Th 02
Trong khi sữa và các sản phẩm từ sữa nổi tiếng về hàm lượng canxi, thì các lựa chọn thay thế sữa cũng giúp bạn có đủ chất dinh dưỡng quan trọng này. 1.TẠI SAO CHÚNG TA CẦN CANXI? Canxi là một khoáng chất phổ biến trong cơ thể. Một người trung bình lưu trữ khoảng 1.000-1.200mg trong các cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Canxi chiếm 1,5-2% tổng trọng lượng cơ thể. Canxi rất quan trọng đối với cơ thể, canxi xây dựng hệ thống xương, hệ răng trong cơ thể, canxi còn tham gia quá trình điều hòa huyết áp, đông máu. Trong đó 99% canxi tạo nên cấu trúc xương và răng, móng chân, móng tay, chỉ có 1% canxi tồn tại trong máu giúp kiểm soát chức năng cơ, tín hiệu tế bào, điều hòa hormon và sức khỏe của hệ tuần hoàn. Canxi không chỉ giúp cho xương khỏe mạnh, nó còn cần thiết cho cơ bắp và chức năng thần kinh và cơ chế đông máu bình thường. Sự thiếu hụt canxi khiến sức khỏe gặp nguy hiểm vì có thể dẫn đến loãng xương và một số vấn đề khác liên quan đến hệ thần kinh. Khi cơ thể thiếu canxi thì hoạt động truyền dẫn thần kinh bị ức chế, công năng hưng phấn và công năng ức chế của hệ thần kinh bị suy giảm. Khi lượng canxi trong máu giảm thì cơ thể phải huy động canxi từ xương vào máu để tham gia các quá trình chuyển hóa, gây đau nhức các xương đặc biệt ở trẻ đang trong giai đoạn phát triển, ngoài ra có thể gây tình trạng mất ngủ, thay đổi tâm trạng… Mỗi ngày người lớn cũng như trẻ em cần khoảng 500mg canxi, riêng phụ nữ có thai và cho con bú thì nhu cầu tăng gấp đôi (1.000-1.200mg/ ngày/người). Đây là nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam được Bộ Y Tế quy định. Tiêu chuẩn này được dùng làm căn cứ để bổ sung canxi cần thiết cho từng đối tượng. Khẩu phần ăn của người Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 500mg (50%) nhu cầu khuyến nghị. Việc bổ sung canxi dựa vào khuyến nghị và căn cứ vào khẩu phần ăn trong 24h. Mặc dù có thể uống bổ sung canxi nhưng cách hiệu quả và an toàn nhất vẫn là thông qua nguồn thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày. 2.MỘT SỐ THỰC PHẨM GIÀU CANXI KHÔNG PHẢI SỮA BÒ Các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi nổi tiếng, nhưng không phải ai cũng có thể tiêu thụ sữa và một số người không muốn uống sữa. Việc kiêng uống sữa có thể khiến bạn có nguy cơ không nhận đủ canxi. Tuy nhiên, nếu bạn chọn đúng thực phẩm không phải sữa có hàm lượng canxi cao tự nhiên hoặc được tăng cường canxi thì bạn sẽ không lo thiếu hụt chất dinh dưỡng quan trọng này. Dưới đây là một số loại thực phẩm giàu canxi mà bạn tham khảo ăn hằng ngày để cơ thể được cung cấp đủ canxi. SỮA ĐẬU NÀNH GIÀU HƠN CANXI SỮA BÒ Nếu trong 100g sữa bò chứa 120mg canxi thì trong 100g sữa đậu