Th 10
Viêm gan là gì? Viêm gan là tình trạng tổn thương nhu mô gan, khiến các chức năng của gan bị suy giảm. Tỷ lệ mắc bệnh viêm gan ngày càng cao, đặc biệt ở những nước đang phát triển. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm gan có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan, thậm chí đe dọa tính mạng. Viêm gan siêu vi là gì? Viêm gan siêu vi là bệnh truyền nhiễm, chủ yếu ảnh hưởng đến chức năng gan do virus gây ra. Viêm gan virus mạn đa số tiến triển âm thầm, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, khi phát hiện ra bệnh đã chuyển thành xơ gan. Vai trò và chức năng của gan Gan là một cơ quan nội tạng lớn ở phần trên bên phải của bụng, đảm nhiệm rất nhiều chức năng: sản xuất mật, giải độc, sản xuất protein, dự trữ glucose,… Sản xuất mật – giúp tiêu hóa lipid Các tế bào gan sản xuất ra mật sau đó mật sẽ được tiết vào các ống mật rồi được đưa xuống dự trữ ở túi mật. Khi thức ăn chứa lipid đến tá tràng giúp chuyển lipid thành các phần nhỏ dễ tiêu hóa hơn. Chức năng chuyển hóa Gan giúp chuyển hóa glucose, lipid, protein thành các vật liệu sinh học hữu ích cho cơ thể. Chức năng dự trữ Tĩnh mạch cửa mang máu giàu dinh dưỡng từ ruột non lên gan. Tuy nhiên không phải lúc nào cơ thể cũng cần ngay nên nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất được dự trữ tại gan. Ngoài ra còn có vai trò dự trữ máu, ở bệnh nhân suy tim phải, tim phải co bóp yếu tống ít máu đi, làm ứ máu ở tĩnh mạch chủ dưới, do đó gây ứ máu tĩnh mạch gan làm gan to. Tổng hợp protein Gan tổng hợp nhiều loại protein cần thiết cho cơ thể: prothrombin, fibrinogen, albumin. Miễn dịch Gan cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch cơ thể nhờ các tế bào Kuffer. Chức năng giải độc Các enzym của tế bào gan giúp chuyển các độc tố của rượu hay thuốc thành các chất không độc để thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Uống nhiều rượu và thuốc sẽ khiến tế bào gan suy yếu vì phải hoạt động để thải độc nhiều tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về gan như xơ gan, ung thư gan. Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm gan Viêm gan siêu vi Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm gan siêu vi là nhiễm virus. Có 5 loại virus khác nhau gây 5 loại viêm gan khác nhau. Trong đó virus A, B, C là hay gặp nhất Viêm gan A HAV được phát hiện từ năm 1973, virus lây qua đường ăn uống do thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm được tìm thấy trong phân bệnh nhân. Vì vậy, bệnh thường xảy ra ở những nơi vệ sinh không được đảm bảo. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là một trong những cách tốt nhất, kinh tế nhất để hạn chế nhiễm virus viêm gan A. Viêm gan B Virus viêm gan B lây truyền qua đường máu (truyền máu, quan hệ tình dục, dùng chung bơm kim tiêm,…). Sau khi nhiễm virus khoảng 10% số người nhiễm bệnh khởi phát thành viêm gan cấp, số còn lại không có triệu chứng, tiến triển âm thầm. Đây chính là nguồn lây bệnh nguy hiểm cho cộng đồng. Lứa tuổi bị nhiễm càng nhỏ thì tỷ lệ chuyển thành mãn tính càng lớn. Bệnh lâu dần có thể tiến triển thành xơ gan, suy gan, ung thư gan. Viêm gan C HCV chủ yếu lây truyền qua việc tiếp xúc với máu đã nhiễm bệnh, ngoài ra thường gặp nhất là thông qua việc dùng chung kim tiêm trong khi sử dụng ma túy bất hợp pháp. Bệnh cũng có thể lây qua đường tình dục, nhưng ít phổ biến hơn. Viêm gan C thường được coi là một trong những loại virus viêm gan nguy hiểm nhất. Hiện không có vắc xin chủng ngừa cho HCV. Viêm gan D Bệnh nhân bị viêm gan B thường đồng nhiễm thêm virus viêm gan siêu vi D. Việc nhiễm cùng một lúc HDV và HBV sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn và trầm trọng hơn. Vắc xin viêm gan B cũng có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi việc lây nhiễm HDV. Viêm