Th 03
Thời kỳ mãn kinh có thể là khoảng thời gian khó khăn đối với một số phụ nữ, do đó rất dễ hiểu tại sao họ bị thu hút bởi ý tưởng bổ sung vi chất hoặc thay đổi chế độ ăn uống để vượt qua khoảng thời gian này một cách dễ chịu. Sự suy giảm nồng độ estrogen từ thời kỳ mãn kinh trở đi làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim (tim mạch và đột quỵ), loãng xương (xương giòn, xốp, và tăng nguy cơ gãy xương), đái tháo đường, trầm cảm, béo phì và mất trí nhớ… Để giải quyết những lo ngại này, chị em độ tuổi mãn kinh nên thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống để giảm thiểu rủi ro lâu dài. Dưới đây là một số loại vitamin và khoáng chất cần thiết, chị em nên lưu ý bổ sung vào chế độ dinh dưỡng khi bước vào giai đoạn mãn kinh. 1.BỔ SUNG MAGIE GIÚP NGĂN NGỪA LOÃNG XƯƠNG, GIẢM CĂNG THẲNG Ở thời kỳ mãn kinh, nhiều phụ nữ thường cảm thấy đau nhức cơ xương và có thể bị loãng xương và cần được bổ sung magie. Magie rất cần thiết để thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi trong cơ thể. Nếu không có đủ magie thì canxi có thể góp nhặt từ các mô mềm và gây viêm khớp. Một yếu tố vô cùng quan trọng trong giai đoạn mãn kinh chính là rối loạn tâm lý như lo âu, căng thẳng, cáu gắt, lâu ngày dẫn đến trầm cảm và làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy chị em cần lưu ý ăn các loại rau lá màu xanh đậm để bổ sung lượng magie mất đi do căng thẳng. 2.PHYTOESTROGEN GIẢM TRIỆU CHỨNG BỐC HỎA Phytoestrogen là các hợp chất có nguồn gốc thực vật, có cấu trúc tương tự estrogen của con người và hoạt động tương tự nhưng yếu hơn. Các chất bổ sung phytoestrogen thường được lựa chọn để làm giảm các cơn bốc hỏa ở phụ nữ mãn kinh. Chị em ở độ tuổi mãn kinh nên ăn các thực phẩm giàu phytoestrogen như: đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành, các loại ngũ cốc, đậu, hạt nguyên cám hoặc nguyên vỏ. Ngoài việc giảm các triệu chứng bốc hỏa, tăng cường quá trình tạo xương, những thực phẩm này còn là nguồn carbohydrate chất lượng, giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa, như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu. 3.BỔ SUNG CANXI VÀ VITAMIN D ĐỂ TỐI ƯU SỨC KHỎE XƯƠNG Canxi là một khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe xương. Phụ nữ trưởng thành trước thời kỳ mãn kinh cần 700mg mỗi ngày nhưng từ thời kỳ mãn kinh trở đi, nhu cầu này tăng lên 1.200mg mỗi ngày. Các nguồn canxi tốt bao gồm sữa, đồ uống có nguồn gốc thực vật tăng cường canxi, cá đóng hộp (ninh nhừ ăn cả xương), rau bina, các loại đậu, đậu phụ và quả sung khô. Vitamin D thường được gọi là vitamin ánh nắng vì nó được tạo ra nhờ tác động của ánh nắng mặt trời lên da khi chúng ta tiếp xúc với bên ngoài. Hướng dẫn hiện tại của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS) là phụ nữ nên cân nhắc dùng thuốc bổ sung 10mcg vitamin D (400IU) trong những tháng mùa thu và mùa đông vì khó có thể tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời. Vitamin D cũng được tìm thấy trong lòng đỏ trứng, cá có dầu và một số thực phẩm tăng hàm lượng thấp, nhưng khó có thể đủ chỉ từ chế độ ăn uống. Nếu bạn không nhận đủ canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống, bạn có thể kê đơn thuốc bổ sung. Thực hiện theo hướng dẫn của NHS về việc bổ sung thêm vitamin D trong những tháng mùa thu và mùa đông. 4.VẬN ĐỘNG LÀ CHÌA KHÓA GIÚP PHỤ NỮ TIỀN MÃN KINH DUY TRÌ SỨC KHỎE Đối với chị em độ tuổi mãn kinh, cách tốt nhất để hỗ trợ cân nặng khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và loãng xương lâu dài là tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống lành mạnh. Ngoài chế độ ăn uống, phụ nữ mãn kinh cũng nên thực hành tập luyện thể dục thể thao, vận động cơ thể vừa sức. Nên duy trì khoảng 3-5 buổi mỗi tuần với các bài tập như đi bộ, yoga, thể dục nhịp điệu,... vừa giúp cơ thể dẻo dai, hạn chế sự giảm cơ ở độ tuổi này, vừa giúp tinh thần thoải mái, vui vẻ.