nành có tới 165mg canxi. Hơn nữa, lượng canxi trong sữa đậu nành cũng dễ hấp thu hơn sữa bò. Nếu bạn không tiêu thụ sữa bò vì lý do sức khỏe, chẳng hạn như không dung nạp đường sữa hoặc dị ứng, hoặc vì nó không phù hợp với chế độ ăn thuần chay, thì sữa đậu nành là lựa chọn thay thế tốt nhất cho bạn. NƯỚC CAM Cam được xem là một số ít loại quả có hàm lượng canxi cao. Nước cam chứa nhiều vi chất thiết yếu khác như canxi, kali và sắt. Trong 100g nước cam nguyên chất chứa khoảng 40mg canxi tự nhiên. Một khẩu phần nước cam (khoảng 280g) có thể cung cấp cho bạn tới 35% nhu cầu canxi hằng ngày. ĐẬU PHỤ Đậu phụ hay đậu hũ được làm từ đậu nành có chứa hàm lượng canxi rất cao. Nó thường được sử dụng thay cho thịt trong các món ăn hằng ngày, đặc biệt đối với người ăn chay. Đậu phụ không chỉ là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời, nó còn là nguồn cung cấp protein thực vật và nhiều khoáng chất cần thiết khác. CẢI XOĂN CUNG CẤP 10% LƯỢNG CANXI HẰNG NGÀY Cải xoăn hay còn gọi là cải Kale là một trong những siêu thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất trên hành tinh. Cải xoăn chứa rất nhiều vitamin như A, K, C B6, thiamin, riboflavin, và niacin, các khoáng chất như mangan, canxi, kali, đồng, magie, sắt và photpho, chất xơ, omega 3 cũng như nhiều chất chống oxy hóa khác. Hàm lượng canxi có trong cải xoăn cao hơn cả sữa bò. Một chén cải xoăn sống là đủ để đáp ứng khoảng 10% nhu cầu canxi hằng ngày của bạn. HẠNH NHÂN Chỉ một nắm hạt hạnh nhân khoảng 100g cung cấp hơn ¼ lượng canxi khuyến nghị hằng ngày. Chúng cũng giàu magie, mangan và vitamin E, ngoài ra chúng còn chứa chất béo lành mạnh. Hạnh nhân là món ăn nhẹ lành mạnh hoặc bổ sung dinh dưỡng cho món salad hoặc món ăn phụ. Đối với những người ăn kiêng dựa trên chế độ ăn thực vật hoặc thuần chay, sữa hạnh nhân cung cấp canxi và một số khoáng chất nhất định. CÁC LOẠI HẠT Các loại hạt như hạt chia, hạt vừng, hạt hướng dương là nguồn cung cấp canxi dồi dào cho cơ thể. Một chén nhỏ các loại hạt (khoảng 80g) cung cấp cho bạn khoảng 8% nhu cầu canxi hằng ngày. Không chỉ có hàm lượng canxi dồi dào, các loại hạt còn bổ sung protein, chất béo lành mạnh và các khoáng chất khác cho cơ thể như sắt, đồng, mangan… CÀ CHUA NẤU CHÍN CHỨA NHIỀU CANXI HƠN CÀ CHUA TƯƠI Chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi biết cà chua nấu chín là một nguồn cung cấp canxi tuyệt vời. Cà chua tươi cũng có một số lượng canxi nhất định, nhưng quá trình nấu ăn sẽ tập trung lượng khoáng chất, giúp cung cấp nhiều canxi hơn một khẩu phần. Một chén cà chua nấu chín đã chứa gần 10% nhu cầu canxi hằng ngày của bạn. Chúng cũng chứa nhiều kali và sắt, ngoài ra chúng còn giàu vitamin A và C.
