Vitamin C hay acid ascorbic là một loại vitamin tan trong nước rất cần thiết cho sức khỏe của con người. Tình trạng thiếu vitamin C không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến da, xương, tóc, móng mà còn làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Vậy đâu là dấu hiệu cơ thể thiếu vitamin C mà bạn có thể dễ dàng nhận biết tại nhà?
1.THIẾU VITAMIN C LÀ GÌ?
Thiếu vitamin C là tình trạng cơ thể không được bổ sung đầy đủ hàm lượng vitamin C cần thiết. Tình trạng thiếu hụt vi chất này thường bắt nguồn từ việc ăn uống không hợp lý, góp phần gây nên hàng loạt các vấn đề sức khỏe như thiếu máu, loãng xương, tim mạch, bệnh Scorbut hay thậm chí là ung thư.
2.NGUYÊN NHÂN GÂY THIẾU VITAMIN C
Trên thực tế, cơ thể con người không thể tự tổng hợp vitamin C mà phải bổ sung thông qua các nguồn từ bên ngoài. Do đó, nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu vitamin C còn có thể xuất phát từ tình trạng sức khỏe, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Chẳng hạn cơ thể sẽ rất khó hấp thụ vitamin C khi bạn gặp một trong những vấn đề sức khỏe dưới đây:
- Viêm loét đại tràng
- Hóa trị
- Bệnh viêm ruột xuyên thành mãn tính
- Cường giáp
- Hệ tiêu hóa yếu, dễ dị ứng
- Tiêu chảy kéo dài
- Người vừa trải qua phẫu thuật
- Phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc sau sinh
- Người có thói quen hút thuốc và uống rượu nhiều
- Người lớn tuổi
- Người gặp các vấn đề sức khỏe tinh thần, chán ăn.
2.15 DẤU HIỆU THIẾU VITAMIN C THƯỜNG GẶP NHẤT
Vitamin C tham gia vào hàng loạt tiến trình tăng trưởng và phản ứng sinh hóa khác nhau của cơ thể, bao gồm việc hỗ trợ hình thành collagen, cải thiện khả năng hấp thụ sắt, tăng cường phản ứng miễn dịch, chữa lành vết thương, duy trì sức khỏe cho sụn, xương và răng. Vì thế, thiếu vitamin C hay còn gọi là thiếu acid ascorbic, thường gây ra 15 dấu hiệu điển hình sau:
THIẾU VITAMIN C KHIẾN DA SẦN SÙI
Vitamin C đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra collagen - một loại protein cấu thành các mô liên kết như tóc, da, khớp xương và mạch máu. Khi nồng độ vitamin C trong cơ thể thấp, da sẽ dễ bị lão hóa, chảy xệ, xuất hiện tình trạng sần sùi do tiến trình sừng hóa làm tích tụ keratin bên trong lỗ chân lông. Thông thường, dấu hiệu da sần sùi thường kéo dài từ 3-5 tháng trước khi cơ thể chuyến biến thành bệnh nặng Scorbut và sẽ tự khỏi nếu cơ thể được bổ sung vitamin C đầy đủ.
LÔNG TRÊN CƠ THỂ UỐN THÀNH HÌNH XOẮN ỐC
Tình trạng thiếu hụt vitamin C cũng có thể khiến cho lông và tóc trên cơ thể bị uốn cong hoặc uốn lại thành hình xoắn ốc. Lông hình xoắn ốc là một trong những triệu chứng thiếu hụt vitamin C đặc trưng dễ nhận biết. Những sợi lông hư tổn cũng sẽ dễ bị gãy hoặc rụng nhiều hơn thông thường. Tuy nhiên, tình trạng này có thể giải quyết bằng việc một chế độ ăn hợp lý với đầy đủ vitamin C hằng ngày.