Th 03
Lactoferrin đã được giới khoa học đánh giá như một loại protein kỳ diệu trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng và cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với những ai đang quan tâm đến chế độ dinh dưỡng miễn dịch, nhất là đối với trẻ nhỏ. LACTOFERRIN ĐÓNG VAI TRÒ ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI HỆ MIỄN DỊCH CỦA TRẺ Lactoferrin là một loại protein đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ miễn dịch của trẻ. Lactoferrin được tìm thấy với hàm lượng rất cao trong sữa non (sữa mẹ tiết ra trong khoảng 5 ngày sau sinh) với hơn 500mg Lactoferrin trên 100ml sữa với tác dụng chính là tăng cường, điều hòa miễn dịch, chống viêm, kháng khuẩn và giúp trẻ sơ sinh chống lại các mầm bệnh từ môi trường bên ngoài. Ở sữa trưởng thành (sữa mẹ từ 3 tuần sau sinh), nồng độ Lactoferrin đo được giảm xuống còn khoảng 2-3g/l sữa. Lactoferrin có khả năng liên kết với các phân tử sắt cao. Đó cũng chính là nguồn gốc của cái tên “Lactoferrin”, ra đời từ sự kết hợp giữa cụm “lacto” (một loại protein quan trọng lượng phân tử lớn) và “ferrin” (sắt). Sắt là khoáng chất quan trọng tham gia vào quá trình tạo hồng cầu, hệ thống miễn dịch, điều hòa nhiệt độ của cơ thể và đảm nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đi tất cả các cơ quan trong cơ thể. Nhờ khả năng liên kết mạnh mẽ với sắt, Lactoferrin giúp trẻ hấp thu sắt tốt hơn. Sắt lại là nguồn thu quan trọng cho quá trình nhân lên của vi khuẩn có hại. Lactoferrin không chỉ có khả năng “giành giật” sắt với vi khuẩn mà còn loại bỏ sắt trong cấu trúc của vi khuẩn, gây ức chế sự phát triển của vi khuẩn tại vị trí nhiễm trùng và điều chỉnh giảm sự biểu hiện của các yếu tố độc lực của chúng. Lactoferrin cũng là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho các lợi khuẩn đường ruột phát triển. Khoa học đã chứng minh, 70% hệ miễn dịch của trẻ nằm ở hệ tiêu hóa, cụ thể là đường ruột. Lactoferrin thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có lợi như Lactobacillus acidophilus và Bifidobacterium bifidum, đồng thời ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại trong đường ruột, từ đó duy trì sức khỏe đường ruột bằng cách điều chỉnh sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột. Theo nghiên cứu năm 2015 của Khoa Nội thuộc Trung tâm Y Tế Đại học Rush, Chicago, Lactoferrin giúp giảm tỷ lệ các bệnh liên quan đến tiêu chảy ở trẻ em, so với nhóm trẻ không sử dụng Lactoferrin. Ngoài ra Lactoferrin có thể cải thiện tình trạng nhiễm khuẩn da và ức chế phản ứng dị ứng da nhờ khả năng chống viêm mạnh mẽ.