gan E Viêm gan E chủ yếu lây truyền qua việc ăn uống các loại thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. HEV thường gây ra các đợt bùng phát viêm gan ở một số nước đang phát triển. Hiện nay đã có vắc-xin an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa HEV, nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Viêm gan do độc tố Nguyên nhân phổ biến nhất là do uống quá nhiều rượu trong thời gian dài. Viêm gan do rượu có thể phục hồi nếu giảm rượu, nhưng có thể tiếp tục gây tổn thương gan lâu dài. Thuốc – một số loại thuốc có thể gây viêm gan do tác dụng phụ (paracetamol, statin,…). Bệnh Wilson – một tình trạng bất thường trong đó gan bị tổn thương do dư thừa đồng trong cơ thể. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu Đây là một loạt các tình trạng do sự tích tụ chất béo trong gan. Viêm gan tự miễn Viêm gan tự miễn là bệnh gây tổn thương gan do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công hủy hoại tế bào gan. Bệnh tiến triển mạn tính và dẫn đến xơ gan, cuối cùng sẽ là suy gan nếu không điều trị kịp thời. Các dấu hiệu cảnh báo viêm gan Các triệu chứng phổ biến cảnh báo viêm gan như vàng da, buồn nôn, chán ăn, mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi, đau bụng, chướng bụng, sốt, nước tiểu sẫm màu hơn, phân màu xanh xám, sẫm màu,… Các biện pháp phòng ngừa viêm gan Hiểu rõ cách thức lây truyền của bệnh Hiểu rõ về cách thức các loại virus viêm gan có thể truyền nhiễm từ người này sang người khác là yếu tố quan trọng bước đầu để phòng bệnh. Có hai hình thức lây truyền chủ yếu: Lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết mang virus gây bệnh. Ăn uống các loại thực phẩm hoặc nước mang virus gây bệnh hoặc tiếp xúc với phân mang mầm bệnh. Quan hệ tình dục lành mạnh Quan hệ tình dục không an toàn với người mắc viêm gan B, C có thể khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy sử dụng bao cao su và thực hiện quan hệ tình dục an toàn có thể giúp giảm thiếu nguy cơ mắc bệnh. Tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan A và B Thận trọng hơn mỗi khi đi du lịch Tránh dùng chung vật dụng cá nhân Xem thêm: 5 thảo dược thiên nhiên tốt cho gan
Th 10
Viên nang cứng được một dược sĩ người Pháp là Lehuby phát minh vào năm 1846, do có nhiều ưu điểm nên thuốc viên nang ngày càng phổ biến và sử dụng rộng rãi.
Th 09
Trẻ chậm phát triển chiều cao là nỗi lo của hàng nghìn gia đình, muốn con cao lớn khỏe mạnh ba mẹ cần nắm rõ những thông tin cơ bản sau
Th 09
Bệnh còi xương do thiếu vitamin D (còi xương suy dinh dưỡng) là bệnh phổ biến ở trẻ em (thế giới có 40-50% dân số thiếu vitamin D). Bệnh còi xương dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến phát triển thể chất của trẻ, làm tăng dần tần suất mắc các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là nhiễm khuẩn đường hô hấp. Còi xương là gì? Còi xương là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D hay rối loạn chuyển hóa vitamin D dẫn đến xương mềm và dễ gãy. Quá trình chuyển hóa của Vitamin D trong cơ thể Vitamin D là vitamin tan trong dầu, thực chất là một loại hocmon hay kích thích tố. Vitamin D (D2, D3) được hấp thụ ở ruột non nhờ tác dụng của muối mật, vào máu qua hệ bạch huyết. Trong máu vitamin D được gắn với 1 protein và chuyển đến gan (đó là một globulin). Hay tiền vitamin D (7 Dehydrocholesterol) có nhiều ở lớp malpighi của biều bì da, dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời (bước sóng 270 - 300nm) chuyển thành vitamin D3 (cholecalciferol). Các tế bào mỡ vận chuyển Cholecalciferol vào hệ thống tuần hoàn đến gan, và sẽ qua hai giai đoạn chuyển hoá. Giai đoạn 1 tại gan, vitamin D chuyển hóa thành các calcidiol Giai đoạn 2 tại thận, vitamin D chuyển hóa thành các calcitriol Vitamin D có vai trò như thế nào? Tại ruột: Làm tăng