Th 02
Loãng xương là tình trạng xảy ra khi xương mất đi lượng canxi nhanh hơn mức mà chúng ta nạp vào, từ đó khiến xương trở nên kém đặc và dễ gãy hơn. Bệnh lý này có thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng thường gặp nhất là ở người lớn tuổi. Vậy nguyên nhân của bệnh loãng xương ở người già là do đâu? 1.NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNH LOÃNG XƯƠNG Ở NGƯỜI GIÀ Loãng xương là bệnh phổ biến ở người lớn tuổi, nhất là phụ nữ trung niên và cao tuổi. Đa phần, nguyên nhân của bệnh loãng xương ở người già có thể do: SỰ THAY ĐỔI CỦA HORMONE Càng lớn tuổi thì nguy cơ loãng xương càng cao và nguyên nhân có thể là do sự suy giảm của nội tiết tố trong cơ thể. Ở phụ nữ, nồng độ hormone estrogen suy giảm trong giai đoạn mãn kinh là một trong những yếu tố nguy cơ mạnh mẽ nhất gây bệnh loãng xương. Ở nam giới, nguy cơ loãng xương thường thấp hơn nhưng sự suy giảm của hormone testosterone trong thời gian mãn dục cũng có thể làm giảm mật độ xương và làm tăng nguy cơ loãng xương. CHẾ ĐỘ SINH HOẠT VÀ ĂN UỐNG Ngoài nguyên nhân đến từ sự suy giảm nội tiết tố do tuổi tác, bệnh loãng xương ở người già còn có thể xảy ra nếu người lớn tuổi bổ sung quá ít vitamin D cho cơ thể. Việc thiếu hụt vitamin D có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi, 1 dưỡng chất cần thiết trong việc duy trì mật độ xương. Điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh loãng xương ở người lớn tuổi do mật độ xương bị giảm dần, gây ra tình trạng mất xương sớm và tăng nguy cơ gãy xương. Bên cạnh đó, người già hay bị loãng xương cũng có thể là do ít vận động và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Khi tiếp xúc với ánh nắng, tia UVB trong ánh nắng sẽ giúp cơ thể tạo ra vitamin D. Nếu người lớn tuổi ít ra ngoài và ít có cơ hội tiếp xúc với ánh nắng sẽ có nguy cơ thiếu hụt vitamin D, từ đó dẫn đến thiếu hụt canxi và làm tăng nguy cơ loãng xương. SỬ DỤNG THUỐC VÀ MỘT SỐ BỆNH LÝ Nguyên nhân bệnh loãng xương ở người già còn có thể do việc sử dụng lâu dài một số loại thuốc như corticosteroid uống hoặc tiêm để điều trị hen suyễn, viêm khớp, lupus, dị ứng,... Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh động kinh, trào ngược dạ dày, ung thư… cũng làm hạ canxi máu. YẾU TỐ NGUY CƠ NGOÀI TẦM KIỂM SOÁT, KHÔNG THAY ĐỔI ĐƯỢC Ngoài các nguyên nhân kể trên, còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương như: Giới tính Chủng tộc Tiền sử gia đình Kích thước cơ thể 2.TRIỆU CHỨNG VÀ HẬU QUẢ CỦA BỆNH LOÃNG XƯƠNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI Hầu hết người cao tuổi sẽ không nhận ra mình bị loãng xương cho đến khi bị gãy xương. Loãng xương là bệnh thường không có dấu hiệu rõ rệt trong giai đoạn đầu, vì thế nó thường được gọi là “căn bệnh thầm lặng”. Tuy nhiên một số triệu chứng thông thường có thể “cảnh báo” cho bạn biết là: Mệt mỏi Ăn uống kém Nhức xương Khi bệnh càng tiến triển, những triệu chứng trên ngày càng trở nặng và kéo theo các vấn đề như: Đau lưng, đau chân tay, các khớp và mỏi hai hông, đặc biệt là các khớp xương chịu lực mạnh như xương sống, khớp gối, khớp cổ chân, khớp háng và các xương dài như xương đùi, xương cẳng chân, xương cánh tay, cẳng tay, đốt sống thắt lưng. Dễ bị gãy xương do bị ngã, vấp… Thường bị chuột