Th 03
Người ta ước tính rằng, trung bình, phụ nữ mất tới 10% khối lượng xương trong 5 năm đầu tiên sau khi mãn kinh. Để giảm nguy cơ loãng xương, bạn nên tuân thủ một chế độ ăn giàu canxi và tập thể dục thường xuyên. 1.THỜI KỲ MÃN KINH ẢNH HƯỞNG ĐẾN BỆNH LOÃNG XƯƠNG NHƯ THẾ NÀO? Loãng xương là một bệnh đặc trưng bởi khối lượng xương thấp và sự phá vỡ cấu trúc của xương khiến xương trở nên mỏng hơn, dễ gãy hơn. Thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương ở phần lớn phụ nữ. Thông tin Tổ chức Loãng xương quốc gia Hoa Kỳ cho biết có tới 80% người loãng xương là phụ nữ. Một trong những lý do chính là do phụ nữ thường có xương nhỏ hơn và mỏng hơn so với nam giới. Một lý do khác là nồng độ estrogen (một loại hormone ở phụ nữ giúp bảo vệ xương) giảm mạnh khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh và tiền mãn kinh. Phụ nữ đạt khối lượng xương cao nhất vào khoảng 25-30 tuổi, lúc này bộ xương không ngừng phát triển và xương ở trạng thái chắc và dày nhất. Estrogen là một loại nội tiết tố nữ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe xương. Nồng độ estrogen giảm vào thời gian mãn kinh dẫn đến tình trạng mất xương gia tăng. Nếu khối lượng xương tối đa của bạn trước thời kỳ mãn kinh thấp hơn mức lý tưởng, thì bất kỳ sự mất xương nào trong thời kỳ mãn kinh đều có thể dẫn đến bệnh loãng xương. Người ta ước tính rằng, trung bình, phụ nữ mất tới 10% khối lượng xương trong 5 năm đầu sau mãn kinh (sự kết thúc thời kỳ mãn kinh thường xảy ra ở độ tuổi từ 45-55). Bước sang tuổi 60-70, xương phụ nữ yếu hẳn, xuất hiện đau lưng, mỏi vai… Đó là về mặt lý thuyết, còn thực tế không phải người phụ nữ nào sau mãn kinh cũng đều loãng xương. Theo thống kê, 30% phụ nữ mãn kinh mắc bệnh loãng xương, 40% phụ nữ trên 50 tuổi mắc các chứng bệnh về xương như: đau lưng, đau vai, mỏi gối, gãy xương… Cách điều trị loãng xương phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể của người phụ nữ, đó là lý do tại sao bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về phương pháp điều trị phù hợp nhất với mình. Ngoài việc ngăn ngừa mất xương, liệu pháp hormone có thể giúp kiểm soát các triệu chứng mãn kinh, đặc biệt là bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm. Tuy nhiên, nó có thể không phù hợp với phụ nữ mắc một số bệnh lý nhất định, đặc biệt là những người có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, đột quỵ, đau tim hoặc cục máu đông. 2.BỔ SUNG CANXI CHO PHỤ NỮ TIỀN MÃN KINH GIẢM NGUY CƠ GÃY XƯƠNG DO LOÃNG XƯƠNG Để giảm nguy cơ loãng xương, bạn nên tuân thủ một chế độ ăn giàu canxi và tập thể dục thường xuyên. Nên chọn những môn thể dục đòi hỏi vận động nhiều để xương cứng cáp hơn như đi bộ, tennis. Những thói quen lối sống này tốt nhất nên bắt đầu khi còn trẻ để có được nhiều lợi ích nhất. Canxi rất cần thiết cho những thói quen khác nhau của cơ thể, chẳng hạn như truyền xung thần kinh, co cơ và đông máu. Khoảng 99% canxi được tìm thấy trong hệ thống xương nhưng bị lấy ra khỏi xương khi nồng độ canxi trong huyết tương thấp. Khi nồng độ canxi trong máu thấp, hormone tuyến cận giáp được tiết ra, dẫn đến sự tổng hợp calcitriol, dẫn đến hủy xương và giải phóng canxi. Nếu lượng canxi dồi dào trong huyết thanh, chu kỳ này sẽ không xảy ra và quá trình luân chuyển xương sẽ trở lại mức bình thường. Do giảm sản xuất estrogen sau khi mãn kinh, cơ thể phụ nữ ít có khả năng giữ lại canxi từ các nguồn thực phẩm. Vì khối lượng xương cao nhất đạt được trong độ tuổi từ 25-35, và giảm dần sau đó, nên việc bổ sung canxi đặc biệt quan trọng ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh. Bổ sung canxi đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ để ngăn chặn sự suy giảm này, giúp duy trì khối lượng xương, ngăn ngừa và điều trị chứng loãng xương. Canxi được hấp thụ tốt nhất từ nguồn thực phẩm, nhưng hầu hết phụ nữ sau mãn kinh không tiêu thụ đủ canxi và cần phải sử dụng thực phẩm bổ sung để đạt được lượng khuyến nghị. Tuy nhiên, bổ sung như thế nào và liều lượng bao nhiêu thì cần được các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng chỉ định và theo dõi trong suốt quá trình. 3.DINH DƯỠNG CHO PHỤ NỮ GIAI ĐOẠN TIỀN MÃN KINH Sự sụt giảm nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh khiến nhiều chị em dễ mắc một số bệnh như loãng xương, đau xương khớp, bệnh tim mạch, huyết áp… Một chế độ dinh dưỡng tốt trong giai đoạn tiền mãn kinh sẽ giúp cải thiện sự thiếu hụt vi chất cần thiết, giảm thiểu các triệu chứng loãng xương, giảm nguy cơ tổn thương các khớp, giảm nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch. Ở thời kỳ mãn kinh, do sự sụt giảm estrogen nên khối lượng xương cũng mất đi nhanh chóng làm tăng nguy cơ gãy xương và biến chứng gãy xương. Phụ nữ mãn kinh nên ăn các loại giàu canxi và vitamin D như: sữa tách béo và các sản phẩm từ sữa, trứng, các loại hải sản, cá béo giàu omega 3… Phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh cần lưu ý chế độ ăn uống phù hợp. Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu canxi bao gồm: các loại hải sản hoặc cá đồng, tôm, cua, ốc, … Trứng, đặc biệt là lòng đỏ trứng, bông cải xanh và các loại rau lá xanh: rau ngót, rau cải thìa, rau cải xoăn, cải bó xôi… Trong giai đoạn này, nên tăng cường chất xơ, vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn hằng ngày. Uống đủ nước, hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, đường, muối… Mỗi ngày nên tiêu thụ ít nhất 1 khẩu phần ăn từ sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai… để cung cấp đủ canxi, giúp ngăn chặn sự mất xương, giảm nguy cơ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh. Vitamin giúp cơ thể hấp thụ canxi và canxi cần thiết để duy trì mật độ xương. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng có thể tăng cường sản xuất vitamin D và góp phần vào sức khỏe xương.
