Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp ở bất cứ ai, từ trẻ sơ sinh đến người lớn tuổi với những triệu chứng: ợ nóng, tức ngực, ợ trớ, nuốt nghẹn, buồn nôn, nôn, rối loạn giấc ngủ…
NGUYÊN NHÂN GÂY TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN
Cho đến nay người ta cũng chưa biết rõ nguyên nhân của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bình thường khi nuốt thức ăn, cơ vòng thực quản dưới sẽ mở ra cho phép đồ uống, thức ăn đi xuống dạ dày. Sau đó đóng lại để ngăn ngừa trào ngược, tuy nhiên trong trường hợp này cơ sẽ bị yếu hoặc đóng - mở bất thường sẽ dẫn đến trào ngược dạ dày.
Nguyên nhân khác gây trào ngược dạ dày thực quản bao gồm:
- Tại dạ dày: do tình trạng tăng tiết axit, ứ đọng thức ăn, chậm làm rỗng, tăng áp lực trong dạ dày hoặc ổ bụng.
- Giải phẫu thực quản: thực quản quá ngắn, u thực quản, thoát vị hoành.
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
- Do dùng thuốc như aspirin, thuốc NSAID và thuốc khác.
- Do ăn uống nhiều rượu bia, nước có gas, hút thuốc lá.
- Do bị stress, tiểu đường…
- Yếu tố gene gia đình, mang thai…
- Các rối loạn mô liên kết như bệnh xơ cứng bì.
BIỂU HIỆN CỦA TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN
Triệu chứng tại thực quản bao gồm những triệu chứng điển hình là ợ nóng, ợ trớ. Ợ nóng, bệnh nhân có biểu hiện nóng rát vùng ngực, lan từ xương ức lên cổ. Ợ trớ là sự tống tháo ngược dịch ứ đọng trong thực quản lên miệng.
Ngoài ra còn có các dấu hiệu: đau ngực, nuốt nghẹn, nuốt khó, buồn nôn, nôn, rối loạn giấc ngủ…
Triệu chứng ngoài thực quản với các biểu hiện không điển hình như: viêm thực quản, hen phế quản, viêm xoang, ho mạn tính, đau ngực không do tim, mòn men răng…
AI DỄ MẮC TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp ở bất kỳ ai, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Tuy nhiên, đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm:
- Người bị thừa cân hoặc béo phì.
- Phụ nữ mang thai, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ do tử cung mở rộng sẽ làm chèn ép một số bộ phận tiêu hóa, dẫn đến hiện tượng trào ngược.
- Người phải sử dụng một số thuốc nhất định, như thuốc trị hen suyễn, thuốc kháng histamin, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau xương khớp nhóm NSAIDs.
- Người hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động do khói thuốc khi vào cơ thể qua đường thực quản sẽ làm kích thích niêm mạc dạ dày.
- Người bị thoát vị hoành hoặc bệnh lý mô liên kết như xơ cứng bì.
- Ngoài ra, người có lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh như uống rượu bia, ăn nhiều đồ chua, đồ dầu mỡ, lười vận động, nằm liền sau ăn… cũng là những đối tượng có nguy cơ cao dễ bị trào ngược dạ dày.
- Căng thẳng hay do stress trong công việc và cuộc sống cũng là yếu tố thường gặp gây ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản, đặc biệt ở những người trẻ.
LỜI KHUYÊN
Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản cần chú ý lựa chọn thực phẩm phù hợp sẽ giúp giảm lượng axit dư thừa trong dạ dày, giúp hạn chế những tổn thương. Ngoài ra nên duy trì tinh thần thoải mái, thay đổi lối sống để phòng ngừa những triệu chứng của bệnh.
Ăn uống điều độ và lành mạnh sẽ giúp kiểm soát được cân nặng, từ đó kiểm soát được tình trạng bệnh.
Có nhiều nhóm thực phẩm có lợi cho tình trạng trào ngược dạ dày thực quản bao gồm: bánh mì, các loại trái cây chứa ít acid như táo, lê, chuối. Các loại thực phẩm giàu đạm dễ tiêu: thịt thăn lợn, thịt ngan… góp phần trung hòa axit, hạn chế các triệu chứng của bệnh đối với người có triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, các loại cá được chế biến bằng cách nướng, hấp, hoặc nấu canh.
Những loại thực phẩm người trào ngược dạ dày nên tránh: các thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ sẽ khiến dạ dày phải làm việc vất vả hơn để tiêu hóa, thời gian tiêu hóa thức ăn sẽ kéo dài gia tăng nguy cơ trào ngược. Bia, rượu và các thức uống có gas như nước ngọt sẽ làm chướng bụng và gây tác dụng không tốt với cơ thắt dạ dày thực quản. Các món ăn, trái cây có vị chua cũng sẽ gây những tác hại không tốt cho người bệnh.
Tránh ăn quá nhiều trong một bữa bằng cách chia nhỏ nhiều bữa trong ngày, không nằm ngay sau khi ăn.