tổng hợp protein vận chuyển canxi tại điểm bàn chải của tế bào mô ruột Tại xương: Tăng cường tạo khuôn xương, kích thích vận chuyển và lắng đọng canxi vào khuôn xương thông qua việc giữ cân bằng canxi trong máu. Điều hòa nồng độ canxi và phospho máu dưới ảnh hưởng của hormon cận giáp. Thiếu vitamin D làm giảm hấp thu canxi ở ruột. Cốt hóa răng: làm tăng độ chắc của răng. Ngoài ra Vitamin D còn có chức năng điều hòa gen, tăng cường hệ miễn dịch, phát triển hệ sinh sản và da ở nữ giới. Các nguồn cung cấp Vitamin D Vitamin D được cung cấp từ 2 nguồn chính. Đặc biệt trẻ sơ sinh có thêm nguồn vitamin D được dự trữ từ thời kỳ bào thai. Nguồn vitamin D nội sinh Do các tiền vitamin D ở trong da, dưới tác dụng của tia cực tím UV(B) trong ánh sáng mặt trời chuyển thành vitamin D3. Đây là nguồn cung cấp vitamin D chính của cơ thể. Chỉ cần tiếp xúc với ánh sáng mặt trời 10-15 phút/ngày là tổng hợp đủ vitamin D cho cơ thể. Nguồn vitamin D ngoại sinh (từ thức ăn) Vitamin D nguồn gốc động vật (Vitamin D3): có nhiều trong gan cá, trứng sữa. Vitamin D nguồn gốc thực vật (Vitamin D2) có nhiều trong các loại nấm. Dấu hiệu cho thấy trẻ còi xương do thiếu vitamin D Biểu hiện ở hệ thần kinh Là triệu chứng xuất hiện sớm: trẻ ra mồ hôi trộm, ra nhiều ngay cả khi trời mát, buổi đêm, kích thích, khó ngủ hay giật mình, rụng tóc vành khăn, mụn ngứa ở lưng, ngực. Đối với còi xương cấp có thể gặp các biểu hiện của hạ Ca máu như thở rít, nôn nấc khi ăn,.. Chậm phát triển vận động: trẻ mắc bệnh còi xương vitamin D thường chậm biết lẫy, bò. Khi còi xương nặng, trẻ có thể có biểu hiện thiếu máu thiếu sắt, gan lách to. Rối loạn chức năng miễn dịch nên trẻ dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ bị mềm xương sọ, thóp lâu liền, biến dạng xương sọ, bướu trán, đỉnh,.. làm đầu to ra. Biến dạng xương hàm, mặc lộn xộn, chậm mọc răng, răng thưa, răng yếu, men răng xấu, dễ sâu răng,.. Hướng dẫn phòng bệnh còi xương cho trẻ Cha mẹ cần hiểu về các yếu tố nguy cơ và cách phòng chống bệnh, biết cách nuôi con hợp lý, bổ sung thực phẩm giàu canxi và vitamin D cho con. Bổ sung cho bà mẹ mang thai vitamin D 1000UI/ngày từ tháng thứ 7 hoặc uống 100.000UI-200.000UI 1 lần vào tháng thứ 7 của thai kỳ, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trẻ thiếu canxi cũng là một trong những vấn đề luôn được các bậc cha mẹ quan tâm trong quá trình nuôi con, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển hệ xương của trẻ. Do vậy, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì thói quen sinh hoạt hợp lý là biện pháp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh còi xương ở trẻ một cách hiệu quả, đồng thời trong quá trình nuôi dưỡng trẻ cần lưu ý một số vấn đề sau: - Thường xuyên cho trẻ được vận động và tiếp xúc với không khí ngoài trời nhằm tăng cường đề kháng cũng như sức khỏe của trẻ. - Xây dựng một thực đơn dinh dưỡng khoa học: Khi trẻ dưới 6 tháng tuổi cần cho trẻ được bú mẹ hoàn toàn. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên bắt đầu cho trẻ ăn dặm và trong các bữa ăn cần bổ sung cho trẻ đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất) để trẻ có thể nhận được đầy đủ dưỡng chất. Một số thực phẩm có chứa nhiều vitamin D như dầu cá hồi, cá hồi, cá thu, lươn, lòng đỏ trứng gà, sữa. Canxi có nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa. Trong rau thì có các loại đậu đỗ… - Cho trẻ ngủ đủ giấc để hình thành hormon tăng trưởng. Ngoài ra, đối với các bà mẹ đang mang thai, hoặc trẻ có nguy cơ bị còi xương nên uống thêm dầu cá hoặc vitamin D nhưng phải có chỉ dẫn của bác sĩ sản khoa, nhi khoa và tuyệt đối không được lạm dụng vitamin D. Đối với trẻ sinh non, thiếu tháng, thiếu cân rất cần thiết cho trẻ đi khám định kỳ để được bác sỹ tư vấn chế độ ăn phòng bệnh còi xương suy dinh dưỡng cho trẻ.