XUẤT HUYẾT QUANH NANG LÔNG
Các nang lông trên bề mặt chứa nhiều mạch máu nhỏ giúp cung cấp máu và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Khi cơ thể thiếu vitamin C, sức bền thành mạch của những mạch máu này suy giảm, khiến chúng dễ vỡ, hình thành nên các đốm nhỏ màu đỏ tươi trên bề mặt da. Hiện tượng này gọi là xuất huyết quanh nang lông và là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho tình trạng thiếu vitamin C trầm trọng ở người trưởng thành. Việc uống bổ sung vitamin C có thể giúp giải quyết triệu chứng này trong 2 tuần.
MÓNG TAY HÌNH THÌA CÓ ĐỐM HOẶC ĐƯỜNG MÀU ĐỎ
Móng tay hình thìa là tình trạng móng tay bị lõm vào như hình cái thìa, mảnh và dễ gãy. Đây là triệu chứng của bệnh thiếu máu do cơ thể thiếu sắt và vitamin C. Móng tay sẽ xuất hiện những đốm nhỏ hoặc đường thẳng đứng trên nền móng do các mạch máu suy yếu bị vỡ. Hiện tượng này gọi là xuất huyết dưới móng.
THIẾU VITAMIN C KHIẾN DA KHÔ VÀ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG
Vitamin C giữ cho làn da khỏe mạnh bằng cách bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời và các chất ô nhiễm như khói thuốc lá, bụi bặm… Bên cạnh đó, vitamin C còn giúp thúc đẩy quá trình sản xuất collagen bên trong cơ thể, nhờ đó, giúp cho làn da của bạn luôn được đầy đặn và trẻ trung. Ngược lại, thiếu hụt vitamin C có thể khiến làn da trở nên khô, nhăn nheo và dễ bị tổn thương hơn so với bình thường.
THIẾU VITAMIN C DỄ KHIẾN DA TRỞ NÊN BẦM TÍM
Bầm tím da là một trong những triệu chứng thiếu vitamin C phổ biến hiện nay. Đây là hiện tượng các mạch máu dưới da bị vỡ dẫn đến sự rò rỉ máu sang các khu vực lân cận. Hiện tượng này xuất phát từ việc cơ thể không được bổ sung đầy đủ vitamin C, khiến cho sức bền thành mạch máu bị suy yếu và dễ vỡ. Các vết bầm tím có thể xuất hiện dưới dạng từng mảng bầm lớn hoặc các chấm nhỏ li ti dưới da rất dễ được nhận biết bằng mắt thường.
LÀM CHẬM QUÁ TRÌNH LÀNH VẾT THƯƠNG
Thiếu vitamin C khiến cho quá trình sản xuất collagen bị chậm lại, làm cho vết thương lâu lành hơn. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người bị loét chân mãn tính có khả năng bị thiếu vitamin C cao hơn so với những người không bị loét chân. Ngoài ra, trong trường hợp cơ thể thiếu vitamin C nghiêm trọng, vết thương cũ đã lành cũng có thể bị trầy xước trở lại và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
THIẾU VITAMIN C GÂY ĐAU VÀ SƯNG KHỚP
Trong các khớp tay và chân có rất nhiều mô liên kết giàu collagen. Vì thế, khi cơ thể không được bổ sung đầy đủ lượng vitamin C cần thiết sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành collagen trong các khớp, gây nên tình trạng đau nhức xương khớp hay thậm chí là xuất huyết khớp. May mắn thay, cả hai triệu chứng này đều có thể điều trị bằng cách bổ sung vitamin C trong 1 tuần.
THIẾU VITAMIN C GÂY YẾU XƯƠNG
Việc ăn ít những thực phẩm giàu vitamin C có thể là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng loãng xương. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng vitamin C đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển xương. Vì thế, việc thiếu hụt vitamin C sẽ làm tăng tỷ lệ loãng xương, đặc biệt là ở trẻ em.
CHẢY MÁU NƯỚU VÀ RỤNG RĂNG
Nướu sưng đỏ và chảy máu cũng là một trong những triệu chứng thiếu vitamin C thường thấy của cơ thể. Khi không được cung cấp đầy đủ vitamin C, các mô nướu sẽ trở nên yếu đi, bị viêm và cách mạch máu sẽ dễ bị vỡ. Thậm chí, thiếu vitamin C nghiêm trọng còn gây ra tình trạng viêm nướu, khiến nướu dễ bị xuất huyết và có mùi thối.
