Th 11
Tình trạng đường huyết dao động không ổn định ở người mắc đái tháo đường có thể gây ra nhiều hậu quả. Vì vậy, người mắc đái tháo đường cần giữ mức đường huyết trong giới hạn cho phép để sống khỏe mạnh, đồng thời trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự xuất hiện của các biến chứng do đái tháo đường. 1.NGUY CƠ TIỀM TÀNG KHI ĐƯỜNG HUYẾT MẤT ỔN ĐỊNH Ở NGƯỜI MẮC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG Trên thực tế, đường huyết tăng hay giảm đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mắc đái tháo đường và dẫn đến nhiều biến chứng: Các vấn đề tim mạch Tổn thương dây thần kinh Tổn thương thận hoặc suy thận Tổn thương các mạch máu ở võng mạc có thể dẫn đến mù lòa Các vấn đề ở chân như nhiễm trùng da, lở loét hoặc nghiêm trọng hơn là phải đoạn chi do đái tháo đường gây tổn thương dây thần kinh và giảm lưu lượng máu đến chân Các vấn đề xương khớp Nhiễm trùng răng và nướu Không những vậy, lượng đường trong máu tăng rất cao còn có thể dẫn đến nhiễm toan ceton do đái tháo đường hoặc tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết. Hai tình trạng này nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến hôn mê và thậm chí tử vong. 2.NGUYÊN NHÂN KHIẾN ĐƯỜNG HUYẾT TĂNG HOẶC GIẢM Nhìn chung, chỉ số đường huyết không ổn định, quá thấp hoặc quá cao có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống. Chính vì vậy người đái tháo đường cần hiểu rõ nguyên nhân khiến lượng đường trong máu thay đổi để biết cách ổn định đường huyết hiệu quả. Nguyên nhân gây tăng đường huyết có thể do: Ăn nhiều thức ăn hoặc bữa ăn chứa nhiều chất đường bột hơn bình thường. Ít vận động thể chất. Không sử dụng đủ thuốc kiểm soát đái tháo đường. Tác dụng phụ của một số thuốc khác. Tình trạng nhiễm trùng hoặc một số vấn đề sức khỏe khác. Thay đổi nồng độ hormone, chẳng hạn như trong chu kỳ kinh nguyệt. Căng thẳng. Trong khi đó, chỉ số này có thể giảm do: Bỏ bữa, ít thức ăn hoặc ăn ít chất đường bột hơn bình thường. Uống rượu bia, đặc biệt khi bụng đói. Hoạt động thể chất cường độ cao, tập quá sức. Sử dụng quá nhiều, quá liều thuốc trị đái tháo đường, đặc biệt là insulin. Tác dụng phụ của các loại thuốc khác. Suy các tuyến nội tiết (suy tuyến yên, suy thượng thận). 3.NHỮNG CÁCH ĐƠN GIẢN GIÚP ỔN ĐỊNH ĐƯỜNG HUYẾT CÂN BẰNG CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp tới tình trạng sức khỏe mỗi người, đặc biệt với bệnh đái tháo đường thì càng quan trọng và cần thiết. Nguyên tắc cơ bản đối với người đái tháo đường là cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, hạn chế chất bột đường, chất béo, chú trọng rau xanh, trái cây, các thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Chế độ ăn cân bằng giúp cung cấp cho người bệnh đủ nhu cầu dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất góp phần duy trì tốt lượng đường trong máu. Chế độ ăn có tác dụng tốt ở đại đa số bệnh nhân đái tháo đường trên 3 phương diện chính là: cân nặng, hạn chế làm tăng đường máu và làm giảm yếu tố nguy cơ tim mạch. CHẾ ĐỘ TẬP LUYỆN HỢP LÝ Các nghiên cứu gần đây chứng minh rằng tập luyện thường xuyên có ý nghĩa quan trọng trong dự phòng, điều trị, ngăn chặn các biến chứng đái tháo đường. Thể dục có ảnh hưởng tích cực tới quá trình chuyển hóa đường trong máu cũng như cải thiện khả năng hoạt động của insulin. Tuy nhiên, cần tránh các bài tập nặng, quá sức, gây tình trạng hạ đường huyết quá mức. Vì vậy theo khuyến cáo bài tập phù hợp nhất với người đái tháo