rút Mất chiều cao dần theo thời gian và bị còng lưng Xương dễ gãy Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, loãng xương ở người cao tuổi có thể dẫn đến tình trạng rạn xương, nứt vỡ hoặc gãy xương, nhất là cột sống và hông. Từ đó, có thể dẫn đến tàn tật và nghiêm trọng hơn là tử vong. 3.LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG NGỪA LOÃNG XƯƠNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI? DUY TRÌ CHẾ ĐỘ ĂN KHOA HỌC VỚI CÁC THỰC PHẨM TỐT CHO XƯƠNG Khi nhắc đến thực phẩm tốt cho xương, mọi người sẽ thường nghĩ đến các thực phẩm giàu canxi - tuy nhiên thế là chưa đủ. Canxi là chất giúp xây dựng và duy trì xương trong khi vitamin D lại giúp hấp thụ canxi một cách hiệu quả. Vì vậy, nếu bạn bổ sung đủ canxi nhưng lại bở lơ vitamin D thì vẫn sẽ có nguy cơ thiếu hụt và dẫn đến loãng xương. Do đó, một chế độ ăn khoa học với đầy đủ vitamin và khoáng chất - nhất là vitamin D - sẽ giúp sức khỏe xương của người cao tuổi được củng cố. Không như canxi, vitamin D chỉ nằm trong một số thực phẩm như: Các loại cá béo Dầu gan cá Các loại sữa như sữa tươi, sữa chua… Ngũ cốc (tùy nhãn hiệu) Thông thường, một khẩu phần của những loại thực phẩm này chỉ chiếm khoảng 20% giá trị vitamin D nên bổ sung hằng ngày so với mức trung bình (khoảng 700 IU). Tuy nhiên, tuổi càng cao thì khả năng hấp thụ vitamin và khoáng chất sẽ bị giảm sút. Do đó, nếu chỉ bổ sung vitamin D qua chế độ ăn thì người lớn tuổi có thể khó nhận đủ lượng vitamin D cần thiết để giúp xương chắc khỏe. TẬP THỂ DỤC, VẬN ĐỘNG MỖI NGÀY KẾT HỢP VỚI VIỆC TIẾP XÚC ÁNH NẮNG MẶT TRỜI Tuổi tác càng cao, khối lượng xương và cơ sẽ mất đi nhanh hơn, vì vậy việc tập thể dục càng trở nên quan trọng. Tập thể dục sẽ giúp bạn xây dựng xương chắc khỏe và làm chậm quá trình mất xương. Một số bài tập phù hợp với người lớn tuổi, giúp cải thiện sự cân bằng, tư thế, sự phối hợp và sức mạnh cơ bắp như: Đi bộ hoặc chạy bộ nhẹ nhàng Đạp xe Yoga Thái cực quyền Ngoài ra, vì vitamin D là loại “vitamin mặt trời” nên hãy dành ra một khoảng thời gian để phơi nắng hằng ngày. Người lớn tuổi nên dành ra ít nhất 5-30 phút mỗi ngày để phơi nắng (hoặc tối thiểu 2 ngày/ tuần) trong khoảng 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều để nhận đủ lượng vitamin D cần thiết. Lưu ý không dùng kem chống nắng khi phơi nắng. XÂY DỰNG LỐI SỐNG LÀNH MẠNH Song song với chế độ ăn, tập luyện, để phòng ngừa loãng xương, người lớn tuổi cần xây dựng một lối sống lành mạnh với một số thói quen tốt như: Tránh hút thuốc Hạn chế uống rượu Hạn chế dùng thực phẩm chứa caffeine Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần hoặc theo lời hẹn của bác sĩ. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người cao tuổi tránh được các hậu quả của bệnh loãng xương.
Th 02