Th 03
Thành phần trong sữa mẹ có các chất như chất đạm, chất bột đường, vitamin và khoáng chất, và các yếu tố vi lượng mà con cần để phát triển khỏe mạnh, với lượng cần thiết cho nhu cầu từng độ tuổi của bé. 1.VI CHẤT TRONG SỮA MẸ GIÚP TRẺ TĂNG ĐỀ KHÁNG VÀ MIỄN DỊCH Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất, đảm bảo cho sự phát triển đầy đủ của trẻ, các thành phần trong sữa mẹ không chỉ giúp trẻ khỏe mạnh và tăng sức đề kháng đối với người mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ mang lại nhiều lợi ích. Sữa mẹ và đặc biệt là sữa non có chứa những chất dinh dưỡng thiết yếu đối với sự phát triển của trẻ. Theo nghiên cứu, lượng chất đạm trong sữa non cao gấp 10 lần trong sữa mẹ bình thường. Ngoài ra, sữa non có chứa các thành phần quan trọng khác như vitamin, khoáng chất, enzyme, axit amin… Các kháng thể sữa non có khả năng diệt khuẩn, virus độc hại và điều hòa hệ miễn dịch giúp cơ thể sơ sinh chống lại bệnh tật, phát triển khỏe mạnh. Thành phần sữa mẹ có các chất như chất đạm, chất bột đường, vitamin và khoáng chất, và các yếu tố vi lượng mà con cần để phát triển khỏe mạnh, với lượng cần thiết cho nhu cầu theo từng độ tuổi của bé. Hàm lượng của sữa mẹ thích ứng một cách chính xác với nhu cầu của bé trong suốt quá trình phát triển. Theo nghiên cứu, mỗi 100ml sữa mẹ lại khoảng: 65 calo, 6,7 carbohydrate (chủ yếu là đường sữa), 3,8g chất béo, 1,3g protein. Hàm lượng chất béo sữa có thể dao động từ 2g/100ml đến 5g/100ml. Mỗi lít sữa mẹ trưởng thành cũng chứa: cholesterol ở nồng độ từ 100-150mg/L, canxi ở nồng độ dao động từ 254 đến 306mg/ L, natri ở nồng độ từ 140 đến 220mg/L, photpho ở nồng độ từ 188 đến 262 mg/ L, vitamin C ở nồng độ từ 50 đến 60 mg/ L (giả sử người mẹ tiêu thụ hơn 100mg vitamin C mỗi ngày), magie ở nồng độ khoảng 35 mg/L và một lượng nhỏ hơn nhiều kẽm, axit pantothenic, axit nicotinic, i ốt, vitamin A, đồng. Sữa mẹ chứa một lượng vitamin và khoáng chất khác (bao gồm vitamin E, D, K và vitamin B) và một loạt các hormone, các yếu tố tăng trưởng và các chất chống nhiễm trùng. Nồng độ sắt có thể dao động từ 0,2 đến 0,9mg/L. Khi cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, trẻ sẽ được tăng cường kháng thể, nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh ngoài da, hen suyễn, béo phì… Thành phần sữa mẹ còn có vai trò giúp bé phát triển hệ miễn dịch tự nhiên bằng cách tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi trong ruột phát triển, giúp diệt trừ các vi khuẩn có hại trong đường ruột từ đó đẩy lùi nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật… Trẻ nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn. Lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài vượt qua thời kỳ cai sữa. Sữa mẹ còn có tác dụng phòng ngừa những bệnh chuyển hóa tim mạch như béo phì, cao huyết áp, lipid máu cao và bệnh tiểu đường loại 2. Sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng nhất là từ m10-15 ngày sau sinh nên bác sĩ thường