẮT KHI CÓ KINH NGUYỆT KHÔNG? Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung thêm các thực phẩm giàu sắt là một lựa chọn lý tưởng nhất. Nhu cầu sắt hằng ngày phụ thuộc vào lứa tuổi và giới tính. Trong thời gian kinh nguyệt ra nhiều, chị em cần uống đủ nước, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ chất, qua đó sẽ giảm cảm giác mệt mỏi. Chỉ nên bổ sung sắt khi mình thiếu thật sự, trong trường hợp tự ý bổ sung khi cơ thể không cần nhiều sắt, có thể gây các hậu quả như khó chịu vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, táo bón, đau bụng, ngất xỉu. Thêm vào đó, nếu bổ sung sắt quá nhiều gây tổn thương gan, thận gây ra các bệnh lý trên các cơ quan này… Nghiên cứu cho thấy có tới 5% phụ nữ bị chảy máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt dễ gây mất sắt dẫn đến thiếu máu. Điều nên làm là ăn thực phẩm giàu sắt trong khi đang có kinh nguyệt, một số có thể uống viên bổ sung sắt nếu tình trạng thiếu máu nặng. Tuy nhiên, hầu hết mọi người chỉ nên bổ sung sắt bằng chế độ ăn uống trong thời kỳ kinh nguyệt là đủ.
Th 09
Omega 3 mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ, nhưng có nên bổ sung chất béo omega 3 hay không phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống hằng ngày… 1.OMEGA 3 QUAN TRỌNG VỚI TRẺ NHƯ THẾ NÀO? Omega 3 là một axit béo không bão hòa đa, chủ yếu chứa 3 thành phần là EPA, DHA và ALA. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng EPA và DHA đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng EPA, DHA có thể giúp cải thiện thị lực và phát triển hệ thần kinh. Sự kết hợp của cả hai có thể mang lại nhiều tác dụng hơn, như cải thiện tình trạng mất tập trung, hiếu động thái quá, chứng tự kỷ. NHỮNG TÁC DỤNG VÀ LỢI ÍCH CỦA OMEGA 3 ĐỐI VỚI TRẺ EM, BAO GỒM: Thúc đẩy sự phát triển trí não: Giai đoạn từ sơ sinh đến 2 tuổi là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng omega 3 trong dầu cá có lợi cho sự phát triển hệ thần kinh của trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và nhận thức tổng thể. Thúc đẩy phát triển tầm nhìn: DHA hiện diện với số lượng lớn ở võng mạc mắt. Tuy nhiên, trong quá trình lớn lên của trẻ, mắt có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau đến sự phát triển thị lực. Nếu trẻ được cung cấp đầy đủ omega 3 sẽ bảo vệ mắt và hỗ trợ thị lực tốt hơn. Cải thiện sự tập trung và trí nhớ: Omega 3 có thể giúp trẻ cải thiện khả năng tập trung và trí nhớ. Các nghiên cứu phát hiện ra rằng bổ sung Omega 3 có thể cải thiện khả năng chú ý và trí nhớ ngắn hạn của trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. EPA liều cao có đặc tính chống viêm. Tăng cường miễn dịch: EPA và DHA cũng có mặt trong hệ thống miễn dịch của cơ thể và hoạt động thông qua nhiều cơ chế tương tác để ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch. Omega 3 có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh dị ứng (như bệnh chàm, viêm da dị ứng) và các bệnh đường hô hấp (như hen suyễn). 2.LƯỢNG OMEGA 3 KHUYẾN NGHỊ CHO TRẺ Mặc dù omega 3 có rất nhiều lợi ích nhưng vì cơ thể con người không tự tổng hợp được omega 3 mà chỉ có thể lấy từ chế độ ăn uống. Vì vậy, cần xây dựng cho trẻ một chế độ ăn bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu omega 3. Để đáp ứng nhu cầu chất béo omega 3 hằng ngày cho trẻ em, hãy tìm từ những nguồn thực phẩm sau: cá hồi, cá mòi, cá thu, cá ngừ, cá trích, hàu, tôm, thịt bò, hạt lanh, quả óc chó, hạt chia… Theo tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, lượng omega 3 khuyến nghị hiện tại dành cho trẻ em là: 0-12 tháng: 0,5g/ ngày 1-3 tuổi: 0,7g/ ngày 4-8 tuổi: 0,9g/ ngày 9-13 tuổi (bé trai): 1,2g/ ngày 9-13 tuổi (bé gái): 1g/ ngày 14-18 tuổi (bé trai): 1,6g/ ngày 14-18 tuổi (bé gái): 1,1g/ ngày Lưu ý, tiêu thụ quá nhiều Omega 3 ở trẻ em có thể dẫn đến chảy máu, huyết áp thấp, buồn nôn và các tác dụng phụ khác. Có thể thấy từ khẩu phần khuyến nghị nêu trên, sau 2 tuổi nếu trẻ bị thiếu hụt hoặc chế độ ăn không đủ cung cấp, mới cần bổ sung DHA và EPA cho trẻ. Trẻ trước 1 tuổi chủ yếu bú sữa mẹ nên mẹ cần có chế độ ăn đầy đủ omega 3. Sau 1 tuổi mẹ cần chú ý xây dựng đầy đủ chế độ ăn cung cấp omega 3 tốt cho bé.