Cao huyết áp là bệnh đồng mắc thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường với tỷ lệ cao gấp 2 lần so với những người có đường huyết khỏe mạnh. Theo các nghiên cứu gần đây, sữa và các sản phẩm từ sữa đem lại một số lợi ích nhất định trong việc kiểm soát đường huyết và huyết áp. Vậy lựa chọn sữa dành cho người tiểu đường và người cao huyết áp cần lưu ý điều gì và dùng loại nào tốt? 1.MỐI LIÊN HỆ GIỮA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG VÀ CAO HUYẾT ÁP Cao huyết áp và tiểu đường tuýp 2 là những bệnh lý mãn tính đồng mắc rất phổ biến. Tỷ lệ tăng huyết áp ở bệnh nhân tiểu đường cao gấp đôi so với những người không mắc. Bên cạnh đó, bệnh nhân tăng huyết áp thường có biểu hiện kháng insulin và có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn so với những người có huyết áp bình thường. Nguyên nhân chính gây biến chứng và tử vong ở người bệnh tiểu đường là bệnh tim mạch, tăng huyết áp góp phần làm bệnh tim mạch trầm trọng hơn. Theo đó, bệnh tiểu đường và tăng huyết áp có mối liên hệ chặt chẽ với nhau do các yếu tố nguy cơ tương tự nhau, chẳng hạn như rối loạn chức năng nội mô, viêm mạch máu, tái cấu trúc động mạch, xơ vữa động mạch, rối loạn lipid máu và béo phì. Ngoài ra, các biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường và tăng huyết áp trên mạch máu lớn và mạch máu nhỏ cũng tương đồng nhau. Để kiểm soát tiểu đường và cao huyết áp, cần nhiều biện pháp điều trị kết hợp. Ngoài tuân thủ việc dùng thuốc, xây dựng chế độ ăn uống khoa học cũng rất quan trọng. Với người huyết áp cao, các chuyên gia đề nghị chế độ ăn DASH. Còn ở người mắc bệnh tiểu đường sẽ cần kiểm soát lượng carbohydrate tiêu thụ. Cuối cùng, cả hai đối tượng này đều cần bổ sung dinh dưỡng bằng cách dùng sữa dành cho người tiểu đường và người cao huyết áp. 2.LỢI ÍCH CỦA SỮA DÀNH CHO NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG VÀ CAO HUYẾT ÁP Sữa là một nguồn dinh dưỡng cực kỳ tốt trong bữa ăn hằng ngày. Sữa cung cấp protein chất lượng cao cũng như nhiều loại vitamin và khoáng chất thiết yếu, bao gồm canxi, magie, kali, kẽm, photpho và vitamin A, D, B2, B12… Các nhà khoa học cho rằng các thành phần dành cho người tiểu đường và cao huyết áp trong sữa mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể có thể kể đến như: Protein trong sữa làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày và tăng cường phản ứng incretin - insulin, giúp mức đường huyết sau ăn thấp hơn đồng thời giúp người bệnh tiểu đường giảm cảm giác thèm ăn trong ngày. Vitamin D, canxi, và protein trong sữa giúp chống lại tình trạng loãng xương thường gặp ở những bệnh nhân tiểu đường. Hàm lượng canxi và vitamin D trong thực phẩm từ sữa có thể có lợi đối với quá trình chuyển hóa glucose và hệ thống renin/ angiotensin (hệ thống điều hòa huyết áp) cũng như điều chỉnh trọng lượng cơ thể. Peptide và các khoáng chất như canxi, kali, magie trong sữa giúp hạ huyết áp theo nhiều cơ chế. 3.MỘT SỐ LOẠI SỮA DÀNH CHO NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG VÀ CAO HUYẾT ÁP Tuy đem lại nhiều lợi ích nhưng không phải tất cả các loại sữa đều tốt cho người tiểu đường và cao huyết áp. Có một số tiêu chí lựa chọn sữa cho người tiểu đường như: Sữa có chỉ số đường huyết GI thấp: <_55. Sữa không đường, tách béo. Nên dùng các loại sữa hạt. Đối với người cao huyết áp, việc lựa chọn sữa nên tuân thủ theo chế độ ăn DASH: Nhiều thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như trái cây, rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt. Nhiều thực phẩm giàu đạm như cá, thịt gia cầm, sữa tách béo, các loại đậu. Hạn chế muối, đường, chất béo không lành mạnh. Theo DASH, người bệnh được khuyến cáo tiêu thụ 2-3 khẩu phần sản phẩm sữa ít béo mỗi ngày.