đường là đi bộ hằng ngày vào buổi sáng hay chiều, mỗi lần khoảng 30 phút. Chế độ ăn và vận động hợp lý là một trong những yếu tố nền tảng của điều trị bệnh đái tháo đường. Tập luyện thể thao là một trong những phương pháp không thể thiếu trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường, giúp làm ổn định đường huyết, cải thiện các chỉ số huyết áp, mỡ máu, từ đó giúp giảm thiểu các biến chứng tiểu đường. Tuy nhiên, làm thế nào để tập luyện hiệu quả và đảm bảo an toàn, tránh những tác hại do thiếu sự chuẩn bị và do tập luyện không đúng phương pháp gây ra? Hãy cùng Hadu tìm hiểu qua một số lưu ý khi tập thể dục dưới đây: Chuẩn bị trước khi tập luyện Những người mới tập luyện trước hết cần xác định loại hình vận động phù hợp với đặc điểm cá nhân, tình hình sức khỏe, cường độ và thời gian tập luyện. Nên kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi tập để phát hiện sớm những bệnh lý, rối loạn tiềm tàng khác hoặc những biến chứng đã có của đái tháo đường, đặc biệt với các bệnh lý hay biến chứng tim mạch, huyết áp, thận, thần kinh ngoại biên, bệnh lý cơ quan vận động để được tư vấn vận động phù hợp nhất. Trước khi tập luyện, nên đo lường máu và nghe tư vấn về hình thức luyện tập phù hợp. Trang phục, giày tập phải phù hợp, nhất là những người có biến chứng thần kinh ngoại biên gây giảm hoặc mất cảm giác ở chân. Không nên tập quá gần (dưới 2h) hoặc quá xa (trên 4h) sau khi ăn. Cũng cần chuẩn bị sẵn một số thức ăn có đường để bổ sung kịp thời khi có các biểu hiện hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, run tay chân… do hạ đường huyết trong khi tập, nhất là những người đang dùng thuốc hạ đường huyết và insulin. Chủ động kiểm soát đường huyết Người bệnh đái tháo đường nên nhớ, yếu tố đầu tiên giúp sống khỏe, sống lâu với căn bệnh này là làm sao để lượng đường trong máu không tăng cao bất thường. Muốn vậy, người bệnh cần uống thuốc hoặc sử dụng thuốc tiêm theo tư vấn của bác sĩ, kết hợp chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục như đã đề cập ở trên.
Th 11
Thời tiết thay đổi thất thường làm gia tăng các bệnh ở trẻ, trong đó có các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, cần làm gì để phòng bệnh cho trẻ là điều vô cùng quan trọng. 1.VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP TRÊN Ở TRẺ EM LÀ GÌ? Đường hô hấp trên gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản. Các cơ quan này có nhiệm vụ lấy không khí từ ngoài cơ thể, làm ấm, sưởi ấm và lọc khí rồi đưa vào phổi. Vì vậy, đây cũng chính là những cơ quan tiếp xúc trực tiếp với không khí và môi trường bên ngoài. Chúng thường rất dễ bị viêm nhiễm do tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, nấm mốc…). Tùy thuộc vào cơ quan bị nhiễm trùng, viêm đường hô hấp trên ở trẻ có tên gọi khác nhau như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm xoang, nhiễm trùng tai giữa… 2.NGUYÊN NHÂN TRẺ BỊ VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP TRÊN Các bệnh lý viêm đường hô hấp trên ở trẻ có thể được gây ra bởi nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau gồm virus, vi khuẩn, nấm mốc, bụi bẩn. Trong đó, virus cúm, coronavirus, virus Adeno, liên cầu khuẩn tan máu nhóm A, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn… là những tác nhân gây viêm đường hô hấp trên thường gặp. Phần lớn trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh viêm đường hô hấp trên do virus gây ra. Bệnh thường sẽ khởi phát bằng sự nhiễm trùng do một loại virus, sau đó biến chứng thành nhiễm trùng do vi khuẩn và bắt đầu biểu hiện ra bên ngoài, dẫn đến tình trạng viêm họng, nhiễm trùng đường hô hấp trên. Ngoài ra một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ em như: Thể trạng sức khỏe kém: trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng hoặc gặp các vấn đề về miễn dịch, suy giảm miễn dịch. Ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường: trẻ sống trong môi trường ô nhiễm, ẩm thấp, kém vệ sinh, nhiệt độ thấp hoặc có nhiều khói bụi, khói thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. 2.TRIỆU CHỨNG TRẺ VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP TRÊN Các triệu chứng viêm đường hô hấp trên thường rất đa dạng. Chúng có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc kết hợp giữa nhiều triệu chứng với nhau gồm: Sốt; Ho, ho theo từng cơn, ho khan có đờm hoặc không có đờm; Nghẹt mũi, sổ mũi; Đau, rát họng, khi nuốt có cảm giác vướng trong họng; Mệt mỏi; Chán ăn, bỏ bú, chán bú; Đau đầu; Khàn tiếng; Đau mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt; Khó thở, khò khè; Đối với trẻ sơ sinh, các triệu chứng thường không rõ ràng khi nhiễm bệnh nên khó có thể được phát hiện sớm, chuyển biến nghiêm trọng và dẫn tới viêm phổi. Vì vậy, bố mẹ cần để ý kỹ các triệu chứng bất thường của trẻ và đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được kiểm tra và hỗ trợ điều trị sớm khi trẻ có biểu hiện bú yếu, thở không đều, cánh mũi phập phồng, da xanh xao… 3.NHỮNG TRẺ NÀO CÓ NGUY CƠ CAO MẮC VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP TRÊN? Tất cả trẻ em đều có nguy cơ mắc viêm đường hô hấp trên. Nhìn chung trẻ nhỏ có nhiều nguy cơ mắc hơn người lớn là vì: Sức đề kháng của trẻ ít hơn. Hệ thống miễn dịch của trẻ thường kém hơn người lớn khi chống lại vi trùng lạnh. Mùa đông: hầu hết các bệnh hô hấp ở trẻ thường xảy ra vào mùa đông, khi trẻ em ở trong nhà và xung quanh có nhiều vi trùng hơn. Độ ẩm cũng giảm trong mùa này. Đi trường học hoặc nhà trẻ: bệnh viêm đường hô hấp dễ lây lan hơn khi trẻ tiếp xúc gần. Giao tiếp tay - miệng: trẻ em luôn vô thức đụng chạm mắt, mũi, miệng hoặc bất cứ khi nào mà không rửa tay. Đây là cách phổ biến nhất lây lan vi trùng. 4.PHÒNG TRÁNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP TRÊN CHO TRẺ Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần chú ý việc giữ ấm cơ thể cho trẻ đúng cách. Khi thời tiết trở lạnh, cha mẹ lưu ý giữ ấm cho trẻ bằng cách cho trẻ mặc đủ ấm, phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài. Mặc thêm áo ấm, mũ len, mang thêm bao tay, tất, khăn, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũ kín tai, sử dụng nước ấm. -Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ Trẻ cần được ăn uống đầy đủ, nhất là những trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ. Dinh dưỡng đầy đủ đóng vai trò quan trọng với miễn dịch chung của trẻ. Một số vi chất thiết yếu trong cơ thể như vitamin, khoáng chất không thể thiếu để giúp hệ miễn dịch của trẻ hoạt động một cách bình thường. Do vậy, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho trẻ trong một chế độ ăn cân đối. Với trẻ biếng ăn, cha mẹ nên bổ sung từ các nguồn thực phẩm bổ sung, các công thức thuốc bổ tổng hợp và các chế phẩm thảo dược chuẩn hóa, chống biếng ăn cho trẻ. Bên cạnh đó cần chú ý cho trẻ uống đủ nước, nhiều khi trẻ không khát, nhưng thật ra vẫn cần đủ lượng nước. Nếu trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khỏe