khuyên mẹ nên cho con bú ngay sau khi sinh. 2.CÁC THÀNH PHẦN DƯỠNG CHẤT CHỦ YẾU CÓ TRONG SỮA MẸ LIPID (CHẤT BÉO) Trong sữa mẹ, thành phần quan trọng và chủ yếu bậc nhất là chất béo - cung cấp 50% năng lượng hằng ngày cho trẻ. Triglyceride và các acid béo dài: AA và DHA trong chất béo sẽ giúp trẻ phát triển vòng mạch, não bộ, các mô thần kinh và hoàn thiện hệ miễn dịch. Còn có một loại acid béo ngắn trong sữa mẹ là HMO, có tính năng đẩy chất thải và vi khuẩn ra khỏi ruột của trẻ, đóng vai trò như chất xơ (vì trong sữa mẹ không có chất xơ). Vậy nên dù bú mẹ hoàn toàn vẫn không bị táo bón hay tiêu chảy, bé đi nhiều lần 2 ngày hay đi 1 lần nhiều ngày thì phân vẫn rất mềm, vàng và không bị vón cục. Bên cạnh đó, chất béo còn có công dụng như dung môi để trẻ hấp thụ một số vitamin quan trọng. CHẤT ĐẠM (PROTEIN) Chất đạm trong sữa mẹ cũng quan trọng không kém gì chất béo vì cung cấp amino-acid cho trẻ để tăng trưởng cơ và xương, tạo kháng thể, tạo các men cần thiết, tạo dung môi cho các hormone. Trong chất đạm gồm có WHEY PROTEIN và CASEIN protein. WHEY PROTEIN: chiếm 60% lượng chất đạm trong sữa với các thành phần a-lactalbumin, lysozyme, lactoferrin, immunoglobulin… Công dụng của WHEY PROTEIN là cung cấp dinh dưỡng, bảo vệ, đào thải ra ngoài cơ thể chất dư thừa, cặn bã, chất độc, tế bào lạ. Trong sữa mẹ, WHEY PROTEIN ở dạng lỏng nên trẻ tiêu hóa và hấp thụ dễ dàng qua ruột để hoàn chỉnh niêm mạc ruột, tạo kháng thể. CASEIN PROTEIN: chiếm 40% lượng chất đạm trong sữa, mang công dụng chính là đạm dinh dưỡng, dễ tiêu hóa hấp thụ vì ở dạng kết tủa trong ruột mềm như đậu phụ. KHÁNG THỂ TRONG SỮA MẸ Các kháng thể trong sữa mẹ giúp trẻ chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài để trẻ khỏe mạnh hơn. Có hàng triệu bạch cầu sống và các globulin từ sữa mẹ đi vào cơ thể của trẻ qua mỗi cữ bú. Các chất này sẽ bảo vệ trẻ khỏi các vi khuẩn tấn công. Cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh để được bổ sung đủ chất dinh dưỡng thiết yếu. VI CHẤT DINH DƯỠNG Có một số lượng lớn chất sắt, canxi và selen dễ hấp thu trong sữa mẹ giúp trẻ có một bộ xương và răng chắc khỏe, hệ miễn dịch khỏe mạnh và trí não phát triển. CHẤT BỘT ĐƯỜNG (CARBOHYDRATE) Đường Lactose cũng là một thành phần chính trong sữa mẹ, có khả năng cung cấp 40% năng lượng cần thiết cho trẻ tăng trưởng và phát triển. Hai loại carbohydrate quan trọng và chủ yếu là lactose và oligosaccharides sẽ hỗ trợ sự phát triển của não bộ và tăng cường sự khỏe mạnh của hệ đường ruột, để trẻ dễ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. MEN VÀ HORMONE Men tiêu hóa lipase, amylase, hormone prolactin, thyroid, oxytocin trong sữa mẹ sẽ tăng sức khỏe đường ruột, cân bằng sinh hóa. Mùi vị của sữa mẹ cũng bị ảnh hưởng bởi các loại men và hormone này, nếu mẹ thay đổi khẩu phần ăn uống thì men và hormone này cũng sẽ thay đổi theo nên mẹ hãy giúp trẻ dần làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau trong chế độ dinh dưỡng.