HỆ MIỄN DỊCH SUY GIẢM, DỄ CẢM SỐT
Nghiên cứu cho thấy, vitamin C là một dưỡng chất cần thiết giúp cơ thể chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng và các mầm bệnh khác. Vitamin C góp phần bảo vệ hệ miễn dịch bằng cách tăng cường chức năng của các tế bào miễn dịch và hàng rào biểu mô trong việc chống lại các mầm bệnh xâm nhập cũng như sự tấn công oxy hóa của các gốc tự do. Chính vì thế thiếu vitamin C sẽ khiến cho hệ miễn dịch suy yếu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và dễ mắc các bệnh như cảm cúm, sốt, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, còi xương, viêm phổi…
THIẾU MÁU DO THIẾU SẮT
Khi thiếu sắt, cơ thể sẽ trở nên xanh xao, mệt mỏi, đau đầu, khó thở, da khô và xuất hiện hiện tượng móng tay thìa. Trong khi đó, hàm lượng vitamin C trong cơ thể thấp là một trong những nguyên nhân làm giảm đi sự hấp thu sắt từ chế độ ăn hằng ngày. Đồng thời, thiếu vitamin C còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình chuyển hóa sắt trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
NGƯỜI THIẾU VITAMIN C THƯỜNG XUYÊN MỆT MỎI VÀ TÂM TRẠNG KÉM
Khi không được bổ sung đầy đủ lượng vitamin C cần thiết, cơ thể của bạn sẽ trở nên mệt mỏi, chán nản, bực dọc và khó chịu. Nguyên nhân là vì vitamin C giúp chuyển hóa dopamin thành một chất dẫn truyền thần kinh khác gọi là norepinephrine - một loại hormone hỗ trợ làm tăng nhịp tim và huyết áp tạm thời.
Do đó, thiếu vitamin C khiến cho nồng độ hormone này hạ thấp, dẫn đến kích hoạt cảm giác chán nản hoặc lo âu trong não bộ. Tuy nhiên những triệu chứng bất thường về cảm xúc này có thể biến mất nếu cơ thể được cung cấp đầy đủ vitamin C trong vòng 24 giờ.
NGƯỜI THIẾU VITAMIN C TĂNG CÂN BẤT THƯỜNG
Không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, vitamin C còn giúp bạn kiểm soát cân nặng tốt hơn bằng cách hỗ trợ tăng cường “đốt cháy” các tế bào mỡ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người có đủ vitamin C có thể đốt cháy nhiều hơn 30% chất béo trong đợt tập thể dục vừa phải so với những người có tình trạng vitamin C thấp. Ngược lại, vitamin C trong máu thấp, cơ thể càng có xu hướng tích tụ mỡ thừa, khiến tình trạng tăng cân khó kiểm soát hơn.
VIÊM MÃN TÍNH VÀ HIỆN TƯỢNG MẤT CÂN BẰNG OXY HÓA
Vitamin C là một trong những chất chống oxy hóa mạnh. Vào cơ thể, vitamin C có tác dụng vô hiệu hóa các gốc tự do - vốn là nguyên nhân gây ra stress, viêm nhiễm, tổn thương tế bào, dẫn đến hình thành nhiều căn bệnh mãn tính như tim mạch và tiểu đường…
Bên cạnh đó, những nghiên cứu cho thấy, những người trưởng thành có hàm lượng vitamin C trong máu thấp thường có nguy cơ mắc bệnh suy tim cao hơn 40% so với những người có hàm lượng vitamin C trong máu cao. Vì thế, bạn cần tích cực suy nghĩ đến hàm lượng vitamin C trong chế độ ăn hằng ngày để sớm phòng ngừa các rủi ro tim mạch có thể xảy ra.