Th 09
Quá trình nuôi dưỡng một sinh linh mới là một trong những việc khó khăn. Điều quan trọng nhất là phụ nữ mang thai cần có chế độ ăn bổ dưỡng. Lựa chọn những thực phẩm tốt nhất sẽ giúp cả mẹ và em bé khỏe mạnh trong thai kỳ. 1.NHU CẦU NUÔI DƯỠNG CỦA PHỤ NỮ MANG THAI Mang thai là giai đoạn đặc biệt, đó là cơ thể người mẹ phải nuôi dưỡng cả hai. Vì vậy, nhu cầu dinh dưỡng trong giai đoạn này tăng lên. Phụ nữ mang thai được đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng sẽ đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và cung cấp các chất cần thiết để thai nhi phát triển toàn diện về thể chất và trí não. Đồng thời giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng trong thai kỳ như thiếu máu, suy dinh dưỡng bào thai, sinh non… Nhu cầu năng lượng ở phụ nữ mang thai tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Các chất dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn này bao gồm: protein, sắt, canxi, acid folic, các vitamin A, C, D, E… Theo Học viện sản phụ Hoa Kỳ, bắt đầu từ giai đoạn giữa thai kỳ, bà mẹ sẽ cần thêm 340 calo mỗi ngày và nhiều hơn một chút vào cuối thai kỳ. Khi mang thai, ngoài chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, mẹ bầu nên bổ sung một số loại vitamin và khoáng chất quan trọng là: acid folic, sắt, canxi, vitamin D. Ngoài 4 loại thiết yếu trên thì vitamin B1, B2, B5, C, E, A, kẽm và iot cũng cần thiết. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ bầu nên ăn đa dạng các thực phẩm, uống đủ nước, và bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ. Hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có ga. Tránh ăn các thực phẩm sống, chưa nấu chín kỹ. Nguồn thực phẩm tốt nhất cho phụ nữ mang thai bao gồm: Các loại thịt: thịt bò, thịt gà, thịt lợn. Cá. Trứng: trứng gà, trứng vịt. Sữa và các sản phẩm từ sữa. Các loại đậu. Các loại hạt. Rau xanh. Trái cây tươi. 2.MỘT SỐ THỰC PHẨM BỔ DƯỠNG TỐT CHO PHỤ NỮ MANG THAI CÁ Có nhiều bà bầu không thích ăn cá, đặc biệt là khi đang bị ốm nghén nhưng cá là thực phẩm rất tốt cho phụ nữ mang thai, nhất là cá nhiều dầu có chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển não bộ và mắt của em bé. Cá béo là nguồn thực phẩm tuyệt vời chứa acid béo omega 3 DHA. Chất béo lành mạnh này rất tốt cho cả em bé và mẹ trong thời kỳ mang thai vì DHA có liên quan đến việc giảm nguy cơ sinh non và phát triển chứng trầm cảm sau sinh. Một số loại cá béo cũng cung cấp vitamin D như cá mòi, cá hồi, cá ngừ. Trong thời kỳ mang thai, vitamin D được sử dụng để giúp xây dựng xương, răng của em bé, giúp bảo vệ thị lực và làn da khỏe mạnh. Nên tránh một số loại có hàm lượng thủy ngân cao, một kim loại nặng độc hại có liên quan đến dị tật bẩm sinh. ACOG khuyến nghị phụ nữ mang thai không nên ăn cá ngừ mắt to, cá thu vua, cá mú cam, cá mập, cá kiếm hoặc cá mòi. TRỨNG Trứng là ngôi sao dinh dưỡng trong chế độ ăn của phụ nữ mang thai do nó chứa một chất dinh dưỡng rất quan trọng, đó là choline. Choline là một chất dinh dưỡng giúp hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh của tủy sống và có liên quan đến sức khỏe não bộ của em bé sau nhiều năm sau sinh. Phụ nữ mang thai cần ít nhất 450 miligam choline mỗi ngày. Một quả trứng cung cấp 169 miligam choline. Các thực phẩm khác có chứa choline bao gồm: thịt bò, thịt gà, sữa, sản phẩm đậu nành, đậu phộng. SỮA Sữa bò cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là canxi, vitamin B12, vitamin A, vitamin