Để có nhiều sữa cho con bú, bà mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và lối sống hằng ngày. Tham khảo một số thực phẩm và những lưu ý giúp tăng cường sản xuất sữa mẹ.
Trong thời gian cho con bú, người mẹ cần tăng cường các chất dinh dưỡng cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và đáp ứng đủ nhu cầu dưỡng chất qua nguồn sữa mẹ cho trẻ. Các bà mẹ cho con bú thường cần nhiều calo hơn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khi cho con bú.
Sau sinh, phần lớn những bà mẹ cần từ 1.800-2.200 calo mỗi ngày và hơn 500 calo nữa (tương đương 3 chén cơm mỗi ngày) nếu cho con bú sữa mẹ. Trường hợp bà mẹ thiếu cân hoặc sinh nhiều hơn 1 con, thì con số thậm chí còn phải hơn nữa.
1.NHỮNG THỰC PHẨM THÚC ĐẨY SẢN XUẤT SỮA MẸ
Nhiều loại rau, ngũ cốc nguyên hạt, thảo dược chứa nhiều estrogen thực vật và các hợp chất khác góp phần làm tăng nguồn sữa mẹ quý giá. Chúng được gọi là galactagogues. Những bà mẹ mới sinh ở nhiều nền văn hóa đã sử dụng những thực phẩm này trong nhiều thế kỷ để hỗ trợ cơ thể sản xuất prolactin, tối ưu hóa việc cho con bú. Prolactin là hormon có nhiệm vụ chủ yếu là sản sinh và làm tăng lượng sữa mẹ.
Một số galactogogues phổ biến bao gồm:
- Ngũ cốc nguyên hạt, đặc biệt là lúa mạch và yến mạch.
- Thực phẩm giàu protein như cá, thịt gà, thịt hoặc đậu phụ.
- Các loại đậu như đậu xanh và đậu lăng.
- Các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau bina và rau ngót.
- Hạt thì là.
- Quả hạch.
- Mầm cỏ linh lăng.
- Hạt cỏ cari.
- Hạt mè.
- Hạt lanh.
- Men bia.
- Mật mía đen.
Nhiều bà mẹ đang cho con bú tin tưởng những thực phẩm này mặc dù hiện chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh lợi ích của chúng đối với sữa mẹ. Tuy nhiên, tất cả những thứ này đều là những lựa chọn bổ dưỡng khi kết hợp chúng vào chế độ ăn uống của mẹ sau sinh.
Ngoài thực phẩm galactagogue, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh thực sự là cách tốt nhất để hỗ trợ nguồn sữa tốt cho sức khỏe. Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp mẹ nhanh chóng phục hồi sức khỏe và có thêm năng lượng để chăm sóc những em bé mới chào đời.
Hãy đảm bảo đầy đủ những loại thực phẩm này trong thực đơn cả tuần:
- Trái cây
- Rau củ
- Ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, gạo lứt, quinoa, lúa mạch)
- Protein (trứng, sữa chua Hy Lạp, đậu phụ, thịt gà, cá có hàm lượng thủy ngân thấp như cá hồi, thịt bò nạc)
- Chất béo lành mạnh (các loại hạt, dầu oliu, bơ)
2.BÀ MẸ NÊN UỐNG GÌ ĐỂ TĂNG NGUỒN SỮA
Cho con bú nhu cầu nước sẽ cao hơn, mẹ sẽ cần uống nhiều hơn ít nhất 700ml mỗi ngày so với những người không cho con bú để thay thế chất lỏng được sử dụng khi cho con bú. Mẹ nên bổ sung nước hằng ngày ở dạng sữa, nước, nước trái cây và các loại đồ uống khác. Tuy nhiên, nước tinh khiết là nguồn chất lỏng tốt nhất cho sữa mẹ. Mẹ cho con bú cũng nên tránh uống rượu, hạn chế đồ uống có chứa caffeine như trà đặc, cà phê và nước ngọt có gas.
Sữa mẹ có 87% là nước, vì vậy việc uống đủ chất lỏng để hỗ trợ sản xuất sữa mẹ là rất quan trọng. Nếu người mẹ thấy mình khát hơn bình thường khi cho con bú, đó là cách cơ thể báo hiệu nên uống nhiều nước hơn.
Các bà mẹ đang cho con bú cần khoảng 13 cốc chất lỏng mỗi ngày, vì vậy hãy đảm bảo luôn để chai nước bên mình. Ngoài nước, sữa thực vật và nước trái cây cũng là những lựa chọn tốt. Chúng vừa có tác dụng dưỡng ẩm vừa cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng mà cơ thể cần. Các loại trả thảo dược nóng hoặc đá không chứa caffeine có thể góp phần vào mục tiêu bổ sung chất lỏng hằng ngày của mẹ.
Bà mẹ có thể sử dụng các loại trà thảo dược có chứa các chất kích thích có tiết sữa như cỏ cà ri, gừng, thì là, chè vằng và các loại thảo mộc khác được cho là có tác dụng tăng nguồn sữa. Trà cho con bú hầu hết là an toàn nhưng nên kiểm tra với bác sĩ để đảm bảo các thành phần không tương tác với bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào.
3.NHỮNG THỰC PHẨM MẸ CHO CON BÚ NÊN TRÁNH
Bà mẹ sau sinh không nên kiêng khem quá mức nhưng việc ăn hoặc uống những thực phẩm chứa calo rỗng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, và có nguy cơ giảm lượng sữa mẹ. Tốt nhất nên hạn chế những thực phẩm, đồ uống có chứa nhiều calo nhưng ít dinh dưỡng sau đây:
- Đồ ăn nhẹ như khoai tây chiên.
- Món tráng miệng và đồ ngọt như bánh ngọt hoặc bánh quy.
- Thức ăn nhanh như bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên và pizza.
- Soda hoặc nước ngọt có đường.
Hãy nhớ rằng những gì mẹ ăn và uống sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ của em bé qua sữa mẹ. Do đó mẹ nên hạn chế uống rượu và các chất có cồn, hoặc chất gây kích thích thần kinh khác. Hạn chế đồ uống giàu cafein như cà phê hoặc trà thông thường. Quá nhiều caffeine có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ hoặc bé, dẫn đến khó chịu và quấy khóc ở một số trẻ.
Các loại thức ăn, đồ uống mà bà mẹ đang cho con bú nên tránh là cá có hàm lượng thủy ngân cao, người mẹ hoặc người chăm sóc sản phụ cũng cần biết nên ăn các loại hải sản nào vì không phải bất cứ loại hải sản nào cũng nên ăn khi cho con bú. Không nên dùng caffeine, rượu bia và sữa bò (nếu trẻ bị dị ứng với sữa bò vì đạm sữa bò được hấp thụ vào sữa mẹ).
Lưu ý, các loại rau họ cải như bông cải xanh, bắp cải và súp lơ trắng có thể gây đầy hơi nhưng chúng không có khả năng gây ra điều tương tự cho em bé qua nguồn sữa mẹ. Nếu lo lắng rằng thực phẩm mình ăn ảnh hưởng đến em bé, hãy tránh những thực phẩm có thể gây khó chịu trong vài ngày để đánh giá. Người mẹ có thể thử ăn lại khi đường tiêu hóa của bé hoàn thiện hơn.
Ngoài ra, bà mẹ cho con bú cần được nghỉ ngơi đầy đủ giúp cơ thể phục hồi và sản xuất sữa hiệu quả hơn. Tránh stress, căng thẳng để không bị ảnh hưởng đến lượng sữa bằng cách thư giãn. Nếu mẹ có bất kỳ thắc mắc nào về lượng sữa, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể hơn.