mạnh bệnh sẽ rất khó tấn công. -Tiêm vaccine phòng bệnh Thực tế thì hầu hết các tác nhân virus - vi khuẩn thường gặp nhất ở trẻ em đều đã có vaccine phòng bệnh. Ngoài các loại vacxin thông thường bắt buộc phải tiêm cho trẻ, cha mẹ có thể bổ sung thêm một số loại vaccine ngừa bệnh hô hấp như: vaccine phòng cúm, virus sởi… vì đây cũng là tác nhân gây viêm phổi nặng. Các loại vi khuẩn gây viêm phổi nặng có thể phòng ngừa được là: phế cầu, HiB, lao, bạch hầu, ho gà… -Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống Rửa tay cũng là một trong những cách hữu hiệu để phòng chống các bệnh hô hấp nói chung, đặc biệt là viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Tuy là bệnh đường hô hấp nhưng đường lây lan quan trọng của bệnh này là qua trung gian bàn tay nhiễm bẩn. Do đó, cần cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, và sau khi tiếp xúc với các bề mặt có nguy cơ nhiễm khuẩn. Mặt khác, cần tránh để trẻ tiếp xúc với người lớn hoặc trẻ khác đang cảm ho - dù chỉ là cảm ho thông thường. Virus gây bệnh viêm phế quản - phổi là loại virus có khả năng lây lan cao và gây bệnh cho mọi người. Tuy nhiên, nếu trẻ lớn và người lớn nhiễm virus này chỉ có biểu hiện của cảm ho thông thường, nhưng sẽ là nguồn lây bệnh quan trọng cho trẻ nhỏ. Trong khi trẻ dưới 2 tuổi nhiễm virus này sẽ bị viêm tiểu phế quản, viêm quản hoặc viêm phổi. Ở trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng.
Th 11
Vitamin B12 là dưỡng chất thiết yếu để duy trì sức khỏe tốt. Nó đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm chức năng thần kinh, sản xuất hồng cầu và tổng hợp DNA… Tuy nhiên, sự hấp thụ vitamin B12 có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như tuổi tác, lựa chọn chế độ ăn uống và các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn… 1.TÁC DỤNG CỦA VITAMIN B12 Hiện nay, có nhiều nghiên cứu về vai trò của vitamin B12 với nhiều hoạt động trong cơ thể. Cụ thể như sau: Bệnh tim mạch: Bộ 3 vitamin B6, B9, B12 có thể ngăn ngừa các bệnh về tim và mạch máu bằng cách giảm nồng độ axit amin trong máu (homocysteine). Tuy nhiên, bộ 3 vitamin này dường như không làm giảm nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh tim mạch và đột qụy. Mất trí nhớ: Thiếu vitamin B12 có liên quan đến việc mất trí nhớ và giảm khả năng nhận thức. Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu bổ sung vitamin này có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị chứng mất trí nhớ hay không. Tăng cường năng lượng: Thiếu vitamin B12 làm bạn mệt mỏi và giảm hiệu suất vận động. Dù vậy không có bằng chứng nào cho thấy bổ sung vitamin B12 sẽ tăng cường năng lượng cho cơ thể hoặc giúp bạn tăng hiệu suất vận động. Bệnh thoái hóa điểm vàng: Thiếu vitamin này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD). Đây là một dạng mất thị lực dần dần thường gặp ở người trên 50 tuổi. Vì vitamin B12 có vai trò thiết yếu trong hỗ trợ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh nên bổ sung chất này có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. 