D… Sữa cũng có i-ốt, mặc dù bạn có thể nhận được đủ lượng khoáng chất cần thiết này từ muối i-ốt, nhưng cơ thể sẽ cần nhiều hơn khi mang thai. I-ốt rất quan trọng với việc sản xuất hormone tuyến giáp và giúp thúc đẩy sự phát triển của thai nhi. KHOAI LANG Khoai lang là một trong những thực phẩm rất tốt để ăn khi mang thai. Một củ khoai lang cỡ trung bình cung cấp hơn 100% lượng vitamin A được khuyến nghị cần trong thời kỳ mang thai dưới dạng beta carotene. Vitamin A vô cùng cần thiết cho sự phát triển của thị lực, xương và hệ thống miễn dịch của em bé. CÁC LOẠI ĐẬU Các loại đậu chứa rất nhiều chất xơ, tốt cho phụ nữ mang thai vì nó hỗ trợ tiêu hóa và phòng ngừa táo bón tốt, một vấn đề thường gặp trong mang thai do tất cả những thay đổi về hormone. Các loại đậu cũng cung cấp sắt, một chất thiết yếu do khi mang thai nhu cầu sắt tăng cao hơn. THỰC PHẨM CHỨA FOLATE Folate là một loại vitamin B có tác dụng hình thành các tế bào hồng cầu, nó đặc biệt quan trọng trước và trong khi mang thai. Folate là dạng tự nhiên của vitamin B9 có trong thực phẩm. Ăn đủ B9 sẽ giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở não bộ và cột sống của trẻ, cụ thể là dị tật ống thần kinh gọi là tật nứt đốt sống. Loại vitamin này cũng hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của thai nhi và nhau thai, đó là lý do tại sao bạn cần nhiều vitamin này hơn trong giai đoạn đầu mang thai.
Th 09
Tuân theo một chế độ ăn uống với các thực phẩm chống viêm là cách tốt nhất để cơ thể chống lại một số chứng viêm xuất phát từ môi trường và lối sống không lành mạnh. Chế độ ăn chống viêm là một chế độ ăn tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm hạn chế tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Nếu hướng tới con đường ăn uống lành mạnh, hãy thử 9 loại thực phẩm bổ dưỡng dưới đây, rất phù hợp với chế độ ăn chống viêm. 1.QUẢ BƠ GIÀU CHẤT BÉO LÀNH MẠNH Chất béo lành mạnh (chất béo tốt) bao gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa có lợi cho sức khỏe. Trong đó omega 3 và omega 6 là hai chất béo không bão hòa đa mà cơ thể hấp thụ từ thực phẩm. Quả bơ rất giàu chất béo không bão hòa đơn có lợi cho tim và là nguồn cung cấp magie, chất xơ, kali tuyệt vời trong khi lại có hàm lượng natri thấp. Ăn nửa quả bơ cũng sẽ bổ sung một cách tuyệt vời lượng vitamin A, C, E và B-complex vitamin hằng ngày. Sự kết hợp của các chất dinh dưỡng này và polyphenol hoạt động như chất chống oxy hóa làm cho bơ trở thành món ăn nên có trong chế độ ăn uống chống viêm. 2.BÔNG CẢI XANH GIÀU CHẤT CHỐNG OXY HÓA Bông cải xanh là một thành viên của gia đình rau họ cải chứa nhiều chất phytochemical được gọi là glucosinolate. Những phytochemical này là chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Bông cải xanh còn là một nguồn tuyệt vời của vitamin C, kali, canxi, vitamin A, tất cả đều có giá trị chống viêm và hàm lượng calo thấp. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy rằng ăn một chế độ ăn nhiều rau họ cải, bao gồm bông cải xanh, có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. 