Th 02
Với nguồn dinh dưỡng dồi dào, sữa có thể được bổ sung vào chế độ ăn uống hằng ngày của nhiều người. Việc biết được thời điểm uống sữa tốt nhất cho từng nhóm đối tượng và nhu cầu của cơ thể sẽ giúp bạn nhận được lợi ích tối đa từ sữa. Sữa là một nguồn dinh dưỡng bổ sung phổ biến được sử dụng để hỗ trợ sự tăng trưởng và sức khỏe tổng thể. Loại sữa thường được sử dụng với nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe là sữa bò nhưng người không dung nạp lactose có thể lựa chọn các nguồn sữa thay thế khác như sữa hạt (sữa hạnh nhân, mắc ca, óc chó, sữa gạo…). Thế nhưng bạn đã biết thời điểm nào uống sữa tốt nhất là khi nào để phát huy tối đa lợi ích mà sữa mang lại chưa? Hãy cùng Hadu Pharma tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!! 1.LỢI ÍCH CỦA SỮA ĐỐI VỚI SỨC KHỎE Trong sữa bò nguyên chất có chứa khoảng 87% nước, 13% còn lại gồm protein, chất béo, carbohydrate, các vitamin và khoáng chất. Các công nghệ chế biến sữa hiện nay có thể tách loại bỏ phần chất béo để cho ra loại sữa ít béo hơn với các “nhãn quảng cáo” như sữa ít béo, sữa tách béo, sữa gầy… Ngoài ra, trong sữa bò còn có chứa hormone như yếu tố tăng trưởng giống insulin, estrogen, progestin vì bò thường được vắt sữa trong lúc mang thai. Các nghiên cứu về lợi ích của sữa thường đưa ra nhiều kết quả khác nhau. Nguyên nhân của điều này có thể do ảnh hưởng từ chất lượng dinh dưỡng không giống nhau của các loại sữa tùy vào giống bò và thức ăn của chúng, cách đo lượng hấp thu, các yếu tố ảnh hưởng khác trong chế độ ăn uống. Nhưng nhìn chung các lợi ích của sữa đối với sức khỏe thường bao gồm: Sữa và bệnh tim mạch: Mối liên hệ giữa sữa và bệnh tim mạch vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Sữa nguyên chất với lượng chất béo bão hòa cao được cho là làm tăng cholesterol toàn phần, kể cả cholesterol tốt HDL và cholesterol xấu LDL. Tuy nhiên, các khoáng chất trong sữa như canxi và kali lại giúp kiểm soát được huyết áp. Đối với sức khỏe của xương: Sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe của xương như canxi, photpho, vitamin D và protein. Thế nhưng, mối liên quan giữa lượng sữa tiêu thụ với tỷ lệ giảm gãy xương vẫn chưa được chứng minh. Được biết thói quen uống nhiều sữa sẽ có xu hướng giúp gia tăng chiều cao nhưng những người cao hơn lại dễ bị gãy xương hông và các loại xương khác, nhất là ở nam giới. Kiểm soát cân nặng: Một nghiên cứu nhận thấy chất béo trong sữa không liên quan đến việc tăng cân nếu tiêu thụ nhiều sữa ít béo (hơn 3 khẩu phần mỗi ngày) thì có thể khiến tăng cân và có chỉ số khối cơ thể BMI cao hơn do lượng calo dư thừa nạp vào cơ thể. Đối với những người dị ứng sữa bò hoặc không dung nạp lactose có thể sử dụng sữa có nguồn gốc từ thực vật như các loại sữa hạt, sữa đậu nành, sữa gạo… Sữa từ thực vật không có cholesterol và hầu như rất ít chất béo bão hòa nhưng hàm lượng các chất dinh dưỡng khác cũng không giống với sữa bò. Thế nên, bạn cần đọc kỹ nhãn thực phẩm trước khi lựa chọn mua dùng để đảm bảo bổ sung đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Và để nhận được lợi ích tối đa từ các chất trong sữa, bạn còn cần biết uống sữa vào thời điểm nào là tốt nhất. 2.GIẢI ĐÁP THỜI ĐIỂM UỐNG SỮA TỐT NHẤT LÀ KHI NÀO? Tùy vào từng đối tượng, mục đích của việc uống sữa và loại sữa mà sẽ có những thời điểm uống sữa phù hợp để bạn “thu được” nhiều lợi ích từ sữa nhất có thể. NGƯỜI LỚN UỐNG SỮA VÀO THỜI ĐIỂM NÀO LÀ TỐT NHẤT? Có hai luồng ý kiến về thời điểm uống