2.CÁC CÁCH TĂNG LƯỢNG VITAMIN B12 CHO CƠ THỂ Bổ sung thực phẩm giàu vitamin B12 Một trong những cách chính để tăng cường hấp thu vitamin B12 là đảm bảo nhận đủ lượng vitamin này trong chế độ ăn uống. Vitamin B12 được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, các sản phẩm từ sữa và trứng. Các nguồn thực vật, chẳng hạn như ngũ cốc tăng cường và men dinh dưỡng, cũng có thể cung cấp vitamin B12 cho người ăn chay và thuần chay. Khi tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc động vật, hãy chọn những nguồn có chất lượng cao. Ví dụ, thịt nạc, đặc biệt là các loại nội tạng như gan và cá béo như cá hồi và cá mòi… là những lựa chọn tuyệt vời. Những thực phẩm này không chỉ cung cấp vitamin B12 mà còn cung cấp các chất cần thiết khác. Bổ sung thực phẩm tăng cường trong chế độ ăn uống Nhiều sản phẩm thực phẩm, chẳng hạn như ngũ cốc ăn sáng, các sản phẩm thay thế sữa có nguồn gốc thực vật và một số sản phẩm thay thế thịt, được bổ sung vitamin B12. Những thực phẩm tăng cường này có thể đặc biệt hữu ích cho những người có chế độ ăn kiêng hạn chế, như người ăn chay hoặc thuần chay. Thực phẩm bổ sung và thuốc bổ sung vitamin B12 Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu vitamin B12 chỉ thông qua chế độ ăn uống, thì thực phẩm bổ sung có thể là một cách hiệu quả để đảm bảo đủ lượng vitamin B12. Thuốc bổ sung vitamin B12 có nhiều dạng khác nhau, bao gồm viên uống, viên ngậm dưới lưỡi và thuốc tiêm. Điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định dạng thuốc và liều lượng bổ sung phù hợp nhất cho nhu cầu cụ thể của bạn. Giải quyết các vấn đề về tiêu hóa Một số tình trạng bệnh lý và rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như bệnh thiếu máu ác tính và bệnh celiac, có thể cản trở sự hấp thụ vitamin B12. Giải quyết những vấn đề tiềm ẩn này bằng phương pháp y tế thích hợp có thể giúp cải thiện khả năng hấp thụ vitamin B12 của cơ thể. Axit dạ dày thích hợp Axit dạ dày thích hợp rất cần thiết để hấp thụ vitamin B12. Các tình trạng làm giảm axit dạ dày, như achlorhydria, có thể làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B12. Trong những trường hợp như vậy bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc bổ sung hoặc có những biện pháp can thiệp khác. Tránh tiêu thụ quá nhiều rượu Uống quá nhiều rượu có thể làm hỏng niêm mạc dạ dày và giảm tiết axit dạ dày. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ vitamin B12. Hạn chế tiêu thụ rượu là điều nên làm cho sức khỏe tổng thể. Kiểm tra sức khỏe định kỳ Kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể giúp xác định sớm những nguy cơ tiềm ẩn và các vấn đề về hấp thụ. Nếu bạn nghi ngờ thiếu vitamin B12 hoặc có các yếu tố nguy cơ hấp thu kém, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được xét nghiệm và hướng dẫn bổ sung thích hợp.
Th 11
Nước uống có ảnh hưởng tới việc dùng thuốc, nhưng nhiều người lại không để ý. Vậy khi dùng thuốc cần tránh các loại nước nào? 1.CÁC LOẠI NƯỚC UỐNG KHÔNG NÊN DÙNG KHI UỐNG THUỐC Nước giúp thuốc đi từ miệng xuống dạ dày, ruột non và được hấp thụ để mang lại tác dụng điều trị mong muốn. Uống thuốc với nước đun sôi để nguội hoặc nước tinh khiết là cách tốt nhất để thuốc phát huy hiệu quả điều trị. Dưới đây là một số loại đồ uống không nên dùng với thuốc: -Sản phẩm từ sữa: các sản phẩm từ sữa cản trở sự hấp thụ, làm giảm hiệu quả của thuốc. Canxi có trong sữa sẽ liên kết với các loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid, thuốc kháng sinh… dẫn đến ngăn cản sự hấp thụ vào cơ thể, làm hiệu quả của thuốc bị giảm đi rất nhiều. Sữa cản trở sự hấp thu của nhiều loại kháng sinh khác nhau như tetracyclin (giảm hấp thu) và một số quinolone (giảm khả dụng sinh học). Khi tiêu thụ các sản phẩm từ sữa cùng với thuốc nhuận tràng có nguy cơ cao gây đau bụng vì các thức uống từ sữa khiến thuốc không thể hòa tan trong ruột. Khi