3.CÀ RỐT CHỨA CHẤT CHỐNG VIÊM MẠNH MẼ Cà rốt chứa beta-carotene mà cơ thể có thể chuyển đổi thành vitamin A, cần thiết cho sức khỏe và cũng là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Cà rốt cũng chứa zeaxanthin và lutein, có liên quan đến vitamin A. Ăn chế độ dinh dưỡng giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm nguy cơ ung thư bằng cách ngăn ngừa thiệt hại cho các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Vì cà rốt có hàm lượng calo thấp và là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào nên có thể giúp giảm cân. Đây cũng là yếu tố chống viêm quan trọng vì béo phì là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch, đái tháo đường và một số dạng ung thư. 4.CÁC LOẠI ĐẬU LÀ MỘT NGUỒN PROTEIN THỰC VẬT LÀNH MẠNH Các loại đậu chẳng hạn như đậu hải quân, đậu lăng, đậu đỏ và đậu đen là nguồn cung cấp protein thực vật, khoáng chất, vitamin B-complex, vitamin K và chúng chứa polyphenol hoạt động như chất chống oxy hóa. Vì đậu có hàm lượng protein cao nên rất phù hợp với các bữa ăn không thịt. Nghiên cứu cho thấy đậu khô có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe và giúp ngăn ngừa một số loại bệnh tim, đái tháo đường cũng như hỗ trợ cơ thể chống viêm tối đa. 5.DẦU OLIU BẢO VỆ TIM MẠCH Dầu oliu là một thành phần thiết yếu của chế độ ăn Địa Trung Hải, có liên quan đến sức khỏe tim mạch và tuổi thọ. Dầu oliu giàu chất béo không bão hòa đơn tốt cho mạch máu và có polyphenol hoạt động như chất chống oxy hóa để bảo vệ các tế bào trong cơ thể. Dầu oliu giúp chống viêm, giảm cholesterol cao và các polyphenol giúp ngăn ngừa một số dạng ung thư, vì vậy đây là một loại dầu tuyệt vời trong chế độ ăn. 6.CAM CUNG CẤP VITAMIN C CHỐNG VIÊM HIỆU QUẢ Cam, nước cam là những chất bổ sung tốt cho chế độ ăn kiêng chống viêm. Cam là một nguồn tuyệt vời của vitamin C và kali. Cam cũng chứa chất xơ, kali và folate. Chất xơ và folate trong cam có thể giúp giữ cho trái tim khỏe mạnh, vitamin C cần thiết cho chức năng hệ thống miễn dịch, mô liên kết mạnh và mạch máu khỏe mạnh. 7.RAU BÓ XÔI - SIÊU THỰC PHẨM CHỐNG VIÊM Rau bina (rau bó xôi) là một trong những loại siêu thực phẩm chống viêm được biết đến nhiều nhất. Cải bó xôi chứa lutein có liên quan đến vitamin A và beta-carotene. Rau bina cung cấp chất sắt, vitamin K và folate, lại rất ít calo nên rau bó xôi hoàn hảo cho chế độ ăn kiêng giảm cân. Nghiên cứu cho thấy những người ăn rau xanh như rau bina, có thể giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, vì vậy hãy bổ sung rau bina tươi hoặc nấu chín vào chế độ ăn uống. 8.DÂU TÂY TỐT CHO SỨC KHỎE Dâu tây rất ngon, mọng nước và cũng rất tốt cho sức khỏe. Dâu tây có hàm lượng calo thấp, nhiều chất xơ, chứa nhiều vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần để hoạt động bình thường, bao gồm rất nhiều vitamin C. Chúng cũng có đặc tính chống viêm và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các nghiên cứu đều được khẳng định các loại quả mọng rất tốt cho sức khỏe vì các sắc tố tạo nên màu sắc của chúng chứa chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm. 9.KHOAI LANG GIÀU VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT Khoai lang rất giàu vitamin và khoáng chất. Giống như các loại rau củ màu cam, chúng chứa rất nhiều vitamin A và beta-carotene, là một chất chống oxy hóa mạnh. Khoai lang cũng là một nguồn tuyệt vời của nhiều loại vitamin, khoáng chất, bao gồm vitamin C, K, kali, vitamin B phức hợp. Khoai lang cũng chứa nhiều chất xơ và không có calo, vì vậy chúng là một thực phẩm bổ sung ngon miệng cho bất kỳ chế độ ăn kiêng nào. Bổ sung những món ăn ngon, lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và quản lý cân nặng hợp lý. Chế độ ăn uống giàu thực phẩm chống viêm cũng có thể giúp ngăn ngừa một số tình trạng sức khỏe xảy ra theo quá trình lão hóa.