sữa tốt nhất tùy theo mục đích. Cụ thể: Với những người muốn cơ thể săn chắc và tăng khối lượng cơ thì nên uống sữa vào buổi sáng. Với những người muốn giảm cân hoặc ngủ ngon thì hãy uống sữa vào buổi tối. Thông thường việc uống sữa vào buổi sáng có thể gây khó tiêu và tạo cảm giác nặng nề, uể oải cả ngày nên họ tin rằng uống sữa vào buổi tối trước khi đi ngủ là thời điểm tốt nhất. Ngoài ra, một số thời điểm uống sữa cho từng mục đích khác nhau theo các nghiên cứu hiện đại mà bạn có thể tham khảo như sau: Để giảm cân và tăng cơ: Sữa là một nguồn cung cấp nhiều protein có thể hỗ trợ quá trình giảm cân bằng việc cải thiện quá trình trao đổi chất và gia tăng cảm giác no sau khi uống, từ đó hạn chế việc tiêu thụ thêm calo. Thời điểm uống sữa được cho là giúp hỗ trợ phát triển cơ và giảm cân tốt nhất là sau khi tập thể dục xong. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý rằng nếu uống quá nhiều sữa có thể khiến tăng cân do dư thừa lượng calo tiêu thụ. Bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe chung: Sữa cung cấp rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nên bạn có thể uống một ly trong bữa ăn để dễ dàng bổ sung dưỡng chất vào chế độ ăn uống. Dù vậy, thời điểm cụ thể để uống sữa giúp đem đến lợi ích cho sức khỏe nói chung vẫn chưa được khuyến cáo bởi nghiên cứu nào. Thời điểm uống sữa tốt nhất để có giấc ngủ ngon: Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ khoảng 2 giờ có thể giúp bạn ngủ ngon hơn. Sữa giúp bổ sung axit amin tryptophan và nguồn protein dồi dào được cho là sẽ kích thích não sản sinh ra các hormone gây buồn ngủ serotonin cùng melatonin. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu khoa học nào xác nhận về lượng tryptophan trong một cốc sữa giúp sản sinh đủ lượng serotonin và melatonin gây buồn ngủ. Dù vậy, nhiều người vẫn cảm thấy thư giãn và thích tận hưởng một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ và cảm thấy hiệu quả. Lưu ý không uống sữa sát giờ đi ngủ tránh tiểu đêm bạn nhé. THỜI ĐIỂM UỐNG SỮA BẦU TỐT NHẤT “Uống sữa bầu vào thời điểm nào tốt nhất?” là điều mà nhiều phụ nữ mang thai quan tâm tìm hiểu để có thể nhận được đầy đủ lợi ích từ sữa. Thời điểm được cho là tốt nhất để uống sữa bầu là sau khi ăn tối 2-3 giờ hoặc trước khi ngủ 30 phút. Việc bổ sung sữa bầu là cần thiết cho phụ nữ mang thai, do đó hãy cố gắng uống ít nhất 2 cốc mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu bạn bị ốm nghén nặng không thể uống sữa hoặc không dung nạp lactose thì có thể không cần uống sữa bầu. Tuy nhiên, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn về chế độ ăn uống khi mang thai nhằm đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết. THỜI ĐIỂM UỐNG SỮA TỐT NHẤT CHO TRẺ Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa mẹ luôn là nguồn sữa tốt nhất để nuôi dưỡng trẻ. Những giọt sữa đầu tiên mà phần lớn những đứa trẻ vừa chào đời được bú là sữa non của mẹ. Sữa non rất giàu năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt chứa các kháng thể giúp xây dựng nên hệ miễn dịch đầu đời. Vậy trẻ sơ sinh uống sữa non vào thời điểm nào tốt nhất? Để tối ưu khả năng miễn dịch, trẻ nên được bú sữa non càng sớm càng tốt sau khi sinh, nhất là trong vòng 2 giờ đầu. Tuy nhiên, theo khuyến cáo chung thì thời điểm lý tưởng cho trẻ uống sữa non là khoảng 6 giờ sau khi sinh. Đến độ tuổi biết đi, trẻ có thể uống thêm sữa bò để cung cấp canxi và vitamin D nhằm giúp xương chắc khỏe. Hầu hết trẻ dưới 2 tuổi