uống thuốc cũng cần lưu ý tránh dùng sữa và các sản phẩm từ sữa khác như kem hoặc pho mát trước và sau 2 giờ khi dùng thuốc. -Rượu bia: Kiêng rượu là điều cần thiết khi dùng hầu hết mọi loại thuốc. Uống rượu trong khi dùng thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác nhau và có hại cho sức khỏe. Uống thuốc cảm lạnh với rượu có thể gây buồn ngủ và có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương quá mức, gây hại cho sức khỏe. Khi dùng thuốc nhức đầu hoặc thuốc chống viêm cùng với rượu có nguy cơ gây tổn thương gan và các vấn đề về đường tiêu hóa. -Caffeine: Caffeine có trong cà phê và trà có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa khi dùng chung với thuốc. Trong trường hợp dùng thuốc giảm đau chống viêm, nguy cơ rối loạn tiêu hóa tăng lên khi dùng chung với đồ uống có chứa caffeine. Một số loại thuốc cảm lạnh hoặc thuốc giảm đau đã chứa caffeine và nếu dùng chung với cà phê dẫn đến quá liều, gây lo lắng, buồn nôn và mất ngủ do lượng caffeine dư thừa. -Nước hoa quả: Nước trái cây đã được chứng minh là có sự ảnh hưởng hấp thụ đến thuốc, đặc biệt là các loại thuốc được kê đơn cho các bệnh mãn tính như tăng huyết áp hoặc bệnh tim. Đặc biệt nước bưởi chùm khi uống chung với thuốc trị mỡ máu, thuốc trị tăng huyết áp sẽ làm tăng độc tính của thuốc. Uống thuốc huyết áp với nước ép lựu có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Cũng không nên uống các loại thuốc kháng sinh như ampicillin, erythromycin,... với nước chanh, nước cam, các loại nước có vị chua. 2.LÀM THẾ NÀO ĐỂ UỐNG THUỐC ĐÚNG CÁCH? Điều quan trọng nhất khi sử dụng thuốc để phòng hoặc chữa bệnh là phải dùng đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, vì vậy chớ bỏ qua lời dặn dò từ bác sĩ, dược sĩ về vấn đề này. Tuân thủ liều lượng và không được ngừng dùng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng một cách tùy tiện. Nếu quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra, nếu gần đến liều tiếp theo thì hãy đợi và uống, không bao giờ được uống quá liều cho phép. Nếu trước đây bị dị ứng với bất kì loại thuốc nào, đang sử dụng thuốc kê đơn của cơ sở y tế khác hoặc đang dùng thuốc thảo dược, thực phẩm bổ sung sức khỏe, vitamin tổng hợp… cần phải thông báo với bác sĩ. Tốt nhất nên uống thuốc với 1 cốc nước lọc đầy tương đương 150-200ml. Uống thuốc mà không đủ nước cũng có thể khiến thuốc không hoạt động bình thường, thậm chí có thể dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn trong một số trường hợp, ví dụ: -Với nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Một số NSAID thường được sử dụng là aspirin, ibuprofen, và naproxen. Dùng NSAID mà không uống đủ nước hoặc uống khi bụng đói có thể làm tăng nguy cơ bị kích ứng thực quản, dạ dày hoặc thậm chí là loét. -Nhóm thuốc gọi là bisphosphonates thường được sử dụng điều trị hoặc ngăn ngừa loãng xương. Những loại thuốc này thường được uống khi bụng đói. Để giảm nguy cơ bị kích ứng thực quản, điều quan trọng là phải uống những loại thuốc này với nhiều nước và tránh nằm ngủ ít nhất nửa giờ sau khi uống. Lượng nước cần thiết cũng có thể phụ thuộc vào dạng bào chế. Ví dụ, có thể cần uống nhiều nước hơn khi dùng viên nang lớn so với viên nhỏ hoặc thuốc dạng lỏng. Ngoài các loại đồ uống kể trên, thực phẩm giàu kali như chuối, cam cũng có thể gây ra tác dụng phụ với một số thuốc cần lưu ý. Cuối cùng, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để hiểu các biện pháp an toàn khi dùng thuốc.