nên uống sữa nguyên chất. Nếu trẻ bị thừa cân hoặc gia đình có tiền sử béo phì, cholesterol cao hoặc các vấn đề về tim mạch thì bác sĩ có thể khuyên dùng sữa ít béo. Trường hợp trẻ không uống được sữa bò, hãy lựa chọn thay thế bằng sữa đậu nành có bổ sung thêm canxi và vitamin D. Trẻ từ 1 tuổi cho đến hết độ tuổi dậy thì có khả năng hấp thu và cần bổ sung nhiều dưỡng chất để phát triển thể chất và khi đó sữa là nguồn thực phẩm bổ sung cần thiết. Thời điểm uống sữa tốt nhất cho trẻ giúp tăng trưởng chiều cao và sức khỏe xương tối đa là vào buổi sáng khi bắt đầu ngày mới và buổi tối trước khi ngủ. Môt cốc sữa vào buổi sáng sẽ bổ sung lượng calo lớn và các chất dinh dưỡng như canxi, photpho, vitamin và khoáng chất giúp trẻ có năng lượng hoạt động về tư duy, nhận thức cũng như thể chất trong cả ngày. Buổi tối, uống sữa trước khi đi ngủ khoảng 2 giờ sẽ hỗ trợ cơ thể hấp thu canxi tốt nhất, đồng thời giúp trẻ ngủ ngon và sâu giấc hơn. Trẻ dưới 1 tuổi không nên uống sữa bò do lượng protein và khoáng chất trong sữa bò nhiều sẽ khiến hệ tiêu hóa quá tải. Bên cạnh đó, thận cũng bị kích thích để hoạt động gấp đôi dẫn đến nguy cơ mất nước và suy thận. Dạ dày, ruột hoạt động quá sức có nguy cơ bị viêm loét và gây ra nhiều triệu chứng ở trẻ như táo bón, khó tiêu, chán ăn. Ngoài ra, trong sữa bò không có đủ lượng sắt cần thiết cho trẻ, làm tăng nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt. UỐNG SỮA HẠT VÀO THỜI ĐIỂM NÀO LÀ TỐT NHẤT? Các loại sữa hạt thường được lựa chọn để thay thế ở những người không uống sữa bò hoặc theo chế độ ăn chay. Tuy nhiên người trưởng thành ngày nay có xu hướng chuyển sang uống sữa hạt (như sữa hạt hạnh nhân, điều, macca, hạt sen…) nhiều hơn vì nó có chứa lượng chất béo lành mạnh cao hơn. Đừng quên hãy chú ý đến lượng đường có trong sữa, hạn chế mức dưới 10g/ khẩu phần. Nếu muốn bổ sung thêm dưỡng chất, bạn có thể tìm mua các sản phẩm sữa hạt được bổ sung thêm vitamin D và canxi. Về việc uống sữa hạt vào thời điểm nào là tốt nhất thì hiện chưa có thông tin khuyến cáo nào được đưa ra. Bạn có thể uống sữa hạt vào các thời điểm cần bổ sung năng lượng trong ngày hoặc tương tự như khi dùng sữa bò. 3.NHỮNG AI NÊN HẠN CHẾ UỐNG SỮA? Ngoài việc nên tìm lời giải đáp cho thắc mắc “thời điểm uống sữa tốt nhất là khi nào?” thì nhiều người cũng quan tâm đến việc những ai nên hạn chế uống sữa để tránh lợi bất cập hại. Bởi thực tế cho thấy rằng sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng phù hợp để dùng. Theo các chuyên gia sức khỏe, một số người cần hạn chế uống sữa bò hoặc tìm các nguồn sữa thay thế khác, bao gồm: Người không dung nạp lactose hoặc dị ứng với bất kỳ sản phẩm nào từ sữa bò: những người này khi uống sữa bò có thể gặp phải nhiều vấn đề về tiêu hóa như khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng hoặc tiêu chảy. Người bệnh đái tháo đường hoặc kiểm soát lượng đường trong máu kém: Trong sữa bò có chứa đường lactose và có khả năng góp phần làm tăng lượng đường trong máu. Sữa có nguồn gốc thực vật như các loại sữa hạt sẽ là lựa chọn thay thế thích hợp cho các trường hợp trên. Tuy nhiên, bạn vẫn cần kiểm tra nhãn thành phần để tránh các sản phẩm có chứa đường hoặc phụ gia không cần thiết. Nhìn chung, chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy một thời điểm uống sữa tốt nhất cho sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, tùy vào nhu cầu khi uống sữa bổ sung mà có các thời điểm phù hợp như được giới thiệu trong bài viết.